Một chuyến thăm viện Toán học
LTS: Vào tháng 6/1978, vợ chồng giáo sư Neal Koblitz tới Việt Nam từ Moscow, nơi ông làm việc trong khuôn khổ chương trình trao đổi giữa hai Viện Hàn lâm khoa học của Mỹ và Liên bang Xô viết. Với một tháng ở Hà Nội, giáo sư Neal Koblitz tham gia giảng dạy tại Viện Toán học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hiện nay). Tia Sáng trích đăng bài viết của giáo sư Neal Koblitz về chuyến tới Việt Nam này.
Phòng Tô pô – Hình học và khách tại cơ sở Đội Cấn-Ba Đình, năm 1981. Từ phải: Nguyễn Sỹ Minh, Lê Dũng Tráng, Ngô Việt Trung, Lê Văn Thành, Nguyễn Hữu Đức, Hà Huy Vui, Hoàng Tụy, Kyoji Saito, Huỳnh Mùi (ĐH Tổng hợp Hà Nội).
Sau khi tới Hà Nội, tôi đã thực hiện ngay cuộc đến thăm Viện Toán học.
Sau khi đi qua lăng Hồ Chủ Tịch và ngôi chùa hình bông sen mang tên chùa Một Cột, tôi nhìn lại vào tấm bản đồ Hà Nội của mình và địa chỉ của Viện Toán học: 208-D Đội Cấn. Trong chốc lát, khi đã bỏ lại sau lưng những khu phố với những đại lộ, đại sứ quán, những tượng đài, tòa nhà chính phủ, tôi dừng lại trên một khu phố hẹp và nườm nượp những chiếc xe đạp, trẻ em, những con gà, vũng nước, những người tiểu thương buôn bán rau quả. Dù tấm biển chỉ đường ghi rõ là phố Đội Cấn nhưng tôi bắt đầu nghi ngờ việc có thể tìm thấy Viện Toán học ở đây – nơi mà vài chục cựu sinh viên của Nevanlinna, Grothendieck, Hatori, Babbitt, Harish-Chandra, Kirillov, Manin, Sinai, Oleinik, Markov, Fomenko, Gelfond, Sukharov, Shilov, Kurosh, Efimov, Ivanov, làm việc? Nhưng đi tiếp khoảng một cây số, tôi bước vào một lối dành cho xe vào nhà có số 208-D và nhìn thấy một dãy các ngôi nhà một tầng xây bằng đá của Viện Toán học.
Đến Viện Toán học, tôi được biết rằng viện trưởng, giáo sư Lê Văn Thiêm, người đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc xin thị thực vào Việt Nam, vẫn đang đi công tác ở TPHCM (Sài Gòn cũ). Người sẽ đón tiếp chúng tôi trong cả ba tuần ở Hà Nội là trợ lý của ông Thiêm, Vương Ngọc Châu, một người làm toán ứng dụng trẻ tuổi. Anh Châu đến cùng một người bạn, đồng nghiệp của tôi là Hà Huy Khoái. Khoái vừa trở về Việt Nam sau khi hoàn thành một luận văn thú vị trong lĩnh vực của tôi, giải tích p-adic. Khoái và một cựu sinh viên của Kirillov, Đỗ Ngọc Diệp, đang lên kế hoạch tổ chức một seminar về giải tích p-adic, và đề nghị tôi giảng bài trong những buổi đầu.
