Lo xa
 Triết gia Daniel C. Dennett, Đại học Tufts, là người lo xa. Khoảng ba mươi mấy năm trước, ông đã lo là cuộc cách mạng máy tính sẽ khuếch đại cách biệt giữa bọn kỹ phiệt ở các nước phương Tây giàu có và những người không có máy tính và phương tiện công nghệ cao ở các xứ nghèo nàn lạc hậu khác.
Nhưng cuộc cách mạng máy tính đã diễn ra thật sâu, rộng, nhanh và kỳ diệu không ngờ. Từ những cỗ máy đồ sộ đắt đỏ, máy tính đã trở nên rẻ và gọn nhẹ đến nỗi trở thành vật dụng cá nhân, cùng với hàng loạt sản phẩm công nghệ cao khác, như điện thoại khôn (smartphone), biến trái đất thành một quả cầu được kết nối toàn diện và (tưởng như) mọi cách biệt được san phẳng. Sản phẩm công nghệ cao không còn giới hạn trong tầng lớp giàu có và trí thức nữa. Khi có điều kiện sản xuất đại trà với giá thành thấp, thì nhu cầu tiêu thụ cũng được tạo ra trong đại chúng. Một anh nông dân không còn đất cày ở Cà Mau trôi dạt lên thành phố chạy xe ôm cũng có nhu cầu/ khả năng sắm điện thoại khôn, thậm chí cả máy tính bảng. Sự cách biệt không còn ở khả năng “sở hữu”, mà ở khả năng “sử dụng”. Thí dụ: Zuckerberg lợi dụng internet để tạo ra mạng xã hội Facebook và trở thành tỷ phú, anh xe ôm Cà Mau vay nợ sắm điện thoại khôn để chơi game, coi phim sex, giựt le. Chính việc sử dụng sản phẩm công nghệ cao như thế nào mới làm cho khoảng cách giàu nghèo trên trái đất sâu rộng hơn.
Nhưng khoảng cách giàu nghèo không còn là mối bận tâm của triết gia Dennett nữa. Hiện nay ông đang lo là người ta đã lệ thuộc vào internet đến nỗi nếu nó bị “cúp” chừng hai tuần lễ thì thảm họa thế giới sẽ xảy ra. Chuyện internet bị cúp rất có khả năng xảy ra và người ta đã chuẩn bị cho khả năng đó mấy phen (hồi năm 2000 chẳng hạn). Nhiều người ngày nay không thể hình dung cuộc sống mà không có internet. Chỉ tưởng tượng bị cúp internet chừng 2 tuần là thiên hạ hoảng loạn. Theo Dennett thì chính nỗi hoảng loạn này sẽ đưa tới thảm họa.
Nhà khoa học máy tính David Gelernter, Đại học Yale, lại lo lắng về một thảm họa khác: Chuyện tào lao Internet. Ông viết: “Internet tạo ra sự giảm giá chung của chữ nghĩa: một sự giảm phát toàn cầu về giá trị của chữ trung bình trên nhiều trục (tuyến). Khi mỗi chữ nhận được ít sự quan tâm hơn, ít thời gian đọc hơn, và ít giá trị tiền bạc hơn ở đầu ra tiêu thụ, thì tự nhiên nó có xu hướng chiếm ít thời gian hơn để viết và ít sự quan tâm biên tập hơn ở đầu vào của sản phẩm. Dần dà, khi thời gian đầu tư của người viết trung bình và người đọc trung bình vào mỗi câu văn trung bình bị sút giảm thì khả năng truyền thông bằng chữ của xã hội bị hư hoại. Và mối đe dọa đến khả năng đọc và viết của chúng ta là một cú đấm trí mạng từ từ giáng vào khoa học, nghệ thuật, học thuật – thực sự là gần như mọi thứ mang tính đặc trưng của loài người, những thứ mà loài chồn hôi hay cá heo không thể làm được hay làm tốt hơn con người.”*
