Mary Cleave: Nữ phi hành gia đứng đầu Ban Khoa học của NASA

Mary Cleave là người phụ nữ thứ 10 bay vào không gian, bay quanh quỹ đạo Trái đất 172 lần và đi được 3,94 triệu dặm trong các sứ mệnh không gian của mình.

Mary Cleave trong chuyến bay đầu tiên.

Uớc mơ thuở nhỏ thành hiện thực

Mary Louise Cleave sinh ngày 5/2/1947 tại Southampton, New York. Từ khi còn bé, bà đã vô cùng thích máy bay, và khi lớn lên, bà đã lấy bằng phi công trước khi có bằng lái xe. Từng có lúc, bà muốn trở thành tiếp viên hàng không, nhưng với chiều cao khiêm tốn là 1,5m, bà quá thấp để đảm nhiệm vai trò này, theo quy định của các hãng hàng không.

Bà lấy bằng cử nhân khoa học tại khoa Khoa học sinh học ở Đại học bang Colorado vào năm 1969 và thạc sĩ sinh thái vi sinh vật, tiến sĩ kỹ thuật dân dụng và môi trường từ Đại học bang Utah lần lượt vào năm 1975 và 1979.

Một lần tình cờ, bà trông thấy một quảng cáo tại bưu điện địa phương, thông báo rằng NASA đang tìm kiếm các nhà khoa học gia nhập vào đoàn phi hành. Vào thời điểm đó, Cleave đang làm việc tại một phòng thí nghiệm nghiên cứu và trong quá trình hoàn thành chương trình học tiến sĩ ở Đại học Utah. Bà đã nộp đơn và được NASA chấp nhận vào hai năm sau đó. Mary Cleave là thành viên của nhóm phi hành gia thứ chín của NASA được tuyển chọn vào năm 1980.

Bay vào quỹ đạo

Trong chuyến bay đầu tiên, Cleave tham gia với tư cách là chuyên viên trong lần phóng thứ hai của tàu con thoi Atlantis vào ngày 27/11/1985. Bà trở thành người phụ nữ thứ 10 bay vào vũ trụ, với hành trình tổng cộng 10 ngày và 22 giờ trên quỹ đạo Trái đất.

Là thành viên của phi hành đoàn STS-61B, bà đã giúp quay lại hình ảnh của quá trình triển khai ba vệ tinh liên lạc và nắm quyền điều khiển cánh tay robot của tàu quỹ đạo nhằm hỗ trợ đồng đội đi bộ ngoài không gian để thử nghiệm các kỹ thuật xây dựng công trình trên quỹ đạo.

Cleave kể lại trong một cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu của NASA năm 2002: “Có vẻ như họ hay giao cho phụ nữ điều khiển cánh tay (Hệ thống điều khiển từ xa con thoi (SRMS) hay còn gọi là Canadarm) thường xuyên hơn cánh đàn ông, và có tin vỉa hè là vì họ nghĩ phụ nữ giỏi điều khiển cánh tay robot hơn”.

“Khổ người tôi nhỏ quá nên người ta chẳng kiếm được bộ đồ du hành nào vừa cả. Vì thế, tôi làm kỹ sư phi hành trên chuyến bay và điều khiển cánh tay [robot]. Với tôi, thật đáng thất vọng khi mình không thể ra [ngoài tham gia vào] EVA [hoạt động bên ngoài tàu không gian], nhưng tôi rất vui với chuyện đã diễn ra.”

STS-61B là đội ngũ đầu tiên sử dụng cánh tay robot để di chuyển các phi hành gia xung quanh như thể họ đang đứng trên chiếc xe nâng người, chỉ khác là nó nằm trong không gian.

Cleave nói. “Tôi đã phải tập luyện rất cẩn thận vì cánh tay có thể xuất hiện sự cố, nó có thể bắt đầu di chuyển… vô cùng nhanh, vì vậy tôi phải rất cẩn thận để lúc nào cũng biết rõ là cánh tay đang ở đâu và nó sẽ phải di chuyển tới đâu, để nếu như phải phanh lại, tôi sẽ không bóp nát các phi hành gia ngoài đó và khiến họ mắc kẹt giữa cánh tay và cấu trúc.”

“Đó là phần khó nhất trong toàn bộ việc điều khiển, bởi vì có những khía cạnh an toàn trong đó mà tôi phải vô cùng, hết sức cẩn thận, tôi không hề muốn quay về rồi nói với Jerry [vợ của Ross] hay Woody [vợ của Spring] là: ‘Xin lỗi nhé, tôi đã bóp nát chồng cô mất rồi.’ Tôi không muốn làm điều đó đâu,” bà bật cười và nói.

