Môi trường và tăng trưởng kinh tế
Mùa hè vừa qua cả thế giới khốn khổ vì cơn giận dữ của thời tiết. Chỉ trong một tuần, không khí nóng cướp đi gần 500 mạng người châu Âu. Nạn lụt lớn chưa từng thấy nhấn chìm mấy nghìn ngôi nhà ở Anh quốc và làm hàng triệu người châu Á mất nhà cửa, mùa màng, trong đó có dân cố đô Huế nước ta. Sang tháng 12, bão lũ vẫn đang tiếp tục đổ bộ vào Quảng Nam. Do đâu khí hậu toàn cầu biến đổi ác liệt một cách không quy luật như vậy và ngày càng ác liệt? Nếu khí hậu cứ tiếp diễn như thế thì xã hội loài người và nền kinh tế được vun trồng mấy chục nghìn năm nay sẽ ra sao ? Người ta bỗng nhớ đến những hồi chuông báo động thảm họa môi trường đã vang lên từ lâu.
Lời cảnh báo đáng sợ ấy viết trong một cuốn sách mỏng xuất bản năm 1972 có tên Các giới hạn của sự tăng trưởng (Limits to Growth), do một tổ chức phi chính phủ có tên Câu lạc bộ Rome (Club of Rome) soạn thảo. Lần đầu tiên trên thế giới, sách nêu ra vấn đề các giới hạn của Trái Đất và của sự tăng trưởng kinh tế-xã hội, dự đoán xu thế phát triển dài hạn toàn cầu về dân số, kinh tế và môi trường, đưa ra quan điểm về cách giải quyết các vấn nạn môi trường. 30 triệu cuốn sách này in bằng 28 ngôn ngữ đã được người đọc trên thế giới mua hết, xếp đầu bảng các bestseller viết về môi trường. CLB Rome và Các giới hạn của sự tăng trưởng được coi là ngọn cờ đầu phong trào bảo vệ môi trường, là cái mốc đánh dấu lịch sử sự nghiệp này của loài người.
Donella H. Meadows, Gore, Brundtland |
Sau tai họa thay đổi khí hậu mùa hè 2007, dư luận đang nhắc tới Limits to Growth và không tiếc lời ca ngợi tác giả chính của nó là bà Donella H. Meadows (1941-2001) – tiến sĩ vật lý sinh học, giáo sư ĐH Dartmouth (Mỹ). Năm 1972 bà tham gia một nhóm làm việc theo yêu cầu của CLB Rome, chuyên nghiên cứu mô hình máy tính toàn cầu World3 tại trường MIT. World3 đưa ra các dự báo giới hạn cuối cùng về năng lực chịu đựng của Trái Đất và sự tăng trưởng kinh tế-xã hội. Trên cơ sở đó, bà viết đề cương cho sách trên. Năm 2004, Limits to Growth được các tác giả còn lại sửa chữa và tái bản.
CLB Rome do Aurelio Peccei (Italy) và Alexander King (Scotand) sáng lập năm 1968 nhằm nghiên cứu các vấn đề của thế giới. Chủ tịch CLB hiện là hoàng thân El Hassan bin Talal của Jordan, trong số thành viên có những tên tuổi đáng nể như vua Tây Ban Nha Juan Carlos I, nữ hoàng Hà Lan Beatrix, cựu TT Liên Xô Gorbachep, cựu TT Gruzia Shevardnadze, cựu Thủ tướng Ấn Độ Karan Singh, bà Rigoberta Menchú (giải Nobel Hòa bình) cùng một số chính khách, doanh nhân, nhà khoa học nhiều nước.
Hồi chuông báo động của CLB Rome vang lên đã 35 năm, môi trường toàn cầu chẳng những chưa được cải thiện mấy mà còn xấu đi nhanh chóng. Xã hội loài người sẽ ngừng phát triển vào năm 2015! Dường như nhân loại chưa biết mối hiểm họa mà họ đang xích gần tới ấy đáng sợ nhường nào.
