Lở đất đe dọa giấc mơ thủy điện Himalaya
Một nghiên cứu trên tạp chí Geophysical Research Letters về trận động đất năm 2015 ở Nepal cho thấy nhiều dự án đã bị quét sạch bởi các lở đất.
Đập Tehri và nhà máy thủy điện đậu ở chân đồi của dãy Himalaya Ấn Độ.
Vào đầu tháng 4/2015, khi đến Nepal lần đầu tiên, Wolfgang Schwanghart – nhà địa chất học, làm việc tại Đại học Potsdam, Đức đã bị sốc khi thấy nhiều đập thủy điện nằm trên địa hình dốc Himalaya. “Chúng trông khá bấp bênh”. Hai tuần sau, một trận động đất mạnh 7,8 độ rich-te xảy ra làm gần 9.000 người chết. Trận động đất cũng làm hư hại 31 dự án thuộc loại “bấp bênh”. Công bố của Schwanghart và cộng sự đã cho thấy, không phải như giả định của hầu hết mọi người là rung chấn phá hủy các dự án mà là sạt lở gây ra bởi trận động đất phá huỷ các dự án.
Nghiên cứu nhấn mạnh đến nguy cơ sạt lở đất do động đất gây ra đối với việc phát triển thủy điện ở dãy Himalaya – một điểm nóng toàn cầu về loại năng lượng này. Schwanghart nói: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra một nhu cầu cấp thiết: cần phải đánh giá lại sự phát triển thủy điện ở dãy Himalaya”.
Nhóm nghiên cứu đã rà soát các báo cáo về các nhà máy thủy điện bị hư hại. Họ lưu ý, ở những nơi rung chấn động đất không quá mạnh, độ dốc của các bờ sông là một chỉ báo tin cậy về mức độ tàn phá. Họ đã phát triển một mô hình trải độ dốc của sông trong dãy Himalaya lên một bản đồ cường độ rung lắc từ trận động đất năm 2015. Nhóm cũng phát hiện ra một mẫu lặp lại, trong đó hiệu ứng kết hợp giữa rung lắc động đất và độ dốc của sông dẫn đến thiệt hại lớn nhất cho các nhà máy thủy điện. Việc tái hiện lại thiệt hại của các nhà máy này sau hậu quả của trận động đất đã xác nhận linh cảm của các nhà nghiên cứu: sạt lở đất đã phá hủy các địa điểm này.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng mô hình này để kiểm tra 273 dự án thủy điện đang được vận hành, đang trong quá trình xây dựng hay mới lên kế hoạch xây dựng ở Himalaya, Ấn Độ, Nepal và Bhutan. Kết quả cho thấy, một phần tư số đó có khả năng phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng từ sạt lở đất. Tương tự, 10% các khu có tiềm năng thủy điện dọc theo các sông ở Himalaya cũng rơi vào tình trạng này.
Theo các nhà nghiên cứu, hiếm khi vấn đề này được giải quyết một cách đầy đủ, mặc dù sạt lở từ động đất gây thiệt hại về người nhiều nhất trên toàn cầu. Từ 2004 đến 2011, 49.000 vụ lở đất chết người – gần 60% tổng số lở đất toàn cầu – là do động đất gây ra.
Nghiên cứu mới này đã cho thấy có một cách tương đối đơn giản để xác định xem các trận sạt lở do động đất có gây ra vấn đề lớn cho một dự án thủy điện không, theo đánh giá của Dave Petley, một nhà địa chất tại Đại học Sheffield, Anh. “Việc này khá tinh tế.”
Mô hình này cũng sẽ giúp các nhà phát triển đánh giá chính xác hơn về các rủi ro tại các địa điểm dự kiến xây nhà máy thủy điện, theo David Gernaat, người lập mô hình tính toán tại Cơ quan đánh giá môi trường Hà Lan PBL, thành phố Hague.
Năm ngoái, Gernaat và các cộng sự đã nêu: gần 40% công suất thủy điện có khả năng được tạo ra với chi phí thấp là ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, tuy nhiên các phân tích chỉ tính đến rủi ro từ động đất, không phải do sạt lở đất. Điều này có nghĩa là “chúng tôi đã đánh giá cao tiềm năng thủy điện trong khu vực và đánh giá thấp chi phí”, Gernaat nói. Một số địa điểm mà nghiên cứu của Gernaat gợi ý phát triển thủy điện có thể dễ bị sạt lở đất – dù có hoặc không có động đất. Gernaat có kế hoạch đưa yếu tố nguy cơ sạt lở đất vào trong các đánh giá trong tương lai.
Hoàng Nam dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-06212-8