Mấy kỷ niệm với anh Nguyễn Đình Ngọc

Cuộc đời anh Ngọc tự nó đã là một cuốn tiểu thuyết.


GS Nguyễn Đình Ngọc. Nguồn: QĐND

Do những quy định nghiêm ngặt của nghề làm Toán, tôi có lẽ là người duy nhất mà cả hai luận án (tiến sĩ và tiến sĩ khoa học) đều do anh Nguyễn Đình Ngọc phản biện. Vì thế, tôi biết ít nhiều về cuộc đời, những tâm tư, dằn vặt của anh, qua những lần cùng đạp xe dọc phố phường Hà Nội. 

Một đêm trăng trên thành cổ Warszawa, hè 1984, anh Ngọc và tôi dạo bước, cả hai im lặng đã lâu. Bỗng anh hỏi tôi: “Theo cậu thì tình cảm nào là đáng sợ nhất đối với con người?” Tôi biết anh đang có điều muốn tâm sự, bèn đáp: “Em không biết”. Im lặng hồi lâu. Dường như ánh trăng vằng vặc đã khiến anh Ngọc chia sẻ: “Theo mình, đó là sự ân hận”. Tôi hỏi: “Đã có điều gì trong đời khiến anh phải ân hận chăng?” Anh bảo: “Bản thân chữ ân hận đã hàm nghĩa, dù tiếc nuối người ta không làm lại được nữa”. Lại lặng im. Rồi anh kể về một điều mà anh ân hận với gia đình nhỏ của mình, ngày anh rời Paris về nước năm 1966. 

Anh Ngọc đã chứng kiến cảnh ông cụ anh, một bác sĩ quân y của Việt Minh, bị lính Pháp bắn chết năm 1947 gần cầu Đuống, trên đường chúng giải ông cụ từ bệnh viện dã chiến Vĩnh Phúc, nơi cụ là Viện trưởng và bị bắt, về Hà Nội. Ngay từ đầu, tôi nhận ra câu chuyện có vị chát của chuyện Nguyễn Phi Khanh – Nguyễn Trãi ngày xưa.    

Năm 1953, ông Nguyễn Hữu Khiếu, lúc ấy là Giám đốc Công an Liên khu 4, đã huấn luyện anh Ngọc trên vùng rừng núi Con Cuông, Nghệ An, trước khi anh thành một tình báo viên đơn tuyến… Ông Khiếu nói: “Cậu học giỏi, hãy gắng lấy thật nhiều bằng cấp. Mỗi tấm bằng sẽ là một cái mộc che chắn cho cậu về sau”. 

Sau đó, anh Ngọc “dinh tê”, lấy cớ là phải về Hà Nội để chữa lao. Mà anh chớm lao thật, phải nằm ở nhà thương Đồn Thủy (bệnh viện Hữu Nghị bây giờ) một thời gian. Quân Pháp vì thế không nghi ngờ gì nữa.

Năm 1954 anh di cư vào Nam. Anh Ngọc học giỏi có tiếng, nên được giới thiệu làm gia sư trong nhà ông Phan Huy Quát, người giữ vai trò Tổng trưởng nhiều bộ khác nhau trong nhiều giai đoạn của chính quyền Sài Gòn. Sau anh Ngọc yêu và lấy chị T., danh nghĩa là cháu vợ ông Phan Huy Quát, nhưng thân phận thật thì như một người giúp việc. Sau này, khi về lại Sài Gòn, có lần anh Ngọc mượn xe của Tổng trưởng Phan Huy Quát, chạy thẳng vào rừng, tiếng là đi săn, kỳ thật là vội báo tin cho Trung ương cục Miền Nam.

