Môi trường vùng than Quảng Ninh

Khai thác than lộ thiên ở Quảng Ninh đang làm tổn hại nghiêm trọng đến các môi trường: Đất, nước, không khí, sinh vật.  Trong khi đó, ngành than vẫn chưa có một chiến lược tổng thể để giảm thiểu các tiêu cực đến môi trường. Các giải pháp đang được triển khai về bảo vệ môi trường chỉ mang tính đối phó. Việc cải thiện đã và đang có được về môi trường ở vùng than Quảng Ninh chủ yếu nhờ các giải pháp mang tính tổ chức và quản lý của các cơ quan cấp trên và của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các giải pháp đó chỉ mang tính “đặc trị”.

Bệnh ung thư đang chuyển sang giai đoạn di căn
Ở Quảng Ninh, từ trước đến nay, môi trường bị huỷ hoại chủ yếu là do than được khai thác bằng phương pháp lộ thiên (giống phương pháp sẽ được áp dụng để khai thác bauxite ở Tây Nguyên). Trong công nghệ khai thác lộ thiên, bình quân để lấy được 1 tấn than, chúng ta phải khoan, nổ mìn làm tơi để xúc lên, rồi vận chuyển đi xa (với cung độ bình quân 3-5km) và đổ thải ra chỗ khác khoảng 5-10 m3 đất đá. Các công đoạn không thể tránh khỏi này của khai thác lộ thiên ở Quảng Ninh dẫn đến việc môi trường sinh thái bị ảnh hưởng tiêu cực, đã xâm hại đến môi trường đất, nước, không khí (nguồn tài nguyên tái tạo); hệ thực vật, hệ động vật (nguồn tài nguyên không tái tạo). Địa hình của tỉnh Quảng Ninh biến động nhanh và với qui mô lớn chủ yếu do khai thác than lộ thiên.
Quốc lộ 14 chạy qua thị xã Hòn Gai và thị trấn Cẩm Phả, trước kia từng gắn với sự nghiệp “cải tạo 3 mỏ lộ thiên” nhiều đoạn đã phải dịch chuyển ra phía biển để nhường chỗ cho các bãi thải đất đá của các mỏ  khai thác than bằng công nghệ lộ thiên (Hà Tu, Đèo Nai, Cọc Sáu).
Suối Vàng Danh và sông Mông Dương, gắn với việc phát triển các mỏ than hầm lò nổi tiếng Vàng Danh (Uông Bí) và Mông Dương (Mông Dương-Khe Chàm) cũng đã bị thay đổi (nhưng không phải vì khai thác than hầm lò, mà chủ yếu vì khai thác than lộ thiên). Trước đây, con suối chảy từ mỏ Vàng Danh ra Uông Bí từng là nguồn cung cấp nước cho cả thành phố Hải Phòng vì nước trong và sạch. Ở vùng than Uông Bí, không ai quên câu ca dao từ thời Pháp “nước Vàng Danh, canh Hải Phòng”. Ngày nay, khi khu mỏ Vàng Danh (trước đây, Liên Xô chỉ thiết kế khai thác bằng công nghệ hầm lò với công suất tối đa có 1,8 tr.t/năm) nay được mở rộng ra bằng các công nghệ khai thác than lộ thiên, tổng công suất các mỏ than đã lên tới gần 5 triệu tấn/năm, thì nước suối Vàng Danh đã không thể dùng để dẫn về Hải Phòng. Lớn hơn suối Vàng Danh là con sông Mông Dương (hợp lưu của nhiều con suối xuất phát từ khai trường của những mỏ than lộ thiên trong vùng). Trước đây, người Pháp đã dùng con sông này làm đường thủy chở than Mông Dương ra biển để xuất khẩu. Ngày nay, con sông này đã bị loại ra khỏi danh sách các tuyến vận tải thủy.
Việc xâm hại môi trường và sinh thái ở vùng than Quảng Ninh do khai thác lộ thiên đã trầm trọng giống như căn bệnh ung thư đang chuẩn bị di căn. Nhưng, đang được giao cho một “thầy lang” mới chập chững bước vào nghề chữa trị. Công ty Xây dựng Công trình Môi trường Mỏ-TKV được coi là “đơn vị chủ lực, có bề dầy kinh nghiệm” thực chất chỉ mới vừa được thành lập bằng một phép cộng và trừ (với 2 xí nghiệp và 7 công trường). Cái gọi là “bề dày kinh nghiệm” của “đơn vị chủ lực” này của TKV về bảo vệ môi trường ở vùng Quảng Ninh cũng chẳng khác nào bề dày kinh nghiệm của người gác cổng của Bệnh viện K Hà Nội về căn bệnh ung thư nay mới được chuyển vào phụ trách phòng mổ.

