Môi trường cho sáng tạo

LTS: Trong khi báo chí thời gian qua tốn khá nhiều giấy mực quanh chuyện một số cán bộ cấp sở, vụ xin ra ngoài biên chế, thì việc những người trẻ tài năng nhất rời bỏ các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước dường như đang thành... chuyện thường. Vì thế mà cuộc tọa đàm Xây dựng cơ chế chính sách để phát huy tài năng, trí tuệ nhà khoa học trẻ” của Tia Sáng đã thu hút ý kiến đóng góp của các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước: Pierre Darriulat, Hoàng Tụy... và một số nhà khoa học trẻ: Nguyễn Đức Thành, Hoàng Vĩnh Sinh, Phan Việt, Hoàng Thúc Hào...

Ai là người tài?
Là người từ lâu quan tâm đến việc đào tạo và phát triển “nguồn lực” khoa học, GS.  Hoàng Tụy cho rằng, muốn có cơ chế phát huy tài năng trẻ thì trước hết phải có cơ chế đánh giá thật chính xác thế nào là người tài, thế nào là tài năng? Muốn vậy thì các cơ quan như Hội đồng Quốc gia giáo dục, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, các hội đồng khoa học… cần phải làm việc theo đúng thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Theo đó, “thủ trưởng các cơ quan nghiên cứu khoa học phải được bầu chọn theo những cách thông thường hiện nay trên quốc tế, việc tuyển chọn phải đảm bảo dân chủ, đảm bảo quyền của người làm khoa học được tham gia ý kiến lựa chọn người trực tiếp lãnh đạo mình về chuyên môn”.
Cùng trả lời cho câu hỏi “Ai là người tài?”, TS. Hoàng Vĩnh Sinh (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng “mẫu” người tài có thay đổi ở từng thời gian, từng hoàn cảnh. Thời bao cấp, chỉ cần có các công bố quốc tế, các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín đã được coi là thành công; nhưng khi xã hội phát triển thì đòi hỏi người tài phải có những sản phẩm cụ thể và hiệu quả. TS. Hoàng Vĩnh Sinh còn nêu lên ý kiến cơ chế là quan trọng, nhưng bản thân nhà khoa học trẻ cần phải thay đổi cách suy nghĩ, tư duy, không nên chờ đợi mà nên tự vận động và chứng minh năng lực. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều nhà khoa học trẻ khác có mặt trong buổi tọa đàm. KTS. Hoàng Thúc Hào bổ sung thêm, “Nếu đã là tài năng thì phải có hành động cụ thể, phải tìm mọi cách tự tạo ra cơ chế hay mô hình để có thể chủ động được công việc của mình”.
TS. Nguyễn Đức Thành (ĐH Kinh tế Quốc dân) thì đưa ra quan niệm về người tài nhìn từ góc độ của một nhà nghiên cứu kinh tế: “Nhân tài là người có năng suất cao trong xã hội các nước phương Tây thu hút nhân tài chủ yếu để tăng năng suất cho xã hội”. Theo TS. Thành, vấn đề có thể lật ngược lại: Ai tự nhận mình là người tài? Trong hoàn cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh hiện nay, có thể nói phần lớn người năng động và có kiến thức thực sự đều tìm được cách có được sự đãi ngộ thoả đáng. Tuy nhiên, với những người theo đuổi khoa học thuần tuý thì việc vừa phát huy được tài năng, vừa nhận được đãi ngộ xứng đáng ở trong nước không phải là dễ dàng.
Gửi hay giữ lại?
Đã từng gắn bó lâu năm và rất tâm huyết với sự phát triển của các nhà khoa học trẻ, GS. Pierre Darriulat nêu lên các rào cản đối với sự phát triển của hoạt động khoa học Việt Nam như các vấn đề lựa chọn, lương bổng, chảy máu chất xám và sự tôn trọng đối với công việc trí tuệ. Các rào cản trên có mối liên hệ với nhau vì vậy phải giải quyết đồng thời ở cấp chính phủ và phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Khi những tài năng trẻ nhận được một thông điệp rõ ràng từ phía chính phủ về những ưu đãi, về một môi trường làm việc tốt, họ sẽ cống hiến hết mình.