Anh Ngọc kể khi mới về Sài Gòn 1966, anh đã ngạc nhiên thấy người Sài Gòn tin Tử Vi thế nào. Ban đầu anh định học Tử Vi, để dùng nó như một công cụ thời thượng (ít nhiều lừa gạt) mà hành nghề tình báo. Nhưng rồi, càng học càng đọc thì anh càng bị Tử Vi cuốn hút và chinh phục tự lúc nào… Anh Ngọc đã trở thành một trong số ít ỏi những nhà Tử Vi uy tín nhất Việt Nam. Anh để ý mối liên hệ giữa 60 năm (một vòng thời gian Phương Đông) với Ngũ hành. Ai cũng biết cả thảy có 120 = 1 x 2 x 3 x 4 x 5 dãy (các hoán vị) tạo thành từ 5 yếu tố (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Chẳng hạn, Mộc, Kim, Thủy, Hỏa, Thổ là một hoán vị. Mỗi lần chỉ đổi chỗ 2 chữ trong bộ 5 chữ, người ta bảo rằng hoán vị đổi hướng (đổi dấu). Nếu xét các dãy 5 chữ bảo toàn một hướng nào đó, nghĩa là quan tâm tới Ngũ hành tương sinh (và do đó, tới Ngũ hành tương khắc), thì có 60 Ngũ hành tương sinh (hoán vị chẵn) và 60 Ngũ hành tương khắc (hoán vị lẻ). Vậy 60 năm (một vòng thời gian phương Đông) chính là lượng Ngũ hành tương sinh (60 là số phần tử của nhóm các hoán vị chẵn A5). Nhưng tại sao lại chọn Ngũ hành? Bởi vì trong dãy nhóm A2, A3, A4, A5 thì A5 là nhóm đơn (không giao hoán) đầu tiên (không có nhóm A1 vì chỉ với một phần tử thì không có hướng). Điều đó chứng tỏ rằng các mô hình Nhị hành, Tam hành, Tứ hành quá đơn giản, còn Ngũ hành là đối tượng đầu tiên mà tổ hợp trên nó không đơn giản, nhưng cũng không quá phức tạp đến mức không chế ngự nổi. (A5 là nhóm đơn không giao hoán đầu tiên trong họ An, và kể từ đó mọi nhóm trong hệ này đều là nhóm đơn). Ngũ hành xứng đáng dùng làm mô hình cho xã hội loài người. Những người học Toán còn biết rằng việc A5 là nhóm đơn khiến cho n=5 là bậc thấp nhất sao cho tồn tại một phương trình đa thức bậc n không thể giải được nếu chỉ dùng các phép toán cộng trừ nhân chia và khai căn. Tôi xin lỗi các bạn không học Toán, đoạn này chứng tỏ rằng các nhà Toán học có thể nhìn Tử Vi bằng một cách khác.       

Ở Sài Gòn, anh Ngọc nổi tiếng là một giáo sư lập dị. Người ta kể rằng Sài Gòn rộng thế, nắng nôi là thế, mà giáo sư toàn đi bộ, mặc dù lương giáo sư có thể mua cả ôtô. Sau này anh Ngọc bảo tôi, anh đi như thế là để bọn theo dõi anh, nếu có, phải bỏ cuộc. Anh phân tích, bọn này thường lười, quen theo dõi bằng ôtô hay xe máy. Nhưng anh toàn chọn đường một chiều, và đi bộ ngược dòng xe. Trước khi đến điểm hẹn, anh thường đi bộ tha thẩn như thế hơn chục cây số. Những cái đuôi (nếu có) đều rụng hết, vì lười. Vả lại, đi ngược dòng xe cơ giới như thế, anh có cơ hội nhìn vào kính của ôtô đang đi tới để biết liệu có kẻ nào theo dõi anh không. Thì ra, cái lập dị của ông giáo sư tình báo là thế. 

Thu Đông 1994, đang trong khoảng thời gian hai năm làm việc tại Viện Toán CRM Barcelona, tôi quen giáo sư Paulo Ribenboim, một người Canada gốc Brazil. Ông vốn là một học trò của Jean Dieudonné ở Nancy (Pháp) và là một bạn thân của Alexander Grothendieck. Còn Grothendieck là nhà Toán học lớn nhất thế giới của thế kỷ 20 và cũng là một bạn thân của anh Ngọc. Trong hồ sơ của Grothendieck có đoạn, ngay sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, và chưa tìm được công việc lâu dài, ông đã tới Brazil làm việc hơn một năm. Đó chính là theo lời mời của người bạn thân Ribenboim. 

Cuối tuần, ông bà Ribenboim thường mời tôi tới uống trà, ăn bánh ngọt mà bà tự làm theo kiểu Pháp, quê hương bà. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên đời, và cố nhiên không quên nhắc đến Grothendieck. Paulo kể rằng Grothendieck có đến 100 người đàn bà. Bà vợ Paulo quay sang lườm: “Sao ông lại nói vậy”. Paulo bảo: “Tôi nói thế không đúng à?” Rồi ông kể một lần, quãng đầu những năm 1970, ghé qua Paris, ông bà gặp một người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn, tóc đen, rất đẹp, trong nhà Grothendieck. Tôi hiểu người đó chính là chị T., vợ anh Ngọc.