Một sự đánh đổi
Trước hết: Việc khai thác than là để phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế quan trọng (điện, xi măng, phân bón, hóa chất, giấy, vật liệu xây dựng) của đất nước. Khi “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ”, sự hy sinh về môi trường của Quảng Ninh còn có thể chấp nhận được như một sự đánh đổi cần thiết. Quảng Ninh đã biết và quen chấp nhận sự “đánh đổi” này là vì sự nghiệp phát triển của các ngành kinh tế và các địa phương khác của đất nước. Tỉnh Quảng Ninh đã từ lâu thuộc vào hàng ngũ các tỉnh “nghìn tỷ”, nhưng, việc cân đối ngân sách của địa phương từ xa xưa đã là một cân đối tổng thể của cả nền kinh tế. Việc phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh đã không thể tách rời việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Quảng Ninh có thế mạnh về rất nhiều mặt (khoáng sản, thuỷ sản, du lịch, cảng biển, năng lượng v.v.). Nhưng Quảng Ninh cũng không thể chỉ dựa vào một ngành nào để phát triển bền vững.
Thứ hai: Vùng than Quảng Ninh có một lợi thế là nằm sát bờ biển. Các dòng sông, suối có chiều dài không lớn, chủ yếu đổ thẳng ra biển, hầu như không có vùng hạ lưu để bị ảnh hưởng khi khô cạn. Các vùng đất canh tác nông-lâm nghiệp chủ yếu của Quảng Ninh thường không nằm trong vùng hạ lưu của các con sông suối chảy ra từ những vùng khai thác than. Ngoài ra, vì có bờ biển tương đối dài (hàng vài chục cây số), khi môi trường đất bị xâm hại do đổ thải trong quá trình khai thác than lộ thiên, Quảng Ninh còn có điều kiện để “cơi nới” diện tích đất bằng việc san lấp bờ biển. Tuy có ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên của vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, nếu việc “cơi nới” này được thực hiện có bài bản sẽ hình thành các khu dân cư đô thị mới, hay khu du lịch gắn với vịnh. Đó là sự đánh đổi có thể.

Chữa bệnh ung thư bằng liều thuốc cảm
Có thể nói, hiện nay chỉ có môi trường không khí ở vùng than Quảng Ninh là được cải thiện, còn môi trường đất và môi trường nước thì vẫn ngày càng bị xâm hại. Cùng với việc cải thiện của môi trường không khí, cảnh quan thiên nhiên và đô thị cũng được cải thiện rõ nét.

Giải pháp bảo vệ môi trường tiếp theo là đình chỉ hoạt động của các bến, và các cảng than trên bờ vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long

