Máy lọc nước “cứu” thế giới

Cha đẻ xe Segway vừa trình làng một phát minh mới mà ông tin rằng có thể cứu thể giới khỏi nạn thiếu nước sạch.

Tháng chín vừa qua đã có một cuộc gặp mặt của hàng trăm nhà doanh nghiệp, đại diện các tổ chức Phi chính phủ và chuyên gia về phát triển bền vững ở New York theo lời mời của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và quỹ của ông để thảo luận về những vấn đề khẩn thiết nhất hiện nay của thế giới và đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề đó.

Một trong những đại biểu tham dự là ông Dean Kamen, 62 tuổi, người bỏ dở đại học, kiếm sống chủ yếu bằng bằng sáng chế thiết bị thẩm tách lưu động. Tuy nhiên ông được biết đến nhiều hơn cách đây mười năm khi cho trình làng xe Segway, một loại xe hai bánh chạy bằng điện và tự lấy thăng bằng nhờ trọng lượng người điều khiển.

Cũng từ đó, ông miệt mài nghiên cứu về một hệ thống làm sạch nước, mà ông đặt tên là “Slingshot”, tạm dịch thiết bị bắn đá. Ông Kamen nói không mấy khiêm tốn “Với máy bắn đá, David đã hạ gục Goliath, giờ đây chúng tôi cũng muốn giải quyết vấn đề nước sạch theo tinh thần đó.“ Từ “chúng tôi“ bao gồm Kamen và ông chủ Coca-Cola Muhtar Kent. Bộ đôi này dự kiến từ nay đến năm 2015 sẽ sản xuất từ 1.500 đến 2.000 máy của Kamen để đưa vào sử dụng ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Cho đến thời điểm đó các máy “Slingshots” sẽ cung cấp khoảng 500 triệu lít nước sạch.

Mục tiêu đầy tham vọng của Kamen và Kent là đến năm 2020 sẽ đưa thêm hàng nghìn máy vào hoạt động. Hiện có khoảng một tỷ người trên trái đất không được tiếp cận nước sạch và khoảng nửa triệu người trong số này hàng năm bị chết thiếu nước sạch.

Chạy liên tục mà không cần sửa chữa

Tính năng hoạt động của máy Slingshot khá đơn giản: máy dùng động cơ chạy bằng năng lượng mặt trời hay sinh khối; nước thải hoặc nước sông, hồ sẽ được đun dưới áp lực như ở một máy chưng cất nước đến khi bốc hơi. Quá trình này diệt vi khuẩn đồng thời sàng lọc các chất thải rắn nguy hại, như các kim loại.
 
Thiết bị có kích cỡ như một máy giặt, mỗi ngày có thể tạo ra khoảng 850 lít nước sạch. Để chứng minh khả năng sáng chế của mình, ông Kamen đã uống luôn nước tiểu của mình sau khi cho chạy qua máy để làm sạch.

Giờ sẽ có ai đó nêu câu hỏi vậy chuyện này có gì đặc biệt? Thiết bị lọc nước ra đời từ nhiều thập niên nên không có gì lạ. Bản thân ông Kamen thấy khó khăn lớn nhất là ở chỗ, phải làm sao tiếp tục phát triển những vật liệu hiện có cũng như kỹ thuật điều khiển, để thiết bị có thể chạy hàng năm liên tục mà không cần phải sửa chữa.

“Một rào cản nữa là, thiết bị phải gọn nhẹ để có thể lắp đặt ở khắp mọi nơi trên thế giới và máy phải “tự chạy” là chính“, Kamen cho hay. Ngoài ra phải làm sao để có thể chế tạo chúng trên quy mô công nghiệp.

Sẽ chỉ đắt bằng một cái tủ lạnh

Kamen thừa nhận ở đây có vấn đề: “Công nghệ này thì quá tuyệt với, tuy nhiên nó không thể làm ảo thuật.“ Ở những vùng khô cằn không có nước thì máy này cũng trở nên vô dụng.

