Lời hứa hão của những người tạo mưa

Đốt rừng, bóng bay, diều mang thuốc nổ, súng đại bác, máy bay, máy đốt chạy bằng dầu mazut… Một loạt các phương pháp và thiết bị được con người nghĩ ra để “hô mưa, gọi gió”. Thế nhưng, kết quả đạt được cũng phù phiếm giống như những đám mây trên trời mà con người muốn điều khiển.

Như Cơ quan Điều chỉnh thời tiết Trung Quốc đã thông báo rất chính thức trước hàng tháng, vào ngày khai mạc Thế vận hội, trời đã rất đẹp ở Bắc Kinh. Những đám mây có nguy cơ gây mưa đã được Cơ quan này dùng hỏa tiễn đuổi khỏi thủ đô. Một kỳ tích về công nghệ? Không hẳn. Những phương pháp mà Trung Quốc sử dụng đã được biết đến từ nửa thế kỷ trước … nhưng theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), hiệu quả của chúng cần được kiểm chứng. Vậy, có thể lý giải mối quan tâm từ vài năm nay của Trung Quốc, của cả Nga, Israel, Thái Lan và nhiều quốc gia châu Phi đối với việc điều chỉnh thời tiết như thế nào?
Cũng như ngành khí tượng, các dự án nghiên cứu nhằm điều chỉnh thời tiết đã ra đời từ lâu và những chuyển biến của các dự án ấy phản ánh rõ nét những thăng trầm của ngành khoa học này. Chẳng hạn, giữa thế kỷ XIX, các nhà khoa học lý giải hiện tượng bão tố và mưa gió là do các luồng khí nóng trong khí quyển bốc lên cao. James Pollard Espy, một trong những nhà khí tượng người Mỹ nổi tiếng nhất vào thời đó, đã rút ra một kết luận lôgic: để gây mưa, chỉ cần làm cho bầu khí quyển nóng lên. Tháng 7 năm 1849, ông đã đốt năm hecta rừng ở bang Virginia … nhưng mưa đã không trút xuống và sự nghi ngờ của các đồng nghiệp càng tăng lên.
Hai thập niên sau, một lý thuyết mới ra đời. Lần này, nó dựa trên một sự quan sát mang tính hiển nhiên: suốt cuộc chiến tranh ly khai tàn phá đất nước Hoa Kỳ (1861 – 1865), sau mỗi trận chiến, trời thường mưa rất to. Do vậy, các nhà khoa học cho rằng bầu khí quyển đã bị rung chuyển do đạn pháo. Năm 1891, trước yêu cầu chống hạn hán cấp thiết, Quốc hội Mỹ quyết định cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu. Suốt cả mùa hè, bóng bay, diều nổ khô rốc trên bầu trời Texas đến nỗi một tờ báo địa phương đã miêu tả là “giống một trận chiến thực sự”. Kết luận: các vụ nổ có thể gây mưa trong điều kiện thuận lợi nhưng do các thiết bị quá cồng kềnh, phương pháp này không thể triển khai trên diện rộng được. Vậy nên, các nhà khí tượng học thôi để tâm đến chuyện “hô mưa, gọi gió” và chuyển việc ấy cho những tay bịp bợp miền Viễn Đông… Thế là những người hoài nghi càng được thể lên giọng rằng nếu như trời mưa sau các trận chiến là vì các đạo quân tận dụng thời tiết đẹp để đánh nhau.

Súng thần công phá mưa đá
Tại châu Âu, vào cuối thế kỷ XIX, cái làm mọi người lo sợ nhất không phải nạn hạn hán mà những trận mưa đá tàn phá các ruộng nho và vườn cây ăn quả. Với những khẩu đại bác khổng lồ hình cái phễu, Albert Stiger, kỹ sư và người đứng đầu xã Windisch-Feistritz (tỉnh Styrie, Vương quốc Áo-Hung), đã giúp xã này tránh khỏi những cơn mưa đá. Các đám khói hình tròn màu đen bốc lên theo hình xoáy sau mỗi tiếng nổ cao đến 600 mét. Stiger cho rằng khí thoát ra làm các mây mất cân bằng và biến mưa đá thành mưa thông thường. Ba mươi khẩu đại bác mà Stiger đặt quanh xã đã làm nên điều kỳ diệu cho mùa hè năm 1896 và 1897: mưa đá tàn phá các làng xã lân cận nhưng lại chừa ra Windisch-Feistritz. Do vậy, mọi người đổ xô đến Áo, Italia và miền Nam Pháp để chiêm ngưỡng những “khẩu thần công phá mưa đá”, giúp việc làm ăn của hãng Greinitz, nơi sản xuất những khẩu đại bác ấy, ngày càng phát đạt. Năm 1900, Italia có khoảng 1000 khẩu súng loại này, những viên đạn bắn ra giúp các ruộng nho nước này tránh bị mưa đá tàn phá nhưng lại giết chết 7 người và khiến 78 người khác bị thương.


TẠI CAO NGUYÊN LANNEMEZAN, nằm ở vùng Hautes-Pyrénées, năm 1962, Henri Dressens lắp đặt 100 máy đốt chạy bằng dầu mazut trên một đường tròn đường kính 100 mét. Mục đích của ông: tạo mây.