Lo ngại trước thực trạng chảy máu chất xám, GS. Pierre cho rằng đây là một vấn đề rất rõ ràng nhưng chưa được nhiều người chú ý. Nhiều giáo sư đại học thường tự hào gửi được nhiều sinh viên ra nước ngoài nghiên cứu trong khi đáng ra họ nên tự hào khi có nhiều sinh viên từ nước ngoài đến Việt Nam học tập. Khác với ý kiến của GS. Pierre, GS. Trần Đình Thiên lại cho rằng, trong trường hợp của Việt Nam hiện nay, việc gửi sinh viên ra nước ngoài học tập là cần thiết để học hỏi khoa học công nghệ ở các nước phát triển-một lợi thế của những nước đi sau. Điều quan trọng là làm sao để họ học tốt và trở về phục vụ đất nước, ngay cả sự trở về chậm lại năm mười năm sau, khi ở trong nước đã có môi trường thuận lợi hơn để phát huy tài năng, và khi đó những người này không chỉ mang theo kiến thức, vốn liếng mà còn mang về một hệ thống quan hệ mạng lưới với thế giới, đó là một “tài sản” rất quý.
Lương bổng và sự tôn trọng
Một câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra: Làm thế nào để phát huy trí tuệ của các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ, đồng thời “giữ chân” họ? Câu trả lời được “xoáy” vào hai ý-sự tôn trọng và lương bổng.
Là một người “khá nhạy cảm” với môi trường nghiên cứu ở Việt Nam, GS. Pierre nhận định, “Xã hội chưa có một sự tôn trọng thích đáng với những người làm công việc trí tuệ vì Việt Nam đang thiếu một môi trường khoa học, bản thân một số người làm khoa học không có sự say mê, không thực sự hiểu ý nghĩa của công việc nghiên cứu khoa học. Đó chính là điểm quan trọng nhất và là vấn đề đặc thù của Việt Nam nên không thể trông chờ vào yếu tố bên ngoài”. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của mọi người trong buổi tọa đàm. Như để giải thích cho thực tế trên, GS. Trần Đình Thiên cũng chỉ ra một hiện tượng phổ biến có ở những người làm khoa học Việt Nam, là có những nhà khoa học tham gia nghiên cứu khoa học với tư cách công chức, mà tư cách công chức lại gắn liền với cơ chế bao cấp trong hoạt động khoa học làm cho hệ thống khoa học không hướng đến mục tiêu, hiệu quả thiết thực. Điều này làm cho các tiêu chuẩn khoa học bị thụt lùi, hệ thống đánh giá vô hình trung bị… “hư hỏng”. Với cách nhìn của một nhà kinh tế, ông nói thêm, “Dù trong khoa học hay kinh tế thì người phải đi tìm việc, chứ như cơ chế hiện nay khiến việc lại đi… tìm nhà khoa học”. Và như vậy sẽ dẫn đến phân bổ lao động chồng chéo để rồi “cha chung không ai khóc”, không hướng tới kết quả nghiên cứu cuối cùng.
Tuy nhiên, “lời nói phải đi đôi với việc làm”, vì vậy, theo GS. Pierre, tôn trọng nhà khoa học không phải chỉ là sự “tán dương” mà còn phải tạo mọi điều kiện để họ toàn tâm toàn ý cho sáng tạo cho nên vấn đề lương bổng phải được coi trọng hơn bao giờ hết. GS. Pierre cho rằng lương cho người làm khoa học là một vấn đề rất lớn, một người không thể nào làm một nhà nghiên cứu tốt nếu phải kiếm sống bằng nghề thứ hai. Giải quyết vấn đề lương bổng không phải bằng cách tìm nguồn tài chính để trả lương cho người tài mà là tái phân bổ hợp lý nguồn lực hiện đang có. Đồng quan điểm với GS. Pierre, GS. Hoàng Tụy cho rằng cần phải cải tổ hệ thống lương cho ngành khoa học và giáo dục, điều này đặc biệt cần thiết cho những nhà khoa học trẻ, đảm bảo cho họ toàn tâm toàn lực làm khoa học trong một thời gian đủ dài để có những tích lũy cần thiết phát huy tài năng của mình. Tuy nhiên xét theo hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, “Khả năng tăng lương là rất khó nhưng vẫn có hướng giải quyết đó là ứng dụng các nghiên cứu đáp ứng những đòi hỏi của thị trường, đem lại ích lợi cho xã hội và dùng những lợi nhuận thu được để tái đầu tư phục vụ công việc nghiên cứu”.
