Mẹ phơi nhiễm hóa chất khiến con dễ mắc hội chứng chuyển hóa

Chất độc hóa học có ở khắp mọi nơi - trong nước, thực phẩm, không khí và đất. Mới đây, một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Network Open đã cho thấy việc tiếp xúc với những chất độc đó khi mang thai có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ tiểu học và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của các em trong nhiều năm tới.

kjekol/iStockphoto/Getty Images.

Theo kết quả nghiên cứu, con của những bà mẹ châu Âu bị phơi nhiễm với bốn nhóm hóa chất gây rối loạn hệ thống nội tiết (hormone) của cơ thể sẽ có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn ở độ tuổi từ 6 đến 11. Hội chứng chuyển hóa như vậy có thể bao gồm béo phì, huyết áp cao, cholesterol và kháng insulin cao bất thường – tiền thân của bệnh tiểu đường tuyp 2.

Nuria Güil-Oumrait – tác giả đầu tiên của nghiên cứu và là học giả Fulbright tại Trường Y Icahn, cho biết: trong nhóm trẻ em tiếp xúc với mức độ hóa chất cao nhất, 62% bị thừa cân hoặc béo phì, trong khi đó chỉ có 16% trẻ em trong nhóm có ít nguy cơ bị thừa cân.

“Hơn nữa, nồng độ insulin và chất béo trung tính trong máu, cũng như huyết áp tâm thu và tâm trương, ở nhóm có nguy cơ cao hơn đáng kể so với nhóm có nguy cơ thấp”, Güil-Oumrait cho biết. “Ngược lại, mức HDL-cholesterol ở nhóm có nguy cơ cao thấp hơn ở nhóm có nguy cơ thấp”. Cholesterol HDL được coi là mỡ máu “tốt” vì nó giúp làm sạch ruột.

Hội chứng chuyển hóa thường liên quan đến bệnh tim mạch ở người trưởng thành, tiểu đường tuyp 2 và đột quỵ, song “dịch bệnh” béo phì ở trẻ em ngày càng gia tăng đã khiến cho ​​các triệu chứng này xuất hiện ở trẻ em ở độ tuổi ngày càng nhỏ hơn. Theo các chuyên gia, việc mắc hội chứng chuyển hóa khi còn nhỏ cũng đồng nghĩa với khả năng mắc bệnh mãn tính cao hơn ở tuổi trưởng thành.

“Nghiên cứu này là một trong những nỗ lực toàn diện nhất đi sâu vào tìm hiểu nguồn gốc môi trường đầu đời của các nguy cơ liên quan đến bệnh chuyển hóa, qua đó củng cố thêm bằng chứng về độc tính và dịch tễ học trước đây trong lĩnh vực này”, Vicente Mustieles, Mariana Fernández và Carmen Messerlian – các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Y sinh tại Đại học Granada, Tây Ban Nha và Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan ở Boston (Mỹ) cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu trên 1.134 bà mẹ trong thời kỳ mang thai và sau đó lặp lại các xét nghiệm đó trên con của họ trong độ tuổi từ 6 đến 11. Các xét nghiệm này nhằm tìm kiếm hỗn hợp của chín loại hóa chất thường gây rối loạn nội tiết. được tìm thấy trong môi trường – các chất có “khả năng vượt qua hàng rào máu-nhau thai và cản trở quá trình trao đổi chất cũng như cân bằng nội tiết tố của con người”.

Những hóa chất này và các hóa chất khác “đi vào máu, mô và các cơ quan của thai nhi và trẻ sơ sinh thông qua con đường chuyển hóa qua nhau thai và cho con bú của mẹ trong một chu kỳ không bao giờ kết thúc”, Mustieles, Fernández và Messerlian viết.

Nghiên cứu đã thử nghiệm thuốc trừ sâu; kim loại nặng; chất chống cháy; chất hóa dẻo như phthalates và phenol; và PFAS (các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl) – là các hóa chất phổ biến có trong đồ gia dụng, đồ chơi, chất bảo vệ thực vật… được tìm thấy trong nước mặt và nước ngầm trên khắp thế giới ở mức cao hơn nhiều so với mức cho phép của nhiều cơ quan quản lý quốc tế.

Jane Houlihan-Giám đốc Khoa học và Sức khỏe Quốc gia của Healthy Babies Bright Futures – một liên minh của những người ủng hộ cam kết giảm thiểu sự tiếp xúc của trẻ sơ sinh với các hóa chất gây độc thần kinh cho biết, có nhiều cách để giảm thiểu tiếp xúc với nhựa và các chất độc khác – điều đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai và thời thơ ấu vì thai nhi đang phát triển và cơ thể nhỏ bé dễ bị tổn thương hơn.

Ví dụ, để giảm hàm lượng asen trong ngũ cốc, đảm bảo đãi sạch ngũ cốc trước khi sử dụng vì cách này giúp loại bỏ tới 60% lượng asen hoặc nấu lâu. Bên cạnh đó, hạn chế nước trái cây, cũng như rửa và gọt vỏ cẩn thận các loại rau quả. Và nếu có thể, hãy mua đồ hữu cơ.□

Kim Dung lược dịch

Nguồn: https://edition.cnn.com/2024/05/23/health/prenatal-exposure-toxins-child-health-wellness/index.html

Bài đăng Tia Sáng số 11/2024

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)