Cứu Trái Đất quan trọng hơn làm Tổng thống nước Mỹ
Đó là ý nghĩ của Al Gore sau khi ông bị Tòa Tối cao Mỹ xử thất cử trong kỳ bầu Tổng thống (TT) Mỹ năm 2000, mặc dù Gore được nhiều phiếu hơn Bush, và sau khi ông từ chối ra tranh cử năm 2004 cũng như mới đây lại tuyên bố không định tái tranh cử năm 2008 – ý định này trái với nguyện vọng của không ít người Dân chủ Mỹ, vì họ sợ mấy ứng viên non choẹt hiện có của đảng họ không “đấu” nổi các ứng viên nặng ký của đảng Cộng hòa, trong khi Al Gore từng 8 năm làm phó Tổng thống thành công và hơn 30 năm đại biểu quốc hội. 7 năm qua Gore bôn ba khắp thế giới thuyết phục mọi người bắt tay đối phó sự thay đổi khí hậu. Mỗi lần đáp máy bay, ông đều gửi tiền thuê trồng giúp một cây ở đâu đó; “Cánh rừng Gore” hiện đã có hơn 1000 cây. Ông còn tập hợp 1000 người đem bộ phim Một sự thật khó chịu (An Inconvenient Truth, do Gore đóng vai chính, trùng tên với một bestseller của ông xuất bản 2006) đi chiếu khắp thế giới; phim này đoạt giải Oscar 2007 thể loại phim tài liệu. Cách đây 30 năm, khi được bầu vào Quốc hội Mỹ, Gore đã kêu gọi đối phó với sự ấm lên toàn cầu. Năm 1992, ông viết Earth in the Balance và dẫn đầu chính phủ Clinton-Gore thực thi nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường (BVMT). Ông là người sáng lập và chủ tịch của một số tổ chức BVMT như Alliance for Climate Protection, Generation Investment Management và hoạt động hòa nhạc Live Earth Benefit Concerts. Giải Nobel Hòa bình 2007 tặng cho Al Gore (cùng Intergovernmental Panel on Climate Change) là sự đánh giá xứng đáng công sức của ông.
Phát triển bền vững mới thực sự là phát triển
Phát triển là lẽ sống còn của tất cả các nước, nhất là nước nghèo; nhưng nếu phát triển không đúng cách thì sẽ dẫm chân tại chỗ hoặc tụt lùi. Khái niệm phát triển bền vững (PTBV) xuất hiện lần đầu năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược gìn giữ thế giới do Hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế IUCN công bố, sau đó được phổ biến rộng rãi nhờ Báo cáo Brundtland (công bố năm 1987)– lấy tên của chủ tịch Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển WCED là bà Brundtland, Thủ tướng Na Uy nhiệm kỳ 1986-1989 và 1990-1996. Báo cáo này định nghĩa PTBV là “sự phát triển có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, không tổn hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ sau”; nói cách khác, phải phát triển kinh tế một cách có hiệu quả, bảo đảm xã hội công bằng và gìn giữ được môi trường. Đây là một mục tiêu rất khó thực hiện. Nhiều nước nghèo đang lao vào con đường tăng trưởng càng nhanh càng tốt, bất chấp cái giá phải trả do tàn phá môi trường; hậu quả vô cùng tai hại. Phương châm PTBV hiện nay được chính phủ tất cả các nước tuyên bố tuân theo, tuy rằng sự thực thi còn rất dè dặt.
Tiếng chuông cảnh tỉnh mới nhất
Al Gore |
Ngày 25 tháng 10 năm nay, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố bản báo cáo Viễn cảnh môi trường toàn cầu- 4 (Global Environment Outlook- 4, viết tắt GEO-4). GEO-4 dày 570 trang là bản tổng quan bao quát nhất về sự biến đổi của khí quyển, đất, nước và đa dạng sinh học trên Trái Đất từ năm 1987 tới nay. Trong khi nhấn mạnh “Mục tiêu (của báo cáo này) không phải là đưa ra một kịch bản ảm đạm, mà là một lời kêu gọi hành động khẩn cấp”, GEO-4 cảnh báo: Môi trường Trái đất đang tiến dần tới ngưỡng giới hạn; sự tồn vong của nhân loại phụ thuộc vào việc chúng ta bắt tay hành động ngay hôm nay, chứ không phải ngày mai!
Dưới đây là vài điểm chính trong báo cáo GEO-4:
1- Toàn thế giới đang sống vượt quá sức chịu đựng sinh học của Trái Đất. Để đáp ứng nhu cầu của một con người, Trái Đất cần có 21,9 ha bề mặt, trong khi công suất sinh học của bình quân của nó hiện chỉ là 15,7 ha/người, bằng 2/3 nhu cầu của chúng ta. 2- Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,74oC trong 100 năm qua, và trong thế kỷ này có thể tăng thêm 1,8-4 oC. Nó làm tan băng ở hai cực Trái Đất, khiến nước biển dâng lên. Những nước ven biển sẽ chịu hậu quả trước tiên; thí dụ 20 triệu người Việt Nam sẽ mất nhà cửa và đồng ruộng vì nước biển dâng ngập. Thời gian 1992-2001, lũ lụt gia tăng đã khiến gần 100.000 người thiệt mạng và tác động tới 1,2 tỉ người. Tình hình nghiêm trọng đến mức, cần phải xem xét một công ước mới thay thế Nghị định thư Kyoto, nhằm buộc các nước đang phát triển cũng phải cam kết cắt giảm khí nhà kính, mà không được miễn trừ như trước. 3- Nguồn nước ngọt giảm nhanh, năm 2025 sẽ có 1,8 tỷ người cực kỳ thiếu nước. Chất lượng nước tiếp tục hạ thấp, mà nguồn nước bị ô nhiễm là một trong các nguyên nhân chính làm cho con người mắc bệnh và chết. 4- Diện tích đất bình quân đầu người đang nhanh chóng thu hẹp, từ 7,9 hecta năm 1900 xuống còn 2,02 năm 2005 và dự kiến là 1,63 hecta năm 2050. 5- Đa dạng sinh học biến đổi nhanh nhất trong lịch sử, với hơn 30% động vật lưỡng cư, 23% động vật có vú và 12% loài chim có nguy cơ tuyệt diệt. Lượng cá biển bị đánh bắt lớn gấp 2,5 lần so với sản lượng khai thác bền vững của biển. “Cuộc đại diệt chủng sinh vật lần thứ 6 đã bắt đầu, mà nguyên nhân là do các hoạt động của nhân loại” – GEO-4 báo động.
