Liệu pháp gene trị ung thư ở Trung Quốc
Dù còn những tranh cãi xung quanh hiệu quả thực sự của liệu pháp này, song có một điều chắc chắn: Nhờ chính sách đặc thù, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về nghiên cứu trị ung thư bằng liệu pháp gene (gene therapy).
Lời khuyên của Peng còn hơn cả sự lạc quan, nó phản ảnh chính sách quốc gia của Trung Quốc. Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Trung Quốc (SFDA) cho phép dùng Gendicine trong điều trị từ tháng 10/2003 và đến đầu năm 2004 thì cho phép đưa ra thị trường. Năm 2005, SFDA còn cho phép sản phẩm điều trị ung thư bằng gene thứ hai: virus biến đổi mang ký hiệu H101. Cùng với H101, các chế phẩm H102 và H103 cũng đang được nhà sản xuất – công ty Sunway Biotech ở Thượng Hải – chờ cấp phép để thương mại hóa. Công ty này cũng đang thỏa thuận để cùng với tập đoàn Genzyme Corp ở Cambridge, Massachusetts thử nghiệm “gene trị” với H101 ở Mỹ.
Trong khi ở Trung Quốc, việc thử nghiệm thuốc liệu pháp gene trong giai đoạn “tiền thương mại” (premaket) thuận lợi, thì ở Mỹ và châu Âu việc này hết sức khó khăn. Sau cái chết của một bệnh nhân ở Mỹ (1999) và hai trẻ em phát triển bệnh bạch cầu ở Pháp (2002) trong khi điều trị bằng liệu pháp gene, Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã thắt chặt việc kiểm soát thử nghiệm. Các công ty của phương Tây nói vẫn đang đạt được tiến bộ, song không loại thuốc “gene trị” nào được đưa ra thị trường. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đã bắt kịp, thậm chí vượt qua phương Tây trong lĩnh vực này. “Tương lai của liệu pháp gene sẽ ở Trung Quốc” – Andre Lieber, nhà nghiên cứu liệu pháp gene của Đại học Washinton phát biểu. Song ông cũng nhắc nhở rằng phải nhìn nhận thành công của người Trung Quốc bằng con mắt cảnh giác: Luôn có “vấn đề” về việc dịch những nghiên cứu lâm sàng thực hiện ở Trung Quốc. So với tài liệu nguyên bản, tài liệu được dịch sang tiếng Anh có thể bị lược những thông tin phản biện. Quyền sở hữu trí tuệ cũng là vấn đề. Một số nhà nghiên cứu phương Tây nghi ngờ sự sáng tạo của các công ty dược Trung Quốc – điều này có thể hạn chế việc bán thuốc Trung Quốc ở phương Tây. Và cuối cùng, các ý kiến chỉ trích đều thống nhất là hệ thống luật lệ của Trung Quốc không nghiêm ngặt. Ví như Gendicine, dù thiếu những bằng chứng về tác dụng song vẫn được phép lưu hành.
Kỳ vọng
Trên mảnh đất nhỏ ở ngoại ô Thẩm Quyến nổi lên một tòa nhà trống trải với cửa kính mờ đục. Những ông chủ ở đây dự định mỗi năm sẽ sản xuất 15 triệu lọ Gendicine, gấp 7 lần năng lực hiện nay của SiBiono. Dọc đường dẫn tới phòng điều hành công ty là đầy những mẩu báo tiếng Trung và quốc tế viết về Gendicine dán kín trên tường. Giám đốc Peng Zhaohui cho biết, với Gendicien, Sibiono sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực “gene trị” thương mại. Gendicine được người Trung Quốc đặt cái tên “na ná”: JinYouSheng (Kim hựu sinh: nay sống lại) – tên do Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tăng Khánh Hồng đặt trong chuyến thăm công ty SiBiono, một tháng trước khi SFDA cho phép bán loại thuốc này ra thị trường.
