Margaret Rossiter – Đơn thương độc mã nghiên cứu lịch sử phụ nữ trong khoa học
Nhà sử học Margaret Rossiter đã cống hiến sự nghiệp trọn đời để công chúng biết đến thành tựu của các nhà khoa học nữ đã đặt những nền móng rất quan trọng nhưng đã vô tình hoặc cố ý bị xóa tên trong lịch sử.
Cả Margaret Rossiter (trong ảnh) và Matilda Gage đều đã tạo ra những đóng góp quan trọng, độc đáo đối với nền học thuật Hoa Kỳ nhưng lại bị xem nhẹ trong suốt một thời gian dài.
Năm 1969, Margaret Rossiter khi đó 24 tuổi, là một trong số ít phụ nữ nhập học chương trình sau đại học ngành lịch sử khoa học tại Yale. Mỗi thứ Sáu, Rossiter đều đặn tham gia buổi họp mặt không chính thức giữa các giáo sư và sinh viên tại khoa. Trong những buổi họp vào chiều muộn này, khi mọi người thường uống bia, Rossiter chọn hút thuốc tẩu dù chẳng hứng thú gì, bà cũng tập pha trò trong khi bản thân không hề có óc hài hước. Vì lo sợ bị gạt ra rìa, bà vẫn cố gắng duy trì sự hiện diện của mình, chiến đấu để được chấp nhận trong môi trường mà đàn ông chiếm đa số.
Trong một khoảng yên ắng giữa một buổi trò chuyện như thế, Rossiter đã đưa ra một số câu hỏi cho nhóm giáo sư. “Đã từng có nhà khoa học nữ nào chưa?” Câu trả lời bà nhận được rất rõ ràng: Không. Chưa bao giờ. “Họ đáp lại đầy hống hách,” Rossiter giờ đây đã là giáo sư danh dự (sau khi về hưu) tại Đại học Cornell nhớ lại. Vài người thậm chí còn không thèm nhắc về một nữ khoa học gia lỗi lạc là Marie Curie, người hai lần đoạt giải Nobel. Họ cho rằng Marie Curie chỉ là trợ lý cho chồng và chồng bà mới là thiên tài thực sự phía sau những phát kiến vĩ đại của họ. Thay vì tranh cãi, Rossiter chọn cách im lặng: “Tôi nhận ra họ không chấp nhận thảo luận đề tài này.”
Bị cố ý che mờ sự hiện diện
Chấp nhận hay không, lịch sử của phụ nữ trong khoa học vẫn sẽ trở thành sự nghiệp cả đời của Rossiter, một chủ đề mà bà gần như đơn thương độc mã thực hiện. Công trình “Các nhà nữ khoa học ở Hoa Kỳ” của bà chất chứa hơn một thập kỷ vất vả và bền bỉ thu thập tư liệu, vượt qua nhiều ngàn dặm hành trình để vén bức màn dày đặc của thời gian và đưa những giá trị bị lãng quên ra đại chúng.
“Điều quan trọng cần lưu ý là sự yếu thế xưa nay của phụ nữ trong khoa học (đến nỗi các sử gia chuyên về khoa học không thèm bận tâm) không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng không phải vì đóng góp của họ quá ít ỏi, mà bởi sự cố ý che mờ sự hiện diện của họ trong khoa học.” Rossiter viết như vậy trong lời mở đầu của tập đầu tiên.
Nghiên cứu của Rossiter “mang tính cách mạng” là đánh giá của Anne Fausto-Sterling, giáo sư danh dự tại Đại học Brown, chuyên gia về di truyền học phát triển, người đã rất ngạc nhiên với tập một khi cuốn sách được ra mắt. “Nghĩa là tôi đừng bao giờ nên tin bất kỳ điều gì mà bất kỳ ai nói với tôi về những gì phụ nữ đã làm hoặc không làm trong quá khứ, tôi cũng không nên đưa ra bất kỳ đánh giá nào về những gì họ có thể làm trong tương lai.”
