MDRI – Mười năm gây dựng một tên tuổi

Làm thế nào một viện nghiên cứu nhỏ bé có thể giành được vị trí viện nghiên cứu kinh tế số 1 Việt Nam chỉ vỏn vẹn sau 10 năm thành lập?

Trong khoảng mười năm gần đây, khi lướt qua chồng báo cáo cấp quốc gia của các tổ chức quốc tế lớn đặt tại Việt Nam như UNDP, Worldbank, UNICEF… về tình hình kinh tế xã hội chung, hay đánh giá từng chính sách cụ thể như giảm nghèo, chính sách hộ khẩu, báo cáo thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, báo cáo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cho tới các đánh giá nhanh như đánh giá tác động của COVID đến thu nhập và việc làm…, người ta luôn thấy một logo xanh lá quen thuộc trong phần tác giả: Viện Nghiên cứu và Phát triển Mekong (MDRI).

Bằng nội lực của mình, MDRI đã tạo dựng được một vị trí vững chãi trong việc thực hiện các nghiên cứu, đánh giá kinh tế xã hội. “Ở Việt Nam, rất khó tìm được đối tác thực hiện nghiên cứu đảm bảo tính khách quan, khoa học của nghiên cứu giống như cách MDRI làm. Chúng tôi có thể đếm trên đầu ngón tay các đơn vị như vậy”, bà Đỗ Thanh Huyền, quản lý dự án tại UNDP, một trong hơn 50 đối tác quốc tế của MDRI cho biết. “Bởi vậy chúng tôi đã có được dữ liệu có tính chính xác cao để sử dụng cho các báo cáo, cho các bên liên quan cũng như chia sẻ kết quả tại các hội nghị cấp quốc gia”. Không chỉ được đánh giá tốt qua các báo cáo chính sách, từ năm năm nay, vị trí viện nghiên cứu kinh tế số 1 Việt Nam trên cơ sở dữ liệu về kinh tế lớn nhất thế giới IDEAS luôn thuộc về MDRI.

Cán bộ của MDRI có tuổi đời rất trẻ: độ tuổi trung bình chưa tới 35.

Làm nghiên cứu trong một xã hội đang chuyển đổi rất nhanh

Thực ra, chèo lái một viện nghiên cứu, lại thuộc lĩnh vực KHXH, ở Việt Nam là một thách thức trong bối cảnh đầu tư cho nghiên cứu KHXH rất hạn chế và cái nhìn về KHXH vẫn chưa thật đầy đủ. Trên các diễn đàn khác nhau, không chỉ công chúng, các doanh nghiệp mà ngay cả các nhà quản lý vẫn luôn muốn tức thì nhận được câu trả lời về hiệu quả hay tác động của một chương trình, chính sách mới ban hành, hay một vấn đề xã hội mới phát sinh. “Không thể hôm nay bộ trưởng hỏi chương trình, chính sách này, vấn đề xã hội này có tác động như thế nào, thì ngay ngày mai hay tuần sau sẽ có câu trả lời ngay được. Các báo cáo như vậy rất thiếu bằng chứng khoa học. Muốn có được câu trả lời thấu đáo và dựa trên bằng chứng khoa học thực nghiệm thì cần phải thiết kế, thử nghiệm các công cụ đánh giá, tiến hành khảo sát thu thập số liệu, phân tính và đưa ra kết quả”, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng MDRI nói. Đơn cử như việc xây dựng một cây cầu bắc qua sông thay thế các chuyến phà quen thuộc cũng cần được đánh giá từ trước khi thiết kế để phát huy khả năng kết nối cao nhất có thể, không làm phát sinh thêm trở ngại giao thông cũng như có các chính sách phù hợp cho những nhóm dân cư bị tác động tiêu cực như nhóm có sinh kế dựa vào phà cũ, sau đó đánh giá những tác động xã hội mà cây cầu tạo ra…Từ các đo lường cụ thể như vậy, mới có cơ sở khoa học, giúp ích cho các nhà quản lý có các can thiệp phù hợp cho từng chính sách cụ thể và rút ra bài học kinh nghiệm cho các chính sách khác trong tương lai.

