Một chuyến về thăm quê (kỳ 2)

Những ngày ở Việt Nam của giáo sư Lê Dũng Tráng đan xen nhiều kỷ niệm gia đình và toán học.


Giáo sư Lê Dũng Tráng. Nguồn: nld.com.vn

Tết đến và nó đi qua với những điều tốt lành. Gia đình chú dì tôi đưa tôi đi xem chợ Tết. Thú thật là tôi không nhớ được là nó ở đâu. Tôi chỉ còn giữ lại được một kỷ niệm với phiên chợ này, bởi vì nó khá thú vị. Khi đi qua một lối nhỏ trong chợ, tôi thấy người ta bán hoa. Đặc biệt là những bông hoa trên kệ đằng sau cô bán hàng rất đẹp. Tôi nói với chú tôi rằng tốt nhất là nên mua những bông hoa đó. Chú tôi đồng ý và hỏi người bán hàng. Cô ta trả lời chú tôi rằng những bông hoa đó là để trưng bày, không phải để bán. Thế là chú tôi chỉ sang tôi. Cô bán hàng nói: “Với chuyên gia Nhật Bản thì tôi có thể bán được”. Đó là cách mà chúng tôi có được một bó hoa đẹp với một cái tiếng là chuyên gia nước ngoài. Tôi đã quên mất rằng vẻ ngoài của tôi, nhất là chiều cao của tôi, làm cho tôi trông không giống người Việt Nam lắm.

Sau Tết là đến lớp học nhỏ mà tôi đã đề nghị giáo sư Lê Văn Thiêm tổ chức. Ông đã tập hợp bốn người. Hà Huy Khoái, Lê Văn Thành từ phòng Toán rất nhỏ thuộc Ủy ban khoa học nhà nước, Nguyễn Văn Khuê từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Lê Hùng Sơn từ trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tôi đã giảng khoảng hai mươi buổi cho lớp học nhỏ này. Tôi không biết rằng họ thu nhận được những gì, nhưng em trai của Hà Huy Khoái là Hà Huy Vui đã nói với tôi rằng những gì anh học được về điểm kì dị là từ những ghi chép của anh mình. Sau một thời gian, tôi thử giảng bằng tiếng Việt. Tôi ái ngại cho cái nhóm nhỏ phải chịu những lỗi về phát âm của tôi. May mắn thay, Khoái và Thành là người gốc miền Trung nên họ ít nghiêm khắc với các lỗi về thanh điệu của tôi.

Một tháng sau khi tôi về, người ta tổ chức một chuyến đi cho tôi về thăm ngôi làng quê của cha tôi ở Thanh Hóa. Khi tới tỉnh Thanh Hóa, lúc đó vẫn đang bị máy bay Mỹ ném bom, có hai chiếc máy bay bay qua đầu chúng tôi. Chúng tôi dừng lại để xem chúng sẽ làm gì tiếp. là chúng không quan tâm đến chúng tôi. Sau đó chúng tôi biết rằng chúng vừa phá hủy một bệnh viện của tỉnh.

Tới Thanh Hóa, tôi được dẫn đi thăm một xưởng sửa chữa khổng lồ giấu kín trong lòng một quả đồi. Thành phố Thanh Hóa gần như không còn tồn tại sau những đợt ném bom liên tiếp của quân Mỹ. Ngày hôm sau, chúng tôi đi về ngôi làng của tổ tiên tôi1. Chúng tôi khá khó khăn trong việc tìm đúng làng. Ba ngôi làng nằm sát cạnh nhau dọc theo sông Mã và chúng tôi không biết đó là ngôi làng nào. Tôi nhớ rằng bố tôi đã nói với tôi về ba ngôi làng và làng chúng tôi ở gần một ngọn đồi và đó là làng nghèo nhất. Vậy đó là ngôi làng nằm ở phía Tây. Người ta đưa tôi tới Ủy ban xã. Tôi vẫn giữ ký ức là có rất nhiều trẻ em đi học, 1000, 1500 hay 2500. Ngôi làng rất nghèo, nhưng, như tất cả những gì tôi thấy trong chuyến đi này, những người Việt Nam luôn cư xử rất đúng mực. Tôi chụp vài bức ảnh về chuyến đi thăm làng này. Cha tôi rất xúc động khi ông xem chúng sau chuyến đi đầu tiên của tôi.


Một buổi seminar  Viện Toán học.

