Mỹ: Sự chia rẽ xã hội mới nổi do AI
Dự án do các nhà nghiên cứu trường Đại học Rutgers dẫn dắt đã kiểm tra niềm tin vào công nghệ của người dân Mỹ.

Kết quả nghiên cứu mới của Trường Đại học Rutgers (Mỹ) nhằm tìm hiểu niềm tin của công chúng về trí tuệ nhân tạo (AI) cho thấy một sự chia rẽ ngày càng lớn trong cách người Mỹ khi họ tương tác với công nghệ này. Những người có thu nhập và học vấn cao hơn thường tin tưởng sử dụng AI hơn và có hiểu biết lớn hơn.
Khảo sát này là một phần của Chương trình Theo dõi Ý kiến Quốc gia về AI (NAIOM), thực hiện từ ngày 25/10 đến 8/11, thu thập gần 4800 câu trả lời từ những người thuộc khắp các nhóm nhân khẩu học, vị thế kinh tế, xã hội khác nhau. Khảo sát nhằm làm rõ những thái độ của con người với AI, trong đó có niềm tin đối với các hệ thống AI, các công ty AI và nội dung do AI tạo ra.
Khi được hỏi về niềm tin của họ với AI ứng dụng trong dịch vụ công, 47% cho biết họ “khá tin tưởng” hoặc “rất tin tưởng” với AI. Mức tin tưởng này cao hơn so với niềm tin vào mạng xã hội (39%) và Quốc hội (42%).
Những người đặt niềm tin vào AI phần lớn nằm trong độ tuổi từ 18 đến 42 (60%), có thu nhập 100. 000 USD mỗi năm hoặc hơn (62%) và có mức học vấ cao (60%).
“Từ điểm này, có thể thấy sự phân chia do AI gây ra dường như không phải là không khắc phục được”, PGS. Katherine (Katya) Ognyanova tại Trường Thông tin và Truyền thông thuộc Đại học Rutgers, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết “Tuy nhiên nếu các công cụ này vẫn tiếp tục nhận được sự tin dùng của những người có thu nhập cao hơn, nó có thể làm sâu sắc hơn sự khác biệt giàu- nghèo đang tồn tại này. Bởi vai trò ngày một gia tăng của AI khắp các ngành công nghiệp, sự bất bình đẳng trong tiếp cận có thể dẫn tới việc bỏ lỡ nhiều cơ hội của vô số người”.
Các nhà nghiên cứu định nghĩa AI bao gồm các công nghệ tiên tiến cho phép máy móc thực hiện nhiệm vụ cần đến trí thông minh của con người, như hiểu ngôn ngữ, ra quyết định và ghi nhận hình ảnh.
Bà Katherine Ognyanova nói thêm “Dù AI đang nhanh chóng trở thành phần quan trọng trong công việc, giáo dục và đời sống của chúng ta, nhưng việc chấp nhận và sử dụng nó vẫn dựa trên niềm tin của công chúng”.
Người Mỹ tin vào nhà báo hơn là tin tức do AI tạo ra
Khảo sát cũng cho thấy, người Mỹ tin vào những thông tin trên báo chí chính thống hơn là những nội dung do AI tạo ra. Có 62% cho biết họ tin tưởng các nội dung báo chí ở “mức độ nhất định” hoặc “rất nhiều” nhưng mức niềm tin này với thông tin do AI tạo ra chỉ đạt con số 48%.
Dù lo ngại với những thông tin do AI tạo ra, nhiều người thừa nhận họ không biết làm thế nào để phân biệt những nội dung này với nội dung sáng tạo của con người. Chỉ 43% người khảo sát nghĩ mình có thể tự tin phân biệt “một số” hoặc “rất nhiều” nhưng chưa đến một nửa trong số này nhận diện một cách chính xác nội dung do AI tạo ra.
PGS. Vivek Singh, đồng tác giả của nghiên cứu và là một chuyên gia về AI cho biết “Nghiên cứu này cho thấy một lượng lớn nội dung trực tuyến được AI tạo ra, từ các trang web dịch tự động đến mạng xã hội. Ngay cả các tổ chức thông tin lớn cũng sử dụng AI, như công cụ Lynx Insight của Reuters, để viết các bài báo ngắn, sau đó, gửi cho biên tập viên xem lại”.
Sự cần thiết của giáo dục về AI
Với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của AI, bà Ognyanova sự cần thiết của giáo dục để mọi người có thể ra những quyết định đúng đắn về công nghệ này.
Để đo lường hiểu biết về AI, những người tham gia nhận được 8 câu nhận định về AI và đánh giá những câu đó ở các cấp độ là “không chính xác”, “chính xác” hoặc “không chắc chắn”. Trong 8 nhận định đó, chỉ có 3 nhận định đúng, còn lại đều là nhận định sai.
Kết quả khảo sát phân loại người trả lời thành ba nhóm kiến thức:
Kiến thức thấp (0-2 câu trả lời đúng): 27% số người tham gia;
Kiến thức trung bình (3-4 câu trả lời đúng): 51% số người tham gia;
Kiến thức cao (5-8 câu trả lời đúng): 23% số người tham gia.
Kết quả này cũng cho thấy mối quan hệ giữa trình độ học vấn, thu nhập và kiến thức về AI. Xét theo trình độ học vấn, người tham gia có bằng đại học hiểu biết nhiều về AI chiếm 29%, ở những người không có bằng đại học, con số này là 20%. Theo mức thu nhập, những người có thu nhập trên 100 000 USD hiểu biết về AI chiếm 27%, trong khi những người có thu nhập dưới 25 000 USD chỉ chiếm 19%.
Bà Ognyanova nhận định “Chúng ta cần kết hợp giáo dục về AI vào chương trình học. Đào tạo về công nghệ phải song song với sự tiến bộ công nghệ. Chỉ có ⅓ số người khảo sát có kiến thức cơ bản về AI, cần phải cải thiện điều này.”
Khảo sát này là một phần của dự án dài hạn nhằm theo dõi quan điểm của công chúng đối với AI. Nhóm nghiên cứu dự định tiến hành các cuộc khảo sát quy nô quốc gia ba lần mỗi năm, với mẫu khảo sát gồm 5.000 người đại diện cho toàn dân, và sẽ bổ sung thêm người dưới 25 tuổi, trên 65 tuổi, người gốc Tây Ban Nha và da đen.
Diễm Quỳnh dịch từ Rutgers University
Nguồn: https://www.rutgers.edu/news/survey-highlights-emerging-divide-over-artificial-intelligence-us