Mỗi nhà một người máy giúp việc?

Dưới đầu đề Mỗi nhà một người máy: Dyson tiến vào cuộc chạy đua cung cấp “Những người máy gia dụng tiên tiến” cho mọi gia đình, trang mạng independent.co.uk ngày 9-2 vừa rồi đưa tin doanh nhân người Anh Sir James Dyson vừa tuyên bố sẽ đầu tư 5 triệu Bảng (8 triệu USD) để lập Phòng thí nghiệm Robot tại Imperial College London.

Trọng điểm nghiên cứu của phòng thí nghiệm này sẽ là triển khai hệ thống thị giác có thể giúp người máy-robot “nhận biết và thích nghi với môi trường xung quanh”.

Thị giác của robot nghĩa là con mắt của nó. Đây là một lĩnh vực rất rộng và vấn đề mấu chốt là phải chế tạo được nhiều chủng loại thiết bị phức tạp. Chính vì thế mà trong 5 năm tới Dyson sẽ đầu tư một khoản tiền khá lớn cho công tác nghiên cứu thị giác robot, tiến hành tại một phòng thí nghiệm liên doanh hợp tác với Imperial College London. Họ sẽ thiết kế những thế hệ robot mới không những nhìn được các vật xung quanh mà còn có phản ứng đối với chúng.

Dyson là Giám đốc một doanh nghiệp mang tên ông, thành lập năm 1991, hiện có gần 2.000 nhà khoa học và kỹ sư chuyên thiết kế đồ gia dụng. Mặc dù Công ty Dyson đã có 15 năm kinh nghiệm làm robot nhưng họ cần hợp tác với học viện nói trên, vì nơi đây đang nghiên cứu các hệ thống có khả năng nhìn, hiểu và “dẫn đường một cách logic” (logically navigate) khi gặp các vật xung quanh. Từ năm 2005 đến nay Dyson liên tục hợp tác với GS Andrew Davison của học viện; vị giáo sư này sẽ lãnh đạo phòng thí nghiệm mới lập.

Lĩnh vực công việc mà phòng thí nghiệm thực thi sẽ được mở rộng dần. Những người máy gia dụng tiên tiến (advanced household androids) của Dyson sẽ có thể lau cửa sổ, gác tài sản và hút bụi cho các tấm thảm. Dyson nói: “Thế hệ chúng tôi trước đây tin rằng đến năm 2014 thì robot sẽ có mặt trên khắp thế giới. Hiện nay chúng tôi đã có khả năng về cơ khí và điện tử nhưng các robot vẫn còn thiếu năng lực hiểu biết – tức nhìn thấy và suy nghĩ theo cách của con người. Nếu các robot đều có những khả năng ấy thì đời sống của chúng ta sẽ trở nên dễ dàng hơn và sẽ xuất hiện những công nghệ trước đây chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi”.

“Hy vọng là sau đây 5 năm, tất cả chúng ta sẽ được sống cùng đội quân tự động làm công việc nội trợ do Dyson thiết kế” – techcrunch.com viết. Lúc ấy gia đình nào cũng có ít nhất một robot để giúp chủ nhân làm những công việc lao động chân tay đơn giản nhưng mất thì giờ.

Công ty Dyson đang chạy đua với các nhà khoa học trường Đại học Waseda (Nhật Bản) trong việc xây dựng các robot gia dụng đa mục đích đầu tiên. Năm 1999, Sugano Laboratory thuộc Waseda University đã cho ra mắt robot có tên Twenty-One, có thể nghe hiểu mệnh lệnh lời nói của con người để thực hiện việc nấu ăn hoặc trông trẻ. Cỗ máy tìm kiếm khổng lồ Google, nhà chế tạo thiết bị quân sự Boston Dynamics và công ty robot Schaft (Nhật Bản) cũng là những đối thủ cạnh tranh của công ty Dyson.

James Dyson năm nay 62 tuổi, nổi tiếng thế giới do có nhiều phát minh phục vụ nhu cầu công việc gia đình. Cho đến nay ông đã thiết kế chế tạo được hơn 5.000 mẫu thiết bị gia dụng kiểu mới. Công ty Dyson hiện thuê hơn 4.100 nhân viên trên toàn cầu. Các sản phẩm của công ty được tiêu thụ ở hơn 50 nước, mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ Bảng và lợi nhuận hơn 300 triệu Bảng (số liệu năm 2011). Thập niên 90 Dyson làm ra loại máy hút bụi không có túi đựng bụi, nhờ đó nâng cao đáng kể hiệu suất sử dụng của máy, tránh được nhược điểm phổ biến của các loại máy trước đó là khi túi đựng bụi đầy dần lên thì lực hút của máy cũng giảm dần đến lúc máy ngừng họat động. Năm 2009 ông phát minh ra loại quạt không cánh có tên Dyson Air Multiplier vừa an toàn (điều đặc biệt cần thiết với trẻ em) vừa đem lại chất lượng gió tốt nhất – gió êm dịu, liên tục và không gây ồn.

Nhà phát minh huyền thọai này đã được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ, vì thế người ta đều trân trọng gọi ông là Sir James Dyson.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)