Trên thực tế, quỹ bằng tiền cho công tác bảo vệ môi trường trong khai thác than đã có và đang không tiêu hết, nhưng chúng ta lại chưa có quỹ kiến thức về bảo vệ môi trường. Trước hết là chúng ta chưa có chiến lược về bảo vệ môi trường. Mỏ than nào, dự án nào ở Quảng Ninh cũng có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dày hàng trăm trang, đã được phê duyệt. Nhưng vì không có chiến lược chung, những giải pháp bảo vệ môi trường chỉ được đưa ra một cách riêng lẻ, manh mún, cục bộ chủ yếu tập trung giải quyết phần hậu quả. Mặc dù vậy, có dự án còn mang tính “viễn tưởng” về kỹ thuật như dự án xử lý nước moong mỏ than Cọc Sáu để cấp nước công nghệ (chạy lò hơi) cho nhà máy điện Cẩm Phả (làm mát đã được thiết kế dùng nước biển). Thực chất, “sự nghiệp” bảo vệ môi trường chỉ là các công việc như nạo vét sông, nạo vét hồ, xây kè, trồng cỏ, trồng cây, xử lý các chất thải (nước thải, dầu mỡ thải, rác thải) v.v. Đó chỉ là những giải pháp mang tính đối phó, xử lý phần “ngọn” của vấn đề (chẳng khác nào giải pháp của Bệnh viện K Hà Nội phát thuốc chữa cảm cúm cho người bệnh đang bị ung thư).
Nguyên nhân của tình trạng môi trường ngày càng xấu đi, cũng giống như của tình trạng tai nạn lao động rất lớn hiện nay trong ngành than là sự vi phạm những kỹ thuật cơ bản trong khai thác mỏ. Để giải quyết vấn đề môi trường và tai nạn lao động chết người của ngành than cần phải có các giải pháp công nghệ và kỹ thuật cơ bản để xử lý tận “gốc”. Hiện nay, TKV đang tập trung xử lý phần “ngọn” của hai căn bệnh nan y này theo kiểu “công tử Bạc Liêu”. Kết quả của những giải pháp thuộc về “phần ngọn” thường thể hiện nhanh, đáp ứng được cho việc tổng kết hay báo cáo thành tích, nhưng nguy cơ về môi trường hay nguy cơ về tai nạn lao động thì vẫn như cũ. Rất tiếc, những giải pháp kỹ thuật cơ bản có liên quan đến bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cho công nhân mỏ đã và đang tiếp tục bị vi phạm (về vấn đề này, chúng tôi xin phép được trình bày trong một bài riêng).

