Mạch phun bùn Java do con người gây ra
Cách đây hai năm, trên đảo Java của Indonesia bất ngờ xuất hiện một mạch phun nước và bùn. Hai năm liền một dòng hàng trăm nghìn mét khối chất lỏng nóng và có mùi khó chịu, chứa metan, phun ra từ lòng đất.
Và cũng đã hai năm các chuyên gia đã tranh cãi nhau để xác định thủ phạm: động đất hay khoan thăm dò ? Theo các kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Geological Society of America, chính hoạt động khoan thăm dò cách đó vài mét đã gây ra sự hình thành mạch phun. Nghiên cứu khẳng định kịch bản được Richard Davies (ĐH Durham, Anh) đưa ra mười tám tháng trước: Khoan thăm dò đã chọc thủng một nguồn nước nóng dưới áp lực ở độ sâu gần ba nghìn mét. Nước đã phá vỡ các tầng đá xung quanh và phun lên bề mặt, kéo theo nó trầm tích. Theo nghiên cứu vừa công bố, mạch này sẽ tiếp tục phun trong vài tháng, thậm chí vài năm nữa và không thể có cách nào làm cho nó dừng lại. Mọi ý định lấp mạch đều thất bại vì áp lực quá lớn. Gần mười nghìn kilômét vuông quanh Lusi, tên do người Indonesia đặt cho mạch phun này, đã bị bùn xâm lấn, mười ba người đã chết và hơn mười nghìn người đã phải chuyển đi nơi khác.
(Visited 3 times, 1 visits today)