Một ngành khoa học cơ bản bị lãng quên
Chỉ là một phòng thí nghiệm nhỏ nhưng Đài thiên văn khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội, đã trở thành “cơ sở vật chất” hàng đầu ở Việt Nam giúp tiến hành nghiên cứu và giảng dạy một cách có hệ thống ngành thiên văn trong nước. Tuy nhiên, nghiên cứu thiên văn ở Việt Nam vẫn được mọi người cho là “xa xỉ” nên bấy lâu nay vẫn còn…bị lãng quên mặc dù, xét cho cùng, đó là một ngành khoa học cơ bản, thậm chí rất cơ bản, như bao ngành khoa học khác như Toán, Lý, Hóa, Sinh.v.v.
“Ngắm” vũ trụ từ Hà Nội
Theo chân hai nhà thiên văn trẻ Nguyễn Anh Vinh và Nguyễn Đức Phường “lọc cọc” qua những bậc cầu thang lên thượng đỉnh tòa nhà khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội, để “tận mục sở thị” cái kính thiên văn lớn nhất Việt Nam. Nguyễn Anh Vinh đùa, “Lầu Vọng Nguyệt của chúng tôi đấy!”. Quả thật, “cửa sổ” nhìn vào vũ trụ của hai nhà thiên văn chỉ là một phòng ốc nhỏ cô quạnh trên gác thượng và tách biệt hẳn với những phòng thí nghiệm, phòng chuyên đề khác. “Trên thế giới, các đài thiên văn thường đặt trên núi cao, xa những khu dân cư sầm uất hay các thành phố vừa là để hạn chế ô nhiễm ánh sáng, vừa là để tận dụng sự “trong lành” và ổn định của khí quyển để cuối cùng thu được hình ảnh của thiên thể rõ nhất, trung thực nhất”-Vinh giải thích – “Nhưng ở đây, do bất khả kháng, chúng tôi đặt trên…nóc nhà”.
Hệ thống kính MEADE LX200 với đường kính gương phản xạ hơn 40 centimét (16 inches) phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy và nghiên cứu thiên văn ở ĐHSP Hà Nội. |
Trước mắt tôi là hơn một chục cái kính thiên văn lớn nhỏ nhưng ấn tượng nhất là hệ thống kính MEADE LX200 với đường kính gương phản xạ hơn 40 centimét với tiêu cự 4 mét. “Đây là hệ kính phản xạ thuộc hệ kính Schmit-Cassegrain nên tuy tiêu cự hiệu dụng là 4 mét nhưng ống kính chỉ hơn 1mét”, Nguyễn Đức Phường cho biết. “Việc điều khiển kính có thể thực hiện hoàn toàn tự động. Chỉ cần nhập các thông tin về đối tượng quan sát là kính sẽ tự động hướng đúng vào thiên thể đó, và hơn nữa, kính cũng sẽ luôn hướng chính xác vào đối tượng trong suốt thời gian quan sát. Mặc cho Trái đất quay”, Vinh cho biết thêm. Như để chứng minh, anh thực hiện thao tác gõ nhẹ vào bàn phím, ngay tức thì, như một robot thông thái, toàn bộ hệ thống cơ học của kính hướng chính xác vào thiên hà Tiên nữ (tên chuyên môn gọi là M31). Sau vài động tác xử lý hình ảnh, thiên hà cách chúng ta 2,2 triệu năm ánh sáng này hiện ngay trên màn hình máy tính. “Cũng giống như nghệ sĩ nhiếp ảnh, các nhà thiên văn cũng là một…phó nháy. Nhưng để chụp được một bức ảnh thiên văn phải cần hàng giờ, thậm chí phải “xài” mất vài đêm. Càng mở ống kính lâu, càng quan sát và chụp ảnh được các thiên thể ở xa trong vũ trụ”. Hỏi tại sao chỉ là hình ảnh đen trắng, Phường giải thích, “Để chụp được một bức ảnh màu trung thực của một hành tinh, cấu trúc của đám tinh vân hay những cánh tay xoắn mềm mại của các thiên hà chúng tôi phải chụp ít nhất 3 lần cùng một đối tượng với ba bộ lọc màu xanh lá cây, xanh da trời và đỏ, sau đó xử lý qua phần mềm chuyên dụng. Ngoài ra, hệ thống CCD chuyên dùng cho thiên văn nhạy sáng hơn cả vạn lần một máy ảnh kỹ thuật số tân tiến nhất bây giờ”.
