Máy gia tốc hạt giải mã huyền thoại nhiều thập kỷ về Tiếng thét

Cuộc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ chung quanh vết trắng tình cờ ở trung tâm kiệt tác Tiếng thét của danh họa Edvard Munch cuối cùng đã được khép lại bằng kết quả phân tích mẫu vật trên máy gia tốc PETRA III đặt tại Trung tâm Gia tốc Electron Đức (DESY).

Họa sỹ Edvard Munch đã vẽ bốn phiên bản Tiếng thét bằng sơn dầu và phấn màu trong quãng thời gian từ năm 1893 đến 1910. Hiện bức sơn dầu vẽ năm 1839 được trưng bày tại Phòng trưng bày Quốc gia Na Uy, bức sơn dầu vẽ năm 1893 và phấn màu vẽ năm 1910 tại Bảo tàng Munch, bức thứ tư – phấn màu vẽ năm 1895 – đã được nhà đấu giá Sotheby bán vào ngày 2/5/2012 cho doanh nhân người Mỹ Leon Black với giá 119,9 triệu USD. Nhà phê bình Arthur Lubow từng viết trên tạp chí Smithsonian của Viện nghiên cứu Smithsonian (Mỹ) năm 2006, “Tiếng thét của Munch là biểu tượng của nghệ thuật hiện đại, một Mona Lisa của thời đại chúng ta”. Cũng như nhiều tác phẩm khác của Munch, Tiếng thét được sinh ra từ những bi kịch, bệnh tật và thất bại của cá nhân họa sĩ, như có lần ông đã viết, “Cũng như bệnh tật, nỗi sợ hãi cuộc đời là điều cần thiết đối với tôi. Không lo âu và bệnh tật, tôi chỉ là con thuyền không bánh lái… Đau đớn, khổ sở là một phần của bản thân tôi và nghệ thuật của tôi. Chúng với tôi là một, và hủy diệt chúng cũng có nghĩa là hủy diệt nghệ thuật của tôi”.

Vết trắng trong kiệt tác Tiếng thét
Đáng chú ý trong số bốn phiên bản Tiếng thét thì bức sơn dầu ở Phòng trưng bày Quốc gia Na Uy được chú ý nhiều nhất, không chỉ ở chỗ được vẽ sớm nhất mà còn bởi có một vết trắng bí ẩn nằm ở trên vai nhân vật chính của bức tranh. Vết trắng này đã trở thành chủ đề gây tranh cãi nhiều thập kỷ qua. Người ta vẫn biết rằng Munch đã vẽ hầu hết các phác thảo ở ngoài trời và ông thích đưa các hiện tượng thiên nhiên vào trong tác phẩm của mình. Điều đáng nói là Tiếng thét được đưa thẳng vào Phòng trưng bày Quốc gia Na Uy từ xưởng vẽ của họa sỹ và ngay từ lúc đó, người ta đã thấy vết trắng trên tranh. Có giả thiết cho rằng Munch đã để bức tranh ngoài trời và một vài con chim đã vô tình để lại “dấu ấn” trên kiệt tác của ông.
Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu lại không nghĩ như vậy. GS Tine Frøysaker (ĐH Oslo), nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, đã thường xuyên đối chiếu những đốm trắng với vết phân chim trên các nhà thờ Na Uy và cho rằng, dưới kính hiển vi, nó không giống phân chim. Bà đưa ra giả thiết “có thể các chất liệu như sơn hoặc phấn màu đã rơi vào Tiếng thét khi Munch đang vẽ các bức tranh khác của ông tại xưởng”. Thierry Ford, nhà phục chế tranh tại Phòng trưng bày Quốc gia Na Uy, cũng tán thành quan điểm trên với bằng chứng đưa ra là “phân chim được biết đến như chất có thể ăn mòn hoặc ảnh hưởng đến bất kỳ loại chất liệu nào, trong khi đó với Tiếng thét, các đốm trắng tồn tại mà không tổn hại đến tranh”.
Những bằng chứng kỹ thuật còn cho thấy Munch đã dùng giấy bìa, loại vật liệu không đủ bền, dễ hút ẩm và có thể đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết khi ông vẽ ngoài trời, làm nền cho bức tranh.
Hồi tháng 5/2016, GS Tine Frøysaker đã mời TS Geer Van der Snickt, nhà nghiên cứu về di sản văn hóa, và nhóm nghiên cứu của ông tại trường Đại học Antwerp (Bỉ) cùng tham gia xác định rõ chất liệu và kỹ thuật mà Munch sử dụng khi vẽ Tiếng thét. Theo TS Snickt, việc xác định đốm trắng có phải là phân chim hay không không phải là mục đích chính của nghiên cứu này nhưng “sẽ sai lầm nếu không khai thác thế mạnh của kỹ thuật hiện đại bậc nhất của Đại học Antwerp để thử nghiệm và giải quyết cuộc tranh cãi đã kéo dài nhiều năm”.
Tác phẩm được nhóm nghiên cứu đưa vào máy quét cắt lớp huỳnh quang X quang macro (MA-XRF) và những kỹ thuật quét không xâm lấn (non-invasive) đã phát hiện ra bên trong vết ố bí ẩn của Tiếng thét không có cả chất nhuộm màu lẫn calcium như nghi ngờ, như vậy có thể loại bỏ nghi vấn về chất liệu vẽ hay phân chim. Vì vậy nhóm nghiên cứu liên ngành này đã quyết định trích một mẫu cực nhỏ từ vết trắng để phân tích trên máy gia tốc PETRA III đặt tại DESY, Hamburg. Trên PETRA III, các hạt cơ bản có tốc độ nhanh phát ra từ một máy gia tốc hạt tạo ra luồng ánh sáng tia X cực mạnh. “Từ quá trình tán xạ tia X với mẫu, cấu trúc nội tại của mẫu khảo sát có thể được xác định tới mức nguyên tử”, TS Gerald Falkenberg, trưởng trạm đo P06 ở PETRA III, giải thích.


