Lợi ích kinh tế nào khi Việt Nam có giống cây trồng biến đổi gene?
Cây trồng biến đổi gene là kết quả của công nghệ tiên tiến, hiện đại, có khả năng giúp con người vượt qua chặng đường khó khăn về an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, tăng chất dinh dưỡng và đặc biệt hơn hết là vẫn an toàn không khác gì các loại cây trồng khác. Nhưng rất tiếc việc sử dụng thức ăn biến đổi gene lại không có sự đồng thuận rộng rãi của giới tiêu thụ trên thế giới, làm thành một lực cản về kinh tế cho một số nước đang phát triển ủng hộ nghiên cứu và trồng đại trà giống cây trồng biến đổi gene.
Việt Nam có chủ trương đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp. Nhưng hiện nay vẫn là một nước nông nghiệp, trong đó sản xuất nông sản chiếm 20% GDP (2009) và xuất khẩu nông sản là một trong những “lợi ích cốt lõi” của Việt Nam. Gạo, cà phê, điều, hạt tiêu, tôm, cá tra…là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng đem hàng tỷ USD về cho đất nước cho nên việc nghiên cứu, ứng dụng và triển khai cây biến đổi gene phải được nhìn thêm một góc cạnh khác ngoài khoa học kỹ thuật. Đó là góc cạnh kinh tế và thương mại. Đó là thị hiếu của khách hàng. Chúng ta cần phải biết khi sản xuất đại trà thì liệu khách hàng của Việt Nam có chấp nhận thức ăn biến đổi gene không?
Cứ giả sử 4-5 triệu tấn gạo của Việt Nam là “gạo biến đổi gene” thì liệu ta có bán được để thu vào 2.6 tỷ USD như năm 2009 không? Một ví cụ thể là vào năm 2006, Hoa Kỳ đã không xuất khẩu được gạo, mất 1,2 tỷ USD vì có sự hiện diện của giống lúa biến đổi gene. Cũng cần nhắc lại trước đây, vào năm 1999, ngô của Hoa Kỳ cũng đã bị thị trường Âu châu tẩy chay vì là ngô biến đổi gene (Hình 1). Hoặc thức ăn cho tôm cá của Việt Nam được nuôi bằng ngô, đậu tương biến đổi gene thì liệu khách hàng của chúng ta có bỏ ra 5 tỷ USD như năm 2010 để mua thủy sản Việt Nam không? Chúng ta nên nhớ đối với Hoa Kỳ mất 1.2 tỷ USD vì không xuất khẩu được gạo, hoặc ngay cả 5 tỷ USD vì không xuất khẩu được tôm cá thì đó là chuyện nhỏ vì lợi nhuận trong việc bán giống biến đổi gene và những phụ kiện công nghệ sinh học của Hoa Kỳ còn lớn hơn nhiều. Chỉ với một công ty Monsanto thôi, họ đã thu vào 17.1 tỷ USD qua kênh biến đổi gene vào năm 2007 (hạt giống 5 tỷ USD, thuốc diệt cỏ và thuốc BVTV 3.6 tỷ USD, các sản phẩm công nghệ sinh học khác 8.5 tỷ USD).
Khách hàng chính của nông thủy sản Việt Nam là EU và Nhật. Đây là 2 khách hàng cực kỳ khó tính, chống đối thức ăn biến đổi gene một cách mãnh liệt. Phát biểu của Ủy Ban Nông nghiệp Âu Châu về việc Hoa kỳ mất thị trường ngô ở EU vì thức ăn biến đổi gene (Về thị trường ngô ở EU, thị phần của Hoa Kỳ đã giảm một cách rõ rệt trong khi thị phần của các bạn hàng khác, đặc biệt Argenetina và Hungary, đã tăng một cách đáng kể. Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ USDA đã nhận định rằng việc mất thị phần (ngô) ở thị trường EU là kết quả từ những vấn đề liên quan đến công nghệ sinh học (http://ec.europa.eu/agriculture/publi/gmo/ch5.htm), và có hơn 100 hội đoàn phi chính phủ của EU đã ký tên vào một lá thư ngỏ gửi cho OXFAM ngày 12/4/2010 để phản đối tổ chức này đưa ra bản báo cáo về hiệu quả cây biến đổi gene chỉ dựa vào kết quả tốt mà không nói đến kết quả xấu là những dẫn chứng có thật về sự chống đối mạnh mẽ thức ăn biến đổi gene của EU (www.gmwatch.org/).
