Nếu nhân loại cô độc trong vũ trụ? 

Nếu ngoài nhân loại ra, vũ trụ chỉ là một nơi hoang vu cằn cỗi, chúng ta sẽ phải tạo ra một tư tưởng triết học mới để lấp đầy khoảng không đó.

Chấm xanh mờ. Ảnh: NASA

Với hàng tỉ thiên hà, mỗi thiên hà lại đầy ắp các ngôi sao và hành tinh, xác suất sự sống chỉ tồn tại ở đây, trên chấm xanh mờ ảo này, có vẻ như thấp không tưởng. Nhiều nhà khoa học và nhà truyền thông cũng củng cố ý tưởng này, chuyển câu hỏi từ “nếu” sự sống tồn tại thành “khi nào” chúng ta tìm thấy nó và nó trông “như thế nào”. Trong bầu không khí hứng khởi và hồi hộp đó, việc đón chờ một cuộc gặp gỡ các giống loài thông minh ngoài chúng ta dường như là chuyện hiển nhiên – trừ phi, dĩ nhiên, có người tin rằng người ngoài hành tinh đã ở đây rồi. 

Ý tưởng về “Vũ trụ đông đúc” luôn cựa quậy trong trực giác của chúng ta, dội lại những âm vang của các tư tưởng triết học giản dị nhất nhưng cũng sâu sắc nhất của con người. Lý thuyết triết học Dao cạo Occam khiến chúng ta cảm thấy yên tâm về “sự sống ngoài kia” là đúng đắn. Nguyên lý Tầm thường cũng vậy, nhắc nhở chúng ta rằng, một góc nhân gian này chẳng đặc biệt đến thế. Và cuối cùng, học thuyết của Corpernicus phủ đòn cuối cùng, quét sạch huyễn tưởng xưa cũ và tự mãn của nhân loại về tầm quan trọng của mình trong vũ trụ. Niềm tin rằng chúng ta cô độc trong khoảng không mênh mông và hoang dại này không chỉ vô lí mà còn lỗi thời một cách kì quặc, như thế cứ bám víu vào một bản đồ vũ trụ mà Trái đất vẫn còn ở trung tâm. Có lẽ đó cũng là một câu phân vân mà Carl Sagan đã thâu tóm đẹp đẽ trong cuốn tiểu thuyết “Liên hệ” – một truyền thuyết tưởng tượng về lần đầu chạm mặt giữa loài người và một giống loài thông minh ngoài Trái đất. “Chẳng lẽ hàng tỉ thế giới ngoài kia đều là bỏ không, vô hồn, khô cằn sao”? Ông hỏi. “Những giống loài thông minh chỉ sinh sôi duy nhất trên mỗi góc lạc lõng này giữa vũ trụ mênh mông vô tận này hay sao?” Phiên bản chuyển thể điện ảnh, còn nhấn mạnh: “Vũ trụ này quá rộng lớn. Nếu chỉ có mỗi chúng ta ở, thế thì có vẻ lãng phí không gian kinh khủng”. 

Niềm tin vào một người hàng xóm trong vũ trụ không chỉ là trực giác – nó xuất phát từ khoa học vốn lay động cả trí tò mò và nhận thức của chúng ta. Với sự khám phá ra các ngoại hành tinh, chúng ta thấy rằng chính ở Ngân hà của mình đã tràn ngập sự đa dạng: có hàng tỉ hành tinh xoay quanh những ngôi sao thuộc vào loại có thể sống được, ở đó có những điều kiện hỗ trợ cho sự hình thành của nước dạng lỏng. Những đại dương của Trái đất, từng một thời được cho là duy nhất, giờ đây người ta phát hiện ra biển ẩn giấu dưới những mặt trăng như Europa và Enceladus, chứng tỏ sự tồn tại của thế giới nước cũng không hiếm đến vậy. Bản thân Trái đất cũng cho thấy sự sống có sự bền bỉ kì diệu, sinh sôi giữa những mạch núi lửa sôi sục, hồ axit và cả những khu chất thải phóng xạ – những điều kiện cực đoan khiến ta phải căng trí tưởng tượng mới tin sự sống có thể tồn tại. Những sinh vật ngoài hành tinh bởi vậy có thể tiến hóa theo những cách hoàn toàn khác, định hình bằng những điều kiện sinh hóa mà ta chưa thể mường tượng ra. 

Và trong khi sự im lặng của vũ trụ có vẻ đáng sợ, chúng ta cũng cần nhớ lại rằng cuộc tìm kiếm của mình cũng đã bắt đầu. Trong lĩnh vực vũ trụ, chúng ta mới học cách nghe, với những công nghệ tương lai, mở ra những cánh cửa mới hướng ra ngoài vũ trụ. Về mặt thống kê, xác suất là điều không thể phủ nhận, với hàng nghìn tỉ ngôi sao và những hành tinh không thể đếm xuể, làm gì có chuyện sự sống không nảy sinh ở đâu đó? Thậm chí sự phát hiện ra một vi sinh vật khiêm tốn ở một thế giới xa lắc cũng mang tính cách mạng, nhắn nhủ chúng ta rằng câu chuyện của Trái đất chỉ là một chương sách trong vô tận những câu chuyện không hồi kết của vũ trụ. 