Nên có một môi trường  “sinh hoạt” khoa học
Chúng ta nên duy trì một văn hóa nghiên cứu. Ý tưởng được mọi người tán thành và góp ý sôi nổi nhất là ý tưởng tổ chức “Câu lạc bộ các nhà khoa học làm việc hướng tới các chuẩn mực quốc tế” (tên gọi theo đề xuất của TS. Phạm Đức Chính) để các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ có chỗ dựa về tinh thần, có môi trường để thảo luận và giải quyết các khúc mắc trong công việc và bước đầu chứng minh năng lực của mình. GS. Pierre cũng bổ sung thêm, với môi trường như vậy các nhà khoa học trẻ có thể thoải mái đưa ra các ý tưởng nghiên cứu, những ý tưởng đó có thể chưa chính xác nhưng ích lợi đầu tiên mang lại cho các nhà khoa học trẻ là họ học hỏi và nhận được sự giúp đỡ từ những người đi trước.
Bên cạnh đó, GS. Phan Đình Diệu đưa ra ý tưởng cần phải tổ chức một trung tâm thông tin khoa học, xây dựng một thư viện điện tử mà ở đó sẽ thu thập, lưu trữ tất cả các tạp chí khoa học có uy tín thế giới để các nhà khoa học có thể truy cập tới các tài liệu liên quan đến hướng nghiên cứu của mình. Còn theo GS. Nguyễn Tuấn Hoa thì Bộ KH&CN nên lập ra các viện nghiên cứu để các nhà khoa học chỉ làm việc trong một thời gian kéo dài ba đến bốn năm. Khi đã chứng minh năng lực, những nhà khoa học này sẽ được cử tới các cơ sở khác để trở thành cán bộ nòng cốt, rồi sau đó tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ hơn phát triển tài năng.

TS PHẠM ĐỨC CHÍNH, Viện Cơ học:
Cần tổ chức câu lạc bộ các nhà khoa học quan tâm tới chuẩn mực quốc tế
(Kèm ảnh 1)
Với các tài năng trẻ bước đầu đã được khẳng định
Bộ KH&CN cần tập hợp các tài năng trẻ đã có thành tích công bố quốc tế và bẳng phát minh, sáng chế (trong đó có các nhà khoa học trẻ mới từ nước ngòai trở về) trong một phong trào, bảo vệ họ khỏi bị tác động của các yếu tố tiêu cực xung quanh, để họ tập chung vào chuyên môn hướng tới làm việc theo chuẩn mực quốc tế. Nếu họ còn chưa được chủ trì hay tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) các cấp phù hợp, hãy để họ đăng ký đề tài nghiên cứu cơ bản trên cơ sở thành tích 5 năm gần nhất. Kinh phí hỗ trợ cũng phải bù đắp được tiền lương thấp, và ít nhất cũng phải cạnh tranh được với các việc làm khác như dậy thêm, làm thợ tin học,… – mà thu nhập hiện cũng rất khá. Các Hội đồng nghiên cứu cơ bản ngành cùng với Trung tâm hỗ trợ đánh giá KH&CN có thể giúp đỡ đắc lực các nhà quản lý của Bộ KH&CN trong việc này.