Khi trở lại Hà Nội, chúng tôi đi bằng những con đường nhỏ để tránh máy bay Mỹ. Thực ra, chúng tôi đã đi qua một địa điểm kì diệu, nơi có một cánh rừng nguyên sinh, rừng Cúc Phương. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã hẹn chúng tôi ở lối vào rừng. Ông đến cùng với một đoàn gồm khoảng mười người. Tôi nhớ có giáo sư Đào Văn Tiến2 vốn là một người bạn của cha tôi. Cha tôi đã nhờ tôi hỏi thăm tin tức về ông.

Rừng Cúc Phương nằm trong một lòng chảo với đường kính lên tới vài kilomet. Ở trung tâm của lòng chảo có những cây cổ thụ nghìn năm. Để tới xem chúng thì phải đi bộ. Vậy là cả nhóm người bắt đầu bước theo sau Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Ông đi khá nhanh, chắc là với sự rèn luyện trong kháng chiến. Dù gì thì tôi cũng rất vất vả để theo được. Cuối cùng thì chúng tôi cũng tới được chỗ một cây có hơn một nghìn năm tuổi. Đào Văn Tiến giải thích với tôi là khu rừng vẫn còn là rừng nguyên sinh ở những chỗ cách xa những con đường có người hay qua lại. Ở chỗ này có những loài cây, chim và thú rừng đặc chủng. Nhưng tôi không có khả năng miêu tả lại chúng. Chúng tôi qua đêm trong một chỗ trú chân ở trong rừng. Ngày hôm sau, tất cả đều đi về.

Tôi bắt đầu dạy lại các lớp học của mình. Tôi đi thăm nhiều ngôi trường khác nhau ở Hà Nội. Ngôi trường tồi tàn nhất là trường Sư phạm. Các giáo viên sống trong các lán với mái lợp bằng rơm mà nước sẽ thấm qua vào mùa mưa. Điều này làm tôi nhớ tới một buổi giảng của Grothendieck trong đó ông nói về những bữa ăn của ông khi ông ở miền núi Việt Nam để giảng bài. Ông đã nhận ra rằng những người đi cùng để phục vụ ông, lái xe hay bảo vệ không ăn cùng một thứ thức ăn với ông, nhất là họ không có thịt. Do Grothendieck ăn chay nên với ông có thịt hay không cũng không quan trọng. Ông đã đề nghị được ăn như họ. Tôi nghĩ rằng nếu ông thấy những chiếc lán tại trường Sư phạm, ông cũng sẽ đề nghị được ngủ trong đó.

Điều này khiến tôi cảm thấy không thoải mới với khách sạn tuyệt hảo của tôi, nơi ta có thể ăn mọi món ăn truyền thống mà ta muốn: thịt kho tàu, rau muống, trứng tráng, v.v. Hơn nữa, nhân viên khách sạn biết tôi. Một trong người phụ nữ làm việc ở khách sạn là một người cô, chị em họ của chú tôi, người luôn nhìn thấy tôi mỗi khi tôi đến thăm chú dì. Mối quan hệ kiểu này rất quan trọng ở Việt Nam, và tôi cũng biết tất cả nhân viên. Có một người phụ nữ tên là Nga có tiếng bởi vì cô là xạ thủ giỏi nhất của khách sạn, bắn trúng 5/5 mục tiêu. Tôi tin rằng cô để mắt tới tôi. Tôi có những kỷ niệm đẹp với những người thợ cắt tóc của khách sạn. Tôi đã kết bạn với họ bằng cách tới cắt tóc và theo năm tháng tôi mang về cho họ những cây kéo hoặc dao cạo từ Nhật Bản, Pháp hay những nơi khác.

Tôi cũng có họ hàng bên ngoại, khá gần gũi. Đó là gia đình của một trong những người cậu của mẹ tôi. Tôi gặp những người họ hàng này lần đầu vào dịp Tết. Do không có gì tại Hà Nội, món quà nhỏ nhất cũng rất giá trị. Tôi có thể mua bánh ga tô, bia và Coca Cola tại quầy bar khách sạn. Tôi đã mua cả một lô để mang về cho gia đình. Đó là cách mà tôi kết thân với các nhân viên quầy bar.

