Lược khảo Kinh tế học trường phái Áo

Nơi từng là trung tâm văn hóa - học thuật vĩ đại của thế giới, từng là bá chủ châu Âu một thời gian dài này đã sản sinh ra những nhà kinh tế học lỗi lạc và độc đáo bậc nhất thời hiện đại như Carl Menger, Bohm von Bawerk, Joseph Schumpeter, Ludwig von Mises, Fredrick von Hayek...Những trí thức này đã tiến hành phê phán các trường phái kinh tế học đương thời, theo mọi chủ nghĩa, từ tất cả những khía cạnh khác nhau. Và trường phái Áo đã lan tỏa, sinh sôi ra khắp thế giới.


Kinh tế học Trường phái Áo thoạt nghe có vẻ đơn độc và nhỏ bé. Vì nhiều độc giả đương thời hẳn đang nghĩ tới nước Áo như một quốc gia nhỏ bé xinh đẹp giữa lòng châu Âu, và dường như không có tên tuổi của nhà kinh tế lớn nào hay một đại học kinh tế lớn nào gắn liền với nước Áo lúc này. Thế nhưng chúng ta đừng quên rằng mới chỉ một thế kỷ trước đây thôi, nước Áo – với thủ đô Vienna, đang là trung tâm văn hóa – học thuật và quyền lực vĩ đại bậc nhất thế giới, là trái tim của Đế quốc Áo-Hung từng bá chủ Châu Âu một thời gian dài.

Và chính tại nơi đây vào đầu thế kỷ XX, tri thức của loài người đã bùng nổ với những phát kiến quan trọng nhất trong triết học, khoa học, nghệ thuật… có ảnh hưởng đến văn minh loài người trong suốt thế kỷ XX và cho tới bây giờ. Trong bối cảnh đó, từ truyền thống trí tuệ rực rỡ này đã sản sinh ra những nhà kinh tế học lỗi lạc và độc đáo bậc nhất thời hiện đại: Carl Menger (1840-1921), Bohm von Bawerk (1851-1914), Joseph Schumpeter (1883-1950), Ludwig von Mises (1881-1971), Fredrick von Hayek (1899-1992)… Những trí thức này đã tiến hành phê phán các trường phái kinh tế học đương thời, theo mọi chủ nghĩa, từ tất cả những khía cạnh khác nhau. Từ cuộc chiến tư tưởng đó đã cô đọng lại một hệ thống phương pháp tư duy, nhìn nhận về các vấn đề xã hội và nền kinh tế một cách tổng quát, sâu sắc và độc đáo. Tất cả những đặc điểm đó đã hình thành nên một trường phái kinh tế học đặc biệt, gọi là Trường phái Áo, theo tên gọi của mảnh đất đã nảy mầm và vươn lên những cây cổ thụ. Ảnh hưởng của trường phái này lên lý thuyết kinh tế học và chính sách kinh tế – xã hội là sâu đậm. Với sức sống mạnh mẽ của nó, trường phái Áo đã lan tỏa và sinh sôi ra khắp thế giới. 

Bằng tài năng và tri thức uyên bác của mình, tác giả Eamonn Butler đã tóm lược một cách cô đọng và sắc bén những nội dung quan trọng nhất của hệ thống tư duy kinh tế này trong một cuốn sách nhỏ nhắn đến ngạc nhiên. Đây chính là sự ưu việt của tác phẩm này. Người đọc có thể lướt nhanh qua hết cuốn sách chỉ trong vài giờ đồng hồ, là đã “thấy” những điểm cốt tủy của Trường phái Kinh tế Áo. Nhưng bạn sẽ phải quay lại nhiều lần, nghiền ngẫm từng đoạn ngắn để có thể thẩm thấu sâu sắc hơn cách nhìn về thực tại, và sẽ thấy chiều sâu không dễ lĩnh hội của những tư tưởng này. Nhưng nếu bạn chấp nhận mất công cho cuộc vật lộn dài hơn của tư duy, bạn sẽ nhận ra có những cách nhìn mới trong những chiều kích sâu hơn xuyên qua thực tại đang hiển bày của thế giới. 

Cuốn sách mỏng này nằm trong hệ thống một loạt sách giới thiệu về tự do kinh tế nói chung của cùng tác giả Eamonn Butler, và đều do dịch giả tài hoa Phạm Nguyên Trường thực hiện. Các tác phẩm đã xuất bản khác như: Khảo lược Adam Smith, Von Mises Lược khảo, Của cải của các quốc gia và lí thuyết về cảm nhận đạo đức rút gọn, đều đã được Nxb Tri thức xuất bản và đều đáng có trong bộ sưu tập của bạn.

Dù không muốn nhắc lại, nhưng tôi mong bạn sẽ đọc cuốn sách nhỏ bé này không chỉ một lần, vì càng về những lần đọc sau, bạn lại càng thấy thế giới khác lạ hơn những gì bạn đang thấy mỗi ngày.

Tác giả

(Visited 38 times, 1 visits today)