MDRI được thành lập trong bối cảnh Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, không chỉ có những thay đổi về kinh tế mà còn thay đổi xã hội rất lớn. “Chưa bao giờ chúng ta lại đứng trước nhiều vấn đề xã hội đến vậy, từ vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng, di cư, lao động việc làm xen lẫn với buôn bán người, tội phạm…cho tới đánh giá tác động kinh tế xã hội của từng chính sách, dự án cụ thể. Hiện thực đó đòi hỏi ngành KHXH&NV phải tìm hiểu, lý giải vấn đề”, TS. Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) chia sẻ với Tia Sáng. Nhưng “chúng ta quá thiếu những công trình nghiên cứu giúp hình dung mức độ phổ biến của những vấn đề đó, mức độ nghiêm trọng và hậu quả kinh tế – văn hóa xã hội của chúng cho hiện tại và tương lai đất nước”.

Đó là những cơ hội quá lớn cho MDRI bước vào cuộc chơi. Nhưng ở điểm khởi đầu, MDRI đã đứng trước thách thức lớn: là viện nghiên cứu tư nhân mới thành lập, MDRI dĩ nhiên không có nhiều cơ hội tìm được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, TS. Phùng Đức Tùng và TS. Nguyễn Việt Cường, hai thành viên sáng lập, tìm một cách khác để có kinh phí và dữ liệu nghiên cứu: thực hiện các tư vấn đánh giá dự án phát triển cho nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và chính phủ. Việc định hướng tìm nguồn tài chính thông qua các dịch vụ tư vấn khoa học theo cách này có thể là một cú liều mình bởi hơn chục năm trước các đánh giá kinh tế xã hội ở Việt Nam đều các chuyên gia quốc tế, tổ chức quốc tế đảm nhiệm. Tuy nhiên, họ không phải không có thế mạnh – “lưng vốn” ban đầu chính là hồ sơ năng lực các công bố quốc tế trên nhiều tạp chí top đầu của hai nhân lực chính là TS. Phùng Đức Tùng, TS. Nguyễn Việt Cường và sáu cộng sự, MDRI tự tin cạnh tranh với các viện nghiên cứu, trường quốc tế, đều là những tên tuổi lừng lẫy.

Sự phát triển của MDRI, sau 10 năm nhìn lại, giống như thể ươm mầm cây. Ban đầu, cây mới ở thế vươn cành xòe lá, không thể đốt cháy giai đoạn, vì vậy TS. Phùng Đức Tùng và TS. Nguyễn Việt Cường chỉ dám bỏ thầu tư vấn những dự án nhỏ, vừa sức cho chưa tới 10 nhân lực có thể làm. Ở đây, không đơn thuần là chuyện xây dựng uy tín mà sâu xa hơn, với họ, làm việc gì cũng cần phải có tâm, làm khoa học phải minh bạch và trung thực, “chu toàn đẹp đẽ” để không tự xấu hổ với chính mình.

Từ một vài dự án “thắng thầu” ban đầu về đánh giá sinh kế của người dân, MDRI đã từng bước mở rộng lĩnh vực nghiên cứu sang nhiều lĩnh vực quan trọng của xã hội, từ đói nghèo, bất bình đẳng, di cư cho đến cơ hội giáo dục. Mười năm miệt mài xây dựng uy tín giúp MDRI có hơn 90 dự án nghiên cứu trải dài trên khắp 63 tỉnh thành, với mạng lưới 10.000 cán bộ khảo sát, trong số đó có dự án lớn và toàn diện như Báo cáo thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ Việt Nam 2013, 2015, Nghiên cứu toàn diện về hệ thống giáo dục Việt Nam (RISE) hay đánh giá dự án GREAT “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch”, hoặc đánh giá dự án Giảm nghèo Tây Nguyên của Chính phủ… Những nghiên cứu, dự án này không chỉ “hữu ích cho đối tác cũng như có ý nghĩa với hoạch định chính sách của nước mình, đưa ra các hàm ý chính sách dựa trên khoa học thực chứng và nhân văn hơn”, như TS. Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng MDRI nói, mà còn giúp Viện có được dữ liệu để thực hiện trên 70 nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí uy tín trên thế giới.

