Mỹ: Người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Theo Báo cáo chuyên sâu về tiêu dùng thực phẩm tháng 6/2023, tỉ lệ mất an ninh lương thực lên tới 17%, tương đương với kết quả ghi nhận vào tháng 3/2022. Báo cáo mới cũng phản ánh những thay đổi của người tiêu dùng trong chi tiêu thực phẩm do suy thoái kinh tế giả định và thái độ với AI.
Báo cáo dựa trên khảo sát của Trung tâm Phân tích nhu cầu thực phẩm và tính bền vững thuộc Đại học Purdue nhằm đánh giá chi tiêu cho thực phẩm, các giá trị và sự hài lòng của người tiêu dùng, ủng hộ các chính sách lương thực và nông nghiệp, cũng như sự tin tưởng vào các nguồn thông tin. Khoảng 1.200 người tiêu dùng trên khắp nước Mỹ đã tham gia cuộc khảo sát. “Nhìn chung, áp lực tăng giá lương thực tiếp tục kéo dài, và chúng tôi cố gắng tìm hiểu liệu điều này có dẫn đến điểm bùng phát khi người tiêu dùng đang gặp khó khăn về mua sắm thực phẩm hay không”, Jayson Lusk, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue, người phụ trách trung tâm, cho biết. “Kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ mất an ninh lương thực đạt mức 17%, tăng lên so với mức 14% của hai tháng trước đó. Điều này không nằm ngoài mức dao động thông thường mà chúng tôi đã đo lường. Tuy nhiên, sự gia tăng này có thể gây lo ngại do tổng áp lực bên ngoài đang ảnh hưởng lên những người tiêu dùng dễ bị tổn thương hơn”.
Ông lưu ý rằng việc thúc đẩy Chương trình Hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP) đã kết thúc vào tháng ba. Tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng có thể do các hộ gia đình chậm thích nghi với sự thay đổi chính sách.
Trong trường hợp suy thoái kinh tế xảy ra, người tiêu dùng cho biết họ sẽ cắt giảm hầu hết các món bít tết, thịt lợn và ăn ở bên ngoài. Những kết quả này phù hợp với dự đoán của Lusk. “Người tiêu dùng sẽ ưu tiên cắt giảm chi tiêu cho việc đi ăn ngoài khi đối mặt với suy thoái kinh tế. Sau đó, mọi người sẽ cắt giảm những món đắt đỏ mà họ có thể dễ dàng thay thế trong thực đơn, chẳng hạn như bít tết và thịt xông khói”, Lusk cho biết.
Các kết quả chính bao gồm: Chi tiêu cho lương thực đã tăng 2,1% so với tháng sáu năm ngoái, thấp hơn nhiều so với ước tính 6,7% của chính phủ về lạm phát lương thực. Các hộ gia đình kiếm được dưới 50.000 USD hằng năm có tỉ lệ mua hàng tạp hóa trực tuyến cao hơn các hộ gia đình khác. Báo cáo nhấn mạnh, các hộ gia đình kiếm được hơn 100.000 USD hằng năm là những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn một chút.
Phần lớn người tiêu dùng có thái độ tích cực hoặc trung lập về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. “Các câu hỏi về AI mang tính suy đoán nhiều hơn vì chưa có ví dụ phổ biến nào về ứng dụng AI trong hệ thống thực phẩm”, Sam Polzin, một nhà khoa học nông nghiệp và lương thực ở Trung tâm, đồng tác giả của báo cáo cho biết. “Mọi người không có đủ thông tin về AI để có những quan điểm sâu sắc, như kết quả khảo sát cho thấy phần lớn là thờ ơ”.
Một điều khiến Polzin ngạc nhiên là 50% người tiêu dùng cho biết họ sẽ đồng ý để AI hỗ trợ lựa chọn thực phẩm. “Tỉ lệ này cho thấy mọi người mong muốn đưa ra những lựa chọn ‘tốt nhất’ như thế nào”, Polzin nói.
Theo Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ, lạm phát hằng năm đối với thực phẩm tại nhà đã giảm xuống dưới mức lạm phát đối với thực phẩm bên ngoài (FAFH) vào mùa xuân này. Điều này dẫn đến câu hỏi: Liệu người tiêu dùng có tiếp tục tăng mức độ chi tiêu cho việc đi ăn ngoài không?
“Những người có thu nhập cao nhất đang đóng góp phần lớn vào mức tăng chi tiêu cho FAFH và không có lý do chậm lại. Chúng tôi sẽ theo dõi liệu hai mô hình khác nhau có xuất hiện – trong đó các hộ gia đình thu nhập cao tiếp tục phát triển còn các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn phải rút lui hay không”, Polzin nói.□
Thanh An lược dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2023-07-food-insecurity-months.html