Các nhà sử học hàn lâm thường không tạo ra tác động tức thời đến cuộc sống hằng ngày. Nhưng Rossiter là một ngoại lệ. Khi “khai quật” lại cuộc đời bị chôn vùi của những phi hành gia, nhà vật lý, hóa học, côn trùng học và thực vật học là nữ, Rossiter đã dọn đường cho các nhà khoa học nữ tương lai. “Nghiên cứu của bà khẳng định đóng góp của phụ nữ trong khoa học và rằng đội ngũ của chúng ta có thể lớn mạnh vì phụ nữ có đầy đủ năng lực khoa học,” theo Londa Schiebinger, sử gia chuyên về khoa học tại Đại học Stanford. Thêm vào đó, nghiên cứu của Rossiter cũng giải thích rằng các nhà quản trị cần phải tái cấu trúc môi trường học thuật sao cho thu hút được nữ giới. “Bà đã khiến chúng ta ngộ ra nhiều rào cản mà những phụ nữ tài năng đối mặt.”
Những phát hiện của Rossiter đã gây ấn tượng đối với các nhân vật chủ chốt ở Quỹ Khoa học Quốc gia (Hoa Kỳ), nơi tài trợ cho nghiên cứu của bà từ thập niên 1980 và duy trì suốt nhiều năm, cũng bắt đầu cấp ngân sách nhằm gia tăng sự hiện diện và tiến bộ của nữ giới trong lĩnh vực kỹ thuật và khoa học hàn lâm.” Schiebinger nói. “Tất cả những nghiên cứu được dẫn chứng cặn kẽ của Margaret Rossiter đã đánh động được các tổ chức học thuật phải thay đổi.”
Matilda Gage (1826-1898) là tiêu điểm nghiên cứu của Rossiter, Rossiter đã trích dẫn Gage: “đàn ông cấm phụ nữ gặt hái thành quả từ công sức khó nhọc của chính họ.” Ảnh: Alamy.
Hiệu ứng Matilda
Ngược về năm 1993, khi đó bà đã sáng tạo một khái niệm mà đã trở thành hiện tượng được nhiều người biết đến: “hiệu ứng Matilda”, được đặt theo tên của nhà hoạt động đòi quyền bầu cử cho phụ nữ là Matilda Gage, người mà thành tựu của bà bị các sử gia gạt đi, bản thân Gage cũng từng viết tường tận về cách mà các nhà khoa học nữ bị lịch sử chối bỏ. Rossiter đã sáng tạo nên khái niệm này nhằm hình tượng hóa những sự tôn vinh sai đối tượng và được trích dẫn trong hàng trăm nghiên cứu, gây được ấn tượng khiến các tổ chức học thuật phải đấu tranh để loại trừ nó và khiến các học giả có tư tưởng bình đẳng giới theo dõi vấn đề một cách chặt chẽ hơn nữa.
Cả Margaret Rossiter và Matilda Gage đều đã tạo ra những đóng góp quan trọng, độc đáo đối với nền học thuật Hoa Kỳ nhưng lại bị xem nhẹ trong suốt một thời gian dài.
Tôi gặp Rossiter ở Trung Tâm Matilda Joslyn Gage tại Fayetteville, New York và Colleen Pilcher lúc đó là phó giám đốc bảo tàng cùng đợi để được gặp bà. Rossiter quan sát xung quanh và dừng lại ở một khung ảnh chụp cảnh Gage dựa tay lên cạnh bàn, mái tóc xoăn đã hoa râm, đang nhìn vào tập hồ sơ mải mê và chăm chú. “Họ dám chống lại thế lực đang kiểm soát mọi thứ trên đời — báo chí, nhà thờ, mọi văn phòng công vụ từ địa phương đến trung ương. Đàn ông nắm giữ tất cả sức mạnh, ở khắp mọi nơi,” Rossiter nói.
Không kém cạnh những nhà cải cách đã thành công trong việc loại bỏ thế lực nhà thờ khỏi chính quyền, Gage là người đầu tiên xuất bản một nghiên cứu về phụ nữ Hoa Kỳ trong khoa học, trước Rossiter cả một thế kỷ. Trong tiểu luận “Phụ nữ, nhà phát minh” xuất bản năm 1870 và in lại trên tờ North American Review năm 1883, bà viết: “Những phát minh của một quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với tự do của người dân của quốc gia đó.” Nếu được trao nhiều tự do hơn, phụ nữ sẽ có cơ hội cống hiến cho sự tiến bộ kỹ thuật của đất nước. Bà chứng minh cho lập luận này bằng một loạt các phát minh do phụ nữ khởi xướng (trong đó có xe nôi, lò nung chảy quặng, đinh vít, …).
