Lệnh cấm đánh bắt giúp rừng tảo bẹ phục hồi sau sóng nhiệt đại dương

Các cơn sóng nhiệt đại dương cực đoan mới xuất hiện trong khoảng một thập kỷ gần đây được dự báo là sẽ trở nên ngày một phổ biến vào cuối thế kỷ này, tại những vùng có tảo bẹ khổng lồ. 

Các khu rừng này có thể hấp thụ khí carbon dioxide từ lớp nước bề mặt và sản sinh oxy, cũng như cung cấp thức ăn và nơi cư trú cho vô số loài sinh vật biển như hải quỳ, bào ngư, rái cá biển và cá mú khổng lồ. Tuy nhiên, những dải rừng tảo bẹ lớn dọc bờ biển California đã chết dần trong những năm gần đây do các đợt sóng nhiệt đại dương dữ dội và sự bùng nổ của các quần thể nhím biển – loài sinh vật ăn tảo bẹ.

Hai nghiên cứu từ các nhà khoa học tại ĐH Stanford (Mỹ) cho thấy việc hạn chế đánh bắt trong các khu vực sinh sống của tảo bẹ giúp các khu rừng phục hồi và khiến hệ sinh thái của chúng chống chịu tốt hơn với sóng nhiệt đại dương – được dự báo sẽ trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu công bố trên Global Change Biology phát hiện độ phủ rừng tảo bẹ đã giảm liên tục ở bờ biển miền Nam và miền Trung California trong một đợt sóng nhiệt đại dương nghiêm trọng từ năm 2014 đến 2016. Trong năm năm sau đợt sóng nhiệt, các khu rừng tảo bẹ có khả năng phục hồi cao hơn ở các khu bảo tồn biển (MPA) – nơi tiểu bang này đã cấm đánh bắt ít nhất từ năm 2012. Tuy nhiên, ở những khu vực dù chỉ cho phép đánh bắt tối thiểu, các nhà nghiên cứu nhận thấy tảo bẹ phục hồi chỉ nhỉnh hơn một chút so với các khu vực không được bảo vệ hoàn toàn.

Lệnh cấm đánh bắt trong các MPA cho phép các loài săn mồi như cá sheephead California và tôm hùm gai phát triển mạnh và kiểm soát quần thể con mồi, bao gồm nhím biển. “Nhím biển ăn tảo bẹ, vì vậy việc bảo tồn những kẻ săn mồi của chúng gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của tảo bẹ”, tác giả chính của nghiên cứu, Joy Kumagai – nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành sinh học tại Trường Nhân văn và Khoa học Stanford – nói.

Cô cho biết thêm rằng phát hiện quan trọng nhất từ nghiên cứu mới là việc cấm đánh bắt ở một số vùng ven biển giúp rừng tảo bẹ chịu được nhiệt độ cực đoan bằng cách bảo tồn hoặc khôi phục “chuỗi tác động sinh thái”, nghĩa là các tác động gián tiếp của các loài săn mồi.

Khả năng chống chịu với các đợt sóng nhiệt kéo dài được cho là sẽ trở nên ngày càng quan trọng đối với sự sống còn của rừng tảo bẹ trong tương lai. Trong nghiên cứu thứ hai được công bố trên Nature Communications, Nur Arafeh-Dalmau, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Đại dương của Stanford, và các cộng sự dự đoán cường độ sóng nhiệt đại dương tại các khu vực sinh sống của rừng tảo bẹ trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040 so với mức trung bình hiện tại – bất kể nhân loại cắt giảm khí nhà kính như thế nào. 

Nghiên cứu cũng xem xét mức độ hoạt động đánh bắt được phép tại các khu vực sinh sống của tảo bẹ trên toàn thế giới. Trên toàn cầu, các chính phủ đã thiết lập MPA với lệnh cấm đánh bắt tại 13,7% khu sinh cảnh tảo bẹ – chủ yếu quanh các đảo xa xôi ở Nam Đại Dương – trong khi cho phép đánh bắt có kiểm soát tại 14,8% khu vực. Với chỉ 2,8% rừng tảo bẹ được bảo vệ hoàn toàn tại vùng nước không bao gồm đảo xa, kết quả cho thấy các khu rừng tảo bẹ gần bờ lục địa cần được bảo vệ nhiều hơn khỏi tác động của đánh bắt.

Trong số tất cả các vùng sinh thái được dự đoán rừng tảo bẹ bị sóng nhiệt đại dương đe dọa nghiêm trọng, chỉ có vùng ở California, từ Vùng Vịnh San Francisco về phía Nam đến biên giới Mỹ -Mexico áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đối với ít nhất 10% môi trường sống của tảo bẹ. Do đó, mạng lưới các MPA ở California là mô hình toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Bằng chứng mới này có thể đem lại thông tin cho các cuộc thảo luận về quản lý và thiết lập các MPA như một phần trong cam kết của 190 quốc gia nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và đại dương vào năm 2030. Nghiên cứu cho thấy “việc bảo tồn mạng lưới thực phẩm nguyên vẹn là quan trọng, nhưng tác động cần thời gian và yêu cầu bảo vệ trên quy mô lớn, cũng như việc giám sát dài hạn rộng khắp để phát hiện lợi ích sinh thái”, Arafeh-Dalmau cho biết.□

Trà My lược dịch

Nguồn: https://sustainability.stanford.edu/news/fishing-bans-protected-areas-help-kelp-forests-withstand-marine-heatwaves

Bài đăng Tia Sáng số 9/2025

Tác giả

(Visited 30 times, 30 visits today)