Nghiên cứu toán học ở Việt Nam
Tôi trình bày sáu báo cáo, mỗi bài ba tiếng, tập trung chủ yếu vào những nghiên cứu gần đây về L-hàm và hàm Gamma p-adic, và sau đó trình bày một bài tổng quan dài hai tiếng về một số kết quả mới trong lý thuyết số đại số. Tôi giảng bài bằng tiếng Nga, Khoái giúp tôi dịch sang tiếng Việt (ở Viện Toán học, các ngôn ngữ châu Âu có nhiều người thông thạo nhất theo thứ tự là tiếng Nga, tiếng Anh, và tiếng Pháp.) Có khoảng bảy, tám nhà toán học trẻ đã lắng nghe toàn bộ các bài giảng 18 tiếng của tôi. Họ giúp nhau theo dõi chi tiết bài giảng và đã đặt ra một số câu hỏi có chiều sâu xoay quanh bài nói. Đáng ngạc nhiên là ở Việt Nam, không chỉ có một ai đó, mà có đến bảy, tám người, quan tâm đến một ngành toán học tương đối bí hiểm, chỉ có “ứng dụng” trong lý thuyết số và hình học đại số. Giải tích p-adic chưa bao giờ giúp bất cứ ai xây dựng nhà máy hay cơ giới hóa nông nghiệp!
Vợ chồng giáo sư Neal Koblitz (bên phải) tại trụ sở Viện Toán học. Nguồn: Viện Toán học.
Toán học Việt Nam tập trung chủ yếu vào các ngành có ứng dụng thực tế. Những ngành trọng điểm được nêu ra tại Hội nghị Toán học toàn quốc năm 1971 gồm có:
(1) khoa học máy tính, lý thuyết thông tin, giải tích số, toán rời rạc (các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực này của Việt Nam gồm có Phan Đình Diệu, Phạm Trà Ân, Tạ Văn Đĩnh, Phan Văn Hạp);
(2) giải tích toán học, tối ưu hóa (Hoàng Tụy, Bùi Công Cường, Phạm Hữu Sách);
(3) xác suất thống kê (Trần Vinh Hiển, Nguyễn Văn Hộ, Hoàng Hữu Như);
(4) giải tích, phương trình đạo hàm riêng, vật lý toán (Lê Văn Thiêm, Phan Văn Chương, Đỗ Hồng Tân, Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Thừa Hợp, Phan Đức Chính, Hoàng Hữu Đường, Đặng Đình Áng, Tôn Thất Long);
(5) tôpô, hình học đại số (Hoàng Xuân Sính, Đoàn Quỳnh, Lại Đức Thịnh, Nguyễn Văn Khuê, Trần Văn Hạo, Huỳnh Mùi, Phạm Ngọc Thao, Nguyễn Hữu Anh).
Tuy nhiên người ta không áp đặt máy móc các mục tiêu trọng điểm này: những hướng nghiên cứu hiện có dường như cũng phụ thuộc vào việc những nhà toán học nước ngoài nào đã đến thăm, hay những nhà toán học Xô viết và Đông Âu nào đã hướng dẫn luận án phó tiến sĩ1 cho các sinh viên được cử đi du học. Minh chứng cho điều này có các lĩnh vực như đại số, nhóm Lie, lý thuyết biểu diễn, lý thuyết số, logic hình thức, tuy không nằm trong danh sách ưu tiên kể trên nhưng xuất hiện trong các seminar và các bài báo nghiên cứu. Một nguồn ảnh hưởng quan trọng nữa đối với sự phát triển của toán học Việt Nam là những nhà toán học người Việt làm việc ở nước ngoài nhưng thường xuyên ghé thăm Hà Nội (phần lớn ở Pháp và Canada). Lĩnh vực nghiên cứu của họ bao gồm: xác suất (Bùi Trọng Liễu, Nguyễn Xuân Lộc), hình học đại số và hình học giải tích (Lê Dũng Tráng, F. Phạm), giải tích phức (Nguyễn Thanh Vân), lý thuyết thông tin (Hoàng Hữu Tuệ), toán kinh tế (Nguyễn Mạnh Hùng, Hoàng Hải Học).