Dưới sự dẫn dắt của TS. Phùng Đức Tùng và TS. Nguyễn Việt Cường, Viện trở thành một vườn ươm các lý thuyết, phương pháp, công cụ, mạng lưới chuyên gia quốc tế, và hỗ trợ nhân viên mới học tập một cách vô điều kiện.

Ở bên ngoài nhìn vào những kết quả đó, người ta vẫn cho là tất cả đều do công của những người sáng lập gương mặt trong top các nhà kinh tế công bố tốt nhất Việt Nam. Nhưng thực ra, góp phần không nhỏ vào thành quả này, nếu không muốn nói là phần lớn theo cách nói đầy tự hào của viện trưởng Phùng Đức Tùng, là nỗ lực của một đội ngũ thiện chiến được rèn giũa trong suốt mười năm qua. Đó cũng chính là “bí mật” của MDRI.

Viện như một thế giới phẳng

Từ nòng cốt ban đầu gồm sáu người, để có thêm chuyên gia người Việt đủ sức đo lường các vấn đề xã hội, tuyển dụng, nuôi dưỡng một đội ngũ các nhà nghiên cứu nhiệt thành và giàu năng lực từ nguồn những người trẻ mới đi học ở nước ngoài trở về hoặc mới ra trường ở ngay tại Việt Nam, là lựa chọn cấp bách lúc đó. Vì “bên mình không thể tuyển được (cán bộ đã có nhiều kinh nghiệm), dù có nhiều đợt đăng tuyển nhưng rất khó tuyển. Thứ hai là làm khoa học không giống sản xuất, không thể mở rộng quy mô ngay được”, TS. Phùng Đức Tùng nhớ lại. (Thời điểm đó, theo thống kê của Viện, Việt Nam chỉ có 432 nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất bản trên tạp chí quốc tế trong danh mục ISI, một con số quá ít ỏi so với một quốc gia gần 100 triệu dân).

Làm cách nào để đội ngũ nhanh chóng trưởng thành? Dưới sự dẫn dắt của TS. Phùng Đức Tùng và TS. Nguyễn Việt Cường, Viện trở thành một vườn ươm các lý thuyết, phương pháp, công cụ, mạng lưới chuyên gia quốc tế, và hỗ trợ nhân viên mới học tập một cách vô điều kiện. Viện liên tục tổ chức các lớp tập huấn, tận dụng mọi dự án mà Viện có cơ hội tham gia để “tranh thủ” mời các chuyên gia quốc tế về giảng dạy, tìm kiếm các khóa học hữu ích. “Các anh chị có kinh nghiệm đi tìm kiếm khóa học cho người trẻ. Hoặc các bạn trẻ có thể tự tìm, Viện luôn sẵn sàng trả học phí và bố trí thời gian cho các bạn tham gia các khóa học bổ ích chỉ với một điều kiện duy nhất là đi học về chia sẻ lại kiến thức đã thu thập được từ khóa học đó”, Ngô Hà Quyên, cán bộ quản lý dự án của Viện cho biết. Đặt trong bối cảnh của Viện lúc mới thành lập rất nhỏ nhoi, không có trụ sở văn phòng, không có nguồn kinh phí hoạt động, việc xây dựng hồ sơ để dự thầu các gói tư vấn đánh giá cho các tổ chức quốc tế chỉ dựa vào khả năng gồng gánh của sáu nhân sự chủ lực, mới thấy hết việc chắt chiu các khoản thu để dành cho đào tạo nguồn nhân lực trẻ này hào phóng tới mức nào.

Viện vừa rèn luyện, vừa tạo một không gian đủ rộng cho sự tự do sáng tạo – nhu cầu lớn nhất của người làm nghiên cứu. “Môi trường nghiên cứu rất mở, mọi người được tự do suy nghĩ các nghiên cứu của mình hoặc cách làm của mình cho các vấn đề trong nghiên cứu. Cách quản lý của Viện là ‘một thế giới phẳng’, không có ai là sếp cả, không có ai là nhân viên cả”, như TS. Phùng Đức Tùng mô tả. Chỉ có tự do mới “đem lại sự sáng tạo cho các nhà nghiên cứu, một cách làm mới hoặc phát triển các phương pháp mới, từ đó có đóng góp quan trọng đối với khoa học và sự phát triển xã hội”.