Anh Ngọc không thể không biết rằng, như lời Paulo, Grothendieck là một người đàn ông có tới 100 người đàn bà. Nhưng vì sao, khi nhận lời với tổ chức trở về Việt Nam, anh Ngọc lại tới nhờ ông bạn Grothendieck chăm sóc vợ con mình? Phải chăng anh cảm thấy chuyến đi của anh lành ít dữ nhiều, khả năng anh toàn mạng sống là rất thấp. Vì thế, anh muốn dù có thế nào Grothendieck sẽ nuôi nấng vợ con anh? Ý nghĩ đó đã đến với tôi từ khi anh Ngọc còn sống. Nhưng tôi không đủ can đảm hỏi anh.    

Có lần, thong thả đạp xe với tôi trên đường Hà Nội, đến gần Cửa Nam, anh Ngọc trầm ngâm kể tôi nghe anh đã trả lời ra sao bức thư chung của chị T., vợ anh, và A. Grothendieck, bạn anh, về tình cảnh chung của ba người. 

Năm 1966, A. Grothendieck được trao huy chương Fields tại Đại hội Toán học thế giới tại Moscova, nhưng từ chối nhận để phản đối chính sách của Liên Xô đối với người Do Thái. Năm 1968, Grothendieck sang thăm Bắc Việt Nam qua đường bay Phnompenh. Hồi đó, phần lớn trí thức Pháp đều ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam chống Mỹ. Các trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội hồi ấy đều sơ tán ở Thái Nguyên. Grothendieck đã giảng nhiều bài tại những đại học này. Cũng có dịp Grothendieck về Hà Nội làm việc. Một trong những người nghe chính của Grothendieck là chị Hoàng Xuân Sính ở Đại học Sư phạm. Về sau chị Sính kể dạo đó chị được giao nhiệm vụ bám chặt Grothendieck. Tổ chức bảo rằng, nếu có thời gian thể nào ông ta cũng tìm về cuối đường Tuệ Tĩnh, nơi có bà mẹ của người bạn ông ta là Nguyễn Đình Ngọc, một giáo sư phản động của Sài Gòn… Hoàng Xuân Sính đã cố gắng giữ chặt Grothendieck. Một buổi trưa, sau một thời gian làm việc căng và ăn uống kham khổ, chị mệt quá, định nằm nghỉ một chút ở nhà trước khi đến khách sạn Metropole nghe Grothendieck giảng tiếp buổi chiều, nhưng rồi ngủ quên. Khi chị choàng tỉnh, chạy vội đến khách sạn thì đã không thấy Grothendieck đâu. Chiều muộn, khi Grothendieck về khách sạn, chị Sính xin lỗi vì tới trễ và hỏi Grothendieck đi đâu. Ông ta khoe đã tìm đến nhà riêng, gặp mẹ người bạn là Nguyễn Đình Ngọc. Nhưng “ngôn ngữ” của hai người chỉ là hoa chân múa tay. 

Bà cụ mẹ anh Ngọc kể lại rằng trong hơn 20 năm, từ 1954 đến 1975, gia đình cụ luôn bị hắt hủi vì có anh Nguyễn Đình Ngọc vào Nam theo địch. 


GS Nguyễn Đình Ngọc. Ảnh: Tư liệu Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam. 

Năm 2007, khi anh Ngọc đã mất, còn tôi đang làm việc tại Viện Toán IHES, nơi Grothendieck làm việc ngày xưa, một bữa trưa Laurent Lafforgue, một huy chương Fields của Pháp, kể rằng Grothendieck (lúc ấy đã ở ẩn, không ai biết tung tích) vừa gọi điện cho anh phàn nàn rằng ông ta cần bản chụp một số tài liệu, mà các thư ký của IHES không tích cực giúp ông. Nhân đó, tôi bảo mọi người rằng Grothendieck là một nhà toán học lớn, nhưng là một người bạn tồi. Mọi người quanh bàn ăn hỏi tôi vì sao. Tôi kể tóm tắt câu chuyện vợ chồng anh Ngọc. Laurent Lafforgue bảo rằng anh ấy cũng đã từng nghe chuyện đó. 

Vài tháng trước ngày 30/4/1975, anh Ngọc có dấu hiệu bị lộ. Hai sĩ quan CIA người Mỹ, tự giới thiệu là thuộc bộ phận CIA Tây Âu, đã tới văn phòng của anh ở Đại học Sài Gòn. Họ hỏi: “Thưa giáo sư, chúng ta nên nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh hay bằng tiếng Việt?” Hai sĩ quan CIA đó đưa ra (loáng thoáng) bức thư của một người chiêu hồi. Sau cuộc gặp, anh Ngọc nhận định: Phía Mỹ đã nghi ngờ, theo dõi anh từ khi anh ở bên Pháp, nhưng những bằng chứng của họ chưa đủ. Mãi tới chiều muộn ngày 29/4/1975, khi ra khỏi Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, nghe tiếng súng ven đô đã rất gần, anh mới tin là mình còn sống. 