Sự tôn trọng toán học
Các nhà toán học Việt Nam sống ra sao? Ở hầu hết các nước nghèo, giới trí thức thuộc về một tầng lớp có đặc quyền cao: ví dụ các nhà nghiên cứu tại Viện Tata có cuộc sống tốt hơn hẳn so với mức trung bình của người dân Ấn Độ. Tình thế hoàn toàn khác ở Việt Nam, nơi các nhà toán học sống gần giống như những người dân thường. Mức lương của một phó tiến sĩ toán là 90 đồng/tháng (30USD). Đó có thể là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm toán trên thế giới. Nhưng sự trọng thị của người Việt đối với giới trí thức quả là đáng kinh ngạc. Xác suất một người Việt bình thường biết đến Lê Văn Thiêm cũng khoảng bằng xác suất một người Mỹ bình thường biết đến những ngôi sao điện ảnh hay những vận động viên nổi tiếng. Một hôm, khi Ann đang ở trong phòng của khách sạn Thắng Lợi, một số nhân viên dọn phòng đến trò chuyện với cô, nửa bằng tiếng Anh, nửa bằng tiếng Việt (Ann và tôi có một vốn tiếng Việt sơ đẳng). Khi biết tôi là giáo sư ở Mỹ, các nhân viên đó đã ôm chầm lấy và chúc mừng Ann vì cô có một người chồng làm một công việc cao quý đến như vậy. Do đó, dù có thể thấy rất khổ sở nếu phải sống và làm việc trong điều kiện thiếu thốn như các nhà toán học Việt Nam, các nhà toán học phương Tây có lý do để ghen tỵ với các đồng nghiệp Việt Nam vì sự tôn trọng họ nhận được từ những người dân Việt.
Viện Toán học có khoảng năm mươi nghiên cứu viên, hầu hết đều làm luận án ở nước ngoài; thực tế một phần đáng kể những người quay trở về Việt Nam sau khi có bằng phó tiến sĩ trở thành nghiên cứu viên của viện. Tuy không phải giảng dạy, mỗi năm họ phải báo cáo về tiến độ nghiên cứu của mình. Một số người tham gia giảng dạy ở đại học, và được trả lương tỷ lệ thuận với thời gian đứng lớp. (Viện Toán nhất định đề nghị trả tiền cho 20 giờ giảng bài của tôi, với mức thù lao rất hào phóng theo tiêu chuẩn Việt Nam:150 đồng tất cả). Điều đáng nói là Việt Nam sẵn sàng tài trợ cho một viện có quy mô lớn như vậy, với nhiều nghiên cứu viên không tham gia giảng dạy, dù chỉ với mức lương thấp 90 đồng/tháng. Việc tôn trọng giới trí thức có một phần nguyên nhân truyền thống. Những truyền thống đó phần nào giải thích tại sao, trong số các sinh viên đến từ các nước đang phát triển đến học tập tại Moscow, sinh viên Việt Nam thường là những người chăm chỉ và thành công nhất. Một nhà toán học trẻ người Việt từ Moscow trở về sau khi hoàn thành luận án phó tiến sỹ có thể cảm thấy hân hoan như những tiến sĩ của các kỳ thi của triều đình trong lịch sử. (Trong thực tế, dường như rất nhiều thành viên của Viện Toán được sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ trí thức, có lẽ trong vài trường hợp họ còn là con cháu của các vị tiến sỹ của các kỳ thi của triều đình ngày xưa).
Lên kế hoạch cho tương lai
Một hôm Châu và Khoái nói với tôi rằng Việt Nam đã gia nhập Comecon (Hội đồng Tương trợ Kinh tế của Khối Xã hội Chủ nghĩa), Việt Nam cùng với Cuba và Mông Cổ là những thành viên duy nhất không thuộc châu Âu. Châu và Khoái rất hài lòng với những tin tức này, bởi vì nó sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của khoa học và kinh tế Việt Nam.
