Kim tự tháp của người Hy Lạp cổ đại
Cho đến nay, rất ít người biết đến sự tồn tại của các kim tự tháp, hay những công trình kiến trúc có dạng hình chóp ở Hy Lạp. Câu chuyện về chúng vừa độc đáo vừa hấp dẫn, như một minh chứng cho sự sáng tạo và kỹ thuật vượt trội của người Hy Lạp thời cổ đại.
Khi nhắc tới “kim tự tháp”, chúng ta ngay lập tức nghĩ đến Ai Cập. Đại kim tự tháp Giza (Ai Cập) là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của thế giới cổ đại. Tuy nhiên, có những kim tự tháp khác nằm rải rác trên khắp thế giới, ở châu Mỹ, châu Âu, châu Á và Ấn Độ. Điều mà nhiều người không nhận ra là người Hy Lạp cổ đại đã xây dựng các kim tự tháp cùng thời điểm hoặc thậm chí sớm hơn cả người Ai Cập.
Kim tự tháp của người Hy Lạp, còn được gọi là kim tự tháp Argolis, là những công trình kiến trúc cổ xưa nằm ở vùng đồng bằng Argolid của Hy Lạp và có niên đại cách đây khoảng 5.000 năm. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể đến Kim tự tháp Hellinikon và Kim tự tháp Lygourio.
Kim tự tháp Hellinikon
Có rất ít tài liệu viết về các kim tự tháp của người Hy Lạp. Trong tác phẩm “Description of Greece” (Mô tả Hy Lạp), nhà địa lý Pausanias sống ở thế kỷ thứ hai sau Công nguyên đã đề cập đến Kim tự tháp Hellinikon, khi ông mô tả một ngôi mộ dành cho những người lính đã chết trong trận chiến giành ngai vàng ở thành phố Argos.
Ông viết rằng: “Trên đường từ thành phố Argos đến Epidauria, ở phía bên phải là một công trình kiến trúc giống kim tự tháp. Bề mặt của nó được chạm khắc hình dạng những chiếc khiên. Nơi đây từng diễn ra cuộc chiến giành ngai vàng giữa Proetus và Acrisius. Cả hai sau đó đã hòa giải với nhau do không ai giành được chiến thắng quyết định. Trong trận chiến này, lần đầu tiên các chiến binh dùng khiên bảo vệ. Người ta đã xây một ngôi mộ chung dành cho những chiến binh hy sinh ở đây, vì họ là đồng bào và người thân”.
Năm 1937, nhà nghiên cứu L. Lord và các cộng sự tại Trường Khảo cổ học Hoa Kỳ đã tiến hành khai quật Kim tự tháp Hellinikon. Họ phát hiện một số mảnh gốm có niên đại vào thời kỳ Helladic II, phần sàn nhà của một hành lang dài, cửa ra vào và tàn tích còn sót lại của những bức tường.
Năm 1938, một đoàn thám hiểm và khảo cổ người Mỹ ước tính Kim tự tháp Hellinikon có niên đại vào năm 300–400 trước Công nguyên. Tuy nhiên đến năm 1991, nhóm nghiên cứu do giáo sư Ioannis Liritzis tại Học viện Athens đứng đầu đã sử dụng một phương pháp mới – gọi là phương pháp nhiệt phát quang – để xác định tuổi của kim tự tháp và đưa ra kết luận nó được xây dựng vào năm 3000 trước Công nguyên. Một nghiên cứu sau đó của Học viện Athens và Đại học Edinburgh (Scotland) đã hiệu chỉnh thời điểm xây dựng kim tự tháp vào năm 2720 trước Công nguyên.
Nếu đánh giá này là chính xác thì Kim tự tháp Hellinikon của người Hy Lạp thậm chí còn lâu đời hơn kim tự tháp bậc thang Zoser (Djoser) lâu đời nhất ở Ai Cập.
