Nam Cực ấm lên nhanh gấp ba lần mức tăng trung bình toàn cầu

Ryan Fogt, giáo sư khí tượng học tại ĐH Ohio (Mỹ), cùng học trò của mình là Kyle Clem đã công bố phát hiện mới về châu Nam Cực trên tạp chí Nature Climate Change. Nghiên cứu cho thấy Nam Cực đã ấm lên nhanh gấp ba lần mức tăng trung bình toàn cầu trong 30 năm qua.


Trước đây, chúng ta thường nghĩ rằng Cực Nam trái đất vẫn mát mẻ ngay cả khi lục địa nóng lên; nhưng trên thực tế, đây là một trong những nơi ấm lên nhanh nhất hành tinh. Ảnh: Shutterstock

Trên thực tế, tốc độ ấm lên diễn ra nhanh đến mức Kyle Clem và các nhà nghiên cứu khí hậu khác bắt đầu lo lắng và tự hỏi rằng, phải chăng tác động của con người đến quá trình biến đổi khí hậu còn khủng khiếp hơn những gì họ đã tưởng tượng. Dữ liệu nhiệt độ thu được cho thấy, từ năm 1989 đến năm 2018, khu vực vắng vẻ này đã ấm lên nhanh gấp ba lần tốc độ tăng trung bình toàn cầu trong ba thập kỷ qua. Trong đó, 2018 được ghi nhận là năm nóng nhất ở cực Nam Trái Đất. Dữ liệu thu được từ 20 trạm khí tượng trên khắp Nam Cực cho thấy, tốc độ ấm lên ở cực Nam cao gấp 7 lần so với mức trung bình của lục địa. 

“Nam Cực dường như bị cô lập với phần còn lại trên khắp thế giới”, Clem, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington (New Zealand), cho biết. “Tuy nhiên, thật bất ngờ, nơi đây đang ấm lên nhanh chóng, thậm chí là một trong những nơi có tốc độ ấm lên nhanh nhất hành tinh.” 

Clem cùng các đồng nghiệp bày tỏ thắc mắc về việc tại sao lục địa băng giá này lại bắt đầu ấm lên nhanh chóng sau một thời gian hạ nhiệt suốt những năm 1970 – 1980: đó có phải là sự biến thiên tự nhiên? Hay đó là một phần của xu hướng ấm lên toàn cầu mà hoạt động công nghiệp của con người chính là thủ phạm gây ra? Câu trả lời hóa ra là cả hai. 

Sự nóng lên ở Nam Cực phần nào có liên quan đến sự gia tăng nhiệt độ tự nhiên ở vùng biển nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương. Xoáy nước ở vùng biển lạnh Weddell, ngoài khơi bán đảo Nam Cực đã đẩy không khí nóng xuống phía nam. Nhưng mô hình này chỉ là một phần của quá trình tăng nhiệt tự nhiên trong nhiều thập kỷ, cũng như chỉ lý giải được một số xu hướng ấm lên nhất định. Phần còn lại là do biến đổi khí hậu bởi hoạt động sống của con người gây nên. 

“Kết quả cuối cùng là tình trạng ấm lên nhanh chóng”, Clem nói, mặc dù anh thừa nhận rằng rất khó để xác định chính xác mỗi yếu tố chiếm bao nhiêu phần trăm trong kết quả này. Những kỷ lục về nhiệt độ ở Nam Cực chỉ được ghi nhận trong khoảng 60 năm trở lại đây, khí hậu ở khu vực này vẫn còn là một địa hạt đầy bí ẩn. 

Trước đây, các nhà khoa học đã biết rằng hệ thống thời tiết Thái Bình Dương có thể ảnh hưởng đến phía tây Nam Cực và bán đảo Nam Cực, nơi nhiệt độ không khí và nước tăng cao đã khiến băng tan chảy. Các nhà nghiên cứu trong quá trình theo dõi chặt chẽ tình hình lục địa đã bị bủa vây giữa những lo ngại rằng băng tan sẽ dẫn đến mực nước biển tiếp tục dâng cao hơn trên toàn thế giới.

Những gì xảy ra càng gần với bờ biển Nam Cực lại càng có ảnh hưởng sâu rộng đến tình trạng băng tan. Nhưng phát hiện mới về việc cực Nam có thể ấm lên nhanh chóng này lại là một bất ngờ đối với Alexandra Isern, người phụ trách chương trình nghiên cứu Nam Cực của Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. “Khu vực mà lâu nay chúng ta cảm thấy bị cô lập hóa ra lại không bị cô lập như chúng ta tưởng”, ông Isern nói. 

Thế nhưng, mặc cho những gì đang diễn ra, lớp băng ở cực Nam Trái Đất vẫn chưa có nguy cơ tan chảy. “Bất chấp những yếu tố gây tăng nhiệt độ, nơi đây vẫn còn lạnh lắm”, chuyên gia khí hậu Julienne Stroeve, giáo sư ở Manitoba, Canada, thành viên của Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia ở Boulder, Colorado, cho biết.

Lượng nhiệt tăng vẫn chưa đủ để “gây ra bất kỳ tổn thất hàng loạt nào” cho lớp băng ở nội địa Nam Cực. 

Nghiên cứu mới cho thấy Nam Cực đã “bừng tỉnh” trước biến đổi khí hậu, Stroeve cảnh báo. “Với tôi, điều này thật đáng báo động”.□
 
Anh Thư dịch
Nguồn: https://www.reuters.com/article/us-climate-change-antarctica/south-pole-warmed-three-times-the-global-rate-in-last-30-years-study-idUSKBN240210

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)