Với “con mắt thần kỳ” này, các nhà thiên văn ở Đài thiên văn khoa Vật lý, ĐHSP Hà Nội, có thể quan sát được hơn 60 nghìn thiên thể, trong đó có hàng vạn thiên hà cũng như các tinh vân khác trong Dải Ngân Hà của chúng ta.
“Phải dành không gian cho nghiên cứu thiên văn…”
Đối với GS. Pierre Darriulat thì, “Một đất nước bao giờ cũng phải dành không gian cho nghiên cứu cơ bản để phát triển nghiên cứu dụng, và vật lý thiên văn không phải là ngoại lệ”. Cùng quan điểm với GS.Pierre, GS.Trịnh Xuân Thuận, ĐH Virginia, cho rằng, “Mặc dù Việt Nam đang rất cần nghiên cứu ứng dụng nhưng chúng ta không được bỏ rơi nghiên cứu cơ bản trong đó có thiên văn”. Còn theo nhà thiên văn Phan Văn Đồng, Phó chủ tịch Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam và cũng là một trong những người đã từng gắn bó với ngành thiên văn trong nước ngay từ chặng đường đầu thì, “Phát triển thiên văn ở Việt Nam là một công việc lâu dài. Nhưng có thể khẳng định ngành khoa học này có vai trò quan trọng đối với phát triển xã hội đặc biệt là trong nhận thức thế giới quan, nhân sinh quan và bài trừ mê tín dị đoan,…”. Ông Đồng ví dụ, “Nhiều hiện tượng thiên văn được người dân ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu vùng xa gán ghép cho các tác động tâm linh huyền bí, nhiều hủ tục mê muội con người như nhật nguyệt thực, sao chổi hay sao băng”. “Trong khi cả thế giới và khu vực đang gắng sức để chạy đua vào vũ trụ, thì rất nhiều sinh viên năm cuối chuyên ngành vật lý trong nước lại không phân biệt thế nào là một hành tinh”, ông Đồng thoáng tư lự.
Sao Kim đi qua đĩa Mặt trời chụp bởi các nhà thiên văn Phan Văn Đồng, Nguyễn Anh Vinh và Nguyễn Đức Phường |
Nhật thực toàn phần xảy ra tại Phan Thiết. Chụp bởi nhà thiên văn Phan Văn Đồng |
Một khía cạnh khác làm cho thiên văn trở thành một trong những nền tảng của nghiên cứu cơ bản được GS.Nguyễn Quang Riệu, Nguyên giám đốc điều hành Đài thiên văn Paris, dẫn chứng, “Vũ trụ là phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, ở đó có những hiện tượng vật lý không thể tái tạo trong các phòng thí nghiệm trên Trái Đất. Từ đó, việc xây dựng các kính thiên văn có vai trò như những đầu dò và ghi nhận như trong các phòng thí nghiệm để quan sát, kiểm chứng và khám phá ra các quy luật vật lý mới”. Ông lý giải thêm, “Hệ thống nghiên cứu của nước ta còn rất thiếu những phòng thí nghiệm vật lý hiện đại vì vậy tham gia nghiên cứu thiên văn có thể tận dụng được “cỗ máy thí nghiệm” trời cho để phát triển nghiên cứu lý thuyết”.
Là một khoa học gia của Phòng thí nghiệm JPL của NASA, TS.Nguyễn Trọng Hiền nhấn mạnh, “Nghiên cứu thiên văn đòi hỏi phải được trang bị những kỹ thuật hiện đại, tinh vi như các trạm tham dò không gian, các phi thuyền vũ trụ, kính thiên văn không gian,…Như vậy, vô hình chung đã thúc đẩy và tạo động lực cho sự phát triển kỹ thuật công nghệ”. “Không lâu nữa việc phát triển và ứng dụng những công nghệ vũ trụ của Việt Nam là hiển nhiên”.