SFDA cho phép dùng Gendicine để điều trị ung thư ở vùng cổ và đầu chỉ nhờ những thử nghiệm lâm sàng nhỏ. Khi kết hợp với phương pháp trị liệu khác, 64% bệnh nhân thử nghiệm không còn khối u; còn nếu điều trị riêng bằng Gendicine thì con số là 19%. Peng gọi đó là thử nghiệm “giai đoạn II/III”, thuật ngữ chỉ thời kỳ cả thử nghiệm chứng tỏ thuốc an toàn (giai đoạn I và II) và có hiệu quả (giai đoạn III). Năm 2005, SFDA cho phép dùng H101 sau khi 74% bệnh nhân chấp nhận dùng H101 bổ sung với hóa trị đã thu nhỏ được khối u so với 40% nếu chỉ điều trị bằng hóa chất.
Peng Zhaohui, giám đốc điều hành SiBiono |
Gendicine hiện đang được cho hơn 4.000 bệnh nhân để điều trị cho 50 loại ung thư ở vùng đầu và cổ. SiBiono nhận được 6 triệu USD từ đầu tư khởi nghiệp của chính phủ, các nhà đầu tư cá nhân cũng đầu tư một số tiền tương đương. Giám đốc Peng từng ước tính đến hết năm 2006 sẽ có khoảng 50.000 người điều trị bằng Gendicine, song thực tế ít hơn nhiều. Nhưng nếu thuốc thật sự có tác dụng, và nếu người bệnh có thể kham nổi khoản chi phí từ 1680 USD đến 3360 USD cho mỗi đợt điều trị, thì thị trường của Gendicine chỉ riêng ở Trung Quốc thôi sẽ là khổng lồ.
Bắt chước hay sáng tạo?
Một số công ty Mỹ cáo buộc thuốc liệu pháp gene của Trung Quốc thực ra “thoát thai” từ các sáng chế của phương Tây. Hãng Introgene Therapeutics ở Texas tuyên bố sản phẩm Gendicine tương tự như một sản phẩm thử nghiệm tái tổ hợp adenovirus chứa gene p53 của người (rAd-p53) của công ty này.
Wei-Wei Zhang, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của GenWay Biotech ở San Diego công bố nghiên cứu đầu tiên về rAd-p53 khi còn làm việc ở Trung tâm Ung thư M.D Aderson của Đại học Texas. Wei được cấp bằng sáng chế về tái cấu trúc virus. Trung tâm M.D Anderson thỏa thuận cấp phép với Introgen và công ty này đầu tư hơn 70 triệu USD để triển khai loại thuốc mang tên Advexin dựa trên nghiên cứu của Zhang. Bắt đầu thử nghiệm để điều trị ung thư vùng cổ và mặt từ năm 1994, đến nay đang trong thời kỳ thử nghiệm giai đoạn III, Advexin vẫn còn chờ để được FDA chấp thuận.
Thử nghiệm thuốc giai đoạn II trên 106 bệnh nhân của Introgen chỉ điều trị bằng Advexin cho thấy 10% bệnh nhân có “khối u đáp ứng với thuốc” (tumor response rate), trong đó chắc chắn có 30% là khối u thu nhỏ lại. Introgen tuyên bố là thử nghiệm giai đoạn III thuốc Advexin tiến triển tốt, đồng thời cũng cáo buộc Gendicine chỉ là sản phẩm “phái sinh”. Tháng 8/2006, khi nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (Securities and Exchange Commission), Introgen lại cáo buộc nhà sản xuất Gendicine xâm hại bản quyền. Phía SiBiono lại tuyên bố Gendicine “rất khác” với sản phẩm của Introgen, điểm giống nhau duy nhất là có sử dụng gene p53.