Bài báo đầu tiên của tôi trên tạp chí Comptes Rendus Acad. Sci. Paris 1983, do Henri Cartan giới thiệu, được anh Ngọc dịch giúp từ bản tiếng Anh (do tôi viết) sang tiếng Pháp, vì tôi không tự tin về tiếng Pháp cho lắm. (Hơn 20 năm sau, tạp chí này mới nhận những bài viết bằng tiếng Anh, nhưng vẫn đòi có tóm tắt bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp). 

Hồi tôi sắp bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học, có hai lần tôi cần gặp anh Ngọc để đưa tận tay luận án và để nhận văn bản phản biện. Cả hai lần anh đều hẹn tôi vào lúc gần 5 giờ sáng, tại cổng Bộ Công an, đường Trần Nhân Tông. Lúc ấy anh vừa xong một đêm làm việc, sẽ trở về nhà ở khu Trung Tự ngả lưng một lát, trước khi tới Bộ làm việc bình thường vào sáng hôm ấy. Tôi không hiểu anh Ngọc lấy ở đâu năng lượng để làm việc khủng khiếp như thế. Dường như anh cảm nhận thời gian còn lại của anh không nhiều. Nghe nói, một số nhân viên của anh trong Cục Tin học không thích anh làm việc nhiều như thế, vì họ không theo kịp, chẳng hóa ra họ lười. 

Hằng ngày anh Ngọc chỉ ăn một bữa tối. Hôm tôi bảo vệ luận án Tiến sĩ Khoa học, tôi mời anh cùng các thành viên hội đồng ăn trưa. Nể tôi lắm, anh cũng ngồi một lúc cho vui. Lúc ấy anh đang là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Tin học Bộ Công an. Dạo ấy, thường trong những bữa như thế, người có lái xe riêng như anh sẽ nói khổ chủ mời lái xe cùng ngồi. Khi tôi hỏi lái xe đâu để tôi mời, anh Ngọc nói cậu ấy đi ăn chỗ khác rồi. Tôi tỏ ra áy náy. Anh Ngọc bảo: “Ông yên tâm, cái phong bì lúc nãy tôi đã đưa cậu ấy rồi”. (Đấy là phong bì thù lao phản biện của anh.) Anh Ngọc bao giờ cũng là người chu đáo, việc nào ra việc nấy như thế. 

Chuyện tôi tình cờ sưu tầm được một bức ảnh quý của anh Ngọc khá ly kỳ. Hè 1993 tôi tới Đại học Heidelberg làm việc. Một ngày cuối tuần, vợ chồng giáo sư Dieter Puppe mời tôi tới nhà ăn trưa. Bà Puppe là một phụ nữ Đức nhỏ nhắn, xinh đẹp. Chúng tôi đã biết nhau khi bà cùng đi với ông tới Warszawa hè 1984. Ông bà khoe tôi bộ ảnh, đã chế thành slide để chiếu lên tường, về Hội nghị quốc tế Tôpô Đại số tại Oberwolfach 1966. Dạo ấy A. Dold (sinh năm 1928) và D. Puppe (sinh năm 1930) lần đầu tổ chức một hội nghị quốc tế. Mùa hè, hai chàng trai chưa đầy 40 tuổi hăm hở cuốc bộ từ Heidelberg xuống Oberwolfach (vùng rừng đen Freiburg), cứ băng rừng nhằm hướng Nam, theo bản đồ mà đi. Trong bộ slide, có bức ảnh giáo sư Nguyễn Đình Ngọc, lúc ấy 34 tuổi, nom trẻ hơn nhiều so với tuổi, từ Paris sang thuyết trình. Nguyễn Đình Ngọc đầu cắt trọc, mắt sáng ngời, đang chỉ tay vào bảng, giải thích một điều do chính ông viết. Có thể thấy đấy là một văn bản về K-theory, lý thuyết sâu sắc mới ra đời lúc ấy. Nhận ra ngay đó là một bức ảnh quý, tôi xin phép D.Puppe cho in lại. Gần 10 năm sau, năm 2002, nhân dịp mừng giáo sư Nguyễn Đình Ngọc 70 tuổi, tôi cho phóng to bức ảnh ấy, lấy chữ ký của toàn bộ thành viên trong seminar chúng tôi, lồng khung kính, và kính tặng giáo sư. Hôm phóng ảnh, ông thợ ảnh cứ xuýt xoa: “Ai mà đẹp trai, thông minh đến thế”. 