Với các nhà khoa học trẻ nói chung
Hãy tạo môi trường lành mạnh để họ phấn đấu vươn lên đóng góp cho nghề nghiệp, cho xã hội, và có được lợi ích chính đáng cho bản thân. Một số cơ sở như Viện Tóan và Viện Vật lý có được một văn hóa làm việc khá tốt. Thử tưởng tuợng một bạn trẻ có năng lực và tâm huyết với nghề rơi vào một nơi có không khí làm việc không nghiêm túc, thủ trưởng tiêu cực: bạn đó sẽ cần một chỗ dựa. Bộ KH&CN cần giúp tổ chức câu lạc bộ các nhà khoa học quan tâm tới chuẩn mực quốc tế (có thể phát triển từ chính Nhóm của chúng ta), có sinh họat định kỳ. Các nhà quản lý có thể nghe các nguyện vọng và các vấn đề của họ để có các chính sách và tác động hợp lý. Các nhà khoa học có thể trao đổi kinh nghiệm công việc, công bố quốc tế, thậm chí cả hợp tác chuyên môn, tạo tinh thần đồng đội trong NCKH chất lượng cao. Câu lạc bộ cũng được phân thêm ra các Nhóm sinh họat theo ngành và địa phương.
Không gian làm khoa học lành mạnh và thu nhập thỏa đáng theo năng lực sẽ hấp dẫn các bạn trẻ theo nghề làm khoa học – một vấn đề nhức nhối đối với Việt Nam hiện nay. Hiện thì các Viện nghiên cứu của Viện KH&CN Việt Nam không hấp dẫn các bạn trẻ có năng lực, và Viện cũng chẳng còn mấy biên chế giành cho họ.
Một thăm dò của CNN gần đây cho thấy, ở Mỹ, ngành nghề được kính trọng nhất là cứu hỏa, tiếp đến là khoa học (cách đây 10 năm thì nghề làm khoa học dẫn đầu), rồi đến nghề bác sĩ-hộ lý. Cuối bảng là nghề môi giới bất động sản, rồi đến đầu cơ chứng khoán. Nghệ sĩ, vận động viên và chủ nhà băng cũng ở mức uy tín thấp. Theo một, thăm dò trong giới thanh niên Nhật bản thì nghề yêu thích nhất của họ là GS đại học; ở Trung Quốc cũng vậy. Nếu cuộc thăm dò được tổ chức ở Việt Nam, tôi nghĩ kết quả sẽ khác nhiều (?). Một số nhà khoa học chuyển sang kinh doanh coi thường khối những người làm khoa học ra mặt. Ở cơ quan tôi, một số bạn trẻ, mặc dù vẫn ăn lương cán bộ nhà nước và đứng tên tham gia các đề tài NCKH, nhưng lại dùng thời gian cơ quan để lên sàn chứng khoán, và nếu ti-vi có quay tới thì lẩn như trạch để giấu mặt (chính họ kể lại).
TS ĐẶNG HỮU CHUNG, Viện Cơ học:

Nên luật hoá việc phong chức danh và bổ nhiệm cán bộ

Quy trình bổ nhiệm, sử dụng cán bộ khoa học và bố trí công việc chuyên môn ở một số nơi, đôi khi còn chưa được công khai, thiếu công bằng và các chuẩn mực hợp lý. Do đó nó sẽ tạo thành một chuỗi tiêu cực mà có thể được khái quát hóa như cấu trúc mạch vòng khép kín:
Lãnh đạo chuyên môn kém     Tiêu chuẩn lọc thấp  chức danh dởm  đào tạo tồi Lãnh đạo chuyên môn kém.
Với cấu trúc này còn chỗ nào dành cho người tài không? Những nhà khoa học chân chính thường sẽ trải qua hai giai đoạn trong cuộc đời, đó là bắt đầu sự nghiệp bằng tình trạng “quá trẻ” và sau đó tiến thẳng lên giai đoạn “quá già” (nếu diễn giải bằng tiếng Anh thì có thể nói “too young/old to do something”). Ở các nước phát triển, mọi người không phân biệt nam nữ, bằng cấp đều có quyền làm việc, nhưng đến tuổi 63 và nếu muốn ở lại thêm thì lương sẽ không còn được hưởng 100% như trước, trong khi đó ở ta ngồi càng lâu lương (và có thể thêm “lậu”) cứ thế càng lớn. Tôi nghĩ rằng Nhà nước cần nhanh chóng luật hóa công tác bổ nhiệm cán bộ cũng như các chức danh khoa học và xem việc chấp hành pháp luật là chuẩn mực đạo đức duy nhất trong xã hội nhằm tránh những khái niệm mơ hồ và mỗi người hiểu theo một kiểu khác nhau.