Người ta đã tổ chức cho tôi một chuyến đi thăm đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Hòa Bình khá gần với Hà Nội và ông chủ tịch tỉnh là người Mường. Tôi không biết gì về người dân tộc thiểu số và về người Mường thì càng ít hơn. Có một sự cố xảy ra khiến tôi nghĩ rất nhiều và gốc gác mà tôi có thể có. Việc tới Hòa Bình không có vấn đề gì. Chúng tôi đi theo một xe ô tô dẫn chúng tôi tới nhà ông chủ tịch. Đó là một ngôi nhà sàn lớn và “bàn ăn” được bày trên chiếu dưới đất. Chúng tôi ngồi dưới đất và ăn dưới đất. Ông chủ tịch hướng về phía những người phụ tá của mình và hỏi:

“Mọi việc tốt đẹp chứ?”

Do không có ai trả lời, tôi nói:

“Không có vấn đề gì cả”.

Thế là cả căn phòng im lặng và tất cả đều nhìn tôi. Cuối cùng, ông tỉnh trưởng hỏi:

“Ông nói tiếng Mường à?”

Tôi ngạc nhiên nhìn ông ta.

“Không, tôi tưởng là ông nói tiếng Việt”.

Thực tế, tiếng Mường cũng giống tiếng Việt, nhưng với những thanh điệu khác. Với tôi điều đó là lí tưởng do tôi nói tiếng Việt mà sai thanh điệu.


Phòng Tô pô – Hình học (Viện Toán học) và khách tại cơ sở Đội Cấn-Ba Đình, năm 1981. Từ phải: Nguyễn Sỹ Minh, Lê Dũng Tráng, Ngô Việt Trung, Lê Văn Thành, Nguyễn Hữu Đức, Hà Huy Vui, Hoàng Tụy, Kyoji Saito, Huỳnh Mùi (ĐH Tổng hợp Hà Nội).

Khi trở về Hà Nội, tôi đi gặp Phạm Huy Thông, một nhà nho Việt Nam đã từng là chủ tịch hội người Việt tại Pháp và là Viện trưởng Viện khảo cổ Hà Nội. Ông trả lời tôi rằng mối quan hệ giữa dân tộc Mường và Kinh không được rõ ràng lắm, nhưng tôi đã đúng khi nói rằng tiếng Mường cũng giống như tiếng Việt với những thanh điệu khác. Do thời thế đã thay đổi, dường như người ta đã công nhận rằng Lê Lợi, ông vua đầu tiên của triều Lê là người Mường. Mà làng nơi ông sinh ra chỉ cách làng tôi 30km về phía Tây. Có thể gia đình tôi cũng thuộc dân tộc Mường.

Tôi đã đi một chuyến khác tới Cao Bằng để thăm những cái hang mà bác Hồ đã trú ở đó khi Bác trở về Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi ra đi. Người ta kể với tôi rằng quân Trung Quốc đã cho nổ những hang động này khi chúng cố xâm lược Việt Nam năm 1979. Chuyến đi tới đó mất 5 hoặc 6 tiếng. Tại phía Bắc Hà Nội, chúng tôi tắc đường và chúng tôi lo sợ máy bay Mỹ. Trên đường, tài xế gặp một người chị em họ đang đi kiếm củi để nấu nướng. Những cái hang rất thú vị. Tôi đã từng đi thăm một vài cái hang khác tại Pháp nhưng bé hơn. Người ta chỉ cho tôi chỗ mà bác Hồ sử dụng như là bàn làm việc, nơi Bộ chính trị họp. Phải nói rằng điều đó khá cảm động. Trên đường quay về, theo chiều ngược lại, tài xế lại gặp người chị em họ của mình, người đã đi bộ gần mười tiếng để đem về thứ có thể giúp nấu bếp trong hai ba ngày. Ta có thể đo được sự nghèo đói của Việt Nam thông qua những hoạt động thiết yếu như vậy mà người dân vẫn thực hiện với rất nhiều phẩm giá.

Một buổi sáng tại Hà Nội, tôi được dẫn tới trụ sở của Đoàn thanh niên cộng sản nơi mà người ta giới thiệu với tôi hai bạn trẻ khoảng hai mươi tuổi, một bạn trai và một bạn gái. Họ mặc trang phục du kích miền Nam. Họ nói với tôi về những chiến công của họ. Cùng với nhóm của mình họ đã chống lại một đội quân Mỹ và mỗi người đã hạ được khoảng một chục lính địch. Chúng tôi trò chuyện trong khi uống trà xanh. Tôi không biết nói gì. Tôi lúng búng một lời khen ngợi. Họ đồng thanh trả lời tôi rằng họ mới là người phải cảm ơn tôi. Tôi đã làm cho Tổ quốc điều tốt nhất mà tôi có thể trong việc học hành và nghiên cứu của tôi và những điều họ biết được về tôi khiến họ thấy tự hào. Họ thêm vào rằng tôi đã làm điều tốt nhất có thể ở nơi tôi đã sống, cũng như họ đã làm điều tốt nhất có thể ở nơi họ sống.

