Liêm chính trong học thuật

Gần đây, hiện tượng “đạo văn” và “tham nhũng học thuật” đã nổi lên như một vấn nạn nghiêm trọng, tạo ra một hình ảnh rất không đẹp về nền giáo dục của Việt Nam. Làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Chúng tôi đặt câu hỏi trên cho GS Frances Hoffmann từ Connecticut College (Hoa Kỳ), học giả Fulbright tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm học 2009-2010. Câu trả lời của bà là đạo đức của một nhà khoa học cần phải được vun đắp lâu dài, chứ không thể là kết quả của một vài quy định hành chính. Và các giá trị đạo đức này cần được nhấn mạnh ngay từ khi một sinh viên mới bước chân vào trường đại học.

Để tạo điều kiện thảo luận về vấn đề này, chúng tôi đã tổ chức một buổi trao đổi giữa GS Hoffmann với các giảng viên trẻ của ĐHQG-HCM vào cuối tháng 5/2010 về chủ đề “Sự liêm chính học thuật: Nó là gì, tại sao nó quan trọng, và làm thế nào để khuyến khích điều này?” (Academic integrity: what is it, why is it important, and how to encourage it?) Bài viết dưới đây là bản tóm tắt những ý chính của buổi trao đổi nói trên, dựa trên phần chuẩn bị bằng tiếng Anh (file powerpoint) của GS Hoffmann.

Giá trị cốt lõi trong cuộc hành trình tri thức/chân lý
Trường đại học là cộng đồng nơi các giảng viên và sinh viên cùng nhau bước đi trong cuộc hành trình chân lý, và xét theo một nghĩa nào đó trường đại học cần được xem là một vùng đất thiêng liêng. Sự theo đuổi chân lý không đòi hỏi một chủ thuyết được áp đặt sẵn, mà là tinh thần khách quan không thiên vị, óc phân tích nghiêm nhặt và khoa học, và sự liêm chính học thuật.
Tri thức khoa học chỉ có thể tiến bộ khi công trình của các nhà khoa học được đưa ra công khai và được thẩm định thông qua quá trình đánh giá của đồng nghiệp (peer review), công bố kết quả trên các tạp chí chuyên ngành, và cung cấp đầy đủ thông tin về phương pháp tiến hành cũng như các nguồn thông tin sử dụng trong công trình.
Nêu rõ nguồn thông tin (full disclosure of sources) vừa là một yêu cầu về đạo đức, nó đòi hỏi nhà khoa học phải trung thực và thông báo cho cộng đồng khoa học về những người có đóng góp cho công trình, vừa là một yêu cầu thực tế vì nó giúp ích cho việc kiểm chứng những kết quả nghiên cứu khi cần.

Dối trá trong học thuật
Ngược lại với sự liêm chính là sự dối trá trong học thuật. Dối trá trong học thuật là điều không thể chấp nhận được đối với một nhà khoa học, vì “nó hủy hoại mối liên hệ được xây dựng trên sự tin cậy và tính trung thực giữa các thành viên của cộng đồng khoa học, và xét cho cùng nó chính là sự lừa đảo đối với công chúng, những người trông cậy vào tri thức và sự liêm chính của chúng ta [tức các nhà khoa học]”.1
Thế nào là dối trá trong học thuật? Dưới đây là một số ví dụ rút ra từ Bộ Luật ứng xử đạo đức dành cho sinh viên của trường Đại học Connecticut nơi tôi giảng dạy:
Trao đổi trái phép về nội dung của các bài thi hoặc bài tiểu luận cuối khóa;
Tìm sự trợ giúp trái phép trong các bài thi hoặc các bài làm có chấm điểm;
Đạo văn, kể cả do sơ ý hoặc không biết cách trích dẫn nguồn thông tin theo đúng các thông lệ mà nhà trường yêu cầu;
Vi phạm các quy định trong một kỳ thi;
Bất kỳ hành vi gian lận hoặc thiếu trung thực trong học thuật nào khác.

Các trường đại học Mỹ khuyến khích sự liêm chính trong học thuật bằng cách nào?
Việc khuyến khích sự liêm chính trước hết phải được thực hiện qua con đường giáo dục. Các trường đại học Mỹ hằng năm đều có tổ chức tuần lễ “định hướng”, khi ấy các tân sinh viên sẽ được cung cấp các sổ tay nêu rõ các quy định về hành vi, bộ luật đạo đức, các yêu cầu của giảng viên về bài làm, bộ phận hỗ trợ học tập cho sinh viên, và các trang web cung cấp thông tin về những điều cần biết.
Việc rèn luyện sự liêm chính trong học thuật còn được thực hiện qua các biện pháp cưỡng chế thông qua các hội đồng học thuật, các thủ tục đề nghị cưỡng chế của giảng viên, và các biện pháp cưỡng chế như cảnh cáo, khiển trách, buộc tạm ngưng học tập, hoặc đuổi học.
Các chiến lược khuyến khích sự liêm chính học thuật được các trường đại học Mỹ chủ động lựa chọn và áp dụng sao cho phù hợp với sứ mạng đặt ra, và được xem là vấn đề riêng của từng trường, do trường tự quyết, không có bất kỳ sự can thiệp nào của chính quyền. Sự trung thực khoa học được xây dựng dựa trên những giá trị chung của cộng đồng khoa học, trong đó mỗi cá nhân được giáo dục để hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của chính mình.
——-
1 Pavela, Gary (1997) Applying the power of association on campus: Model code of academic integrity. Journal of College and University Law. V. 24:1.

Phương Anh giới thiệu

Tác giả

(Visited 26 times, 1 visits today)