Rossiter lần đầu biết về Gage vào đầu thập niên 1990, khi đọc một cuốn sách khá mơ hồ về những phụ nữ trí thức bị phớt lờ. Gần ngay sau đó, năm 1993, Rossiter tham dự một hội nghị mà tại đó các nhà nghiên cứu trình bày một số công trình về những nhà khoa học nữ có thành tựu bị ghi nhận sai là thuộc về nam giới. “Nó là một hiện tượng,” Rossiter nhớ lại. “Bạn cần đặt tên cho nó. Nó sẽ được biết đến rộng rãi trong giới khoa học nếu có một cái tên.” Bà quyết định đặt là “hiệu ứng Matilda,” và viết một bài luận trên tạp chí Social Studies of Science với tiêu đề “Hiệu ứng Matthew Matidal trong Khoa học.” Rossiter viết “Gage nhận ra phụ nữ làm việc càng nhiều thì đàn ông xung quanh hưởng lợi càng nhiều, còn họ thì nhận được ít đi.”
Rossite trích dẫn một nạn nhân của hiện tượng Matilda từ thế kỷ 11 đồng thời cũng nêu ra những trường hợp gần hơn như Jocelyn Bell Burnell, một nghiên cứu sinh về thiên văn vô tuyến ở Đại học Cambridge cuối thập niên 1960 là người đầu tiên trong phòng thí nghiệm của bà phát hiện thiên thể mà sau này được xác nhận là sao Pulsar. Mặc cho những đóng góp rõ ràng, bà vẫn không được xem là đồng tác giả với các đồng nghiệp nam trong khi nhóm nghiên cứu của bà đoạt giải Nobel Vật lý năm 1974 cho khám phá này. Năm ngoái, tức 25 năm sau khi Rossiter ghi nhận thành tựu của Bell Burnell và 44 năm sau khi bị cướp mất giải Nobel, Burnell mới được trao Giải Đột phá Đặc biệt (Special Breakthrough Prize) Phần thưởng trị giá 3 triệu USD được bà quyên tặng cho Viện Vật lý Anh quốc, nhằm tài trợ cho những thành phần chịu sự đánh giá bất công – phụ nữ, người tị nạn, và sắc tộc thiểu số. “Tôi linh cảm là những người thiểu số bị lãng quên sẽ đem đến một góc nhìn mới mẻ về mọi thứ,” Burnell chia sẻ với BBC.
* * *
Matilda Gage (1826-1898) là tiêu điểm nghiên cứu của Rossiter, Rossiter đã trích dẫn Gage: “đàn ông cấm phụ nữ gặt hái thành quả từ công sức khó nhọc của chính họ.” Ảnh: Alamy.
Rossiter nghĩ việc mình lần đầu đến thăm bảo tàng Gage chỉ là chuyến tham quan một di tích của đề tài lịch sử mà bà quan tâm nhưng hóa ra lại là một chuyến khám phá. Trên thực tế, không phải chế độ nam quyền đã gạch bỏ Matilda ra khỏi lịch sử, Colleen Pilcher giải thích, nghiên cứu của bà đã được trích dẫn bởi người đồng nghiệp Wagner trong hàng thập kỷ. Nhưng các nhân vật tai to mặt lớn đã tách Gage khỏi hai cộng sự cùng đấu tranh đòi mở rộng quyền bầu cử, bằng cách lợi dụng sự chia rẽ quan điểm giữa họ về vai trò của tôn giáo đối với phong trào.
“Gage cảm thấy chính Cơ đốc giáo là gốc rễ của các vấn đề của nữ giới,” Pilcher nói. Các bài viết của Elizabeth Cady Stanton – đồng sự của Gage đã cho thấy việc họ hợp tác với các nhóm phụ nữ sùng đạo, bao gồm Liên minh do Frances Willard (nhà cải cách, sáng lập và là Chủ tịch Hiệp hội phụ nữ vận động vì Cơ đốc giáo) lãnh đạo. Nhóm này muốn Chúa phải là lãnh tụ tối cao trên của chính phủ Hoa Kỳ. Động thái trên đã khiến Gage tách khỏi Stanton và Susan B. Anthony để lập ra nhóm đấu tranh riêng, cạnh tranh với nhóm ban đầu. Đến khi Stanton và Anthony chỉnh sửa lại cuốn Lịch sử quyền bỏ phiếu của phụ nữ mà Gage từng là cộng sự, họ đã xóa tên tác giả của bà.
