Làm khoa học vì yêu cầu của đất nước

Kết thúc bài phát biểu trong Lễ kỷ niệm 90 ngày sinh của GS. Lê Văn Thiêm tổ chức tại Viện toán ngày 28/3/2008, GS. Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán, đã dẫn câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Anh Lê Văn Thiêm qua đời càng làm nổi bật tầm vóc và sự cống hiến của nhà toán học và người chiến sỹ cộng sản Lê Văn Thiêm”.`

Sự thành danh của GS. Lê Văn Thiêm trên con đường vươn tới những đỉnh cao khoa học, theo GS. Hoàng Tụy, là cộng hưởng của ba yếu tố: niềm say mê toán học không dứt, tài năng thiên bẩm và mong muốn được cống hiến. Hội đủ cả ba tố chất đó khiến “ở tuổi 30, chàng trai đó nghiễm nhiên đã trở thành một bậc thầy toán học”(GS. Tạ Quang Bửu). Và thực tế, mới ở tuổi đời khoa học còn rất trẻ, nhưng chàng thanh niên Lê Văn Thiêm đã đưa ra lời giải đầu tiên cho Bài toán ngược của lý thuyết Nevanlina, một lý thuyết được coi là đẹp đẽ nhất của giải tích toán học đương đại. Không chỉ dừng lại ở việc chứng minh sự tồn tại nghiệm của bài toán ngược trong những tình huống tổng quát hơn so với công trình của Nevanlina, mà ông đã lần đầu tiên đưa công cụ ánh xạ á bảo giác và không gian Teichmuler vào việc giải bài toán ngược. Tư tưởng đó của GS. Lê Văn Thiêm đã được nhiều nhà toán học nổi tiếng khác như Goldberg, Weitsman, Drasin sử dụng để tiếp tục thu được những kết quả mới của bài toán này. Còn theo GS. Hà Huy Khoái, “Ngày nay, hầu như cuốn sách nào về hàm phân hình, khi nói đến lý thuyết Nevanlina, đều nhắc đến công trình đầu tiên của Lê Văn Thiêm. Không phải nhà khoa học nào đều có cái vinh dự được nhắc đến kết quả của mình hơn 60 năm sau”.
Đang sống trong tháp ngà khoa học, nhưng cách đó một phần tư vòng địa cầu là Tổ quốc đang rền vang tiếng súng của cuộc chiến tranh vệ quốc, theo tiếng gọi của Hồ Chủ Tịch, chàng thanh niên Lê Văn Thiêm đã chọn con đường về nước. Ở thời điểm “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước” một quyết định như thế quả là khó khăn. Có ý kiến cho rằng, nếu GS. Lê Văn Thiêm tiếp tục ở lại châu Âu thì có lẽ ông sẽ trở thành người đầu tiên giải trọn vẹn bài toán ngược Nevanlina, nhưng ông đã chọn con đường trở về mặc dù biết rằng vô vàn gian khổ đang chờ đón phía trước. Có lẽ, ông làm thế là bởi vì ở quê hương đang còn rất nhiều “bài toán ngược” cần giải quyết.
 

GS. Hoàng Tụy trao bằng khen và phần thưởng Lê Văn Thiêm cho học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Để “hóa giải” những “bài toán ngược” đó, theo yêu cầu của đất nước, ông chuyển từ nghiên cứu lý thuyết sang nghiên cứu toán ứng dụng-một công việc đối với ông còn…“lạ nước lạ cái”. Và rồi hàng loạt những yêu cầu thực tiễn cấp bách như sự bền vững của các đê, đập nước hay khử mặn đất ven biển; bảo đảm giao thông trong chiến tranh phá hoại…đã được giải quyết một cách hiệu quả thông qua bài toán thấm, bài toán nổ định hướng…Và, “đáng ngạc nhiên hơn cả, trong số những công trình đầu tiên của ông về toán ứng dụng có những công trình đã trở thành kinh điển” (GS. Hà Huy Khoái).
Năm 1991, GS. Lê Văn Thiêm ra đi trong lặng lẽ, để lại cho lớp hậu bối cả một di sản khoa học, và trên hết, ông đã trở thành tấm gương say mê khoa học, là hiện thân của người trí thức yêu nước trong thời đại mới như tâm sự của GS. Hoàng Tụy, “Hình ảnh anh Thiêm làm sống dậy trong tôi niềm mơ ước từ lâu, tạo cho tôi một niềm phấn khởi vô hạn trên con đường nghiên cứu khoa học”.

Đức Phường

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)