Máy in 3D sẽ lên Trạm Vũ trụ quốc tế
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang chuẩn bị kế hoạch gửi một máy in 3D lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2014 để làm việc như một “công xưởng bay”.
Máy in 3D nói trên do công ty Made In Space chế tạo, có kích thước tương đương chiếc lò vi sóng. Vỏ máy làm bằng kim loại và được bọc bằng nhựa trong suốt để các nhà du hành vũ trụ (DHVT) có thể quan sát máy làm việc. Máy in 3D sẽ giúp họ tự chế tạo các chi tiết máy móc thiết bị và dụng cụ cần thiết cho hoạt động của trạm ISS, nhờ thế giảm được việc tiếp tế những thứ đó từ mặt đất lên – một việc rất mất thời gian và công sức, kinh phí và nhờ vậy sẽ xóa sổ khái niệm dự trữ sẵn trên trạm ISS những thứ đó.
Aaron Kemmer, giám đốc công ty Made In Space, nói: Hãy tưởng tượng, khi tiến hành những sửa chữa cực kỳ quan trọng quyết định sự tồn vong của trạm ISS, nếu các nhà DHVT có thể dùng máy in 3D tự chế tạo tại chỗ các chi tiết và dụng cụ nào họ cần tới thì sẽ tốt hơn là dự trữ sẵn trên trạm tất cả những thứ ấy.
Dave Korsmeyer, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, nói: “Nếu bạn muốn có năng lực thích ứng mạnh hơn thì bạn cần có khả năng thiết kế và chế tạo ngay (các thứ cần thiết) trên chuyến bay của mình. Vì thế công nghệ in 3D sẽ rất hữu dụng trên vũ trụ.”
Trên tàu vũ trụ Apollo 13 phóng lên Mặt trăng năm 1970, các nhà DHVT bắt buộc phải tự chế tạo một bộ lọc khí CO2 cứu sinh từ các vật liệu như túi nylon, bìa tập tài liệu và băng từ, nhưng rốt cuộc họ không làm được gì cả và do đó chuyến bay thất bại. Nếu có máy in 3D thì có lẽ chỉ trong vài phút là có thể giải quyết được vấn đề này.
Các máy in 3D hiện đại có thể dùng nguyên vật liệu như chất dẻo polymer in thành từng lớp mỏng chồng lên nhau và tạo ra các đồ vật thật. Hiện nay các nhà khoa học bắt đầu sử dụng bột ti tan và niken-crôm được làm nóng chảy bằng tia laser để chế tạo các chi tiết chịu lực.
Ngoài ra, trong phòng thí nghiệm, các kỹ sư NASA đang thử dùng máy in 3D in ra các vệ tinh nhỏ có thể phóng đi từ trạm ISS để chuyển số liệu về Trái Đất.