Loài chim cánh cụt cổ đại lớn như con người

Gerald Mayr tại Viện nghiên cứu Senckenberg và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Frankfurt, Đức và cộng sự đã phân tích bộ xương hóa thạch của một loài cánh cụt khổng lồ (Kumimanu biceae) từng được khám phá tại Moeraki Formation ở Otago, New Zealand.

Nhóm nghiên cứu ước lượng, với chiều cao 1,77m và nặng hơn 100 kg, đây là loài chim cánh cụt lớn nhất thế giới và sống cách đây khoảng 55 – 60 triệu năm. Hiện nay, cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri) giữ kỷ lục loài chim cánh cụt còn sống lớn nhất, cũng chỉ cao 1,2m ở độ tuổi trưởng thành.

Công bố “Loài cánh cụt ở thế Paleocene từ New Zealand chứng minh nguồn gốc đa dạng của tính chất khổng lồ trong hóa thạch bộ Sphenisciformes” (A Paleocene penguin from New Zealand substantiates multiple origins of gigantism in fossil Sphenisciformes) của họ được xuất bản trên trên tạp chí Nature Communications hôm 12/12.

Bộ xương hóa thạch của loài K. biceae được hai nhà nghiên cứu Alan Tennyson và Paul Scofield tìm thấy vào năm 2004 trông có vẻ quá lớn so với kích thước của chim cánh cụt. Do vậy lúc đầu người ta giả định bộ xương này nguyên thủy là một con rùa. Sau khi nằm trên kệ trong hơn 10 năm, bộ xương hóa thạch cuối cùng cũng được kiểm tra lại và xác định thuộc về một loài chim cánh cụt. Gerald Mayr cho biết, nhiều khả năng tập tính của chim cánh cụt K. biceae “tương tự như chim cánh cụt hiện đại”.

Những con chim cánh cụt cổ đại có khả năng phát triển kích thước cơ thể khổng lồ, vượt xa các loài chim cánh cụt hiện đại lớn nhất. Để so sánh, chim cánh cụt hoàng đế – loài cao nhất và nặng nhất đang sinh sống trên Trái đất – chỉ có thể đạt được chiều cao khoảng 1,22 mét và trọng lượng 45 kg ở độ tuổi trưởng thành.

Thay vì có bộ lông màu trắng – đen như thường lệ, K. biceae màu nâu và có mỏ dài hơn so với chim cánh cụt hiện đại.

Chim cánh cụt đã tiến hóa từ những con chim biết bay cách đây hàng chục triệu năm. Chúng đánh mất khả năng bay lượn và thay vào đó là khả năng bơi lội. Sau khi sống trên mặt đất, một số loài chim cánh cụt trở nên lớn hơn. Chúng phát triển từ chiều cao ban đầu khoảng 80cm lên gấp đôi.

Công bố của Gerald Mayr và cộng sự chỉ ra, một số loài cánh cụt trở thành “kẻ khổng lồ” sớm ngay sau khi có cuộc tiến hóa đầu tiên và chuyển từ biết bay sang lặn. Vào thời điểm loài K. biceae còn sống, có thể chúng đã sống ở môi trường cận nhiệt đới ấm áp cùng với nhiều loài chim biển, rùa và cá mập khác.

Việc có được những thông tin về K. biceae đã góp phần đem lại những hiểu biết mới về quá trình tiến hóa của chim cánh cụt. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của K. biceae cho đến nay vẫn là điều bí ẩn. Nhiều khả năng, chúng phải cạnh tranh thức ăn với động vật biển có vú hoặc trở thành con mồi của những động vật ăn thịt khác.

Nguồn: http://www.ibtimes.co.uk/kumimanu-biceae-giant-human-sized-ancient-penguin-has-been-discovered-1651197
https://www.theguardian.com/science/2017/dec/12/fossil-hunters-find-man-sized-penguin-on-new-zealand-beach

Quốc Hùng dịch

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)