“Khởi động” một ngành khoa học
“Xét về mặt lịch sử nước ta có một nền thiên văn khá lâu đời. Nhưng do chiến tranh và điều kiện đất nước không cho phép nên ngành khoa học này đã có thời gian dài rơi vào quên lãng”, GS. Nguyễn Đình Huân, Chủ tịch Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam, cho biết. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, nhận thấy tầm quan trọng của thiên văn, Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam, dưới sự giúp đỡ của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU), Hội Thiên văn Thái Bình Dương, Hội Thiên văn Nhật Bản,…đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm chấn hưng ngành khoa học còn non trẻ này. “Những hoạt động trong khuôn khổ chương trình TAD với sự tham gia của các nhà thiên văn quốc tế là một hoạt động rất có giá trị, góp phần định hướng các hoạt động giảng dạy, phổ biến và nghiên cứu thiên văn cho phù hợp với hoàn cảnh và mục đích thực tiễn trong nước đồng thời vẫn bám sát các nghiên cứu của cộng đồng thiên văn quốc tế”, GS.Huân cho biết thêm.
Nhà thiên văn Phan Văn Đồng chụp ảnh nhật thực toàn phần tại Phan Thiết. |
Không chỉ còn là những cố gắng của các nhà khoa học “khai sinh” ra ngành thiên văn trong nước như PGS. Phạm Viết Trinh, TS. Nguyễn Mậu Tùng, nhà nghiên cứu Đặng Mộng Lân, với mong muốn phát triển thiên văn ở Việt Nam, nhiều cây đa cây đề trong làng thiên văn thế giới như GS. Y.Kozai (Nguyên Chủ tịch IAU), GS. Donat Wenzel, GS. Michele Gerbali, GS. Grant J. Mathews…đã đến Việt Nam giảng dạy, và xin tài trợ thiết bị, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu thiên văn trong nước. Nhiều thiết bị của Phòng thiên văn (ĐHSP Hà Nội), ĐH Vinh, ĐHSP.Tp.Hồ Chí Minh, nhà chiếu hình vũ trụ ở Tp.Vinh đều có được là nhờ những giúp đỡ quốc tế này. “Thực tế, các thiết bị này đã phát huy tác dụng, phục vụ hiệu quả công việc giảng dạy thiên văn trong trường ĐH Sư Phạm”, TS. Nguyễn Quỳnh Lan, ĐHSP Hà Nội, cho biết. Sau khi nhà chiếu hình vũ trụ Tp.Vinh xây dựng, không chỉ có sinh viên các trường ĐH, CĐ trong cả nước về tham quan học tập, mà còn thu hút một lượng lớn dân chúng yêu khoa học đến tìm hiểu. Là một người gắn bó lâu năm với ĐH Vinh đồng thời cũng là người “khởi xướng” nhà chiếu hình vũ trụ này, GS. Huân cho biết thêm, “Đây thực sự là một cung văn hóa khoa học của công chúng. Nếu Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng một vài nhà chiếu hình vũ trụ ở Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh sẽ tạo nên một công cụ hiệu quả phổ biến khoa học cho người dân”. Tuy nhiên, ông than phiền, “giờ nhà chiếu hình vũ trụ dường như bị “cấm cửa” vì khuôn viên của nó bị lọt vào giữa một khu vui chơi giải trí. Nếu muốn vào thăm, khách thăm quan buộc phải qua “của ải” của trung tâm giải trí này”.
“Không chỉ có các nước giàu, mà nhiều nước đang phát triển đã chú trọng đưa thiên văn vào giảng dạy ở phổ thông. Còn ở Việt Nam, tôi thấy chỉ có những sinh viên theo học chuyên ngành vật lý ở một vài trường đại học mới có được may mắn tiếp cận đến ngành khoa học hết sức thú vị này”..