Với tư cách là kỹ sư phi hành của con tàu, Cleave được ngồi ở buồng lái trong cả quá trình phóng và hạ cánh, với người chỉ huy (Brewster Shaw) và phi công (Bryan O’Connor). Bà có nhiệm vụ triển khai các tàu thăm dò tốc độ, theo dõi các lệnh do Cơ quan Kiểm soát Nhiệm vụ yêu cầu và nêu ra các mốc quan trọng của chuyến bay. Tàu Atlantis hạ cánh tại Căn cứ Không quân Edwards ở California vào ngày 3/12/1985. Cleave kể lại: “Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng bánh xe trượt trên đường băng ở Edwards trước khi chúng tôi có thể cảm nhận được bất cứ thứ gì ở phần đuôi tàu. Nó cực kỳ êm luôn. Êm ái hơn bất kỳ cuộc hạ cánh bằng máy bay nào.”

Cleave trở lại vũ trụ vào bốn năm sau đó, một lần nữa trên tàu Atlantis, vào ngày 4/5/1989. Là chuyên viên của phi hành đoàn STS-30, bà là người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian kể từ sau thảm kịch của tàu Challenger vào tháng 1/1986 – con tàu đã vỡ tung khi bay được 73 giây, khiến toàn bộ phi hành đoàn gồm bảy thành viên thiệt mạng, bao gồm cả giáo viên đầu tiên được chọn để bay vào không gian. 

Cleave đã cùng đồng đội triển khai tàu thăm dò sao Kim Magellan. Bà cũng cùng chuyên viên Mark Lee loại bỏ, thay thế máy tính đa năng bị hỏng và dùng laptop để chạy và điều hành thiết bị thí nghiệm chất lỏng. Phi hành đoàn STS-30 hạ cánh xuống căn cứ Edwards vào ngày 8/5/1989. Tàu thăm dò Magellan đi vào quỹ đạo quanh sao Kim 15 tháng sau đó, và nó đã ghi lại bản đồ của hành tinh này cho tới tháng 10/1994.

Chuyển hướng nghề nghiệp

Sau STS-30, NASA tiếp tục chỉ định Cleave thực hiện chuyến bay khác. Nhưng bà cho biết mình đã đổi ý trong khoảng thời gian bốn năm chờ bay giữa hai sứ mệnh. Trong khoảng thời gian này bà trở nên ngày càng quan tâm tới những vấn đề môi trường.

Cleave chia sẻ bà đã nhìn thấy hành tinh này thay đổi như thế nào khi từ vũ trụ nhìn về Trái đất: “Bầu khí quyển vẩn đục hơn, ít cây xanh hơn, nhiều đường sá hơn, tất cả những thứ đó”.

“Tôi không thấy hào hứng về những điều lúc đó mình làm, bởi vì nó chẳng liên quan gì tới [môi trường]”, bà nói thêm, đề cập tới công việc phi hành gia.

Bà đã đưa ra một quyết định khó khăn khi rời khỏi đội ngũ phi hành gia và trung tâm phi hành gia của NASA tại Houston, để tới làm việc tại Trung tâm bay không gian Goddard ở Maryland vào năm 1991. Ở đây, bà tham gia vào một dự án có tên là SeaWiFS, một cảm biến giám sát đại dương nhằm đo lường thảm thực vật toàn cầu.

Cleave cuối cùng chuyển đến làm việc tại trụ sở chính của NASA ở Washington, DC, vào năm 2000, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức phó quản trị cho Ban Giám đốc Sứ mệnh Khoa học của NASA – vai trò hàng đầu giám sát các chương trình nghiên cứu của cơ quan vũ trụ này. Theo NASA, trong vai trò đó, Cleave “đã hướng dẫn một loạt chương trình nghiên cứu và khám phá khoa học cho hành tinh Trái đất, thời tiết không gian, hệ Mặt trời và vũ trụ”. Bà cũng giám sát một loạt chương trình nghiên cứu được tài trợ và rất nhiều con tàu không gian, nhỏ thì tàu do nghiên cứu viên chính điều khiển, cho tới những con tàu vũ trụ lớn.

Bà nghỉ hưu ở NASA vào năm 2007, chọn gắn bó với công việc tình nguyện và khuyến khích phụ nữ trẻ tham gia các hoạt động khoa học.

Cuối tháng trước, vào ngày 27/11/2023, nữ phi hành gia Mary Cleave đã qua đời, hóa thành một vì sao trong vũ trụ bao la.

Phương Anh – Đào Liên

Nguồn: space.com, wtop.com

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 49)

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)