Viện có một môi trường linh hoạt, không chịu sự ràng buộc của bất cứ quy định hành chính, tài chính rườm rà nào, tạo điều kiện tối đa cho nghiên cứu. Đây là những điều khác biệt với cách vận hành của các cơ quan nghiên cứu công lập, nơi mà chính các lãnh đạo MDRI từng có trải nghiệm trong nhiều năm trước khi thành lập Viện. Đơn cử, đối với công tác khảo sát đánh giá – yếu tố quyết định đầu vào cho nghiên cứu KHXH, MDRI đã chuyển đổi quy trình, công cụ thu thập số liệu cho các khảo sát từ giấy sang máy tính bảng từ cách đây mười năm, làm cho số liệu chính xác hơn, nhanh hơn, cập nhật hơn, xử lý tình huống ngay tại địa bàn dễ dàng hơn gấp nhiều lần so với quy trình cũ.

Song song với sự cởi mở đó là áp lực – “thả” ngay vào rèn luyện trong các dự án với nhịp độ công việc nhiều áp lực. “Cán bộ ở đây làm việc rất vất vả, các mảng đều phải làm, từ giáo dục đến nước sạch vệ sinh môi trường, dinh dưỡng trẻ em, biến đổi khí hậu, hạ tầng, dân tộc thiểu số, bất bình đẳng…” như lời các nghiên cứu viên kể, lại giúp đưa các bạn vào một guồng quay miệt mài và liên tục của các dự án để tích lũy kinh nghiệm. Ngay cả những thực tập sinh vừa ra trường vào đây cũng được giao hẹn “vào đây tối đa đến năm thứ ba là phải đủ khả năng xin học bổng đi học nước ngoài”. Áp lực khiến các cán bộ trẻ trưởng thành nhanh chóng. Ngay cả vị trí thực tập sinh trẻ cũng được thử thách đảm nhiệm tất cả các công việc cho phép hình dung một quy trình làm nghiên cứu bài bản khi tham gia các dự án cấp quốc gia.

Những kinh nghiệm quý báu ấy khiến cho nghiên cứu viên trẻ ở Viện cảm thấy “từ từ giỏi lên, cả về ngoại ngữ lẫn chuyên môn từ lúc nào cũng không hay luôn” như Lê Hải Châu, người nộp hồ sơ về Viện ngay từ những ngày đầu thành lập cho biết. MDRI có uy tín và mạng lưới nhà khoa học rất lớn nên hầu như 100% các bạn vào Viện sẽ có học bổng ở các nước. Hải Châu, từng làm việc ở Nhật, giờ đang làm việc ở Úc, thuộc “thế hệ thứ nhất” – gồm 16 người được tuyển dụng kể từ khi thành lập Viện đều được “rèn luyện” qua rất nhiều nghiên cứu và được lãnh đạo Viện tư vấn, giới thiệu đi học ở nhiều nước phát triển. Sau đó, gần 20 cán bộ nghiên cứu thuộc “thế hệ thứ hai” cũng được tôi luyện trong quá trình nghiên cứu như vậy để học tập tiếp ở nước ngoài. Mỗi thế hệ mất 3 – 5 năm rèn giũa, đến nay, “thế hệ thứ ba” lại đủ sức tung cánh rời Viện đi học, thì đã có những người đầu tiên thuộc thế hệ thứ nhất trở về Viện để tiếp nối công việc.

Con đường phía trước

Dù tài sản không nhỏ là các công bố, hay đội ngũ nghiên cứu viên làm khoa học một cách nghiêm cẩn, khiến các đối tác “thực sự thích cách MDRI vận hành, tính minh bạch và chất lượng nghiên cứu của họ”, như TS. Markus Taussig, ĐH Rutgers, Hoa Kỳ nhiều lần nhấn mạnh khi trao đổi với Tia Sáng, nhưng TS. Phùng Đức Tùng vẫn còn nhiều suy nghĩ khi nhìn về con đường phía trước.