Tuy nhiên, các vụ tai nạn ấy chưa phải vấn đề duy nhất được đặt ra. Các nhà vật lý nhận thấy không cơ chế nào có thể giải thích một cách hợp lý hiệu quả của súng bắn mưa đá. Thất bại cứ nối tiếp nhau. Ý kiến các chuyên gia tại hội thảo quốc tế bàn về vấn đề này diễn ra ở Gratz (Áo) năm 1902 cũng không thống nhất: 17 chuyên gia cho rằng phương pháp này chắc chắn hoặc có khả năng đạt hiệu quả, 20 người nghĩ ngược lại và 13 chuyên gia khác nói chưa thể kết luận được điều gì. Nhằm chấm dứt tranh cãi, hai thử nghiệm trên quy mô lớn đã được tiến hành ở Windisch-Feistritz và Italia vào năm 1904. Mưa đá (mà theo như ta biết hiện nay, xảy ra theo chu kỳ xen kẽ năm “có”, năm “không”) đã trút xuống cả hai vùng này. Thế là số phận của những khẩu thần công bắn mưa đá cũng đến hồi kết, hãng Greinitz chuyển sang sản xuất vũ khí trong khi chiến tranh có dấu hiệu bùng nổ ở châu Âu.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vấn đề điều chỉnh thời tiết lại rộ lên. Mọi chuyện bắt đầu tại phòng thí nghiệm ở New York của nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học Irving Langmuir (ông làm việc cho General Electrics). Tại đây, vào năm 1946, khi nghiên cứu về vấn đề sương giá của các động cơ máy bay bay cao cho Không lực Mỹ (US Air Force), nhà khoa học này phát hiện rằng tuyết cacbon hoặc i-ốt bạc làm nước vẫn ở thể lỏng lúc nhiệt độ xuống dưới 0oC trong các đám mây ngưng tụ lại. Tình hình càng khả quan hơn khi những thí nghiệm thực địa đầu tiên tiến hành từ một chiếc máy bay nhỏ cho thấy mưa đã rơi. Do đó, Langmuir tin rằng mình đã tìm ra phương pháp điều chỉnh thời tiết dựa trên những lý thuyết vật lý – hóa học hợp lý, vừa có thể tạo mưa theo ý muốn, vừa có thể ngăn mưa đá, đồng thời giảm nhẹ cường độ hoặc làm lệch hướng đi của các cơn bão. Tuy nhiên, cấp trên của nhà bác học này ở General Electrics lo ngại những hệ lụy pháp lý mà các thí nghiệm biến đổi thời tiết có thể gây ra nên đã quyết định chuyển giao chương trình nghiên cứu này cho quân đội.

Cho kẻ thù lấm lem bùn đất
Quân đội Hoa Kỳ tiếp nhận không một chút do dự. Vào giai đoạn đầu của chiến tranh lạnh, mọi thứ đều có thể được sử dụng để chống lại người Liên Xô, kể cả vũ khí thời tiết. Quả vậy, gió ở bán cầu Bắc thổi từ Tây sang Đông nên chỉ cần thả cho bóng bay chứa chất gây mưa nổ trên lãnh thổ Liên Xô cũng đã đủ nhấn chìm cây cối và đội xe thiết giáp nước này trong bùn đất. Năm 1947, tướng Kennedy của Cơ quan Chỉ huy chiến lược Không quân Hoa Kỳ khẳng định: “Quốc gia nào (…) biết cách điều khiển độ dài và nơi xảy ra các cơn mưa đầu tiên sẽ thống trị thế giới”.
 
Mây nhân tạo
Vấn đề này không chỉ thu hút sự quan tâm của quân đội. Vào thập niên 1950, ngành công nghiệp mưa làm ăn rất phát đạt ra đời. 10% đất đai ở Trung Đông đã được ký hợp đồng bảo đảm rằng chúng sẽ được tưới bằng phương pháp bắn hỏa tiễn mang i-ốt bạc khi chủ nhân yêu cầu. Tại Pháp, một vị tướng không quân đã thực hiện lại phương pháp này theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thành phố Saint-Chamond, ông Antoine Pinay, để giúp thành phố ông thoát khỏi cảnh hạn hán. Nếu người Mỹ tự hào vì đã tạo được mưa thì người Pháp có thể huênh hoang rằng mình có thể tạo ra mây nhờ các máy đốt chạy bằng dầu mazut do nhà khí tượng Henri Dessens lắp đặt ở cao nguyên Lannemezan (miền Nam Pháp) năm 1962.
Chưa bao giờ chịu lạc hậu về công nghệ, đầu thập niên 1970, Liên Xô thông báo nước này có khả năng phá hủy 90% lượng mây gây mưa đá bằng hỏa tiễn mang i-ốt bạc. Thông báo của Liên Xô gây ấn tượng mạnh cho Hoa Kỳ: nông dân nước này thúc giục chính phủ trang bị cho họ những kỹ thuật tương tự. Các nhà khí tượng Mỹ triển khai một chương trình nghiên cứu rất rầm rộ: ra-đa, trạm dự báo thời tiết, hỏa tiễn bắn mưa đá mang i-ốt bạc được lắp dày đặc trên một diện tích rộng hơn một tỉnh của Việt Nam, các nhà khoa học được trang bị những phương pháp thống kê tốt nhất để đánh giá hiệu quả của những lần bắn mưa đá trong thời gian 5 năm. Tổng kết chương trình nghiên cứu khi nó kết thúc năm 1982 nêu rõ: không thể rút ra kết luận. Jean-Pierre Chalon, chuyên gia Đài khí tượng Pháp và đã tham gia chương trình nghiên cứu trên của Mỹ, giải thích: “Kết quả thu được, nếu có, chỉ đạt dưới 30% nhưng có thể kéo theo nguy cơ giảm lượng mưa và tăng mức độ tàn phá của những trận mưa đá”.