Các nhà toán học không muốn nhắc đi nhắc lại chuyện trong quá khứ. Họ lên kế hoạch cho tương lai. Và để đi tới tương lai, họ cần sách báo, tạp chí, tiền ấn phẩm, và những cộng tác chuyên môn với các đồng nghiệp phương Tây. Họ không có ngoại tệ để trả cho những thứ đó, nhưng đổi lại họ có thể cung cấp quyền đặt báo dài hạn tạp chí Acta Mathematica Vietnamica, trong đó có các bài báo nghiên cứu tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Hầu hết các tác giả là người Việt, nhưng đôi khi cũng có đóng góp của các nhà toán học nước ngoài (tập 2 của tạp chí xuất bản năm 1977 có đăng một bài báo quan trọng của Hironaka “Bimeromorphic smoothing of a complex analytic space”). Đã có khá nhiều nhà toán học phương Tây đến thăm Viện Toán học Hà Nội trong những năm vừa qua. Phần lớn là người Pháp (Grothendieck, Martineau, Chenciner, Malgrange, Krickeberg, L. Schwartz, M. H. Schwartz, Dacunha-Castelle, Cartier, Verdier, Tartar), nhưng cũng có cả những người Nga (Lavrentiev, Girsanov, Dorodnitsin), hai người Rumani (Boboc, Jon), một người Đông Đức (Matter), một người Thụy Điển (Bj¨ork), một người Canada (ChandlerDavis), và giờ là một người Mỹ.
Tài chính là một trong những nguyên nhân giải thích cho sự phân bố số lượng các nhà toán học đến thăm Hà Nội của các nước. Chỉ có duy nhất Chính phủ Pháp là tài trợ cho các nhà khoa học đến thăm Việt Nam, những trường hợp khác phải lo chi trả theo cách riêng của mình. Số chuyến thăm của các nhà toán học Liên Xô ít đến mức bất ngờ như vậy là do những người này chỉ có thể đến trong khuôn khổ các hiệp định viện trợ, trong đó trọng tâm là tài trợ cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Liên bang Xô viết. Thêm nữa, theo hiệp định đó thì Việt Nam sẽ phải trả cho những người Nga đến giảng dạy nghiên cứu một mức lương rất cao so với tiêu chuẩn của người Việt. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, những chuyến thăm từ phía phương Tây là khoản lợi nhuận đối với người Việt, trong khi đó những chuyến thăm từ phía Liên Xô đòi hỏi một khoản chi phí.
Bất chấp tất cả những bất lợi về mặt vật chất – thiếu kinh phí, cô lập về thông tin – triển vọng cho sự phát triến toán học ở Việt Nam là khả quan. Các nghiên cứu viên của Viện chủ yếu là những người trẻ – dưới 40 tuổi – và hầu hết đều được đào tạo bài bản tại Moscow hoặc thủ đô của các nước Đông Âu khác. Họ đề ra những tiêu chuẩn cao cho bản thân cũng như sinh viên của mình. Rất nhiều sự quan tâm được dành cho giáo dục toán học ở mọi cấp bậc, để một ngày nào đó sinh viên sẽ không cần phải ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh nữa. Năm nay tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế diễn ra tại Bucharest, trong 20 đội tham dự (hầu hết đến từ các quốc gia phát triển), đội Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 toàn đoàn, với thành tích chênh lệch không đáng kể so với đội xếp vị trí thứ 3 đến từ Vương quốc Anh.
Chuyến đến thăm Việt Nam cho chúng tôi một trải nghiệm, một bài học tuyệt vời. Chúng tôi giúp cho Viện Toán có được một nguồn thông tin và tài liệu toán học. Hơn thế, chuyến thăm như thế này còn có giá trị biểu trưng cho tính quốc tế của hoạt động toán học. Không có gì ngăn cản chúng ta dành sự hỗ trợ và tình bạn thân thiết cho cộng đồng toán học đang lớn mạnh ở Việt Nam. □
Đỗ Việt Cường (Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) dịch
—-
* Nguyên bản: A mathematical visit to Hanoi, Math. Intell., March 1979, Vol. 2, No. 1, 38–42.
1. Tương đương với bằng tiến sĩ ngày nay