Một phần tư loài động vật nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng

Dù bao phủ chưa đến 1% bề mặt Trái đất song các hệ sinh thái nước ngọt rất quan trọng đối với sự sống trên hành tinh. Một nghiên cứu mới cho thấy việc hủy hoại các môi trường nước ngọt đang đẩy các loài động vật sinh sống ở nơi đây đến bờ vực tuyệt chủng, với 24% các loài có nguy cơ bị xóa sổ. 

Cá Mahseer vàng được coi là có nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng bị đánh bắt quá mức và xây đập thủy điện trên các con sông chúng sinh sống ở phía Nam dãy Himalayas. Ảnh: Shutterstock

Hàng nghìn loài cá, cua và chuồn chuồn có thể bị tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới – và nhiều loài khác có thể rơi vào tình cảnh tương tự. 

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Nature về tình trạng của gần 24 nghìn loài động vật nước ngọt, gần một phần tư trong số này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, gần 1000 loài được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp, với khoảng 200 loài có lẽ đã biến mất. 

Ngoài việc là nơi sinh sống của 10% các loài trên Trái đất, các môi trường nước ngọt cũng mang đến nguồn nước uống an toàn, sinh kế, kiểm soát lũ lụt và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, Tuy nhiên, hệ sinh thái nước ngọt lại là một trong những hệ sinh thái bị đe dọa nhiều nhất trên Trái đất. Môi trường nước ngọt đang chịu áp lực khi nhu cầu thực phẩm, nước và các loại tài nguyên đang tăng lên. 

Các vùng đất ngập nước, bao gồm đầm lầy, rừng ngập mặn và đầm lầy ngập mặn (saltmarsh), đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Theo thống kê, một khu vực có diện tích bằng Ấn Độ – 3,4 triệu km2 đất ngập nước đã biến mất kể từ năm 1700. 

Dù nguy cơ đối với các loài động vật nước ngọt ngày càng tăng, môi trường nước ngọt vẫn chưa được nghiên cứu nhiều so với các đại dương. 

TS. Topiltzin Contreras MacBeath, đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng chúng ta cần thay đổi điều này nếu muốn tăng cơ hội sống sót của các loài động vật nước ngọt. 

“Dữ liệu về các loài động vật nước ngọt phải được đưa vào các chiến lược bảo tồn và quản lý sử dụng nước để góp phần bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt”, TS. MacBeath cho biết. “Chúng ta cần tăng cường đầu tư vào việc đo lường và giám sát các loài nước ngọt để đảm bảo hoạt động bảo tồn và sử dụng nước dựa trên thông tin mới nhất”. 

Nghiên cứu tập trung vào bốn nhóm động vật liên quan mật thiết với nước ngọt – các bộ giáp xác mười chân, bộ chuồn chuồn, động vật thân mềm và các loài cá. 

Bộ giáp xác mười chân là một nhóm lớn động vật giáp xác gồm cua, tôm… Các loài này sống rất nhiều ở biển, các con sông và suối trên khắp thế giới. Trong đó, khoảng 30% đang có nguy cơ tuyệt chủng. 

Mối đe dọa lớn nhất đối với các loài giáp xác mười chân là ô nhiễm, đặc biệt là từ dòng chảy nông nghiệp (runoff: nước chảy tràn bề mặt từ lượng nước dư thừa trên đất nông nghiệp do mưa hoặc tưới tiêu). Nhiều loại thuốc trừ sâu được dùng để diệt côn trùng sẽ gây hại cho tôm, cua khi xâm nhập vào nguồn nước, đặc biệt là khi các loài động vật này đang lột xác. Những hóa chất này cũng là mối đe dọa với các loài cá, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, khả năng sinh sản và hành vi của chúng. 

Bộ chuồn chuồn là nhóm côn trùng bao gồm chuồn chuồn và chuồn chuồn kim. Dù thường thấy chúng bay trên không song thực tế, phần lớn cuộc đời chuồn chuồn diễn ra dưới nước ở dạng ấu trùng đang phát triển. 

Do vậy, môi trường sống của chuồn chuồn rất dễ bị tổn thương. Việc chuyển đổi đất ngập nước thành đất nông nghiệp đang đe dọa hơn một nửa số loài chuồn chuồn. Ngoài ra, hoạt động khai thác gỗ cũng đang phá hủy nơi kiếm ăn và trú ẩn của chuồn chuồn trưởng thành. 

Do thiếu dữ liệu nên nghiên cứu không thể phân tích các loài động vật thân mềm như ốc sên và nhiều loài động vật không xương sống khác như trai, hàu nước ngọt.  

Các nghiên cứu trước đây cho thấy khoảng một phần ba động vật thân mềm có nguy cơ tuyệt chủng. Như vậy, tỉ lệ chung các loài nước ngọt đang bị đe dọa có thể sẽ tăng lên. 

Tính chất rộng lớn và sự liên kết của môi trường nước ngọt đồng nghĩa với việc đảo ngược những suy giảm này không hề dễ dàng. Việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia và các bên liên quan là điều quan trọng để mang đến cơ hội thay đổi cho các loài cua, chuồn chuồn và các loài động vật hoang dã nước ngọt khác đang bị đe dọa.□

Thanh An lược dịch

Nguồn: https://www.nhm.ac.uk/discover/news/2025/january/quarter-freshwater-species-at-risk-extinction.html

Bài đăng Tia Sáng số 3/2025

Tác giả

(Visited 32 times, 32 visits today)