Kamen tỏ ra lạc quan hơn ở một khía cạnh khác. Thiết bị nguyên mẫu lọc nước đầu tiên có giá tới hàng trăm nghìn đôla. Một vài năm nữa giá sẽ chỉ còn tương đương giá một cái tủ lạnh.

Sau khi đã giải quyết xong các vấn đề về kỹ thuật, Kamen lại đối mặt với một vấn đề khác: Làm thế nào để đưa thiết bị đến những nơi mà người ta cần nó và ai là người trả tiền?

Đây chính là lúc Coca-Cola tham gia cuộc chơi. CEO Kent của tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới rất tâm đắc với công nghệ của Kamen.

Cái máy của ông Kamen hoàn toàn phù hợp với chủ trương của tập đoàn nước giải khát này: Vì Coca Cola muốn đến năm 2020 sẽ sản xuất “nước sạch”. Có nghĩa là, cứ một lít nước dùng vào sản xuất nước giải khát thì ở đâu đó hãng phải tạo ra một lít nước sạch. Bên cạnh việc tái chế nước và sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả hơn thì thiết bị tạo nước sạch của ông Kamen cũng có một vai trò nhất định đối với Coca Cola.

Nước sạch trở thành chuyện kinh doanh

Việc tập đoàn nước giải khát của Mỹ hỗ trợ ông Kamen và công nghệ Slingshot của ông không nhất thiết xuất phát từ tình yêu đối với con người, khi giới thiệu về dự án này ở New York ông Kamen đã không dấu diếm: “Chỉ những nơi làm ăn phát đạt mới là nơi chúng tôi thu được kết quả tốt đẹp trong kinh doanh.“
 
Nhưng ông Kent sẽ không phải là sếp của một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, nếu ông ta không phát triển một mô hình kinh doanh liên quan đến “Slingshot”.

Thiết bị làm sạch nước này sẽ được lồng ghép trong một hệ thống có tên là Ecocenter, thực chất là một loại Kiosk bán nước sạch, điện mặt trời hay điện sinh học để nạp điện cho Laptop hay điện thoại di động, và đây cũng là nơi cung cấp dịch vụ kết nối Internet công cộng.

Điều hành các Kiosk này là chị em phụ nữ trên toàn thế giới. Ngoài những dịch vụ chính như điện, nước và phương tiện truyền thông, chị em còn có thể kinh doanh những mặt hàng thiết yếu thường ngày khác.

Ecocenter đầu tiên đã xuất hiện ở Nam Phi. Từ nay đến năm 2015, 150 Kiosk nữa sẽ được triển khai. Để thực hiện dự án này, ông Kamen và Kent cùng với các chuyên gia IT của Qualcomm, doanh nghiệp điện mặt trời lớn của Mỹ và bốn doanh nghiệp khác, đã hùn vốn xây dựng một ngân hàng phát triển.

“Phương án này chỉ thực sự hoạt động một khi những người điều hành cũng có thể kiếm ra tiền từ đây“, ông Kent đoan chắc như vậy.

Thí dụ có thể nghĩ đến chuyện các bà chủ những Ecocenter trong tương lai có thể mua hoặc thuê Kiosk bằng tín dụng ngân hàng với điều kiện thuận lợi và sau đó hoàn trả dần.
Nhưng dù cuối cùng chọn mô hình kinh doanh nào đối với các Ecocenter, điều đã được khẳng định là, tất cả các doanh nghiệp tham gia dự án đều không muốn cho không các Kiosk.

Các bên tham gia cũng không nhất thiết muốn dự án phải mang lại lợi nhuận cho họ. Đối với hãng Coca-Cola, đây là một nước cờ khôn ngoan: Nếu hệ thống này vận hành tốt, họ sẽ được nhiều nước sạch bảo đảm cân đối về phát triển bền vững mà chỉ trả ít tiền, thậm chí không mất tiền. Người dân trong khu vực cũng được hưởng lợi. Kết quả: đây là một ví dụ điển hình về Win-Win. Thật quá đẹp nếu như nó trở thành sự thật. Điều này sẽ được chứng minh trong những năm tới.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)