Năng lượng hạt nhân trong kế hoạch Năng lượng sạch của Mỹ

Mới đây, Tổng thống Obama và Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã công bố phiên bản chính thức của Kế hoạch Năng lượng sạch (Clean Power Plan – CPP), bao gồm các quy tắc và cơ chế khuyến khích giảm lượng phát thải khí nhà kính ở các nhà máy điện của Mỹ.

Kế hoạch này yêu cầu mỗi bang phải tuân thủ một tiêu chuẩn cắt giảm lượng khí thải cụ thể, đồng thời đưa ra những hình thức khuyến khích – như tín dụng hoặc trợ cấp – cho bang nào sớm hoàn thành mục tiêu hoặc đáp ứng vượt mức so với yêu cầu.

Năng lượng hạt nhân, cùng với các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đóng vai trò quan trọng trong CPP. Theo kế hoạch này, các bang sẽ được nhận tín dụng cho lượng khí thải cắt giảm được ở các nhà máy năng lượng hạt nhân mới, bao gồm cả nhà máy đang xây dựng và nhà máy đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm.

Hàng trăm doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn như eBay, Nestlé, và General Mills đã bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch của Tổng thống Barack Obama, đánh giá đây là hành động mạnh mẽ nhất của một tổng thống Mỹ đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

GS Joe Lassiter của Trường Kinh doanh Harvard cho rằng năng lượng hạt nhân là một thành tố thiết yếu để đối phó với mối đe dọa toàn cầu về lượng khí phát thải từ các nhà máy điện chạy bằng than. Tháng Sáu vừa qua, GS Lassiter và nhà đầu tư mạo hiểm Ray Rothrock đã có cuộc trao đổi về việc sử dụng thế hệ năng lượng hạt nhân tiếp theo để đối phó với thách thức kép là biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo năng lượng ở các quốc gia đang phát triển. Dưới đây là một số điểm chính trong cuộc trao đổi trên:

* Các nước giàu có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn. Nhưng với những nước nghèo như Trung Quốc và Ấn Độ thì họ phải làm điều mà họ buộc phải làm. Và thế là họ xây dựng các nhà máy than.

* Trong vấn đề biến đổi khí hậu, Trung Quốc là nhân tố quan trọng nhất.

* GS Lassiter giới thiệu ba loại nhà máy điện hạt nhân, bao gồm: lò phản ứng nước nhẹ với hệ thống an toàn thụ động, lò phản ứng nhanh làm mát bằng Natri, và lò phản ứng muối nóng chảy. Xét về độ phát triển tương đối của ba loại hình này trong tiến trình tiến hóa của công nghệ, GS Lassiter ví lò phản ứng nước nhẹ với siêu máy tính, lò phản ứng nhanh làm mát bằng Natri với máy tính mini, và lò phản ứng muối nóng chảy với các hệ thống vi xử lý.

* GS Lassiter cũng nói về tiềm năng của thế hệ năng lượng hạt nhân tiếp theo, đồng thời đưa ra một số xu hướng chính trong lĩnh vực này. Ông nói: “Nếu có thể đốt cháy thorium và uranium với mức giá cạnh tranh với mức giá của than, thì mọi người dân trên trái đất đều có thể có mức tiêu thụ năng lượng tương đương người dân Mỹ trong vòng một nghìn năm.”

 * Trong cuộc trao đổi, Rothrock bàn về năng lượng hạt nhân từ góc độ đầu tư mạo hiểm. Ông nói: “Bây giờ ở khu vực Bắc Mỹ, giới tư nhân đã đầu tư khoảng một tỉ đô-la vào năng lượng hạt nhân. Đã đến lúc năng lượng hạt nhân phát huy vai trò của mình rồi.”

* Cuối cuộc trao đổi, GS Lassiter nhấn mạnh một lần nữa sự cấp bách của việc đưa ra một loại nhiên liệu thay thế cho than. Ông nói: “Vì sao đây lại là nhu cầu cấp bách? Vì nếu chúng ta không đưa ra cho người Trung Quốc và người Ấn Độ một loại nhiên liệu thay thế được cho than – tức là đó phải là loại nhiên liệu vừa rẻ vừa phong phú – vào khoảng giữa thập niên 2020, thì khi đó họ đã xây xong các nhà máy điện đốt than rồi, khí carbon đã thoát lên trời rồi. Và lúc đó mọi sự đã quá muộn.” 1

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)