Miễn dịch bạch hầu ở Việt Nam: Tấm lá chắn nhiều lỗ hổng

Dù độ phủ vaccine chứa thành phần bạch hầu ở Việt Nam cho trẻ dưới một tuổi rất cao nhưng điều đó vẫn chưa đủ.

Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm ở điểm tiêm tại xã Dak Hà, Huyện Dak G’Long, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: WHO Việt Nam.

“Điều đó không có gì bất ngờ cả” – TS.Noriko Kitamura, hiện đang làm ở Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm ở Nhật Bản nói với Tia Sáng về trường hợp tử vong do bị bạch hầu gần đây, là thanh niên 18 tuổi chứ không phải là trẻ em dưới năm tuổi – vốn mới là đối tượng dễ bị tổn thương nhất của căn bệnh này. Với gần 10 năm nghiên cứu về bạch hầu ở Việt Nam, những việc xảy ra tiếp theo cũng không nằm ngoài dự đoán của cô: bệnh nhân này lây sang người bạn cùng phòng ở Nghệ An, về sau tới Bắc Giang làm việc, khiến 119 người ở Nghệ An và 16 người ở Bắc Giang phải cách li. Cả hệ thống y tế rốt ráo truy vết, xét nghiệm, rà soát và đốc thúc việc tiêm chủng cho trẻ em trên cả nước.

Nhưng không chỉ riêng Noriko, dịch bạch hầu vừa xảy ra có lẽ cũng không bất ngờ với hệ thống y tế dự phòng của Việt Nam. Họ đều biết rằng trên cả nước vẫn rải rác nhiều vùng có tỉ lệ tiêm chủng rất thấp và điều đó luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch. 

Nhưng, Noriko cho rằng nguyên nhân còn phức tạp hơn thế. 

“Câu chuyện về hai thành phố”

Một lí giải lặp đi lặp lại về nguyên nhân của sự bùng phát dịch bạch hầu gần đây là đến từ “vùng trũng tiêm chủng”. Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, nơi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong vụ dịch vừa rồi có tỉ lệ tiêm chủng vaccine có thành phần bạch hầu chỉ khoảng 50%. Đặc điểm này cũng trùng với đa số ổ dịch xảy ra những năm trước đây – đều ở vùng sâu vùng xa, đa phần là nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn về kinh tế và cách trở về giao thông. Chẳng hạn, vào năm 2023, có hàng chục bệnh nhân nghi mắc và điều trị bạch hầu ở huyện Yên Minh và Mèo Vạc, Hà Giang và ít nhất ba người tử vong.   

“Có những cộng đồng tôi gặp chỉ có tỉ lệ tiêm chủng đạt 10% hoặc có khi còn thấp hơn rất, rất nhiều. Họ khó mà tránh khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh” – TS. Noriko nhớ lại. Cô từng làm thực địa ở Quảng Ngãi, tại các địa bàn sinh sống giáp ranh với Kon Tum, Gia Lai, nơi bạch hầu vẫn xuất hiện liên tục hơn một thập kỉ sau Chương trình Tiêm chủng Mở rộng. Đó còn chưa kể số ca nhiễm thực tế còn cao hơn con số mà Bộ Y tế ghi nhận.

Nhưng ngạc nhiên hơn, kể cả nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao cũng không an toàn. Nghiên cứu của Noriko ở thành phố Nha Trang, nơi độ phủ vaccine đạt mức lí tưởng trên 90%, cho thấy chỉ khoảng ¼ người dân có miễn dịch với bạch hầu. Nói nôm na, tấm lá chắn của người dân trước bệnh bạch hầu giống như rừng khộp vào mùa khô, chỉ chờ đợi một tàn lửa từ các làn sóng di cư: “Trong trường hợp cực đoan, nếu có ca nhiễm bạch hầu len lỏi vào cộng đồng, sẽ nhanh chóng có ca nhiễm hoặc bùng phát dịch”, Noriko nói. 

Vaccine chứa thành phần bạch hầu nghĩa là nó còn mang kháng nguyên của các bệnh khác. Ví dụ như DTP còn chứa thêm uốn ván và ho gà. Hiệu lực của DTP với bệnh ho gà cũng có giới hạn. Nghiên cứu của Noriko cũng cho thấy miễn dịch với bệnh ho gà trong cộng đồng ở Việt Nam đã giảm xuống rất thấp. Lựa chọn vaccine TD để tiêm cho trẻ 7 tuổi chưa chắc đã phù hợp. “Đó có vẻ là một lựa chọn hơi rủi ro. Nếu quyết định tiêm tăng cường cho trẻ khi bắt đầu đi học, nó nên là vaccine DTP” – Noriko nói. 