Ta thấy ở đây một điều lạ lùng của lịch sử nữ quyền, một trong những thuật ngữ nổi tiếng nhất về hiện tượng những nhà khoa học nữ bị chối bỏ lại được đặt theo tên một phụ nữ từng bị cố ý hạ thấp vai trò – không phải bởi một gã cướp công nào đó mà là chính hai nhà nữ quyền có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử. Trong nỗ lực giành quyền bỏ phiếu, Stanton và Anthony đã đưa ra các quyết định thích nghi với cấu trúc quyền lực truyền thống – có những kẻ phân biệt chủng tộc, một số chân tay của nhà thờ, và tất cả đều là đàn ông. Có cơ sở khi nói rằng đàn ông đã ép Stanton và Anthony phải xóa Gage. “Nhưng ‘cuối cùng’ chế độ trọng nam khinh nữ loại bỏ luôn Susan B. Anthony và Elizabeth Cady Stanton,” Rossiter sau đó viết trong một email. “Bởi trong thời của tôi (học đại học và sau đại học vào thập niên 1960), tất cả lịch sử của phụ nữ bị lãng quên hoặc rất ít được dạy ở trường.”
Lần theo dấu vết
“Thế hệ thứ 5 của Malden” Rossiter thích nói về mình như vậy, theo như phả hệ vùng New England. Malden có thể ít được biết đến, nhưng nó rất giàu truyền thống đấu tranh: Đây là thị trấn đầu tiên kiến nghị lên chính phủ thực dân phải rút ra khỏi ách thống trị của Anh. Cặp đồng tính kết hôn hợp pháp đầu tiên của Hoa Kỳ đến từ Malden (họ cưới nhau gần Cambridge). Cha của Rossiter là cựu sinh viên Harvard và giáo viên trung học môn lịch sử , còn mẹ bà tốt nghiệp trường Radcliffe, nuôi dạy con và chỉ ra ngoài làm việc sau khi nhận bằng thạc sĩ. Trước khi vào bậc trung học, Margaret Rossiter là cô bé nghiện đọc trong một ngôi nhà đầy sách, đã hình thành niềm đam mê với lịch sử khoa học. “Margaret, người dự định học toán tại Radcliffe, liệt kê tiểu sử những nhân vật ở thế kỷ 17 mà bà muốn đọc,” tờ Boston Globe viết như thế năm 1962, trong một bài báo khen ngợi cô nữ sinh Rossiter vì đã giành được một suất học bổng quốc gia dành cho học sinh xuất sắc về cho khu vực. Bà theo học trường Radcliffe và tốt nghiệp năm 1966. Bà vẫn nhớ mình đã từng miệt mài đọc tập san lịch sử khoa học Isis, trên chiếc giường cao nhất trong phòng ký túc xá.
Vera Cooper Rubin (1928-2016), tiên phong nghiên cứu phát hiện ra bằng chứng về vật chất tối và suốt đời ủng hộ cho sự tiến bộ phụ nữ.
Sau khi hoàn thành bậc học tiến sĩ tại Yale năm 1971, bà trở thành người phụ nữ hiếm hoi trong một chuyên ngành hẹp và muộn như vậy đã nhận học bổng nghiên cứu tại Harvard. Ở nơi đây, bà lật giở kỹ lưỡng bộ sách Những người đàn ông Hoa Kỳ trong Khoa học, một kiểu bách khoa toàn thư lịch sử. Bất chấp sự khẳng định của các giáo sư tại Yale rằng không có những nhà khoa học nữ và bất chấp tiêu đề của bộ sách, bà đã kinh ngạc khi thấy một số bài viết về phụ nữ – những nhà thực vật học tại Wellesley, nhà địa chất học từ Vermont. Từ đây có những cái tên, những dấu vết bà có thể lần theo. Sau đó Rossiter cũng tiến hành nghiên cứu về phụ nữ trong khoa học ở kho tư liệu của viện Smithsonian tại Washington, D.C.
