Một phụ nữ khỏi HIV nhờ điều trị bằng tế bào gốc

Trước đây, đã có hai bệnh nhân nam được chữa khỏi HIV, nay thêm một nữ bệnh nhân đã 14 tháng không còn chứa virus gây bệnh. Tuy nhiên, với người phụ nữ này, người ta đã áp dụng một phương pháp điều trị khác.


Nghiên cứu tế bào gốc có nhiều triển vọng trong điều trị HIV

Một bệnh nhân ung thư máu ở Mỹ đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và đồng thời là người thứ ba trên thế giới được chữa khỏi HIV. Các nhà khoa học đã báo cáo về vấn đề này hôm thứ ba vừa qua tại một hội nghị ở Denver.

Bệnh nhân nữ này đang ở độ tuổi trung niên, đa chủng tộc, được chẩn đoán là dương tính với HIV vào tháng 6 năm 2013. Người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng virus, nhờ đó đã kiểm soát được virus trong cơ thể. Tháng 3 năm 2017, bà được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu dòng tủy, một loại ung thư bắt đầu từ các tế bào tạo máu trong tủy xương. Sau đó, bà được điều trị khoảng sáu tháng bằng tế bào gốc từ máu cuống rốn, chủ yếu để chống bệnh ung thư. Các bác sĩ cho biết kể từ đó bệnh nhân sạch virus và không cần dùng thuốc chống HIV nữa. Đây là bệnh nhân HIV đầu tiên được điều trị bằng tế bào gốc từ máu ở cuống rốn.

Trước đó đã có hai bệnh nhân HIV là nam giới khỏi bệnh nhờ điều trị bằng tế bào gốc. Người thứ nhất là Timothy Ray Brown, còn được mệnh danh là  “Bệnh nhân Berlin”, sau điều trị đã sạch virus được 12 năm, ông mất năm 2020 vì bệnh ung thư. Cách đây ba năm đã có ca chữa trị thứ hai thành công: Bệnh nhân Adam Castillejo cũng được điều trị bằng tế bào gốc và sạch virus HI từ đó đến nay. 

Cả hai bệnh nhân nam này đều được điều trị bằng tế bào gốc từ tủy xương, còn được gọi là cấy ghép tủy xương. Những người hiến tặng có một đột biến đặc biệt được gọi là Delta 32. Điều này có nghĩa là các tế bào không sản xuất thụ thể CCR5 – thứ hầu hết các virus HI cần có để gắn vào một tế bào mà từ đó chúng có thể sinh sôi. Vì vậy, những người hiến tặng vốn đã miễn dịch với virus. Các nhà khoa học tin rằng sau khi cấy ghép, người nhận cũng sẽ có đặc điểm này và trở nên miễn nhiễm với HIV. Chỉ có khoảng 20.000 người hiến tế bào gốc trên toàn thế giới mang đột biến đặc biệt, hầu hết họ đều ở Bắc Âu.

Liệu pháp tế bào gốc có rất nhiều rủi ro

Cấy ghép tế bào gốc giúp phát triển các tế bào gốc máu mới trong cơ thể. Điều này làm thay đổi hệ thống miễn dịch. Trong trường hợp cấy ghép tế bào gốc, các đặc điểm mô ở người cho tế bào gốc và người nhận tế bào gốc phải phù hợp với nhau. Điều này là cực kỳ hiếm.

Ngoài ra, liệu pháp tế bào gốc vẫn là một phương pháp điều trị có độ rủi ro cao và thường chỉ là một lựa chọn cho bệnh nhân ung thư khi không còn có cách nào khác. Do đó, trong tương lai, các bác sĩ có thể sẽ tiếp tục dựa vào phương pháp cổ điển để kiểm soát virrus  HI bằng thuốc kháng virus hòng qua đó ngăn chặn sự bùng phát của AIDS trong thời gian dài.

Hai người bệnh nhân nam được điều trị cũng bị những tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi cấy ghép tủy xương, chẳng hạn như bệnh Graft-versus-Host, theo đó các tế bào của người cho tấn công cơ thể người nhận. Timothy Ray Brown suýt chết sau khi điều trị.

Tế bào gốc từ máu cuống rốn, giống như những tế bào được sử dụng cho bệnh nhân ở Hoa Kỳ, có ưu điểm là  dung nạp tốt hơn và cơ thể ít có khả năng từ chối chúng hơn so với tế bào gốc từ tủy xương. Do đó,không nhất thiết phải có một sự trùng khớp hoàn toàn giữa người cho và người nhận. Điều này có thể là một lợi thế cho những người có các điều kiện khác nhau. Bởi vì trong cơ sở dữ liệu tế bào gốc toàn cầu, chủ yếu là người da trắng đã đăng ký.

Theo nhóm các thầy thuốc điều trị thì nữ bệnh nhân này chịu đựng tốt quá trình điều trị. Sau khi cấy ghép 17 ngày nữ bệnh nhân này đã ra viện. Bệnh Graft-versus-Host đã không phát triển ở người bệnh này. Người bệnh tiếp tục dùng thuốc kháng virus 37 tháng tiếp theo. Sau khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc cả HIV và kháng thể chống lại virus đều không thể phát hiện ở  trong máu của bệnh nhân, thậm chí 14 tháng sau đó cũng không xuất hiện. 

“Việc bệnh nhân là đa chủng tộc và là nữ đều rất quan trọng và có ý nghĩa về mặt khoa học đồng thời có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội,” Steven Deeks, một nhà nghiên cứu về AIDS tại Đại học California đã nói với tờ New York Times. Người ta tin rằng sự lây nhiễm HIV diễn biến khác nhau ở nam và nữ. Nhưng trong khi phụ nữ chiếm khoảng một nửa số trường hợp nhiễm HIV trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 11% số người tham gia các nghiên cứu về HIV là nữ. Deeks coi thành công trong điều trị là một bước đột phá, nhưng ông không tin liệu pháp tế bào gốc sẽ sớm được phổ biến rộng rãi đối với  bệnh nhân HIV.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 38 triệu người bị  HIV. Khoảng ba phần tư trong số này được điều trị bằng thuốc chống virus để kiểm soát và ngăn chặn không để bệnh bùng phát về lâu dài. Người ta không thể tiêu diệt vĩnh viễn virus. Do đó từ nhiều năm nay các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu về các khả năng điều trị căn bệnh này. 

Xuân Hoài lược dịch

NguồnErste Frau gilt nach Stammzelltherapie als von HIV geheilt

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)