Mê Kông: “Dòng sông năng lượng”?

Hàng loạt đập thủy điện lớn nhỏ đã và đang được xây dựng trên thượng nguồn Mê Kông và ở các nhánh sông – các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông đang biến con sông dài 4880 km này trở thành “dòng sông năng lượng”. An ninh năng lượng thì chưa thấy đâu nhưng những rủi ro về môi trường và mất an ninh sinh kế thì đã đến cận kề.





Theo thống kê của TS Đào Trọng Tứ thuộc Mạng lưới Đối tác vì Nước (VNWP), tính tới thời điểm này, hiện có 3 đập thủy điện lớn được xây dựng trên thượng lưu sông Mê Kông trong đó có con đập cao tới 291 m, 12 đập thủy điện khác với công suất từ 10 MW tới 1000 MW cũng đang được xây dựng trên lãnh thổ của Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trong vòng vài năm tới, sẽ có 20 đập thủy điện lớn sẽ được xây dựng trên dòng chính của Mê Kông.

Nhiều nhà khoa học lên tiếng cảnh báo về các ảnh hưởng tiêu cực của việc xây dựng ồ ạt các đập thủy điện: xây dựng các hồ chứa nước dẫ tới phá rừng làm đất bị xói mòn, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp; những người dân sống dưới hạ lưu, do điều kiện thủy văn thay đổi, sẽ bị mất đi nguồn lợi thủy sản buộc phải di cư sang các vùng khác sinh sống; nhiều loài sinh vật quý có nguy cơ bị tuyệt chủng dẫn tới hệ cân bằng sinh thái bị phá vỡ.

Không dễ chia sẻ nguồn lợi thiên nhiên

Các diễn giả tại tọa đàm “Mê Kông: Năng lượng – Môi trường – An ninh sinh kế”* cho rằng để đạt được sự phát triển về kinh tế phải có những đánh đổi nhất định. Tuy nhiên, bài toán đánh đổi giữa “đập thủy điện và con cá” phải được xem xét thấu đáo hơn. Xây dựng thủy điện có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng trong 10-20 năm nữa nhưng thiệt hại trước mắt là cuộc sống của người dân và môi trường bị đe dọa nghiêm trọng.

Thủy điện chiếm 30-33% tổng năng lượng của Việt Nam, 15-18% năng lượng của Thái Lan, 5% tại Campuchia… Lào là quốc gia đang có kế hoạch xây dựng rất nhiều nhà máy thủy điện trên sông Mê Kông. Nhưng nguồn năng lượng này không phải để đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia này mà để bán cho các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam. Ông Richard Cronin thuộc Trung tâm Henry L. Stimson nói, “Chính phủ nước này rõ ràng đã phải hy sinh các quyền lợi của quốc gia để đổi lấy sự tăng trưởng trước mắt”. Ông cũng đặt câu hỏi, ”Tại sao các nhà đầu tư Việt Nam lại muốn tham gia vào xây dựng các đập thủy điện tại Lào và Campuchia trong khi họ biết Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu như các điều kiện thủy văn của Mê Kông thay đổi.”

Ông Đào Trọng Tứ cho biết, “một trong những khó khăn trong việc đưa ra các quyết định liên quan tới xây dựng các đập thủy điện là do vẫn còn thiếu những thông tin khoa học mới về tác động của các đập thủy điện trên sống Mê Kông, đặc biệt là những tác động sau khi những đập mới được xây dựng”. Nhiều nhà xây dựng thủy điện cho rằng các hồ chứa nước sẽ giúp điều phối mực nước tốt hơn trên sông, làm giảm nguy cơ hạn hán, lũ lụt. Tuy nhiên, thực tế của những thiệt hại do việc nước ở các đập thủy điện tràn ra ở Trung Quốc và Việt Nam cho thấy sự thất bại của vai trò này.

Từ khi thành lập tới nay, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) bao gồm 4 nước thành viên (Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam) đã tích cực hoạt động bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên chung mà Mê Kông mang lại cho các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, MRC không phải là những người quyết định, họ chỉ có thể đưa ra các sáng kiến. Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ những cái được và mất khi đưa ra lựa chọn “con cá hay đập thủy điện”.

Các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông vẫn duy trì cơ chế hợp tác đa phương và song phương. Tuy nhiên, vẫn rất khó tìm được sự đồng thuận trong cách thức chia sẻ các nguồn lợi thiên nhiên, giữa các quốc gia thiệt hại và quốc gia hưởng lợi từ các nguồn lợi này.  Trung Quốc chưa thực sự tỏ ra thiện chí muốn tham gia vào các cuộc đàm phán của các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông. Trong khi đó, việc xây dựng thủy điện ở các nhánh sông nhỏ của dòng Mê Kông của các nước vùng hạ lưu phụ thuộc rất nhiều vào các động thái của Trung Quốc: nếu họ giữ nước ở thượng nguồn thì các đập thủy điện không thể nào hoạt động được. Hơn nữa, theo ông Timothy Hamlin, “một khi các đập thủy điện được xây dựng, lưu lượng phù sa sẽ mắc lại ở các con đập thay vì chảy xuống hạ lưu như trước đây. Điều này sẽ gây bất lợi cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp của các quốc gia vùng hạ lưu”.

Thúc đẩy đối thoại, hợp tác

Để tìm lối thoái cho bài toán “thủy điện hay con cá”, các nước hạ lưu sông Mê Kông, đặc biệt là Việt Nam – nước sẽ bị thiệt hại nhiều nhất nếu như các điều kiện thủy văn của Mê Kông thay đổi, nên tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương và song phương liên quan tới các vấn đề về sông Mê Kông. Bên cạnh đó, cũng cần hối thúc Trung Quốc và cả Myanmar tham gia vào Ủy hội sông Mê Kông cùng thảo luận, đàm phán về các chính sách phát triển liên quan tới sông Mê Kông.

Diễn giả Ngụy Thị Khanh thuộc Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhấn mạnh tới vai trò của các xã hội dân sự thông qua việc tiến hành các nghiên cứu độc lập, cung cấp thông tin nâng cao nhận thức của người dân giúp họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn với Chính phủ về các vấn đề liên quan tới cuộc sống của họ.

Ông Richard Cronin cho rằng, Mỹ có thể giúp các quốc gia trong khu vực sông Mê Kông về mặt công nghệ giúp đưa ra các quyết định chính xác hơn khi cân nhắc chi phí – lợi ích của các lựa chọn. Mỹ cũng đã triển khai chương trình sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông (LMI) với mục tiêu kêu gọi nỗ lực của các bên trong việc cải thiện chất lượng giáo dục, môi trường, sức khỏe và cơ sở hạ tầng trong khu vực; mục tiêu địa chính trị nhằm cân bằng ảnh hưởng bên ngoài đối với khu vực ASEAN.

 ———————-

* Tọa đàm “Mê Kong: Năng lượng – Môi trường – An ninh sinh kế” do PanNature, Trung tâm Stimson và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 3/8/2010.

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)