Gelernter dẫn chứng cho nỗi lo của ông: báo Daily Mail (xuất bản ở London) gần đây tường thuật một nghiên cứu về khả năng viết tiếng Anh của sinh viên Mỹ cho thấy mặc dù sinh viên bây giờ tự tin ở tài năng ngôn ngữ của mình nhưng điểm kiểm tra của chúng thấp hơn hẳn sinh viên hồi thập niên 1960, thời người ta còn rị mọ viết tay. Ông đổ lỗi cho “khả năng phát hành gần như tức thì của internet khiến cho không có thời gian chùng chình giữa viết ra và xuất bản, lại thêm khả năng quảng bá rộng khắp thế giới của internet khiến người viết bị áp lực sản xuất (nhanh, nhiều) hơn nữa. Sự giảm phát toàn cầu về giá trị của chữ cũng khiến việc biên tập và tự biên tập bị coi nhẹ hay bỏ qua.”*
Còn khoảng hơn chục nỗi lo khác liên quan đến internet khiến các học giả, chuyên gia, nghệ sĩ, trí thức bận tâm khi trả lời câu hỏi của George Dyson trên edge.org. Đây là một trang web do John Brockman, một người môi giới xuất bản, người chuyên đi tìm và giới thiệu bản thảo cho các nhà xuất bản để ăn hoa hồng, ông này nổi tiếng là kiếm được những khoản tiền đặt cọc to cho các tác giả, và giúp ra đời những cuốn sách hay trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Khoảng mươi năm trước, Brockman nảy ra sáng kiến lập ra một mạng lưới kết nối những học giả trong lãnh vực khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội … đặt cho họ một câu hỏi (lớn) để có những gợi ý hay và tập hợp những câu trả lời đáng chú ý in thành sách. Câu hỏi và câu trả lời vừa nhận được đưa ngay lên trang edge.org từ đầu năm cho thiên hạ tranh luận, đến cuối năm thì tuyển lại, biên tập và xuất bản dưới dạng sách giấy và sách điện tử.
Câu hỏi của năm 2013 là: Chúng ta nên bận tâm điều gì? (Chúng ta lo lắng bởi vì chúng ta được tạo ra với khả năng dự kiến tương lai. Không gì khiến chúng ta ngừng lo được, nhưng khoa học có thể dạy chúng ta biết cách lo tốt hơn và biết khi nào thì bớt lo. Hãy nói cho chúng tôi biết điều gì khiến quí vị bận tâm (có nguyên nhân khoa học), nhưng chưa nổi cộm lên, và tại sao điều đó khiến quí vị lo lắng. Hoặc là nói cho chúng tôi biết nỗi lo nào quí vị đã thôi bận tâm đến, cho dù người khác vẫn còn lo, và tại sao điều đó không đáng lo nữa).* Đến nay đã có 155 học giả, nghệ sĩ, giáo sư, nhà hoạt động xã hội, kinh tế gia, vv, cung cấp hơn một trăm rưởi câu trả lời, nêu ra hàng trăm điều đáng lo, hoặc không nên lo; dĩ nhiên trong đó có nỗi lo, và không nên lo, về chính những nỗi lo.
Phải nói là thiên hạ lo đủ thứ. Seth Lloyd của viện MIT lo lắng về lỗ đen tài chánh. Ông là giáo sư công nghệ cơ học lượng tử và tác giả một cuốn sách có tựa “Lập trình vũ trụ”. Lãnh vực chuyên môn của ông và vấn đề ông lo lắng (tài chánh) đều vượt tầm nhận thức của tôi, nên đọc xong thấy ông bảo khỏi lo chuyện mặt trời của chúng ta bị hút vào lỗ đen vũ trụ thì cũng mừng. (Còn chuyện ông lo ngân hàng sập thì tôi không lo, vì đã đào đất chôn vàng rồi!)