Tăng trưởng dân số là nguyên do chủ yếu đòi hỏi tăng trưởng kinh tế, đồng nghĩa với việc tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên; mà tài nguyên lại hữu hạn. Số dân Trái Đất tăng lên nhanh chóng, nay “mới có” hơn 6 tỷ người mà đã khai thác Trái Đất vượt quá khả năng của nó; đến năm 2050 sẽ tới 8-9,7 tỷ người – khi ấy chúng ta lấy gì để sống?
Ông Achim Steiner Phó tổng thư ký LHQ và Giám đốc điều hành UNEP nhấn mạnh: “Sự tàn phá tài nguyên thiên nhiên một cách có hệ thống đã tới cái ngưỡng mà khả năng sống còn của các nền kinh tế bị thách thức nghiêm trọng, hóa đơn thanh toán của chúng ta để lại cho con cháu sẽ không thể thanh toán được”
Sau khi UNEP công bố GEO-4, ông Dennis L. Meadows, một đồng tác giả Limits to Growth nói: “Các dự đoán ban đầu của chúng tôi là đúng, sự phát triển của xã hội nhân loại thời gian từ 2010 đến 2030 sẽ gặp những vấn đề nghiêm trọng, trong tình hình bi quan nhất, sự phát triển đó sẽ chấm dứt vào năm 2015. Nhưng đấy chỉ là sự đánh giá bình quân mức của toàn thế giới, một số vùng vẫn phát triển tốt, trong 50 năm đầu thế kỷ XXI đều có hy vọng tránh được sự sụp đổ; song một số vùng khi vừa sang thế kỷ XXI đã sớm rơi vào tình trạng suy thoái lâu dài. Thời gian 1990-2001, tại 54 quốc gia chiếm 12% số dân thế giới đã xuất hiện tình trạng GDP đầu người sụt giảm… Có điều, xin chớ gắn việc chấm dứt phát triển xã hội với cái gọi là ngày tận thế của Trái Đất. Loài người đã tồn tại 20 nghìn năm, cộng lại có tới 10 nghìn năm sống trong điều kiện khí hậu ác liệt, nhưng nhân loại ngoan cường không vì thế mà bị diệt vong. Cho nên trước lần biến đổi lớn khí hậu này, chúng ta cũng có thể sống tiếp, song e rằng sự phát triển của xã hội nhân loại sẽ gặp những thử thách nghiệt ngã, số dân toàn cầu sẽ giảm đáng kể, nền văn minh công nghiệp thịnh vượng sẽ có thay đổi lớn”.
Môi trường sinh thái ở Việt Nam ra sao?
Sau khi GEO-4 được công bố, bà Nguyễn Ngọc Lý, trưởng phòng Phát triển bền vững của UNDP Việt Nam đã cảnh báo về tình hình môi trường nước ta. Bà nói: cách đây 12 năm, TP Hồ Chí Minh (TPHCM) từng tính tới nguy cơ trở thành một Bangkok thứ hai về mức độ ô nhiễm, nay thì ô nhiễm ở đây chẳng khác Bangkok, nếu chưa nói là tệ hại hơn. Theo GEO-4, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội cao hơn TPHCM một bậc, chỉ kém Bắc Kinh, Thượng Hải. “Bây giờ là thời điểm mà Việt Nam cần kiên trì theo đuổi phát triển bền vững… Nếu không giải quyết được những vấn đề dai dẳng này thì Việt Nam sẽ có thể xoá đi tất thảy các thành tựu đã đạt được cho đến nay”, bà Lý dẫn lời UNEP.