Tại Úc, cho đến nay chưa sản xuất được hạt giống biến đổi gene. Hầu hết các tiểu bang (ngoại trừ Queensland) đều ngăn cấm không cho phép trồng cây biến đổi gene (www.gmo-compass.org/eng/news/stories). Bang Queensland nơi được phép thử nghiệm, người ta nhận thấy vì phải phụ thuộc vào công ty nước ngoài về giống và những phụ kiện khác, nông dân đã không thu được nhiều lợi nhuận và việc cải thiện môi trường không diễn ra tốt đẹp như nhiều người tưởng. Chỉ có doanh nghiệp là lời to, nhất là các công ty hạt giống siêu quốc gia. Tuy vậy, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Bộ Nông nghiệp của chính phủ Liên bang Úc cũng nhận thấy Úc sẽ mất 1.8 – 7 tỷ USD nếu không tự mình phát triển giống cây biến đổi gene để tham gia vào sự phát triển chung của thế giới. Vì lý do đó mà nay Chính phủ Liên bang Úc châu đã cho phép nghiên cứu và trồng thử cây biến đổi gene. Nhưng cũng chỉ thử nghiệm bó gọn trong 3 loại: cải dầu, bông vải và hoa cẩm chướng. Không có thứ nào trực tiếp làm thức ăn cả.
Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã khẳng định cho đến nay đã có ba doanh nghiệp nước ngoài được phép thực hiện khảo nghiệm ba giống cây chủ lực là ngô, đậu tương và bông vải; và Việt Nam sẽ có giống cây trồng biến đổi gene năm 2011 và đến 2013 sẽ sản xuất giống đại trà để trồng trên diện rộng (Theo Tuoitre Online ngày 11/12/2010). Như vậy từ năm 2013 xác xuất ngô và đậu tương biến đổi gene dùng cho thức ăn gia súc và thủy sản của Việt Nam là rất cao, nếu không nói là toàn bộ. Nếu là vậy thì mặt hàng thịt và tôm cá của Việt Nam cũng được xem là có hàm lượng biến đổi gene. Như vậy khi xuất khẩu, hàng Việt Nam phải dán nhãn có thức ăn biến đổi gene. Việt Nam tự mình tạo thêm một rào cản khác ngoài an toàn vệ sinh thực phẩm: đó là thức ăn biến đổi gene.
Để phát triển một cách bền vững các giống cây biến đổi gene nói trên, và giúp các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không dính vào những khó khăn như vụ cá tra bị EU
đưa vào sổ đỏ vào cuối năm 2010, Việt Nam cần phải tính đến mặt kinh tế khi bằng cách làm rõ những vấn đề sau:
1. Xác nhận xem khách hàng của ta, cụ thể là EU và Nhật, có chấp nhận mua tôm cá trong đó thức ăn là ngô và đậu tương biến đổi gene không?
2. Nghiên cứu xem để biết giống cây trồng biến đổi gene của Việt Nam có thể cạnh tranh với giống của các công ty siêu quốc tế (ví dụ như AmGene, Geneetech, Monsanto… nơi đã dành hàng tỷ USD cho nghiên cứu) về chất lượng hạt giống, về giá hạt giống không? Kinh nghiệm của nhiều nước trồng cây biến đổi gene trên thế giới cho biết chỉ khi nào (Việt Nam) tự sản xuất được giống cây biến đổi gene thì khi đó mới thực sự giúp nông nghiệp và nông dân Việt Nam phát triển bền vững.
3. Nếu giao khoán cho ba doanh nghiệp nước ngoài được phép thực hiện khảo nghiệm và sau đó (dĩ nhiên) được phép kinh doanh hạt giống thì xin điều tra kỹ về những thủ tục cực kỳ khó khăn trong việc mua hạt giống hoặc mua bản quyền giống từ các các công ty siêu quốc gia, để tìm ra giải pháp thích hợp có lợi cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Cho đến bây giờ không ai có thể bảo rằng thức ăn biến đổi gene là không an toàn cho nên đứng về mặt phát triển khoa học kỹ thuật, Việt Nam phải tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật biến đổi gene. Chúng ta cần phải nghiên cứu các loại lúa chống mặn, chống lụt (gene Sub1) để đối phó với biến đổi khí hậu; các loại cây cố định đạm để đối phó với đất bạc màu, đất phèn, đất bị ô nhiễm… để bảo vệ môi trường; các loại cây có dinh dưỡng cao (tăng lượng β carotene cho gạo, tăng lượng Oleic acid & Omega-3 cho đậu nành) để tăng dinh dưỡng cho thực phẩm; hoặc đánh giá cây biến đổi gene cho các loại nông sản quan trọng như lúa, ngô, đậu tương, bông vải và rau quả, cũng như chẩn đoán có hay không gene biến đổi trong nông sản hoặc thức ăn nhập khẩu như ngô, đậu tương, sữa, bơ, phó mát, khoai tây chiên… là những việc rất quan trọng mà Việt Nam cần phải làm ngay, vừa để theo kịp đà tiến bộ chung của thế giới, vừa sửa soạn cho đến khi giới tiêu thụ thế giới chấp nhận thức ăn biến đổi gene, thì Việt Nam cũng đã có sẵn cán bộ và các kỹ thuật công nghệ sinh học về giống, tạo giống và nhân nhanh giống biến đổi gene, phục vụ kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam, phát triển xuất khẩu.