GS.James Cronin, giải Nobel Vật lý |
Bên cạnh những giúp đỡ về con người, xây dựng cơ sở vật chất, IAU, Đài Thiên văn Paris, Đại học Paris 6, ĐH Paris 11 và tổ chức Rencontres du Vietnam…cũng tổ chức nhiều lớp học, hội thảo bồi dưỡng kiến thức về khoa học vật lý thiên văn và vũ trụ học, đồng thời tạo điều kiện để nhiều sinh viên Việt Nam sang các trường ĐH ở Mỹ, Pháp, Nhật theo học các chương trình sau đại học trong lĩnh vực nghiên cứu này. Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác quốc tế phù hợp với thực lực nghiên cứu trong nước như Dự án HOU cũng đã được triển khai. “Hiện nay, trên thế giới có một mạng kính thiên văn hoạt động tự động để các nhà thiên văn nghiệp dư có thể sử dụng qua Internet. Các nhà thiên văn nghiệp dư trong nước có thể tham gia vào mạng kính này. Chúng tôi cũng đã soạn một số sách phổ biến và giáo khoa tiếng Việt để học sinh và sinh viên sử dụng”, GS.Riệu cho biết. Ngày nay, các trường ĐH, CĐSP đã dần đưa thiên văn vào giảng dạy, nhen nhóm lên một ngành khoa học tuy có “tuổi” vào bậc nhất của khoa học đương đại nhưng lại còn rất mới mẻ ở Việt Nam.
Một số giải pháp phát triển Thiên văn Việt Nam
|
Thế kỷ XXI là thế kỷ của những công cuộc chinh phục vũ trụ và những ứng dụng quan trọng của Thiên văn học hiện đại cho đời sống con người. Vì vậy, những kiến thức Thiên văn-vũ trụ là những kiến thức cần có đối với mọi người, trước hết là tuổi trẻ học đường.
Trước năm 1945, Thiên văn và Vũ trụ học là một môn học bắt buộc đối với lớp cuối cấp thuộc ban tự nhiên của hệ phổ thông. Trong cải cách giáo dục 1950, do rút ngắn chương trình đào tạo nên Thiên văn không phải là môn học bắt buộc trong hệ phổ thông. Hiện tại, Thiên văn học được giảng dạy ở Khoa Vật lý và khoa Địa lý của các trường đại học sư phạm, ở các trường đại học kỹ thuật như Mỏ-Địa chất, Hàng hải…Chương trình Thiên văn cũng được đưa vào các trường cao đẳng sư phạm và một số tiết của chương trình Vật lý ở trường trung học phổ thông.
Việc chưa có Thiên văn trong chương trình giảng dạy ở phổ thông sẽ là một khiếm khuyết trong trong tri thức của tuổi trẻ đi vào thế kỷ XXI và cũng có thể nói là một hạn chế trong nền giáo dục của nước nhà để ngang bằng nền giáo dục thế giới. Vì vậy, việc đưa môn Thiên văn vào chương trình phổ thông là rất cần thiết. Cung cấp các trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy như kính Thiên văn trường học, các thiết bị nghe nhìn, sách báo, tạp chí, tài liệu chuyên ngành. Sử dụng, khai thác có hiệu quả các kênh thông tin trên mạng internet…
Chúng ta cần tiếp tục tuyển chọn sinh viên giỏi, gửi đi đào tạo về Thiên văn Vật lý, và nên thành lập một cơ sở nghiên cứu Thiên văn để tập hợp số cán bộ trẻ này. Chúng ta cũng có thể sử dụng các số liệu qua mạng internet, tham gia mạng phân tích và xử lý số liệu toàn cầu. Chúng ta cũng có thể tham gia mạng lưới quan sát và nghiên cứu Thiên văn bằng các kính Thiên văn nhỏ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Việc phổ biến rộng rãi các tri thức Thiên văn trong quảng đại quần chúng là một yêu cầu cấp thiết, nhằm xây dựng cho con người một vũ trụ quan duy vật biện chứng, một nền tảng tri thức để chống lại những hiện tượng mê tín dị đoan đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta. Hiện nay, nhiều câu lạc bộ trẻ về Thiên văn đã được thành lập ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.., đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và hoạt động có hiệu quả. Nhiều websites về Thiên văn ở Việt Nam đã ra đời nhằm phổ biến tri thức về Thiên văn, khám phá vũ trụ…
Hội Thiên văn Quốc tế khuyến cáo Việt Nam nên gia nhập Hội Thiên văn quốc tế như là một thành viên quốc gia, khi đó Thiên văn Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
PGS. TS. Nguyễn Đình Huân-Chủ tịch hội Thiên Văn-Vũ trụ Việt Nam