Nếu Einstein chơi vĩ cầm tốt hơn

"Không có lý thuyết tương đối của Einstein, thế giới sẽ chẳng có gì khác đi cả, cũng giống như thế giới sẽ chẳng có gì khác đi nếu không có Cây sáo thần của Mozart và những bức họa của Monet".

Đi bộ hàng ngày đến phòng cấp phát pa-tăng, mệt mỏi vì nghĩ ngợi quá nhiều, ông luôn muốn tìm những con đường khác, để tránh phải nhìn thấy tháp đồng hồ và ga tàu, những thứ ấy chỉ cuốn ông vào các suy nghĩ vụn vặt về thời gian và chuyển động. Ông đã tự nói với mình, thôi, tôi sẽ từ bỏ, cứ để cho các nhà vật lý tìm hiểu về vũ trụ, tôi sẽ làm một thư ký, một người cha, một gã bình thường. Hay ho hơn thì tôi sẽ làm một nghệ sỹ vĩ cầm…
…Một trăm năm sau đó, Brad, một nhạc công dở ẹc, một hậu duệ của Einstein, dậy muộn. Brad cố căng mắt ra để nhìn giờ trên đồng hồ, bởi vì không có diode phát quang thì những cái đồng hồ thường không có đèn chiếu sáng. Brad không xem e-mail và cũng không xem thời tiết, vì Internet vẫn còn tậm tịt lắm. Brad quyết định đến nhà chị gái ăn sáng. Giao thông tệ quá, Brad đi đường tắt nhưng lại bị lạc đường, chả biết mình đang chui vào đâu cả. Giá mà có Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) thì tốt quá. Nhưng lấy đâu ra GPS trong một thế giới mà Albert Einstein chuyển sang nghề kéo đàn vĩ cầm?
Ở nhà chị gái, cô cháu gái bất ngờ hỏi Brad: “Mặt trời làm bằng gì hả chú?”. Brad cũng chả rõ lắm, anh trả lời cho qua chuyện: “Bằng sắt, cháu ạ!”. Nhưng thực ra điều đó đã được cả thế giới công nhận là đúng, bởi vì không có công thức E = mc2, nhà thiên văn Anh Cecilia Payne đã không thể kiểm tra lại vào năm 1925 quan niệm cho rằng, mặt trời chủ yếu là sắt chứ không phải hydro.
Trong bếp, chị gái của Brad than vãn về việc để lỡ mất một khoản hời lớn trong buôn bán cổ phiếu. Trong thế giới của chúng ta, thế giới mà Einstein là một nhà vật lý, thì cô ấy có lẽ sẽ có được những quyết sách hợp lý hơn trong việc buôn cổ phiếu. Bởi vì, các phương trình mà ngân hàng sử dụng để tính toán các giải pháp đầu tư tối ưu được lấy từ công trình năm 1905 của Einstein về chuyển động Brown. 
Thôi đủ rồi, những thứ đó chỉ là dựa trên một giả thiết thiếu thuyết phục rằng, nếu Einstein không làm vật lý thì sẽ chẳng có ai thay ông đem lại những tiến bộ cách mạng trong khoa học như vậy cả. Các nhà lịch sử khoa học vẫn đồng ý rằng, nếu không có Einstein, những bộ óc khác vẫn có thể làm ra các đồng hồ báo thức kỹ thuật số, Internet băng thông rộng, và GPS, DVD lẫn các cảm biến cho máy ảnh kỹ thuật số. Nhưng đừng vội gỡ chân dung Einstein xuống, cái nhìn của chúng ta về thế giới sẽ không được như bây giờ nếu Einstein chuyển sang kéo vĩ cầm. Ấy chính là chuyện về thuyết tương đối tổng quát, công bố năm 1916. Về đại để, thuyết tương đối tổng quát mô tả cách mà trường hấp dẫn làm méo mó hình dạng của không gian. Các lý thuyết về big bang, lỗ đen, sóng hấp dẫn…đều chui ra từ nó. Nó “siêu phàm” đến mức mà có nhà vật lý đã bảo là, “nó không thể được nghĩ ra bởi bất kỳ ai khác.” Khi Einstein xuất thần nhận ra sự tương đương giữa gia tốc và hấp dẫn, ông đã tìm ra đầu mối cho một chuỗi những ý tưởng để hình thành nên lý thuyết của mình. Nhưng, những bước tiếp theo không phải là dễ dàng, Einstein đã phải học cả một hệ thống toán học hoàn toàn mới – hình học Riemann. Việc phát triển lý thuyết tương đối đã “làm Einstein khổ sở suốt tám năm và tí nữa thì giết chết ông,” nhà vật lý thiên văn Clifford Will ở Đại họcWashington nói.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá đã từng cố gắng lần theo những ảnh hưởng của Einstein đối với các lĩnh vực thơ ca và âm nhạc, nhưng họ đã không thu được kết quả. Bản thân nghiên cứu của Einstein đã là một hình thức nghệ thuật. Khi nói về các công trình của ông, các nhà vật lý vẫn thường dùng các từ ngữ như “thanh lịch” và “tao nhã”. John Rigden ở Đại học Washington cho rằng: “Không có lý thuyết tương đối của Einstein, thế giới sẽ chẳng có gì khác đi cả, cũng giống như thế giới sẽ chẳng có gì khác đi nếu không có Cây sáo thần của Mozart và những bức họa của Monet.”

Thanh Nhàn dịch    

(Câu chuyện của Gregory Mone)

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)