Việc tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật biến đổi gene là cần thiết song phải có lộ trình thích hợp, không nên vì lợi ích của một nhóm người rồi bị rơi vào cái bẫy của những công ty siêu quốc gia khi họ không xâm nhập được thị trường Âu châu và Nhật bản nay quay sang Việt Nam tìm kiếm thị trường mới.
Để nông dân không phải trả giá quá cao… GS. Võ Tòng Xuân Ý kiến của TS Nguyễn Quốc Vọng trên đây là ý kiến đã được nghiên cứu kỹ. Hiện nay nước ta đang theo sau nhiều quốc gia khác trên thế giới, ngay cả sau Philippines và Thái Lan trong ứng dụng giống cây trồng có gene biến đổi (giống GM), mặc dù đã có nhiều cuộc trồng thử không chính thức giống bông vải Bt (có lẽ nhập từ Trung Quốc). Sở dĩ có sự chậm trễ này là vì các nhà xây dựng chính sách của ta, từ Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, đến Bộ Tài nguyên & Môi trường đều rất đắn đo trước những ý kiến ủng hộ (có nhiều bằng chứng) và chống đối (thường dùng lý do giả tưởng, không có minh chứng rõ ràng). Tình trạng này cũng giống như ý kiến phản bác đi ô-tô vì căn cứ vào sự kiện vài tai nạn đã gặp mà kết luận là đi ô-tô sẽ hoặc có thể gặp tai nạn. Cuối cùng thì các chuyên của các Bộ ngành đều nhất trí với các nhà khoa học hoạt động trong ngành CNSH kiến nghị với Chính phủ chính thức công nhận cho nghiên cứu giống GM bằng một loạt các văn bản chính qui: Qui định về an toàn sinh học năm 2005 đến Nghị định số 69/2010/NĐ-CP năm 2010. Hiện nay hầu như các giống GM được bán trên thế giới là giống do một số ít công ty đa quốc gia đã đầu tư hàng tỉ USD để nghiên cứu và sản xuất như Monsanto (Mỹ), DuPont (Mỹ), Syngeneta (Thụy Sĩ), Bayer (Đức). Đây là những công ty chuyên sản xuất dược phẩm, thuê những chuyên viên CNSH trả lương rất cao và đầu tư thiết bị rất đắt tiền, mua cả những công ty giống cây trồng để tạo giống GM. Ngoài gene chủ yếu muốn đưa vào giống mới (năng suất cao, kháng sâu bệnh) họ còn đưa thêm gene kháng một loại hóa chất khác mà họ muốn bán kèm với hạt giống, thí dụ gene kháng thuốc diệt cỏ Roundup. Cho nên khi nông dân trồng bắp Bt họ phải mua thuốc diệt cỏ Roundup để sử dụng. Ở nước ta, việc nghiên cứu giống GM vẫn còn phôi thai, chủ yếu mới chỉ tập trung tại một ít cơ sở khoa học có thiết bị tương đối hiện đại như Viện Công nghệ sinh học ở Hà Nội và Viện Lúa ĐBSCL. Nhưng tất cả các cơ sở vẫn phải nhờ nguồn gene biếu từ các công ty đa quốc gia, và phải tranh thủ phần lớn kinh phí nước ngoài. Kết quả đến nay chúng ta vẫn chưa tạo được giống GM mà người nông dân nghèo rất cần có để trồng như lúa chịu hạn, lúa chịu mặn, bắp chịu hạn… Vì thế khi quyết định sử dụng giống GM, chúng ta cần lưu ý các đề nghị mà TS Nguyễn Quốc Vọng đã nêu, nhất là giống mà ta có thể tạo ra trong nước để nông dân nghèo không phải trả giá quá cao. |