Cuộc gặp gỡ này khiến tôi bối rối. Tôi nhớ rằng tôi đã kể với Tạ Quang Bửu ngay tối hôm đó. Tạ Quang Bửu cho phép tôi tới thăm ông khi tôi muốn, khi tôi có vấn đề gì đó. Tối hôm đó là dịp để làm điều đó, bởi tôi thực sự bối rối. Những điều mà các chiến sĩ trẻ nói với tôi đó là tôi cần phải nghĩ đến việc trở về Việt Nam một ngày nào đó. Nhưng Việt Nam còn quá nghèo để tôi nghĩ đến việc đó và tôi không thấy mình có thể làm được gì ở đây. Tạ Quang Bửu nói rằng ông hiểu, rằng tôi không cần phải quyết định về nước, rằng tôi có thể giúp Việt Nam từ bên ngoài nhiều hơn là từ bên trong. Cuộc nói chuyện với Tạ Quang Bửu đã cho tôi nhiều quyết tâm hơn trong những gì tôi làm. Các bài giảng của tôi mất nhiều công sức hơn, dù tôi không chắc rằng chúng có giúp ích gì không. Nhưng không sao, những điều tôi muốn làm kéo dài nhiều năm. Dù gì thì tôi cũng làm sao để những chuyến đi của tôi ít tốn kém cho phía Việt Nam nhất.

Cơ quan phụ trách chuyến đi của tôi tại Việt Nam là Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Chính thức thì Tạ Quang Bửu không có ảnh hưởng gì tới cơ quan này. Thực tế là chiếc ô tô sử dụng cho các chuyến đi của tôi tới ngôi làng tại Thanh Hóa, tới Cao Bằng hay Hòa Bình là một chiếc ô tô thuộc ban đối ngoại của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Chủ tịch Ủy ban là Trần Đại Nghĩa, một kĩ sư được đào tạo tại Pháp và rất có tiếng. Ông được biết đến với khẩu bazooka mà ông sáng chế. Nó đã trở thành một vũ khí đáng gờm chống lại quân Pháp trong chiến tranh Đông Dương. Người có vai trò quan trọng tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước là Trần Quỳnh3, một người ít được giới khoa học đánh giá cao. Tôi không biết lí do cho sự không ưa này, nhưng Trần Quỳnh là một người thực dụng và tôi cho là những người làm khoa học, giống như tất cả các đồng nghiệp châu Á của họ, có xu hướng coi thường những người bình dân.

Một hôm, Trần Quỳnh mời tôi lên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước để trao đổi với tôi. Tôi đến đó bằng xe đạp vì rất gần với khách sạn. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông chỉ có một mình. Ông mời tôi trà và lạc. Chúng tôi chào hỏi xã giao bằng tiếng Pháp bởi Trần Quỳnh nói tiếng Pháp rất tốt. Ông đặt cho tôi câu hỏi đầu tiên rất đường đột:

“Tráng, cậu về Việt Nam làm gì?”

Câu hỏi đột ngột đến nỗi tôi khó khăn để tìm được từ ngữ. Tôi trả lời: “Tôi muốn Việt Nam sẽ có một giải Fields trong 25 năm nữa”. Hiển nhiên là tôi phải giải thích giải Fields là gì, rằng không có giải Nobel Toán học, rằng giải Fields được coi như tương đương với giải Nobel nhưng nó chỉ được trao trước năm 40 tuổi. Tôi giải thích tại sao lại có giới hạn 40 tuổi đó. Tôi đưa ra vài ví dụ về các nhà toán học đã được giải Fields. Tôi nhắc đến Grothendieck và Laurent Schwartz, những người đã tới Việt Nam. Tôi nói thêm rằng nhiều người Pháp đã đoạt giải Fields, rằng khoản tiền giải thưởng thì rất nhỏ so với giải Nobel và rằng nó chỉ được trao từ năm 1936. Trần Quỳnh có vẻ hài lòng với cuộc trao đổi và chúng tôi từ biệt nhau. Tôi không thể tưởng tượng được rằng giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật sau hơn 30 năm với Ngô Bảo Châu.