Ông Hoàng Dương Tùng, giám đốc Trung tâm Quan trắc và Thông tin môi trường thuộc Cục Bảo vệ môi trường cho biết: Việt Nam có tất cả các vấn đề được nêu trong GEO-4; các chuyên gia quốc tế nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 3-4% thay vì 8% như công bố, nếu xét tới các tổn thất về môi trường do tăng trưởng đem lại. Xét về độ an toàn môi trường, Việt Nam xếp cuối cùng trong 8 nước ASEAN (trừ Singapore và Brunei) và thứ 98 trong 117 nước đang phát triển.
Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam John Hendra cảnh báo: “Người dân London hoặc vùng hạ Manhattan có thể bình thản đón nhận viễn cảnh biến đổi khí hậu làm tăng mực nước biển bởi lẽ họ có hệ thống đê bao kiên cố, nhưng đối với Bangladesh, đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam thì hoàn toàn có cơ sở để cho rằng đây là mối hiểm họa đáng lo ngại”.
Báo cáo Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách của UNDP cảnh báo: “15 năm qua, Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc về phát triển con người… Tuy vậy, biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa thật sự đối với những thành tựu đó, và không đâu nghiêm trọng hơn khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Thật là những lời cảnh báo đáng sợ! Song nhiều người cứ như chưa nghe thấy gì cả! Thử hỏi chính bạn đã biết gì về GEO-4? Báo đài ta dành bao nhiêu dòng, bao nhiêu phút cho vấn đề môi trường, liệu có bằng tin thể thao không ? Khi yêu cầu chính phủ nâng mức tăng trưởng kinh tế, hoặc khi bàn về độ cao đập thủy điện Sơn La, các đại biểu Quốc hội đã cân nhắc, tính toán vấn đề môi trường ra sao? Hàng núi rác đổ ra ngoại thành Hà Nội và TP HCM, đã ai nghĩ tới hậu quả khi rác thối ngấm xuống sâu, toàn bộ nước ngầm bị ô nhiễm? TPHCM xây lắm cao ốc, đất lún sụt rồi sẽ phải bỏ nhà đi đâu mà ở?…
Loài người sẽ sống ra sao trong thiên niên kỷ thứ ba?
Đó là nội dung của Dự án Thiên niên kỷ (Millennium Project) do American Council for the United Nations University hợp tác với The Foundation for the Future (xem: futurefoundation.org và acunu.org) đang tiến hành. Chớ nên nghĩ rằng các tác giả dự án đó ngông cuồng, viển vông. Kinh Thánh từng nói tới nạn hồng thủy cách đây nhiều nghìn năm. Khoa học phải tỉnh táo đi trước lịch sử hàng thế kỷ thì mới kịp sửa được những sai lầm tự hủy diệt của nhân loại. Bước đầu Dự án trên đưa ra mấy kịch bản ứng với trường hợp khi nhân loại sinh sôi nảy nở vượt quá khả năng chịu đựng của Trái Đất, trong đó có kịch bản di cư một phần loài người lên các thiên thể khác.
Mới đây Stephen Hawking nói sự sống trên Trái Đất đang có nguy cơ bị tiêu diệt do khí hậu toàn cầu ấm lên, do có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân, và do virus…; loài người muốn tồn tại lâu dài thì phải di cư lên thiên thể khác. (“I don’t think the human race will survive the next 1,000 years unless we spread into space”). Ông tán thành ý định của các nhà khoa học muốn lập trên Mặt Trăng một kho lưu trữ gien của tất cả mọi sinh vật trên Trái Đất – một kiểu thuyền Noah mới. Kinh Thánh đâu phải không có căn cứ lịch sử!
Phải hành động ngay, nếu không sẽ quá muộn
Những lời cảnh báo thảm họa môi trường vang lên từ lâu lắm và ngày một nhiều người đang nói như vậy. Song họ chỉ là một số rất nhỏ so với mấy tỷ con người nghèo khổ đang đòi hỏi phải gấp rút được sống sung sướng, nghĩa là phải phát triển kinh tế, phải khai thác tài nguyên, cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ nhu cầu sống no ấm, đủ tiện nghi. Tăng trưởng càng nhanh càng tốt là đòi hỏi của các nước đang phát triển; BVMT cũng quan trọng nhưng chưa cần thiết bằng tăng trưởng! Trong niềm say mê đó, người ta đành tạm tự an ủi: sau này giàu có rồi thì sẽ lo chuyện BVMT cũng được chứ sao.
Nhưng cách tăng trưởng như thế rất có thể lại là dẫm chân tại chỗ hoặc tụt lùi, là góp phần đẩy nhanh tốc độ hủy diệt loài người!
Đã đến lúc tất cả mọi người cần lắng nghe những hồi chuông báo động thảm họa môi trường và hành động ngay để cứu chính chúng ta, nếu không muốn để quá muộn!