Mất gió
Trở về, điều làm tôi khủng khiếp là từ quê ra tỉnh giờ bí bức quá. Quê, thì mái bằng mái nhọn chóp củ hành, chỗ giống điện Kremlin, chỗ từa tựa nhà thờ Hồi giáo. Ðến cả bãi tha ma cũng nhốn nháo y hệt phố phường.
Tỉnh, là Hà Nội của tôi mà khi xa tôi vẫn gào “mỗi khi lòng xác xơ” thì chuồng cọp, sinh cùng thời nhà lắp ghép Giảng Võ Trung Tự Thành Công, có xấu cũng còn phúc chán. Vì còn có nơi cho gió đi về. Còn giờ, phố phường nêm chặt toàn người với tường. Trở lại khu tập thể từng sống suốt tuổi thơ, suốt một thời con gái, kinh ngạc không còn kịp ngậm ngùi nỗi trẻ con giờ không còn chỗ mà chạy nhảy. Mãi mãi chỉ còn trong kí ức vườn hoa xưa, mái hầm công cộng cỏ xanh um nơi trốn tìm lí tưởng, tiếng bóng chuyền dội trong mỗi hoàng hôn và tiếng trẻ reo à à.
Nhà tôi đã nhanh chân nhảy ra khỏi khu tập thể mười mấy năm nay, nhảy ra rồi bò vào trong làng hẳn hoi. Hồi nhà mới chuyển, ông ngoại các cháu sung sướng lắm. Vì đêm có tiếng ếch nhái, tiếng mưa rơi trên ao nước sau nhà, chiều tạnh cơn giông rô ron rạch lên tận cửa, lại còn con tắc kè ẩn cư bên vườn nhà thờ đêm nào cũng động giấc già. Lương hưu thì mua được mấy con tem bưu điện gửi ra nước ngoài, vậy mà cụ thư nào cũng lòng thòng đủ thứ chuyện quê trong phố như thế.
Nhưng trở về, lạ lùng vì chỉ có dăm ba năm mà những chuyện vui tuổi già đã tiệt đâu mất. Không còn vườn trong phố. Vườn trong phố mất trước cả khi tác giả bài thơ (Lưu Quang Vũ) mất. Dĩ nhiên rồi. Trong làng cũng chả mấy nhà còn vườn. Ngõ làng cũng không còn những mảng tường gạch vỡ đặc trưng mà tôi thậm ghét, do có cái lỗ chọc từ phía trong chuồng lợn ra thiên nhiên, đóng góp cho mọi thôn xóm Việt Nam cái mùi đồng quê đặc biệt. Bảo là dễ chịu thì lạy trời, chắc chắn là không phải. Nhưng trong gió quê làng mà thiếu cái mùi đó là thiếu hẳn một chút gì để biết thời này vẫn là thời của mình.
Thì còn chỗ nào để cho gió vào ra chuyên chở mùi nữa. Nhà ai bây giờ tứ bề không áp tường nhà hàng xóm thì không phải là dân quê đặc hoặc nghèo kiết hoặc lẩm cẩm hơn cả mình chắc cũng cỡ đại gia. Thành thử về nhà, được anh hàng xóm lần đầu gặp mặt mời qua chơi, đứng dưới gốc cau, sung sướng thấy hóa ra Hà Nội vẫn còn chiều gió nổi là cả một khám phá với người trở về. Bởi vì đi cách Hà Nội đến cả năm mươi cây số, trên vùng đất cao Bất Bạt, nơi người sống kí gửi xương cốt người thân đã khuất cho mát mẻ mà lạy giời, cũng cấm có gió. Bốn bề bia mộ bê tông đá rửa, nuốt hơi nắng hạ và nhả ra lập tức, có cảm giác lá cây bạch đàn gầy guộc lào phào trên đầu cũng có thể bất thần rụng xuống, khô cong.
Nhân định thắng thiên. Thì đã có máy điều hòa. Lại nhớ câu người đời thương nhau vẫn dặn nhau, kể cũng tới ngàn đời: “cẩn thận kẻo gió máy thì khốn”.
Tôi vẫn không hiểu tại sao lại có âm tiết “máy” trong từ “gió máy”. Chắc có chút gì dính líu tới sự xoay vần của “con tạo” chăng? “Gió” không thì lành. „Gió máy“ thành dữ. Máy điều hòa thì không đến nỗi vậy. Không có nó thì làm sao ngủ nổi, nếu là người dư ăn dư mặc không phải lăn lưng làm cửu vạn. Dù biết hơi mát mình đang hưởng có phần hơi nóng của máy lạnh tỏa nhiệt người khác chịu thay mình. Hạnh phúc chẳng phải lúc nào cũng là cái chăn như cụ Nam Cao hình dung, nhưng đúng lúc nào cũng hẹp.
Ấy, sự đời. Sướng thì phải hưởng. Nhưng để cho cái sướng được vẹn toàn thì phải luyện chiêu day dứt. Ơ hơ, cứ cái đà này, niềm sung sướng giản dị của nhiều đời nhiều thời “tịch” mất rồi. Là gió, gió đồng ngô, gió bãi sông, gió đầu dốc bến, gió bờ giếng, gió trên cầu, gió từ vườn xa thổi dọc phố làm tung vạt áo con gái, ướp những chũm cau tuổi mười lăm mười sáu một mùi ổi chín, của thời tôi. Thứ gió mềm bởi sạch, không mang theo hơi xăng, không mang theo cát bụi. Thứ gió lành mà bà tôi năm xưa được đêm trăng sáng không có máy bay Mỹ vào ra vẫn tấm tắc “gió mát như quạt hầu”. Thứ gió diệu kì làm người ta thấp tha thấp thỏm “Gió sao gió mát sau lưng – dạ sao dạ nhớ người dưng…”