Tôi không gặp lại Trần Quỳnh trong lần về nước đó, nhưng tôi đã gặp một người đàn ông mà sau này tôi sẽ gặp với Trần Quỳnh và Tố Hữu. Tôi không nhớ hoàn cảnh nào đã dẫn tôi tới gặp Trần Quang Huy. Dù gì thì ông cũng là người phụ trách giáo dục của trung ương Đảng4. Ông hẳn phải biết sự có mặt của tôi tại Hà Nội. Tôi gặp ông một buổi tối sau bữa cơm. Cuộc gặp gỡ rất thân mật dù giới trí thức cũng không coi trọng ông cho lắm. Ông cũng nói tiếng Pháp, nhưng kém hơn Trần Quỳnh và Tạ Quang Bửu. Ông giải thích rằng ông biết rõ chú tôi hay đúng hơn là ngôi mộ chú tôi. Ông từng tham gia phụ trách Đoàn thanh niên của Đảng và hằng năm vào dịp giỗ chú tôi, ông cùng với những người phụ trách đoàn thanh niên khác tới thăm mộ chú tôi. Vì lí do đó mà một cách gián tiếp, ông biết gia đình tôi.

Chú tôi, Phạm Giang, chồng của dì Kim, đã nói với tôi rằng tôi cần phải nói chuyện với Trần Quang Huy nếu như tôi có các dự án về giáo dục. Tôi cho rằng tôi sẽ nói với Trần Quang Huy là tôi muốn trở lại Việt Nam trong tương lai để làm các seminar hay tổ chức đưa các đồng nghiệp nước ngoài về làm việc.

Tôi ở lại Việt Nam bốn tháng. Một cuối tuần, tôi đi thăm chùa Tây Phương với bộ sưu tầm tượng La Hán vui, gầy, no, v.v. Trong phần còn lại của chuyến đi, tôi đi thăm vịnh Hạ Long. Người ta đã sắp xếp cho tôi ở cái khách sạn tuyệt vời mà ta thấy trong phim Đông Dương, xa về phía Nam của thành phố than Cẩm Phả. Tôi đã có may mắn được tham quan vịnh Hạ Long và Hòn Gai trước khi du lịch tràn tới đây vào năm 1990. Tôi trở về Hà Nội bằng đường đi qua Hải Phòng, gần như hoàn toàn bị phá hủy bởi bom Mỹ, chỉ còn lại một nhà máy xi măng vẫn còn hoạt động. Theo những gì tôi thấy, chỉ còn những cánh đồng lúa là có người, và đây đó một nhà máy hoặc công xưởng núp kín mà quân Mỹ cố gắng tàn phá.

Lê Văn Thiêm thỉnh thoảng tới xem seminar diễn ra tới đâu. Ông nói với tôi về khó khăn của Việt Nam sẽ phải đóng hội phí cho Hội Toán học quốc tế. Tôi nói với ông rằng tôi sẽ xem xem có thể làm gì. Đó là cái cách mà tôi tham gia vào trong mối quan hệ với Hội Toán học quốc tế. Khoản tiền cần phải thu được là 200 franc Thụy Sĩ một năm. Khoản đó tương đương với 250 franc Pháp. Đó là một khoản tiền lớn thời bấy giờ. Nó vào khoảng 1/5 lương tháng của tôi. Sau khi tìm hiểu các nhà toán học mà tôi quen, tôi thấy việc gom được số tiền này là khả thi. Tôi ra đi với lời hứa sẽ trở lại vào năm sau với tiền đóng hội phí cho Hội Toán học quốc tế.

Tôi ra đi bằng máy bay tới Moscow từ sân bay Gia Lâm vào tháng năm. Máy bay là một chiếc máy bay cánh quạt. Chuyến đi kéo dài hơn 40 tiếng đồng hồ. Sau khi đổi chuyến bay ở Moscow, tôi về tới Paris.□

 

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Viện Toán học dịch

GS. Ngô Việt Trung viết lời tựa và hiệu đính

——–

1 Làng Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc

2 Chủ nhiệm Khoa Sinh học của trường Đại học Tổng hợp

3 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước

4 Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)