Kim tự tháp Hellinikon được làm từ đá vôi xám với kích thước đáy 7×9m, và chiều cao 3,5m. Các bức tường bên ngoài nghiêng một góc khoảng 60 độ. Lối vào chính của công trình nằm ở phía Đông, nhìn ra vịnh Argolid. Đây cũng là hướng nhìn thấy vị trí chòm sao Orion mọc trên bầu trời.
Mặc dù không thể sánh bằng quy mô của các kim tự tháp Ai Cập, nhưng công trình kiến trúc này có ý nghĩa quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về sự khởi đầu của nền văn minh ở Hy Lạp. Đây là một trong những bằng chứng cho thấy người Hy Lạp cổ đại đã có những kiến thức tiên tiến về xây dựng, kỹ thuật, cũng như thiên văn.
Kim tự tháp Lygourio
Lygourio là một kim tự tháp khác của người Hy Lạp, lớn hơn Kim tự tháp Helllinkon. Nó nằm ở khu vực phía Tây Bắc thị trấn Lygourio, ngay dưới chân núi Arachnaion. Kích thước đáy của nó khoảng 14×12m. Người ta xây dựng kim tự tháp này bằng các khối đá vôi vào thế kỷ 4 trước Công nguyên.
Bên trong Kim tự tháp Lygourio có bốn khu vực riêng biệt, ngăn cách nhau bằng những bức tường được xây từ những viên đá nhỏ hơn với kích thước không đồng đều. Ngày nay, kim tự tháp chỉ còn lại tàn tích ở phần đáy.
Nhiều người tin rằng Kim tự tháp Lygourio đóng vai trò như một đài tưởng niệm các chiến binh đã hy sinh trong trận chiến giữa Proitos và Akrisios. Tuy nhiên, mục đích sử dụng ban đầu của kim tự tháp có thể là một pháo đài quân sự, bởi vì vị trí của nó nằm ở gần con đường Argos-Epidaurus cổ đại, nơi cũng có rất nhiều pháo đài được xây dựng dọc theo tuyến đường.
Năm 1937, các nhà khảo cổ đã khai quật khu vực xung quanh Kim tự tháp Lygourio và phát hiện những mảnh gốm và đồng xu có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Một trận hỏa hoạn đã làm hư hại kim tự tháp vào thế kỷ 1 trước Công nguyên, và nó gần như bị phá hủy vào thế kỷ 4 hoặc 5 sau Công nguyên.
Ngoài Hellinikon và Lygourio, Hy Lạp có hơn 20 kim tự tháp khác được bảo tồn ít nguyên vẹn hơn, bao gồm Kim tự tháp Kambia, Kim tự tháp Amfio, Kim tự tháp Sikyon, Kim tự tháp Dalamanara và Kim tự tháp Viglafia. Việc xác định niên đại của các di tích này gặp nhiều khó khăn do thiếu các hiện vật và tư liệu lịch sử liên quan đến chúng.
Mối liên hệ với Ai Cập?
Một số nhà sử học đã cố gắng tìm ra những điểm tương đồng giữa kim tự tháp của người Hy Lạp với kim tự tháp của người Ai Cập cổ đại. Họ thậm chí còn cho rằng các kim tự tháp ở Hy Lạp được xây dựng để làm nơi canh gác cho lính đánh thuê Ai Cập, hoặc truyền thống xây kim tự tháp nhằm phục vụ mục đích chôn cất đã lan truyền từ Ai Cập đến Hy Lạp. Tuy nhiên, cho đến nay không có bằng chứng nào đủ thuyết phục để khẳng định lý thuyết này là đúng.
Một số lý thuyết khác ít phổ biến hơn cho rằng các kim tự tháp ở Hy Lạp chỉ đơn giản là nơi lưu trữ sản phẩm nông nghiệp, hoặc là nơi trú ẩn cho người dân trong thời chiến. Mặc dù trong tác phẩm “Description of Greece”, nhà địa lý Pausanias đã miêu tả các kim tự tháp như những ngôi mộ, nhưng chưa có ai tìm thấy bất kỳ hài cốt người nào bên trong.
Bá Lộc
Theo Ancient Origins
(Bài đăng ở Báo Khoa học và Phát triển số 45)