Từ Malden, bà lái chiếc xe gia dụng Volkwagen đến những trường đại học nữ sinh, đào bới trong những hộp lưu trữ. Dựa vào thông tin trên cáo phó, bà phát hiện những nhà khoa học nữ bị cô lập bên trong những trường dành cho nữ (bà định nghĩa đó là “sự phân chia địa hạt”) hoặc họ bị đánh giá thấp, bị trả lương thấp, chỉ làm chân trợ lý ở nơi chứa hàng núi công việc tẻ nhạt, không bao giờ được thăng chức như đồng nghiệp nam (“phân chia thứ bậc”). Bà cũng phát hiện, khi đọc những lá thư giới thiệu, những cách thức mà bà gọi là “thứ logic kém cỏi” được đàn ông vin vào để giải thích tại sao nữ giới không nên được thăng chức (một ví dụ kinh điển: “không có tiền lệ cho việc này”). Tóm lại, bà đã phát hiện rằng nhiều nhà khoa học nam không đủ lý trí khi nói đến phụ nữ. Phụ nữ không được công nhận “vì điều này không tuân theo khuôn mẫu, vì nỗi sợ và vì quan điểm bảo thủ lâu nay,” bà viết. Ví dụ, tập thể các giáo sư nam đã nỗ lực thẩm tra, ngăn chặn việc bổ nhiệm chức danh giáo sư cho nhà vật lý Đức nổi tiếng, Hertha Sponer – người phụ nữ đầu tiên trong khoa Vật lý ở Đại học Duke.
Bản thân Rossiter, sau khi tốt nghiệp một thập kỷ, vẫn không thể đảm nhận được một vị trí chính thức, và vẫn chỉ là học giả mời tại Đại học Cornell. “Margaret biết mình xứng đáng được hưởng chức danh trọn đời (tenure track),” Fausto-Sterling nhớ lại, “thật là bất công cho cô ấy”.
Sau đó, vào cuối năm 1982, Rossiter xuất bản tập đầu tiên của bộ sách Các nữ khoa học gia tại Hoa Kỳ, được nhà xuất bản Đại học Johns Hopkins ấn hành. New York Times đã nhiệt liệt tán dương bộ sách lịch sử. “Những chi tiết phong phú mà bà phát hiện về lịch sử của những nhà khoa học nữ Hoa Kỳ, đặt trong bối cảnh xã hội thay đổi trong hế kỷ 19 và 20, và kết quả là một cuốn sách bề thế,”, nhà phê bình, cùng là nhà sử học Alice Kimball Smith viết.
Rossiter là học giả khách mời ở Cornell khi bà được trao học bổng của Quỹ MacArthur (thường gọi là quỹ tài trợ cho thiên tài) vào năm 1989. Mùa xuân năm 1990, Đại học Georgia đề bạt bà vào một vị trí chính thức. Về phía Đại học Cornell, bà nghĩ rằng một thành viên nữ trong hội đồng tín thác Cornell đã can thiệp, bởi vì Cornell bất ngờ thành lập một khoa mới phù hợp với sở nguyện của Rossiter – Chương trình sau đại học về Lịch sử và Triết học của Khoa học và Công nghệ. Nhiệm kỳ bắt đầu từ năm 1991. Sau nhiều năm tìm kiếm để phản bác lại những người mà bà theo học, cuối cùng bà đã nhận được hỗ trợ từ tổ chức để tìm hiểu về những trở ngại mà những người xứng đáng nhưng không được hỗ trợ phải đối mặt.
Hertha Sponer (1895-1968), nhà vật lý nổi tiếng người Đức và là người phụ nữ đầu tiên trong khoa Vật lý ở Đại học Duke.
Năm 2013, Fausto-Sterling, người đã sử dụng tiếp cận sinh học để nghiên cứu về bản dạng, khác biệt giới, đã đồng hành cùng Rossiter để đảm bảo những đóng góp của Rossiter được tiếp cận rộng rãi. Fausto-Sterling đã tham gia cùng với cựu sinh viên của bà, Maia Weinstock, người dẫn đầu một loạt các chỉnh sửa trên Wikipedia về đời sống và thành tựu của các nhà khoa học nữ trên bộ bách khoa toàn thư trực tuyến, đa nguồn và miễn phí này. Fausto-Sterling phát hiện rằng trang viết về Rossiter còn rất sơ sài. “Tôi đã bị sốc khi trang viết về bà chỉ gồm các đề mục,” Fausto-Sterling sau đó đã chỉnh sửa, thêm nhiều nội dung chi tiết cho trang này. □
Cao Hồng Chiến lược dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.smithsonianmag.com/science-nature/unheralded-women-scientists-finally-getting-their-due-180973082/