Công ty Sunway thì thừa nhận sản phẩm H101 được “truyền cảm hứng” từ các nghiên cứu của Mỹ, song nó là kết quả của nghiên cứu độc lập. Theo một số chuyên gia, H101 giống một sản phẩm mang tên Onyx-015 của công ty Onyx Pharmaceuticals. Cả Onyx-015 lẫn H101 đều dùng adenovirus biến đổi để tiêu diệt những tế bào có thể gây ung thư do thiếu hay có gene p53 bị biến đổi. Thử nghiệm thuốc giai đoạn II, Onyx-015 đã chứng tỏ có thể làm khối u ở vùng cổ và đầu của 60 -70% bệnh nhân nhỏ lại, song vẫn chưa đủ để FDA chấp thuận. FDA muốn nhiều bằng chứng hơn nữa, đặc biệt là số liệu chứng tỏ Onyx-015 kéo dài cuộc sống người bệnh. Năm 2005, Onyx đã chấm dứt thử nghiệm thuốc giai đoạn II khi những nhà đầu tư chủ chốt rút lui, nhờ vậy mà Sunway có được độc quyền từ Onyx để sử dụng virus biến đổi 015. “Chúng tôi mua bản quyền của Onyx để có thể bán thuốc ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản” – Hu Fang, giám đốc điều hành của Sunway phát biểu.
Tiêu chuẩn khác nhau
Chính phủ Trung Quốc vừa là nhà đầu tư, vừa là người cấp phép cho những công ty công nghệ kiểu như SiBiono hay Sunway. Một số nhà quan sát lo ngại việc nhà nước đóng “hai vai” có thể khiến tiêu chuẩn sản phẩm bị hạ thấp. Từ 2001 đến 2005, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã chi khoảng 106 triệu USD cho triển khai những sáng chế về thuốc, một phần trong khoản chi này là cho SiBiono. Giám đốc Peng Zhaohui còn viết một cuốn sách hướng dẫn đánh giá các sản phẩm liệu pháp gene cho SFDA. Peng thừa nhận SiBiono được chính phủ ủng hộ và sản phẩm Gendicine nhanh chóng được cấp phép là nhờ “một kênh đặc biệt”. Tài liệu về thử nghiệm Gendicine được đệ trình lên SFDA từ tháng 3/2003, 7 tháng sau, Gendicine được chấp thuận. Sản phẩm H101 của Sunway cũng được cấp phép sau 10 tháng.
Cơ cấu tiêu chuẩn của Trung Quốc khác với phương Tây. Trong khi FDA đòi hỏi thuốc mới chữa ung thư kéo dài cuộc sống của người bệnh thì SFDA chấp thuận cả Gendicine lẫn H101 chỉ do khối u thu nhỏ lại.
Hu Fang nói tới đây Sunway sẽ chứng tỏ H101 vừa làm nhỏ khối ung thư vừa làm chậm tiến trình bệnh. “Thời gian còn lại của người bệnh rất quan trọng”. Hu cho biết, một nghiên cứu từng cho thấy H101 có thể kéo dài thời gian sống của người bệnh thêm 7 tháng.
Có một lý do đáng để trông đợi vào tương lai tươi sáng của các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc là họ “có điều kiện tuyệt vời, rất nhiều tiền và rất nhiều người giỏi” – Lieber của Đại học Washinton nhận xét. Còn Wei-Wei Zhang thì đánh giá các nhà sinh học Trung Quốc xứng đáng vượt qua người Mỹ trong lĩnh vực liệu pháp gene chữa ung thư. Hiện có đến gần chục loại thuốc trị ung thư liệu pháp gene đang được thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc – Savio Woo, cựu giám đốc Hiệp hội Liệu pháp gene Mỹ cho biết. Trung Quốc cũng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đáng kể vào lĩnh vực này, Genzyme là một ví dụ. “Trung Quốc đang thay đổi với rất nhiều công ty sáng tạo công nghệ” – Earl Collier, phó chủ tịch Genzyme nói – “Và chúng tôi muốn tham gia”.
Dẫu sao thì Wei-Wei Zhang cũng lo lắng rằng “cơn sốt truyền thông” có thể khiến “quan chức và nhà đầu tư định hướng sai lầm, làm hỏng lai tương phát triển của nền công nghiệp sinh học Trung Quốc” như đã từng xảy ra ở phương Tây trước đây.