Tôi luôn hy vọng rằng những người có khuynh hướng canh tân tích cực trong khoa học – giáo dục – công nghệ sẽ tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình một cách thuyết phục mới mong tháo gỡ được mắc xích mạch vòng nêu trên. Và Việt Nam chắc chắn sẽ là nơi quy tụ các bậc hiền tài.
GS PHẠM XUÂN YÊM, Nguyên giám đốc nghiên cứu CNRS và Đại học Pierre et Marie Curie, Paris:

Chuyển giao dần trọng trách khó khăn cho các nhà khoa học trẻ
Qua tìm hiểu những nguyện vọng của một số anh chị em trẻ đi du học, cộng với kinh nghiệm tiếp xúc với các bạn đồng nghiệp Trung Quốc, Ấn độ, Đài Loan, Hàn quốc từ thuở họ và tôi cùng ‘hàn vi’ làm việc trong nhiều năm ở những nước phát triển Âu Mỹ, tôi xin có mấy đề nghị cụ thể sau đây:
– Cung cấp đủ kinh phí để trang bị thư viện, thư viện điện tử cho đầy đủ tạp chí khoa học và sách giáo khoa chuyên đề. Nhà khoa học trẻ rất nhanh chóng tiếp thu các kiến thức mới từ các tạp chí chuyên ngành mới nhất.
– Đã có một số không nhỏ thành đạt ở ngoài khi về nước chưa được sử dụng công bằng để có điều kiện phát huy tài năng. Ở đại học họ phải giảng dạy quá nhiều giờ so với đồng nghiệp nước ngoài (ở Pháp khoảng 180 giờ/ năm cho phó giáo sư, 130 giờ/năm cho giáo sư), không còn đủ thời gian làm nghiên cứu sáng tạo để trưởng thành và phát huy chất lượng ;
– Tháo gỡ những thủ tục hành chính và cấp kinh phí cứng nhắc, tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ giao lưu, cộng tác thường xuyên với các cơ quan giảng dạy nghiên cứu ở các nước khoa học tiên tiến.
GS TRƯƠNG NGUYÊN TRÂN, ĐH Bách khoa Paris:
Thuyết phục một số nhà khoa học trẻ ở nước ngoài về Việt Nam phục vụ đất nước
Để thuyết phục, Nhà nước nên lập ra những viện nhỏ để bảo trợ cho những tài năng này trong những năm đầu trở lại phục vụ đất nước, làm sao để họ có thể bỏ ra phần lớn thời gian của họ để tập trung vào những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. Tôi muốn nói là những viện Millenium Science Initiatives (MSI) mà GS Griffith của viện Cao Học Princeton đã trình lên chính phủ VN cách đây 4, 5 năm nhưng vẫn không được chấp thuận. Tôi tin rằng trong những năm đầu chúng ta không cần một số tiền khổng lồ như GS Griffith đã đưa ra và chỉ cần một hai triệu USD là tạm đủ.
Đánh giá đúng tài năng cũng rất quan trọng trong việc thu hút nhà khoa học trẻ. Tôi muốn lấy ví dụ trường hợp anh Nguyễn Bá Ân ở viện Vật Lý. Anh là một nhà khoa học có uy tín nhưng 15 năm nay và vẫn không được lên chức GS. Về tài năng, theo tôi anh Ân có thể là “thầy” của một số GS trong danh sách các GS được phong gần đây ở Việt Nam. Mỗi năm anh công bố trên 5 bài khảo cứu trong những tạp chí quốc tế uy tín. Nếu không một số lớn nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài sẽ không hiểu được tiêu chuẩn đánh giá công việc ở trong nước dựa vào những tiêu chuẩn nào?

Tuấn Linh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)