Mức độ phục hồi sau đại dịch giữa các nước không đồng đều
Chỉ số phát triển con người (HDI) là một trong những chỉ tiêu tổng hợp, đo lường sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, vùng lãnh thổ hay một địa phương do UNDP khởi xướng từ năm 1990.
Chỉ tiêu được tổng hợp dựa trên sự phát triển của con người trên ba phương diện: Sức khỏe, giáo dục và thu nhập của quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa bàn địa phương của quốc gia, vùng lãnh thổ trong kỳ quan sát.
Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), khoảng cách về chỉ số phát triển con người giữa các nước giàu và nước nghèo tiếp tục gia tăng, càng nhấn mạnh một xu hướng đảo ngược – khoảng cách này đã giảm dần trong vòng 20 năm, và kể từ năm 2020 thì khoảng cách này lại tăng lên.
Báo cáo Phát triển Con người mới nhất của LHQ cho thấy mặc dù toàn bộ 38 quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đã phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng chỉ một nửa trong số các quốc gia kém phát triển nhất thế giới làm được điều đó.
“Nếu bạn lấy chỉ số trung bình để đánh giá khả năng phát triển trở lại của các nước trên thế giới, bạn sẽ thấy dấu hiệu phục hồi”, Achim Steiner, người quản lý Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), cho biết. “Nhưng khi bạn xem xét kỹ hơn, bạn sẽ nhận ra đó là sự phục hồi đó diễn ra một cách rõ ràng ở các nước có thu nhập cao; trong khi các nước có thu nhập thấp và kém phát triển nhất vẫn chưa thực sự vực dậy được.”
Nói cách khác, sự phục hồi chưa đầy đủ và không đồng đều đã khiến những quốc gia kém phát triển nhất bị bỏ lại phía sau, gây ra tình trạng bất bình đẳng trầm trọng và sự phân cực chính trị trên quy mô toàn cầu.
Báo cáo chỉ ra rằng quân sự hóa cũng là một trong những thách thức chính đối với sự phát triển toàn cầu ngày nay.
“Chúng tôi nhận thấy ngân sách dành cho quốc phòng tăng lên hằng năm, trong khi ngân sách phát triển, nguồn lực để giúp các nước nghèo hơn đầu tư vào hợp tác phát triển, đang bị cắt giảm. Đây là công thức cho một tương lai ngày càng u ám”, ông Steiner cho biết.
Thụy Sĩ là nước đứng đầu bảng xếp hạng năm nay với số điểm 0,967 – tăng so với số điểm năm 2021 là 0,962. Không phải chỉ số lúc nào cũng tăng lên, Nam Sudan – quốc gia xếp cuối bảng vào năm 2021 với số điểm 0,385 – thậm chí năm nay số điểm chỉ còn 0,381.
Steiner cho biết, đại dịch COVID-19 hệt như một “phép nhân”, làm trầm trọng hóa nhanh chóng các vấn đề vốn đã tồn tại từ trước – như nghèo đói.
“Đại dịch làm suy yếu khả năng phục hồi và chống chọi với cú sốc của các quốc gia. Vì vậy, những biến cố tiếp theo đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, và tình trạng lạm phát cao đã ảnh hưởng trầm trọng đến những quốc gia vốn đã phát triển thụt lùi do đại dịch”, ông nói.
Somalia, quốc gia lần đầu tiên được đưa vào báo cáo, lại cũng chính là quốc gia đứng cuối cùng trong danh sách.
Lionel Laurens, đại diện của UNDP tại Somalia, cho biết quá trình thu thập đủ dữ liệu đã diễn ra thuận lợi nhờ “sự hợp tác hiệu quả” giữa các cơ quan của Liên Hợp Quốc và Cục Thống kê Quốc gia Somali, “cho thấy mức tiến bộ trong những năm gần đây” của nước này. Nhưng ông thừa nhận rằng “vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo tất cả người dân Somalia đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và sự thịnh vượng, đặc biệt trong bối cảnh họ phải đối mặt với những ảnh hưởng từ khí hậu”.
Ông Steiner chỉ ra một thách thức khác đối với sự phát triển chính là “khả năng quản lý yếu kém ở quy mô toàn cầu”, mà trong đó sự bất bình đẳng về tiếp cận và phân phối vaccine là một ví dụ điển hình.
“COVID-19 đã dạy cho chúng ta một bài học đau đớn về cái giá của sự bất bình đẳng”, ông Steiner nói. “Nó cho thấy một hiện tượng bất ngờ có thể là điểm tập hợp các hiệu ứng gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế – xã hội với tốc độ chóng mặt”. □
Anh Lưu lược dịch
Bài đăng Tia Sáng số 6/2024