Năng lượng hạt nhân hỗ trợ phòng chống dịch COVID 19
Không chỉ cung cấp các bộ kit chẩn đoán và thiết bị phụ trợ, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ tổ chức khóa tập huấn kỹ thuật chẩn đoán với hỗ trợ của kỹ thuật hạt nhân Phản ứng chuỗi trùng hợp phiên mã ngược thời gian thực (RT-PCR) để hỗ trợ các quốc gia kiểm soát dịch bệnh.
Các nhà nghiên cứu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nhiễm và nghi nhiễm COVID – 19 bằng kỹ thuật RT-PCR. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.
Theo thông báo của IAEA, các nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên, trong đó có cả chuyên gia thú y từ 14 quốc gia ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và Caribbean sẽ tham gia khoa học này trong vòng hai tuần, trong đó, khu vực Đông Nam Á có Việt Nam và Malaysia, Philippines, Thái Lan. “Trong quá khứ, IAEA có đủ năng lực hỗ trợ các quốc gia phản hồi nhanh trước nhiều dịch bệnh do các virus Ebola, Zika và dịch tả lợn châu Phi gây ra. Hiện tại, tham gia vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế vẫn là trách nhiệm của chúng tôi”, Tổng thư ký IAEA Mariano Grossi cho biết.
Được phát triển từ kỹ thuật hạt nhân, RT-CPR có thể giúp dò tìm và nhận diện được virus SARS-CoV-2 một cách chính xác trong vòng vài giờ trong mẫu bệnh phẩm lấy từ người, cũng như trong những loài động vật có thể là vật chủ truyền virus sang người. Việc phát hiện virus của RT-CPR dựa trên biểu hiện gene liên quan với việc sửa chữa DNA, điểm kiểm tra chu trình tế bào, và quá trình chết rụng tế bào chương trình (apoptosis) bằng bức xạ ion hóa.
Nhờ vậy, nó có thể cho chúng ta biết rất nhiều thông tin về việc phơi nhiễm và những con đường truyền lây virus.
Các kỹ thuật phát triển từ kỹ thuật hạt nhân như RT-PCR là công cụ quan trọng để dò nhanh và xác định đặc điểm của các virus. “Những công cụ như vậy là cách duy nhất hiện nay để xác định một cách chắc chắn khả năng mắc bệnh,” nhà nghiên cứu y học hạt nhân của IAEA Enrique Estrada Lobato cho biết.
Ngoài kỹ thuật RT-CPR, khóa tập huấn sẽ bao gồm cả các quy định về an ninh sinh học và an toàn sinh học để bảo vệ sức khỏe của người tham gia trong thời gian lấy mẫu và phân tích mẫu cũng như ngăn ngừa khả năng lây nhiễm ra bên ngoài khu vực làm việc. Các học viên tham gia khóa học sẽ được nhận một số bộ công cụ chế tạo kit với các thiết vị bảo vệ cá nhân, hóa chất chẩn đoán và những vật tư trong phòng thí nghiệm khác. Một số phòng thí nghiệm quốc gia trong mạng lưới của IAEA sẽ được cung cấp một số thiết bị đi kèm như tủ an toàn sinh học và các thiết bị RT-PCR.
Có mặt trong đợt tập huấn này, các chuyên gia thú y cũng sẽ đảm trách học hỏi các kỹ thuật và phương pháp kỹ thuật về RT-PCR để tăng cường sự sẵn sàng của các quốc gia trong việc dò tìm sớm các virus là nguyên nhân gây bệnh trên động vật và có thể dẫn đến việc lây truyền cho người, như với COVID-19. Họ sẽ được tập luyện để xét nghiệm nhanh vật nuôi và động vật hoang dã được nghi ngờ là tác nhân lan truyền các virus họ corona, như chủng mới SARS-CoV-2 cũng như SARS và MERS.
Đây không phải lần đầu tiên kỹ thuật hạt nhân tham gia giải quyết các dịch bệnh. Kỹ thuật bức xạ mà một giải pháp sẵn sàng và thân thiện với môi trường trong kiểm soát các loài côn trùng, sâu gây hại cho cây trồng, vật nuôi, ví dụ như nạn ruồi tsetse ảnh hưởng đến hàng triệu vật nuôi và người mỗi năm ở châu Phi do chứng ngủ gục cũng như dự án “Quản lý ruồi hại quả (thanh long) diện rộng trên cơ sở sử dụng kỹ thuật triệt sản côn trùng (SIT) nhằm nâng cao chất lượng quả phục vụ xuất khẩu” do Viện Bảo vệ thực vật (Viện KH Nông nghiệp Việt Nam) chủ trì, IAEA tài trợ và thực hiện tại các diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận.
Việc hỗ trợ các quốc gia kiểm soát dịch COVID-19 nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA – chương trình hỗ trợ cho các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vì mục đích hòa bình trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là sức khỏe con người và vật nuôi thông qua sáng kiến Những ứng dụng vì mục đích hòa bình IAEA (Peaceful Uses Initiative).□
Anh Vũ tổng hợp từ world-nuclear-news.org và forbes.com