Việt Nam từng là một nước có hàng nghìn ca mắc bệnh bạch hầu mỗi năm cho đến khi khởi động Chương trình tiêm chủng Mở rộng vào năm 1981. Vaccine được sử dụng ban đầu là vaccine DTP (phòng ngừa ba bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván) và đến năm 2012 được thay bằng vaccine năm trong một (ngoài ba bệnh trên còn phòng ngừa cả viêm phổi do vi khuẩn Hip và viêm gan B). Nhờ vậy, đến năm 2010, toàn Việt Nam hầu như không ghi nhận một ca bạch hầu nào. Nhưng không lâu sau đó, kể từ 2013 đến nay, năm nào cũng diễn ra các đợt bùng phát nhỏ.    

TS. Noriko Kitamura vẫn chưa thôi bị thu hút về chủ đề này và thường tranh thủ tài trợ để quay trở lại nghiên cứu. Dẫu chương trình tiêm chủng của Việt Nam đã trải qua bốn thập kỉ, đây vẫn là khoảng thời gian ngắn so với nhiều quốc gia phát triển, vẫn có thể chứng kiến “sự xuất hiện của vaccine đã tạo ra thay đổi giữa miễn dịch do vaccine và miễn dịch tự nhiên như thế nào. Nghiên cứu về điều này sẽ giúp đánh giá chính sách tiêm chủng hiện tại” – Noriko cho biết. 

Câu chuyện về Quảng Ngãi và Nha Trang thể hiện sự phức tạp trong miễn dịch của một cộng đồng. Khả năng phòng chống một dịch bệnh của cộng đồng phụ thuộc vào sự cân bằng của hai yếu tố: miễn dịch dựa vào vaccine và miễn dịch tự nhiên. Kịch bản lí tưởng là, vaccine sẽ bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, còn với những người không được tiêm hoặc vaccine đã giảm hiệu lực, sẽ kịp có miễn dịch tự nhiên bằng cách tiếp xúc dần dần với mầm bệnh theo thời gian – người ta có thể nhiễm bênh, nhưng nhẹ. 

Thực tế lại không lạc quan như vậy. Ở những vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp, người lớn có thể được tôi luyện hệ miễn dịch với vi khuẩn ngoài không khí, nhưng cách “tôi luyện” này đặc biệt nguy hiểm với trẻ em. Dưới một tuổi, cứ hai trẻ mắc bạch hầu thì có ít nhất một trẻ tử vong. Trong khi đó, ở những vùng có tỉ lệ tiêm chủng cao, vaccine sẽ ngăn vi khuẩn lưu hành trong cộng đồng, người dân sẽ ít có cơ hội tiếp xúc luyện tập tạo miễn dịch tự nhiên. 

Hiệu lực của vaccine giảm theo thời gian và sự xuất hiện của những người mang vi khuẩn mà không có biểu hiện bệnh càng khiến mọi chuyện thêm rắc rối. Nghiên cứu ở các nước châu Âu cho thấy bốn mũi vaccine DTP có thời hạn bảo vệ là 10 năm. Trong khi đó, theo Noriko, vaccine ở Việt Nam giảm hiệu lực nhanh hơn rất nhiều, chỉ trong vòng bốn năm. Một người có thể mất khả năng bảo vệ của vaccine trước khi đủ “cứng cáp” để tiếp xúc với vi khuẩn ngoài tự nhiên. Ngoài ra, người chứa mầm bệnh nhưng không có triệu chứng thường là những người đã tiêm vaccine, càng thêm mối nguy cho những cộng đồng có tỉ lệ tiêm chủng thấp. 

Sự vận động của các yếu tố trên đã tạo ra những lỗ hổng miễn dịch ở Nha Trang và Quảng Ngãi. Ở Nha Trang, người có miễn dịch với bạch hầu chủ yếu chỉ tập trung vào trẻ nhỏ dưới năm tuổi, còn ở Quảng Ngãi lại tập trung ở người lớn trên 18 tuổi. 