Nghệ sĩ lừng danh Brian Eno có mối bận tâm lớn là hầu hết những người khôn ngoan mà ông quen biết đều không muốn dính dáng tới chính trị. Ông thắc mắc có phải vì trong chính trị khó xảy ra điều gì thực sự có ý nghĩa lớn lao, hay vì những bộ óc vĩ đại đều quá bận bịu với những lãnh vực chuyên môn cao siêu hơn, như vật lý lượng tử. Hoặc họ cho rằng đâu sẽ vào đấy, việc đời sẽ được một bàn tay vô hình sắp đặt tử tế? Và họ để mặc cho người khác làm. Cho nên, theo Eno, chiến tranh triền miên, nợ ngập đầu dân các nước nghèo, đám nhà băng quậy kinh tế thế giới điêu đứng, là tại bởi vì những người vĩ đại lo làm toàn chuyện vĩ đại, chừa cái ao con chính trị cho bọn cò con tha hồ quậy đục nước.
Những vấn đề mà Eno đổ thừa cho chính trị ấy, nếu chấp nhận thuyết của David M. Buss, giáo sư tâm lý ở Đại học Texas, thì đều có nguyên nhân là tình trạng khan hiếm bạn tình. Tất nhiên con người cần phải duy trì nòi giống, và ai cũng muốn dòng dõi của mình ngày càng ưu tú. Vì vậy ai cũng mong muốn giao phối với một đối tác “mười phân vẹn mười”. Thực tế là những người vẹn toàn tám chín phân cũng đã hiếm, cho nên cái đám có được năm bảy phân ưu thế phải đấu nhau kịch liệt trong cuộc cạnh tranh. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều theo bản năng mà muốn giao phối với người hoàn hảo hơn mình, cho dù đó là chân dài hơn, hay học cao hơn, tiền bạc rủng rỉnh hơn. Canh cánh nỗi lo không tìm được người giao phối khiến người ta căng thẳng, hung tợn, hiếu chiến, tàn nhẫn, gian manh, mưu mô, hiểm độc. Những chuyện si tình, thất tình, ngoại tình, lừa tình… trở thành đề tài hấp dẫn của thi ca nghệ thuật vì thực tế mối bận tâm lớn nhất của con người là kiếm được người giao phối lý tưởng.
Con người là đối tượng tập trung nhiều mối lo nhất (ngoài vấn đề liên quan đến internet). Nhờ những thành tựu trong lãnh vực gene và mã di truyền, khoa học thần kinh và nhận thức, con người ngày nay dường như sắp đạt được câu trả lời khoa học “tôi là ai?”. Cho nên phần lớn các học giả không còn bận tâm đến những vấn đề của cái tôi cá thể nữa, mà tập trung lo lắng cho số phận chung của nhân loại.
Trước tiên là dân số. Lâu nay người ta lo dân số ngày càng tăng, theo các nhà dân số học của Liên Hiệp Quốc thì dân số thế giới sẽ tăng đều đều trong 40 năm nữa và đạt tới đỉnh là 9,2 tỷ người. Kevin Kelly, chủ bút của mạng truyềng thông Wired, bèn thắc mắc là lên tới đỉnh rồi sao nữa? Đặt xong câu hỏi ông phát lo, bởi vì không tìm thấy số liệu nào về cuộc lao dốc dân số sau đó. Thường thì lên dốc mới cực, chứ xuống dốc èo một cái tới đáy lúc nào không hay. Mối nguy ở chỗ người ta cứ cổ xúy giảm dân số, nên có khả năng cá thể loài người sẽ giảm trầm trọng trong một trăm năm nữa! Hiện nay dân số Nhật và nhiều nước châu Âu đang giảm. Mà ngay cả ở những nước nghèo vốn “mắn đẻ” thì tỷ lệ sinh cũng đang giảm. Ôi, Kelly lo quá. Không ai lo thì dân số giảm tới zero chứ chẳng chơi.