Các nhà nghiên cứu tìm hiểu bức tranh bằng kỹ thuật phân tích mới.
 
“Việc dùng các máy gia tốc hạt để nghiên cứu chất liệu làm nên tác phẩm có thể đem đến một cuộc cách mạng trong nhận thức của chúng ta về các thủ pháp hội họa”, GS hóa học Koen Janssens, thành viên nhóm nghiên cứu, nói. “Trong vài năm gần đây, chúng ta đã có khả năng làm sáng tỏ quá trình phân rã của các hợp chất hóa học, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng các bức họa bị nhạt màu hoặc bị bong, vốn là kiến thức quan trọng để tăng cường công tác bảo tồn di sản văn hóa”.
Nghiên cứu sinh Frederik Vanmeert, người đảm trách công việc phân tích mẫu trên máy thang đo mirco sử dụng tán xạ tia X, đã có phát hiện đáng ngạc nhiên: “Ngay lập tức tôi nhận thấy sự tán xạ của sáp trên mẫu vì tôi đã từng bắt gặp chất liệu này trong nhiều lần nghiên cứu tranh”. Trước đây, người ta thường tẩm sáp ong (hoặc một chất tương tự) vào toan để ngăn sơn dầu bị bong hoặc bồi thêm một lớp vải nữa phía sau nền tấm toan. Trong trường hợp này, rất có thể những đốm trắng trên bức tranh là những vệt sáp rỏ từ nến thắp trong xưởng vẽ của Munch.
Thế còn những vệt phân chim? “Ban đầu, tôi định đi tham quan một vài thắng cảnh trong ngày cuối ở Oslo”, TS Snickt kể. “Suốt buổi tôi tò mò nhìn xuống đất để tìm kiếm các mẫu phân chim, coi đó như một bằng chứng cho nghiên cứu, và tìm thấy vài mẫu hoàn hảo ngay bên ngoài nhà hát opera cũng như ở phía ngoài tòa lâu đài gần đó”. Quang phổ thu được từ các mẫu đó đã hiển thị kết quả. Ngay cả một người bình thường cũng có thể thấy rằng tán xạ tia X trong mẫu kiểm nghiệm trùng khớp với mẫu sáp ong và hoàn toàn khác với mẫu phân chim. TS Snickt nói thêm: “Khó có thể coi phân chim mà tôi thu thập ở Oslo là mẫu đúng quy cách, mặt khác hợp chất này còn phụ thuộc vào thức ăn của chim nữa, nhưng tôi thực sự nghi ngờ khả năng bức họa của Munch bị phân chim rơi vào. Theo tôi, bây giờ chúng ta có thể chấm dứt giả thiết này”.
Nhìn lại công việc đã thực hiện để tìm hiểu về vết trắng bí ẩn trên Tiếng thét, TS Snickt nói: “Chính những chất liệu không ngờ tới này đã góp phần giải thích tại sao mối liên kết giữa khoa học và nghệ thuật lại mê hoặc tôi đến vậy. Việc giải thích huyền thoại về những đốm trắng như phân chim trên bức họa Tiếng thét cũng đã chứng tỏ tại sao chúng tôi lại có nhiều điểm chung với các chuyên gia pháp y. Giống như pháp y, ngành khoa học nghiên cứu di sản văn hóa có đặc điểm là luôn cập nhật những kỹ thuật mới nhất và điều đó cho phép chúng tôi tìm ra những thông tin mới về những kiệt tác nghệ thuật, dẫu cho chúng đã được nghiên cứu hàng thập kỷ”.

Thanh Nhàn tổng hợp
Nguồn:
https://www.uantwerpen.be/en/rg/axes/chair-for-the-arts/research-activities/the-scream-by-e—mun/
https://www.uantwerpen.be/en/rg/axes/chair-for-the-arts/

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)