Giải pháp đặc trị
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh- nơi ngành công nghiệp than khi đó mới được tổ chức lại, và đang trên đà phát triển, đã sớm nhắc đến sự lựa chọn giữa than và du lịch, giữa phát triển bền vững với việc tăng thu ngân sách của tỉnh từ hòn than, để trên cơ sở đó đã có những giải pháp liên quan đến bảo vệ môi trường vùng than.
Trước hết, và chủ yếu đó là những giải pháp có liên quan đến cấm hoạt động khoáng sản. Giải pháp “cấm hoạt động khai thác khoáng sản” cũng giống như liều thuốc có hại, không ai muốn dùng, nhưng đặc trị để đối phó với bệnh ung thư đang di căn khi bản thân cơ thể đã mất sức đề kháng.
Thực tế ở Quảng Ninh cho thấy, chỉ những nơi bị cấm hoạt động khoáng sản thì môi trường đã được cải thiện. Còn những nơi vẫn diễn ra các hoạt động khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác lộ thiên thì môi trường vẫn còn là một vấn đề phức tạp.
Việc đóng cửa hoạt động của phân xưởng than luyện của nhà sàng Hòn Gai từ những năm 70 của thế kỷ trước có thể coi là hoạt động khoáng sản đầu tiên được êrể bảo vệ môi trường. So với nhà máy alumina thì phân xưởng này có qui mô rất nhỏ, lượng hoá chất sử dụng rất ít. Phân xưởng này đã được đóng cửa sau nhiều năm thực hiện sứ mệnh là đơn vị duy nhất cung cấp than cho ngành đường sắt để chạy tàu bằng các đầu máy hơi nước. Công nhân trực tiếp sản xuất đã được chuyển sang phân xưởng mới và người dân sống xung quanh đã được hưởng môi trường trong sạch.
Tiếp đến, trong khi ngành than và Bộ Năng lượng đang quyết tâm đầu tư cải tạo mới và mở rộng nâng công suất nhà máy sàng tuyển than Hòn Gai (để sản xuất ra các loại than tốt có thể xuất khẩu cứu nguy cho cả ngành than) thì Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã cương quyết kiến nghị, và được Chính phủ chấp nhận di dời toàn bộ công trình trọng điểm này của Bộ Năng Lượng ra một địa điểm mới ở Nam Cầu Trắng để tránh gây ô nhiễm cho khu vực dân cư. Mặc dù khi đó chủ đầu tư đã cam kết nhà máy được đầu tư với công nghệ tiên tiến hiện đại nhất của Australia, dự án được khẳng định là có hiệu quả và đảm bảo về môi trường, hợp đồng đã được ký kết với đối tác nước ngoài, công việc đang được triển khai, nhưng công trình mang tính chất “cứu cánh” này của TKV đã được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt quyết định phải di dời. Vụ việc đã được giải quyết bằng một tầm nhìn sáng suốt và với ý thức chính trị cao, nhưng cũng đã tốn khá nhiều giấy mực để tranh cãi, giải trình, báo cáo v.v. (tất nhiên chưa bằng bauxite ngày nay) cũng giữa một phía là chủ đầu tư (ngành than) và bộ chủ quản (Bộ Năng lượng) với một phía “bên kia” là các cán bộ khoa học kỹ thuật và những người dân sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng của suy thoái môi trường, cảnh quan đô thị do nhà máy này sẽ mang lại nếu không di chuyển. Thực tế hiện nay đã chứng minh sự sáng suốt và tầm nhìn xa trông rộng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Giải pháp tiếp theo để bảo vệ môi trường là chấm dứt hoạt động của cảng than Hòn Gai. Đây là một cảng than nổi tiếng thế giới, được người Pháp xây dựng để xuất khẩu anthracite của Việt Nam. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ, cảng Hòn Gai cùng với nhà sàng Hòn Gai nói trên là mục tiêu quan trọng trong trận ném bom huỷ diệt đầu tiên của Mỹ vào ngày 5/8/1964. Hiện nay, trên địa điểm của cảng Hòn Gai ngày xưa, hoạt động khoáng sản đã được thay bằng hoạt động du lịch và tàu biển chở khách.
Hoạt động khoáng sản tiếp theo được đình chỉ đã góp phần cải thiện môi trường ở Quảng Ninh là dỡ bỏ 2 tuyến đường sắt chuyên dụng chở than (tuyến Hà Lầm- Hòn Gai; và tuyến Mạo Khê – Bến Cân). Cùng với việc chấm dứt hoạt động của nhà sàng than Hòn Gai, cảng than Hòn Gai, và tuyến đường sắt Hà Lầm-Hòn Gai, bộ mặt của thị xã Hòn Gai đã thay đổi cơ bản và sau này đã được Chính phủ nâng cấp và mở rộng lên thành đô thị loại 2. Trước đây, khi nhắc đến thị xã Hòn Gai, chúng ta thường nghĩ đến như một trung tâm khai thác than. Ngày nay, nhờ có các giải pháp cấm hoạt động khoáng sản, thủ phủ của ngành than đã được cả thế giới biết đến với cái tên khác cũng rất quen thuộc là thành phố Hạ Long.
Giải pháp bảo vệ môi trường tiếp theo là đình chỉ hoạt động của các bến, và các cảng than trên bờ vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, trên các sông Mông Dương, Diễn Vọng, Bạch Đằng v.v., đồng thời cấm các ô tô vận tải than chạy dọc tuyến đường 14.
Việc cấm các hoạt động khoáng sản xung quanh khu di tích văn hoá-lịch sử Yên Tử trong những năm trước 2000 đã từng là giải pháp duy nhất để bảo tồn khu văn hoá quan trọng bậc nhất này của Đạo Phật Việt Nam.
Vấn đề bảo vệ môi trường trong khai thác than cần được nhận thức khoa học, tư duy đúng, cần được quản lý thực hiện một cách bài bản, và đòi hỏi cán bộ điều hành phải có đủ trình độ chuyên môn và kỹ thuật. Với tình trạng như hiện nay, vấn đề môi trường và vấn đề an toàn lao động của TKV vẫn sẽ tiếp tục là những nguy cơ có nguồn gốc từ chính con người cản trở sự phát triển bền vững của ngành than..
——————
(*) Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng-TKV

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)