Nhà báo David Berreby không lo xa tới số lượng cá thể con người. Nỗi lo trước mắt là dân số đang già đi. Trước năm 2000 số người trẻ luôn đông hơn số người già, nhưng từ sau năm 2000 thì số người già ngày một đông hơn, đến “đỉnh” vào năm 2050 thì ở các nước giàu cứ 3 người có một người trên 60 tuổi, và sẽ có 2 tỷ người trong tổng số 9,2 tỷ dân mắc chứng lú lẫn vì quá già. Chắc chắn là sẽ có rất nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Điều đáng lo là chúng ta chưa từng có kinh nghiệm giải quyết vấn đề này, càng đáng lo hơn nữa là chúng ta chưa sẵn sàng đối phó. Mà cái sự người ta già đi là không tránh được. Và người già sẽ sống dai hơn trước đây.
Bà giáo sư Kate Jeffery thậm chí lo là người ta sẽ không chịu chết. Dĩ nhiên đâu có ai muốn chết. Bao nhiêu công trình nghiên cứu y học hiện nay đều nhằm kéo dài tuổi thọ con người và đã đạt những thành tựu đáng kể. Người ta tin là một thế hệ con người mới đã chào đời với gene được điều chỉnh để có thể sống đến 150 tuổi. Những thế hệ sau có thể còn sống lâu hơn, hoặc không bao giờ chết. Điều này mà thành hiện thực thì nỗi lo dân số giảm của Kelly được hóa giải, nhưng nỗi lo dân số già của Berreby trở thành ác mộng.
Nhưng cơn ác mộng lớn nhất của nhân loại, theo giáo sư Douglas T.Kenrick, là tình trạng nhân loại bị ngu đần hóa. Tình trạng này có thể xảy ra trong vài trăm năm tới nếu tình trạng sinh sản hiện nay tiếp diễn trong chừng một chục thế hệ nữa. Hiện nay những người đẻ nhiều thường có những đặc điểm này: sống trong gia đình đông anh chị em, học vấn và chỉ số IQ trung bình, nghèo, dậy thì sớm, đẻ con đầu lòng sớm. Do vậy con cái họ cũng không có nhiều cơ hội học cao, mở mang trí tuệ, mà thường tiếp tục vòng luẩn quẩn của cha mẹ. Cũng có nhiều người thông minh xuất sắc sinh ra từ những bà mẹ trí tuệ trung bình, nhưng tỷ lệ con cái có IQ trung bình luôn lớn hơn một hai đứa thông minh đột xuất. Ngược lại người có học vấn và IQ cao thì lập gia đình, sinh ít, thậm chí không con. Hậu quả là số người bẩm sinh thông minh ngày càng ít, trong khi người ngu si đần độn ngày càng nhiều. Người ngu sẽ dễ hùa nhau chống-trí-thức khiến cho đà phát triển văn minh nhân loại chậm lại.
Nhưng không sao, nhà văn Ed Regis vừa cung cấp thông tin: Ngày 13/9/2012 tại Houston, Texas, hàng trăm khoa học gia, ký giả, nhà giáo, và nhiều thành phần trí thức khác, đã tựu tập để chứng kiến việc ra mắt đề án Tàu vũ trụ 100 năm, với những báo cáo khoa học phác thảo dự án di tản con người ra khỏi trái đất hướng đến những vì sao, tạo ra một Trái đất khác (phiên bản 2.0) trong vòng một thế kỷ. Nghe có vẻ chuyện khoa học viễn tưởng. Regis mong rằng dự án lãng mạn và rất ư mơ mộng ấy không bao giờ thành hiện thực, vì ông không muốn rời bỏ trái đất thân yêu này. Nhưng những người lập dự án di tản này hẳn đã lo rằng trái đất sẽ đầy nhóc bọn IQ trung bình chỉ biết ăn nhậu, tàn phá thiên nhiên và đẻ ra những đứa con giống mình. Biết làm gì với đám nhân loại đó? Chỉ còn nước đi tìm một thế giới khác giữa các vì sao!
———————-
(*) Trích dịch từ 2013: What “should” we be worried about? http://edge.org/responses/q2013