CƠ QUAN ĐIỀU CHỈNH THỜI TIẾT TRUNG QUỐC sẵn sàng tác chiến vào tháng 8 năm 2008 nhằm bảo đảm cho mưa gió không phá hoại Thế vận hội Bắc Kinh. Cơ quan này thường xuyên sử dụng 32.000 nhân viên trên khắp đất nước với tổng kinh phí từ 40 đến 70 triệu Euro.

Tại sao bản tổng kết lại không mấy chắc chắn như thế? “Do tính chất cực kỳ đa dạng của các đám mây, nó cũng giống như loài người vậy, nên các nhà khoa học không dự báo được một đám mây đang phát triển sẽ gây mưa như thế nào. Vậy nên, họ chẳng biết được liệu sự can thiệp của họ có phải là nguyên nhân gây mưa, hay dù sao chăng nữa, mưa có lẽ cũng sẽ rơi ít hoặc nhiều.”
Ngoài việc thiếu cơ sở khoa học như đã nêu, cộng đồng quốc tế càng sửng sốt hơn khi biết quân đội Mỹ đã phun i-ốt bạc một cách vô tội vạ trong chiến tranh Việt Nam. Một công ước quốc tế nghiêm cấm việc “thao túng” thời tiết vì mục đích quân sự đã được ký năm 1978 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ giảm một nửa ngân sách chi cho nghiên cứu mưa nhân tạo, từ bỏ chương trình chống mưa đá và dẹp chương trình Stormfury vào năm 1983 (suốt hai mươi năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã không chứng minh được họ có thể giảm cường độ các cơn bão, chứ đừng nói là làm lệch hướng đi của chúng).
Năm 1992, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tổng kết bốn mươi năm công tác nghiên cứu làm mưa nhân tạo bằng cách phun hóa chất vào mây. Chỉ các nhà khoa học Israel chứng minh một cách thuyết phục tính hiệu quả của một phương pháp. Nhưng kết quả đạt được cũng rất khiêm tốn: chỉ tạo thêm 12% lượng mưa và phương pháp này chỉ áp dụng cho một vài loại mây vào mùa đông. Do đó, WMO kết luận: cần nghiên cứu nhiều hơn về những hiện tượng vật lý diễn ra bên trong những đám mây trước khi nghĩ đến việc điều khiển chúng.
Vậy, sau thời gian dài thất bại, có thể lý giải như thế nào việc hiện nay các quốc gia lại quan tâm đến vấn đề điều chỉnh thời tiết? Trước tiên, vì lý do kỹ thuật. Một phương pháp phun hóa chất vào mây mới (dùng muối hút ẩm thay cho tuyết cacbon và i-ốt bạc) vừa được triển khai ở Nam Phi năm 1999. Những thử nghiệm nghiêm ngặt về mặt thống kê (thí nghiệm đơn thuần và thí nghiệm có so sánh đối chiếu với mẫu thử không chứa hóa chất như trong ngành y) cho thấy những kết quả rất hứa hẹn. Sau đó, và có thể đây là nguyên nhân quan trọng nhất, vì lý do chính trị. Dưới góc độ lịch sử, những nghiên cứu về điều chỉnh thời tiết đặc biệt phát triển trong hai trường hợp sau. Thứ nhất: một nước muốn phô trương sức mạnh của mình bằng cách chứng tỏ cho thế giới thấy quốc gia này có khả năng điều khiển cả trời đất. Đó là những gì hiện đang diễn ra không chỉ ở Trung Quốc, Nga, vốn không phải những quốc gia hoạt động tích cực nhất trong lĩnh vực nghiên cứu này, mà cả ở Maroc, nơi Hoàng đế Hassan Đệ nhị quá cố đã phát động một chương trình nghiên cứu mà kể từ đó, nó đã gây chia rẽ ở Tây Phi. Trường hợp thứ hai: các quốc gia cần hành động cấp thiết để chống thiên tai… Đây há chẳng phải những gì hiện đang diễn ra vào thời điểm này ư, nhất là trong bối cảnh những hậu quả của hiện tượng Trái đất nóng lên làm chúng ta càng thêm mất ăn mất ngủ mỗi ngày.
Hồ Thủy An dịch

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)