Tiêm cho trẻ nhỏ là chưa đủ

Nha Trang và Quảng Ngãi có thể coi là đại diện cho vùng có độ phủ vaccine cao và thấp trên khắp Việt Nam. Nó cho thấy không nơi nào là an toàn trước bệnh bạch hầu. Nhóm người chịu tác động lớn nhất chính là trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 15 tuổi. Khi các em bước vào tuổi đi học cũng là lúc vaccine không còn hiệu lực và cũng là khi các em gặp vô vàn nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh khi khám phá các mối quan hệ xã hội. Mặc dù càng lớn, tỉ lệ tử vong do bạch hầu càng giảm, nhưng vẫn rất đáng kể với lứa tuổi này – 10 người mắc thì 1-2 người tử vong. Nghiên cứu của Norkio trong khoảng thời gian 2015-2018, hơn 2/3 ca nhiễm nằm ở độ tuổi đang đi học. Trong đó ghi nhận hai trường hợp trẻ em 7 tuổi và 13 tuổi , dù đã tiêm ba mũi vaccine DTP khi còn nhỏ, nhưng vẫn tử vong do bạch hầu.

Điều đó có nghĩa là phải tăng mức độ bảo vệ của vaccine. Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, về cơ bản, trẻ em mới được hỗ trợ tiêm vaccine có thành phần bạch hầu (DTP hoặc vaccine 5 trong 1) ở thời điểm 2, 3, 4 tháng tuổi và mũi thứ tư vào lúc 18 tuổi. Nghiên cứu của Noriko khẳng định rằng Việt Nam cần tiêm thêm ít nhất một mũi tăng cường khi trẻ em bước vào lứa tuổi tiểu học. Thực nghiệm trên thế giới cho thấy sau mũi thứ năm, thời gian bảo vệ của vaccine có thể lên tới 25 năm. Sau đó, miễn dịch tự nhiên có thể chấp nhận được. 

Việt Nam đã bắt đầu tiêm bổ sung vaccine TD (vaccine uốn ván – bạch hầu hấp phụ) cho trẻ 7 tuổi trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng trong khoảng năm năm gần đây, nhưng mới chỉ giới hạn ở những tỉnh có nguy cơ cao. 

Mũi tiêm thứ năm này sẽ tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, nơi việc duy trì bốn mũi vaccine đầu đời vốn đã đầy thách thức. Tuy nhiên, một h vọng lạc quan đó là khó khăn không nằm ở nhận thức của người dân. Nghiên cứu của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) về tăng tỉ lệ tiêm chủng trong cộng đồng người thiểu số ở Đắk Lắk cho thấy, người dân hiểu được lợi ích của vaccine, nhưng vẫn chưa đủ để họ có thể “vượt ngàn chông gai” liên quan đến thiếu phương tiện đi lại, đường sá khó khăn, nghỉ làm để đưa con đi tiêm chủng. Trách nhiệm thay đổi sẽ đặt nặng lên vai các cộng tác viên y tế thôn/buôn vốn ít hỗ trợ cả về vật chất lẫn kĩ năng truyền thông với cộng đồng. Chương trình thí điểm của OUCRU tập huấn kĩ năng này cho nhân viên y tế và cộng tác viên cho thấy kết quả tích cực và bền vững cần được nhân rộng. 

Châu Âu đã quét sạch bệnh bạch hầu, kể cả không tiêm mũi tăng cường thứ năm. Đó là nhờ họ đã duy trì tỉ lệ phủ vaccine cao trên 90% ở mọi cộng đồng liên tục trong vòng gần một thế kỉ. Chính sách tiêm chủng giống như một cuộc chạy đường dài bền bỉ. Mặc dù Việt Nam trong các báo cáo đều ghi nhận tỉ lệ tiêm chủng toàn quốc rất cao, lớn hơn 90% nhưng cũng có khi “hụt hơi”. Chẳng hạn như vào năm 2013, việc tiêm chủng DTP đã bị ngừng lại tới sáu tháng trên cả nước vì một số trẻ bị tử vong do sai quy trình ở một vài điểm tiêm. Hay trong năm năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nguồn cung vaccine gián đoạn do cơ chế mua sắm vaccine thay đổi, tỉ lệ tiêm chủng trên cả nước có lúc xuống gần 80% hoặc thấp hơn. Trong nửa đầu năm nay, tốc độ phủ nhiều vaccine không đạt tiến độ. “Không có thứ gọi là vaccine nhanh, có thể ngay lập tức giảm lây nhiễm. Cần 10 năm, 20 năm mới có thể tác động tới việc lưu hành của vi khuẩn trong cộng đồng” – Noriko nói.□

—–

Bài viết nằm trong khuôn khổ Dự án Truyền thông Một Sức khỏe do Cơ quan Truyền thông Đại sứ Quán Pháp (CFI) hỗ trợ Tia Sáng. 

Bài đăng Tia Sáng số 15/2024   

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)