Năng lượng hạt nhân và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc
Hỗ trợ kế hoạch thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) sẽ là điểm nhấn quan trọng cho quá trình hoạt động trong những năm tới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano đã phát biểu như vậy trong phiên họp Hội đồng Thống đốc của Cơ quan này tại Vienna, Áo vào cuối tháng 9 vừa qua.  
Những vấn đề quan trọng khác được đề cập tới tại phiên họp là cập nhật về quá trình thanh sát hạt nhân ở Iran, CHDCND Triều Tiên và Syria; vai trò của ngành năng lượng hạt nhân qua Báo cáo An ninh hạt nhân năm 2015; các ứng dụng trong ngành công nghiệp của công nghệ hạt nhân và tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của thế giới.
Trong cuộc họp kéo dài năm ngày này, Hội đồng thống đốc IAEA gồm 35 thành viên còn thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ, an toàn vận chuyển và an toàn chất thải, và các hoạt động hợp tác kỹ thuật của IAEA cùng các chủ đề khác.
Trong phát biểu của mình, ông Amano hoan nghênh việc nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN hạt nhân đối với sự phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
“IAEA đã nhiều năm đóng góp to lớn cho sự phát triển bằng việc đẩy nhanh quá trình đưa KH&CN hạt nhân vào ứng dụng trong các lĩnh vực đời sống như sản xuất lương thực thực phẩm, quản lý nguồn nước và nông nghiệp. Những thành quả trong công việc mà chúng ta đã thực hiện trong thời gian qua xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn”, ông nói.
Ông Amano nêu bật vai trò quan trọng của IAEA trong việc hỗ trợ các quốc gia đạt được các mục tiêu SDG, qua đó góp phần làm giảm một phần ba số ca tử vong liên quan đến bệnh ung thư trong vòng 15 năm tới. “Tôi tin rằng đây là mục tiêu có thể đạt được, miễn là tạo dựng được mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa các tổ chức quốc tế có liên quan”, ông cũng nhấn mạnh thêm, trong các chương trình hợp tác kỹ thuật và y tế, IAEA “đã quá trình hỗ trợ lâu dài các quốc gia thành viên về phát triển năng lực và cơ sở hạ tầng để kiểm soát bệnh ung thư”.
IAEA đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia về hợp tác kỹ thuật và y tế , qua đó góp phần đạt các mục tiêu SDG mà Liên Hợp Quốc đề ra.
Các đại biểu tham dự hội nghị hết sức chú ý đến báo cáo của Tổng giám đốc IAEA về tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại Nhật Bản vào năm 2011, vốn được chuẩn bị cho phiên họp Đại Hội đồng IAEA vào thời gian tới. Ông Amano cũng trình bày báo cáo thường niên thứ tư và cũng là báo cáo cuối cùng việc thực hiện Kế hoạch hành động của IAEA về an toàn hạt nhân đã được chỉnh sửa, bổ sung và thông qua sau vụ tai nạn Fukushima Daiichi. Dù thời hạn thực hiện sắp kết thúc nhưng những công việc đã khởi động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động này vẫn sẽ được tiếp tục cho tới khi hoàn tất.
Về ứng dụng then chốt khác của năng lượng hạt nhân, ông Amano nhấn mạnh, nhiều nước vẫn còn quan tâm đến vai trỏ của năng lượng hạt nhân trong chiến dịch chống biến đổi khí hậu. “Nếu xem xét vấn đề khí thải trong suốt toàn bộ vòng đời của năng lượng hạt nhân thì nguồn năng lượng này thực sự là một trong những loại năng lượng phát thải khí carbon dioxide thấp nhất”, ông Amano cho biết.
Về công tác thanh sát hạt nhân, ông Amano đã bày tỏ sự lo ngại về chương trình hạt nhân của CHCDND Triều Tiên và thông báo rằng IAEA vẫn không thể tiến hành việc thẩm tra tại nước này và trên thực tế, thông tin của IAEA về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên rất hạn chế. Qua hình ảnh vệ tinh, IAEA đã quan sát được hoạt động cải tạo và xây dựng tại Yongbyon và hình ảnh cho thấy những gì diễn ra tại đây đều trùng khớp với tuyên bố của chính phủ quốc gia này về phát triển năng lực hạt nhân.
“Tôi kêu gọi CHDCND Triều Tiên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, hợp tác ngay lập tức với IAEA để giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại”, ông nói thêm.
Ông Amano khẳng định, IAEA tiếp tục xác minh về việc không chuyển đổi uranium có độ giàu cao của Iran, dù rằng trước đó quốc gia này đã tuyên bố tuân thủ Hiệp định thanh sát hạt nhân với IAEA. Song IAEA vẫn chưa đủ cơ sở để chứng minh về việc giải quyết triệt để các vật liệu hạt nhân này cũng như các hoạt động liên quan khác ở Iran để có thể đi đến kết luận, các hoạt động quanh vật liệu hạt nhân ở Iran đều nằm vì mục đích hòa bình.
Ông cũng lưu ý, tháng Tám vừa qua, ông đã được Hội đồng thống đốc IAEA ủy quyền thực hiện việc kiểm tra và giám sát các cam kết liên quan đến hạt nhân của Iran theo Kế hoạch hành động toàn diện (JCPOA) đã được thỏa thuận bởi các quốc gia “E3/EU + 3”, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh và Hoa Kỳ – và Iran.
Ông hoan nghênh việc Iran sẽ thực hiện các Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát của Iran với IAEA. “Điều này sẽ tạo điều kiện cho IAEA dễ tiếp cận hơn thông tin và các địa điểm làm giàu uranium ở Iran,” ông nói.
“Thực hiện Nghị định thư bổ sung là điều kiện tiên quyết để IAEA có được sự đảm bảo đáng tin cậy về việc không có vật liệu hạt nhân và các hoạt động không khai báo tại Iran theo đúng tiến trình đã định”.
Nguyễn Thị Thu Hà tổng hợp