Mỗi lần tiếp nhận di sản của nhà khoa học với chúng tôi thực sự là một ngày hội

Ngày 2/11, tại Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức trọng thể “Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tư liệu hiện vật của cố GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển với sự tham dự của nhiều đại biểu là đồng nghiệp, học trò và đại diện ĐHQG Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN VN.


Thay mặt gia đình, TS Nguyễn Hoa Cương – con trai GS.NGND Nguyễn Văn Chiển đã trao tặng toàn bộ khối tài liệu hiện vật cá nhân của ông hồm 2500 tư liệu, chủ yếu là tư liệu gốc gồm các sổ ghi chép, nhật ký địa chất, bản thảo công trình nghiên cứu, bài viết, ảnh tư liệu, hiện vật khối được lưu giữ từ sau năm 1945 đến nay cho Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đây là một bộ sưu tập tư liệu quý không chỉ liên quan đến lịch sử cuộc đời của GS Nguyễn Văn Chiển mà còn có nhiều ý nghĩa đối với lịch sử ngành địa chất VN, phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên, phát triển giáo dục.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS TS. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm di sản các nhà khoa học đã chia sẻ với các đại biểu tham dự một vài suy nghĩ về hoạt động tiếp nhận hồ sơ di sản của các nhà khoa học ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN. Dưới đây là một phần của bài phát biểu đó.


Như đã thành thông lệ, ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN, mỗi lần tiếp nhận hồ sơ với chúng tôi thực sự là một ngày hội với rất nhiều cảm xúc.

Đó là lễ tiếp nhận hồ sơ của GS Nguyễn Văn Nhân được tổ chức tại gia đình khi sức khoẻ của GS phẫu thuật chỉnh hình nổi tiếng trong và ngoài nước đã quá yếu. Ai cũng nhận thấy Gương mặt bừng sáng lên và giọng nói của GS thực sự xúc động khi những hồ sơ bệnh án, những sưu tập phim chụp về các vết thương chiến tranh ở tứ chi mà GS vô cùng trân trọng, cần mẫn tích luỹ, lưu giữ suốt cuộc đời, nay được trao cho địa chỉ mà GS hoàn toàn an tâm, hoàn toàn thanh thản trước ra đi.

Đó là lễ tiếp nhận những khối di sản tư liệu, hiện vật khổng lồ và vô cùng quý giá của các GS Tôn Thất Tùng, Chu Văn Tường, Đặng Văn Chung và nhiều nhà khoa học quá cố khác đã được gia đình trân trọng và tin cậy bàn giao, gửi gắm TT lưu giữ.

Không thể kể hết tên các nhà khoa học vì 387 nhà khoa học đã được TT nghiên cứu, tư liệu hoá hồ sơ di sản và các nhà khoa học này hay gia đình họ đã đặt niềm tin qua việc gửi gắm 10 vạn đầu tư liệu, hiện vật vào kho lưu trữ của Trung tâm di sản các nhà khoa học VN.

Tại sao chúng tôi quan niệm, mỗi lễ tiếp nhận di sản của nhà khoa học là một ngày hội của TT ?
Là ngày hội vì mỗi khi hồ sơ của nhà khoa học được đưa về TT lưu giữ là chúng ta đã cứu được một phần di sản cho khoa học, cho đất nước, làm giầu thêm văn hoá và lịch sử của dân tộc. (bởi chúng tôi biết thực tế là rất nhiều di sản của các nhà khoa học không còn nữa, do bị mối xông, chuật, nhậy cắn hay bị bán giấy vụn, thậm chí bị chính nhà khoa khọc đốt đi).

Là ngày hội vì đây chính là thời điểm, cơ hội để các nhà khoa học, những học trò, đồng nghiệp của nhà khoa học hiến tặng tư liệu, hiện vật như trường hợp giáo sư Nguyễn Văn Chiển ngày hôm nay gặp gỡ, chia sẻ những kỷ niệm, hồi ức về lịch sử của lĩnh vực chuyên ngành, về người giáo sư khả kính.

Là ngày hội của TT Di sản các nhà kho học VN chúng ta vì nhà khoa học hay gia đình nhà khoa học và nói rộng hơn là xã hội đã đặt niềm tin vào TT, gửi gắm niềm tin vào TT di sản các nhà khoa học VN.

Chúng ta vẫn biết rằng chúng ta nhận thức sâu sắc việc làm của TT là một công việc rất nhân văn, thầm lặng, nhưng vô cùng có ích cho lịch sử và văn hoá đất nước. Tuy nhiên để xã hội tin chúng ta không phải dễ; dành được niềm tin của nhà khoa học, của xã hội là vô cùng khó khăn, nhất là trong nền kinh tế thị trường sôi động, trong bối cảnh xã hội đang mất niềm tin như hiện nay, khi cái giả nhiều hơn cái thực.

Cho nên hôm nay thực sự là ngày hội của TT  khi gia đình và người con trai trưởng của Giáo sư Nguyễn Văn Chiển, anh Hoa Cương đã trao cho TT những những kỷ niệm quý giá nhất với người bố, những di sản phản ảnh cả cuộc đời tâm huyết với khoa học và trách nhiệm cao với đất nước của GS Nguyễn Văn Chiển. Đó là sự tin cậy của gia đình nhưng cũng là biểu hiện niềm tin của xã hội với Trung tâm chúng ta.

Chúng tôi hứa 4700 đầu mục tư liệu, hiện vật phản ánh lịch sử cuộc đời của GS Nguyễn Văn Chiển cùng 10 vạn di sản của các nhà khoa học khác đang lưu giữ tại TT sẽ được giữ gìn tốt nhất và phát huy giá trị cao nhất.

Hãy biết trân trọng mỗi sự tin cậy, hãy giữ gìn, nâng niu và nhân rộng sự tin cậy đó.

Đó là cơ sở, là nền tảng của sự phát triển bền vững của Trung tâm.

Xin chân thành cảm ơn.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)