Máy tính lượng tử không phải là ảo tưởng

"Nếu Định luật Moore mà còn đúng trong 10-15 năm nữa, chúng ta sẽ có những transistor có kích cỡ của các nguyên tử" . Đó là câu nói của tiến sỹ Laflamme, một nhà vật lý ở Đại học Waterloo, Canada. Ông là thành viên của nhóm nghiên cứu đang làm việc để đưa máy tính lượng tử trở thành hiện thực.

Vấn đề bây giờ là, theo Laflamme, trong vật lý cổ điển và trong máy tính cổ điển, một bít, hay một mẩu thông tin, chỉ có thể chiếm một vị trí ở một thời điểm. Nhưng, ông giải thích: “ở cấp độ lượng tử, các định luật vật lý sẽ thay đổi. Trong cơ học lượng tử, các bit có thể tồn tại cùng một lúc ở hai vị trí”. Và câu hỏi được đặt ra là chúng ta có thể khai thác được tính chất này hay không. Laflamme tin là có: “Từ mười năm trước, chúng tôi đã được điều này là có thể, và nó cho phép chúng tôi giải quyết những bài toán mà trước đó được coi là quá hóc búa”.             
Trong công trình đăng ở Physical Review Letters, nhóm nghiên cứu của Laflamme đã mô tả một thuật toán làm tiêu chuẩn cho một hệ tính toán 12 qubit (các bit của thông tin lượng tử). Mặc dù điều này cũng không phải là ấn tượng lắm (vì nó đã được thực hiện trên một máy tính cổ điển), nhưng Laflamme đã chỉ ra tính hữu ích của nó: “Hiện tại, chúng tôi vẫn cần một máy tính cổ điển để xem nó làm việc như thế nào. Nhưng khi chúng tôi đạt đến 30 hoặc 40 qubit thì sẽ không thể làm như vậy được. Điều cần làm bây giờ là phải tìm ra cách điều khiển hệ sao cho chúng ta có thể đi sâu hơn vào thế giới lượng tử, nơi mà máy tính cổ điển không thể giúp chúng ta hiểu được có những điều gì sẽ xảy ra ở đó”.
“Chúng tôi đã chỉ ra hai phương pháp”, Laflamme nói: “Một phương pháp sử dụng nhiều nguồn và cho độ chính xác đáng kinh ngạc. Phương pháp kia sử dụng ít nguồn hơn và kém chính xác hơn”. Đáng tiếc là, phương pháp đầu tuy mạnh hơn và tốt hơn nhưng lại không thể phát triển được. Nó không thể được xây dựng trong các điều kiện thực tế để có khả năng đưa vào một số mô hình máy tính lượng tử. Laflamme nói rằng nhóm nghiên cứu của ông sẽ tiếp tục làm việc để tìm ra một cách tốt nhất kết hợp cả hai phương pháp trên.
Trong khi có một số nhà khoa học tỏ ra chán nản với ý tưởng xây dựng các máy tính lượng tử, thì Laflamme vẫn quả quyết rằng: “Máy tính lượng tử hoàn toàn không phải là một ảo tưởng”.

P.V 
Nguồn tin: tác giả Miranda Marquit, http://www.physorg.com

Tác giả