Việc tự sống bằng cách lấy “ứng dụng nuôi cơ bản” – tận dụng nguồn lực tài chính và dữ liệu từ các dự án khảo sát để công bố không bao giờ đáp ứng được những dự định mà các nhà nghiên cứu ở MDRI ấp ủ để phân tích các vấn đề xã hội ngày một nảy sinh đa dạng ở Việt Nam.

MDRI đã phát triển nhờ vào khả năng chèo lái, cân đối giữa một bên là các dự án tư vấn để lấy kinh phí và dữ liệu cho các công bố là các bài báo, chương sách góp phần lý giải căn nguyên các biến đổi xã hội ở Việt Nam. Nhưng ngày càng ít nhu cầu về tư vấn đánh giá từ các dự án, chương trình có nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình (các nhà tài trợ đang rút dần để tài trợ cho các nước nghèo hơn, trước đây 53 nhà tài trợ thì bây giờ chỉ còn vài nhà tài trợ). Cũng tới lúc các doanh nghiệp và cơ quan quản lý của Việt Nam phải tự đánh giá, đo lường các chính sách, dự án và các vấn đề xã hội của Việt Nam thay vì dựa vào các đánh giá từ các tổ chức quốc tế, với chi phí thông thường chiếm từ 3% đến 5% kinh phí triển khai các chính sách mới. “Nhưng ở Việt Nam, giới khoa học vẫn chưa thuyết phục được các nhà làm chính sách hoặc các doanh nghiệp thay đổi tư duy tại sao phải bỏ ra phí tiền như vậy, vì dự án đằng nào cũng làm, đằng nào cũng xong”, TS. Phùng Đức Tùng nói. “Vấn đề là không chỉ dùng cho dự án hay chính sách này, mà các bài học rút ra còn dùng cho các dự án khác, chính sách khác về sau, đó mới là điều quan trọng. Trong khi đó hiện nay nhiều chính sách được thiết kế rồi đưa vào thực hiện mà chưa hề có thử nghiệm. Thường muốn có chính sách tốt phải có thử nghiệm, đánh giá rồi mới triển khai diện rộng”.

Mặt khác, việc tự sống bằng cách lấy “ứng dụng nuôi cơ bản” – tận dụng nguồn lực tài chính và dữ liệu từ các dự án khảo sát để công bố không bao giờ đáp ứng được những dự định mà các nhà nghiên cứu ở MDRI ấp ủ để phân tích các vấn đề xã hội ngày một nảy sinh đa dạng ở Việt Nam. Chẳng hạn, trước đây các vấn đề của Việt Nam xoay quanh xóa đói giảm nghèo, suy dinh dưỡng, nhưng hiện nay nghèo đói không còn là vấn đề lớn của Việt Nam nữa, cần chuyển sang các vấn đề khác về giáo dục, biến đổi khí hậu, béo phì, tác động của cơ sở hạ tầng, bất bình đẳng… Trong bối cảnh chưa thể tìm nguồn kinh phí thuần túy cho nghiên cứu cơ bản về KHXH, MDRI vẫn tiếp tục con đường của mình, mở rộng phạm vi nghiên cứu ra khu vực các nước ASEAN. “Cho đến nay các chủ đề nghiên cứu của chúng tôi khá phụ thuộc vào dữ liệu từ các dự án mà chúng tôi nhận tư vấn đánh giá, không thể chọn làm điều mà mình mong muốn trong số rất nhiều vấn đề xã hội ngoài kia. “Viện có xin được tài trợ từ quỹ NAFOSTED cho một số nghiên cứu nhưng kinh phí cũng ít không đủ để theo dõi đánh giá dài hơi, với các cuộc khảo sát lên tới hàng nghìn mẫu. Đó là chưa kể tới những ước mơ xa xỉ như đo lường với dữ liệu lớn”, TS. Phùng Đức Tùng cho biết. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)