Mùa hè 2002, có lần tôi tới tìm anh Ngọc tại nhà anh, khu tập thể Bộ Công an ở Trung Tự. Đã quá trưa, và mặc dù có hẹn trước, vẫn chưa thấy anh Ngọc về. Quãng 1 giờ chiều mới thấy anh lễ mễ lôi về một xe đạp tuột xích. Người nhễ nhại mồ hôi, anh xin lỗi và bảo vừa từ Đại học Thăng Long về, mà xe hỏng giữa đường. Tôi ái ngại nhìn chiếc áo anh mặc, chiếc áo công an đã rách lớp cổ ngoài, lòi ra lớp cổ bên trong đen xỉn vì thiếu xà phòng. Tôi nhẩm tính, anh có thể mua một sơ mi tươm tất, giá rẻ, chừng 50 ngàn, một chiếc xe đạp còn tốt với giá không đầy 1 triệu. Lúc ấy anh Ngọc đang lĩnh lương hưu Thiếu tướng công an, theo ước lượng của tôi, không dưới 15 triệu một tháng.  

Noel 2003, hội nghị Đại số – Hình học – Tôpô toàn quốc tổ chức tại Đại học Đà Lạt. Đó là một hội nghị quốc gia, nhưng do có nhiều khách quốc tế, nên phần lớn các báo cáo được trình bày bằng tiếng Anh. Anh Ngọc có một báo cáo ngả về công nghệ thông tin. Khả năng tiếng Pháp và tiếng Anh của anh Ngọc từ lâu đã được đặt ở vị trí hàng đầu của Hội Toán học Việt Nam. Mở đầu anh nói bằng một giọng tiếng Anh thuần thục: “Thưa quý bà, quý ông; tôi có thể trình bày báo cáo này bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, để nhiều đồng nghiệp của tôi có thể theo dõi được, tôi xin nói bằng tiếng Việt”. Rồi anh chuyển sang tiếng Việt. Thỉnh thoảng anh trở nên khó hiểu như thế.

Noel 2004, anh Ngọc và chị D., người bạn đời về sau của anh, tham dự hội nghị do tôi tổ chức ở Sa Pa về “Thuật ngữ và Dịch thuật Toán học”. Tối hôm trước, 9 giờ, hai anh chị chờ tôi ở cửa ga Hàng Cỏ, phía đường Trần Quý Cáp, để nhận vé tàu đi Lào Cai. Bạn đã thấy Thiếu tướng công an nào cùng vợ đi dự hội nghị bằng tàu hỏa hạng thường chưa? Tại hội nghị ấy, anh Ngọc trình bày một tham luận trong đó anh yêu cầu ông Bộ trưởng GD&ĐT từ bỏ cái gọi là “Giáo dục toàn diện”, trở về với nguyên tắc “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” của các cụ nhà ta từ ngàn đời. Đó là hội nghị khoa học cuối cùng mà tôi gặp anh, trước khi anh vĩnh viễn ra đi năm 2006.

Năm 2007, tôi từ Viện Toán IHES Paris đi Djerba, đảo du lịch của Tunisia, nổi tiếng từ thời Đế quốc La Mã, dự hội nghị quốc tế mừng Jean Lannes 60 tuổi. Tại đây, sau bài nói 1 giờ của tôi, giáo sư Karoubi, người Pháp gốc Do Thái (sinh ra và lớn lên ở Tunisia) tìm gặp tôi trong giờ giải lao, bên bể bơi trong xanh. Ông hỏi: “Anh có biết Nguyễn Đình Ngọc không?” Tôi nói: “Ông ấy phản biện cả hai luận án của tôi”. Câu chuyện nhanh chóng trở nên thân mật. Người Việt lang bạt trên thế giới kể đã nhiều. Mấy ai được bạn bè lừng lẫy thế giới còn nhớ sau 40-50 năm xa cách?
Khi anh Ngọc còn chưa hưu, có người hỏi rằng anh có được trọng dụng không. Anh điềm tĩnh và hóm hỉnh trả lời: “Có trọng mà không dụng”. Anh như con dao sắc bén, rất quý nhưng đâu phải dễ dùng. 

Cuộc đời anh Ngọc tự nó đã là một cuốn tiểu thuyết. 

Tác giả

(Visited 167 times, 3 visits today)