Lợn là trung gian lây truyền bệnh viêm gan E?

Nghiên cứu mới đây cho thấy lợn có thể là vật trung gian truyền nhiễm một chủng virus viêm gan E hepatitis (HEV) vốn thường gặp ở chuột, và gần đây đã lây sang người.


Chủng Rocahepevirus được gọi là “virus HEV chuột” bởi chuột là nguồn lây chính của virus này. Kể từ ca bệnh đầu tiên ở người bị suy giảm miễn dịch tại Hồng Kông vào năm 2018, ít nhất 20 ca bệnh ở người đã được ghi nhận, bao gồm cả những người có hệ miễn dịch bình thường.

Những người bị nhiễm HEV không báo cáo đã tiếp xúc với chuột, khiến nguồn lây bệnh vẫn chưa được xác định. Trong nhiều ca nhiễm HEV ở người khác, nguyên nhân nghi ngờ đến từ việc ăn thịt lợn sống — đây cũng có thể là con đường lây truyền HEV chuột. 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Ohio chỉ ra rằng chủng virus HEV chuột được phân lập từ người có khả năng lây sang lợn và lây lan giữa các vật nuôi chung trong điều kiện giống trang trại. Chuột là loài gây hại phổ biến trong chuồng lợn, vậy nên ngành công nghiệp sản xuất thịt lợn có thể là môi trường mà HEV chuột lây cho con người.

Viêm gan E là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng gan cấp tính ở người, đặc biệt ở những khu vực đang phát triển có điều kiện vệ sinh kém. Loại virus này cũng phổ biến trên lợn tại Mỹ – mặc dù nó tồn tại chủ yếu trong gan hơn là cơ, và sẽ bị tiêu diệt khi nấu chín thịt.

Những nghiên cứu từng kiểm tra khả năng lây nhiễm chéo loài của HEV chuột trước đây cho thấy chủng virus được sử dụng trong các thí nghiệm không lây truyền cho các loài linh trưởng không phải con người.

PGS. Scott Kenney, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết điều này đã bị lãng quên trong khoảng sáu đến bảy năm vì người ta nghĩ rằng đó không phải tác nhân gây bệnh cho con người. Nhưng thực tế lây nhiễm ở hiện tại buộc chúng ta phải tìm hiểu lý do.

Một chủng liên quan tới bệnh ở người là LCK-3110. Kush Yadav, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, đã sử dụng trình tự gene của virus để tạo ra một bản sao truyền nhiễm của chủng này.

Nhóm nghiên cứu lần đầu tiên cho thấy virus nhân bản có thể nhân lên ở nhiều loại môi trường nuôi cấy tế bào người, động vật có vú và ở lợn. Các nhà khoa học sau đó đã tiêm cho lợn một dung dịch truyền nhiễm có chứa chủng LCK-3110 hoặc một chủng HEV khác đang tồn tại trên lợn ở Mỹ, cũng như dung dịch nước muối để làm đối chứng.

Một tuần sau, người ta phát hiện các hạt virus trong máu và phân của cả hai nhóm được tiêm các chủng HEV. Tuy nhiên, nồng độ virus lại cao hơn ở những con lợn bị nhiễm HEV chuột. Hai tuần sau, những con lợn chung chuồng dù không được tiêm cũng bắt đầu thải virus HEV chuột trong phân, cho thấy virus đã lây lan qua đường phân miệng.

Mặc dù các cơ quan và dịch cơ thể của những con lợn nhiễm bệnh đều có kết quả dương tính với RNA virus, song chúng không có dấu hiệu bệnh. Nghiên cứu trước đây cũng cho thấy chuột không có các triệu chứng lâm sàng.

Dù vậy, virus HEV chuột đã được phát hiện trong dịch tuỷ não của lợn nhiễm bệnh – phát hiện này phù hợp với mối lo ngại ngày càng tăng rằng nhiều chủng HEV lây nhiễm sang người có thể gây hại cho não bộ. Một trường hợp tử vong ở người liên quan đến HEV chuột là do viêm màng não.

Yadav cho biết nhiều nghiên cứu hiện nay chỉ ra virus viêm gan E gây bệnh lý thần kinh thế nào. Tuy số lượng nhiễm bệnh ở người chưa nhiều, song một tỷ lệ lớn trong đó là những người có hệ miễn dịch suy yếu. Các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc xem xét sự tồn tại của virus HEV chuột trong các sản phẩm gan lợn cũng như tìm kiếm các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Nghiên cứu vừa được công bố trên PNAS Nexus. □

Trà Giang lược dịch

Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2024-09-pigs-transmission-route-rat-hepatitis.html

Đăng số 19 Tia Sáng

Tác giả

(Visited 155 times, 1 visits today)