Một vài gợi ý về công tác nghiên cứu

PGS. TS Lê Văn Cảnh chia sẻ với các sinh viên, các nhà nghiên cứu trẻ về những vấn đề mà họ cần giải quyết, nếu muốn đi theo con đường khoa học.

1. Có một vấn đề tế nhị đặt ra là khi tiến hành thực hiện nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy, nghiên cứu sinh có nên chủ động đăng bài trên các tạp chí hay để thầy chỉ đạo việc nộp bài. Thông thường thầy hướng dẫn sẽ khuyến khích nghiên cứu sinh tự viết bài báo, sau đó thầy sẽ chỉnh sửa và nộp đăng ở các tạp chí thích hợp. Nếu thực hiện chủ yếu các nghiên cứu và viết phác thảo bài báo thì nghiên cứu sinh sẽ là tác giả thứ nhất và thầy hướng dẫn sẽ là tác giả liên hệ (corresponding author) chịu trách nhiệm về nội dung khoa học của bài báo. Trong một số trường hợp, nghiên cứu sinh có thể vừa là tác giả đầu vừa là tác giả liên hệ của bài báo, tuy nhiên xác suất bài báo bị từ chối sẽ cao hơn.

2. Trong trường hợp công trình nghiên cứu bị các tạp chí chuyên ngành từ chối, chúng ta không được nản chí mà cần phải hiểu rằng, yêu cầu cốt lõi của một bài báo khoa học là tính mới (original), đặc biệt đối với các tạp chí ISI uy tín thì yêu cầu này càng cao. Đối với các tạp chí ISI uy tín, tỉ lệ số bài báo bị từ chối có thể lớn hơn 70% số bài báo được nộp đăng. Việc công trình bị các tạp chí từ chối nhận đăng cần được xem là điều bình thường, ngay cả với nhà khoa học hàng đầu cũng có thể có ít nhất một lần trải qua chuyện này. Vì vậy, khi bài báo bị từ chối, các tác giả cần cố gắng tập trung vào việc nhanh chóng xem xét các ý kiến phản biện, lấy đó làm cơ sở để chỉnh sửa công trình của mình thật kỹ càng và có thể tiếp tục nộp đăng ở các tạp chí khác cùng chuyên ngành. Trên thực tế, có nhiều tác giả bị một tạp chí mức trung bình từ chối lại được chấp nhận đăng công trình đó ở một tạp chí tốt hơn (dĩ nhiên đã được chỉnh sửa).

3. Với những nhà khoa học trẻ hoạt động trong ngành kỹ thuật, nên chú ý những nét đặc thù của các công bố được thực hiện từ Việt Nam do các tạp chí chuyên ngành xuất bản trong thời gian qua. Có ba loại nghiên cứu trụ cột trong khối ngành kỹ thuật là nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu thực nghiệm và khoa học tính toán mô phỏng. Việc nghiên cứu thực nghiệm rất cần thiết nhưng với điều kiện cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu theo hướng này chưa nhiều, thậm chí phải dựa vào sự hợp tác với các phòng thí nghiệm nước ngoài thì mới có khả năng công bố. Do đó, các công bố hiện nay trong nhóm ngành kỹ thuật chủ yếu từ hai hướng nghiên cứu còn lại, đặc biệt là cơ học tính toán. Các nhà nghiên cứu trẻ cần biết lượng sức mình và những điểm riêng biệt này để có được “chiến lược công bố” phù hợp, tránh trường hợp đầu tư thời gian và công sức vào đề tài nhưng vẫn không được các tạp chí chuyên ngành chấp nhận.

4. Việc viết thuyết minh nghiên cứu xin tài trợ là hoạt động không thể thiếu của một nhà khoa học và một nhà nghiên cứu trẻ cũng nên nắm bắt cách thức để có thể chủ động tìm kinh phí thực hiện các ý tưởng khoa học của mình. Hiện nay ở trong nước có khá nhiều nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu dưới dạng các chương trình cấp nhà nước, cấp bộ, ngành… Một trong số đó là Quỹ Nafosted của Bộ KH&CN, Quỹ đã tài trợ cho rất nhiều nhà khoa học thực hiện nghiên cứu với yêu cầu nghiệm thu đề tài là tối thiểu có hai bài báo quốc tế (hoặc một bài ISI uy tín). Vì vậy, thuyết minh nghiên cứu cần nêu nổi bật mục tiêu, phương pháp nghiên cứu và tính khả thi của đề tài. Qua tiêu chí đánh giá rõ ràng và khách quan của các Hội đồng khoa học ngành Nafosted, trong thời gian gian qua đã có nhiều tiến sỹ trẻ mới tốt nghiệp ở nước ngoài về nước được nhận tài trợ nghiên cứu của Quỹ, qua đó khẳng định được vị thế trong lĩnh vực nghiên cứu của mình.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)