Trong một vũ trụ quá rộng lớn và tăm tối, chúng ta là tiếng nói cô độc giữa thinh không, hát mà không có ai nghe, tự hỏi liệu sự tồn tại của chính mình có là sự thật. Nó không chỉ khiến ta bất an – nó khiến ta vô cùng lạc lối, buộc chúng ta phải vật lộn với mâu thuẫn mình vừa là người chiến thắng vừa là kẻ lang thang cô độc. 

Thế nhưng, những lí do hấp dẫn cho những khám phá khoa học đầy hứng khởi không nên khiến ta quên đi sự thật nghiệt ngã: Tất cả mới chỉ là niềm tin vô điều kiện. Câu hỏi liệu rằng chúng ta có cô độc không vẫn là một trong những bài toán thách thức nhất của khoa học. Như giáo sư David Kipping dè dặt chỉ ra, dữ liệu vẽ ra một bức tranh đầy trêu ngươi – nó vừa hứa hẹn một vũ trụ sôi sục sự sống nhưng cũng vừa đe dọa chỉ có mình chúng ta cô độc dưới những vì sao. Nói chắc chắn ngoài kia có sự sống, ông nhắc, là đánh đổi bằng chứng để có sự lạc quan. Đáp lại trung thực nhất hiện nay cho bí ẩn của vũ trụ này là câu trả lời giản đơn và thận trọng: “Ta không biết”. 

Tại sao chúng ta có thể cô độc? Câu trả lời bắt đầu với sự khởi đầu tưởng như bất khả của sự sống. Phát sinh phi sinh học – một quá trình mà sự sống khởi phát từ những thứ không có sự sống – có thể quá hiếm hoi mà Trái đất là đại diện chiến thắng độc nhất trong vũ trụ khô cằn ngoài kia. Thậm chí dưới những điều kiện lý tưởng, sự sống cũng không tự nhiên nảy nở; chưa một thí nghiệm nào từng thành công trong việc tái tạo sự sống. Những điều kiện độc đáo của Trái đất – một Mặt trăng ổn định, những kiến tạo mảng và sự hòa trộn chính xác các hợp chất hóa học – có thể là xác suất một phần triệu triệu. Sự tiến hóa lại là một lưới lọc phức tạp khác: Trong khi sự sống vi sinh vật có thể phổ biến, bước chuyển thành dạng sống thông minh hơn có thể đòi hỏi một chuỗi những sự kiện tai nạn và suýt tận thế của vũ trụ. Nếu sự tiến hóa của chúng ta là một dạng trúng số độc đắc, vũ trụ ngoài kia có thể đầy những tấm vé vô hiệu. Trong hàng tỉ ngôi sao và hành tinh của mình, vũ trụ có thể vẫn là một nơi đa phần trống rỗng sự sống biết nghĩ và biết mơ. 

Phim Liên hệ, chuyển thể từ tiểu thuyết của Carl Sagan. Ảnh:  Warner Bros.

Không nhà trong vô tận

Một mặt, sự cô độc này giống như lời khen của vũ trụ. Tưởng tượng mà xem: Trái đất như viên ngọc sáng nhất đại diện cho sự sống, một nơi diệu kì mà vũ trụ nhận thức được mình. Nếu ta chỉ có một mình, sự tồn tại của ta đứng trên mọi khả thể, một phép màu vượt ra ngoài sự tưởng tượng. Như nhà vật lý thiên văn Howard Smith chỉ ra, chúng ta trở thành thứ quý hiếm, quý giá, đáng kể trong vũ trụ này. Chúng ta là dị biệt – là thứ không tưởng mà có thật. 

Nhưng sự dị biệt phi thường này đi kèm với nỗi cô đơn đầy ám ảnh. Trong một vũ trụ quá rộng lớn và tăm tối, chúng ta là tiếng nói cô độc giữa thinh không, hát mà không có ai nghe, tự hỏi liệu sự tồn tại của chính mình có là sự thật. Nó không chỉ khiến ta bất an – nó khiến ta vô cùng lạc lối, buộc chúng ta phải vật lộn với mâu thuẫn mình vừa là người chiến thắng vừa là kẻ lang thang cô độc. 

Vài triết gia lần dấu sự cô độc trong vũ trụ của nhân loại tới thời điểm chúng ta bị hạ bệ không thương tiếc bởi cuộc cách mạng của Copernicus. Martin Buber diễn tả sự chuyển dịch hiện sinh này là “không nhà giữa vô tận”. Tưởng rằng vũ trụ luôn quay quanh chúng ta, giờ chúng ta thấy mình vô định, cô độc, thấp kém giữa những chân trời vô tận. 


Phần lớn trong lịch sử loài người, chúng ta không thấy mình cô đơn. Chúng ta lấp đầy vũ trụ bằng các vị thần, quái vật và những sinh vật truyền thuyết – những người đồng hành để gạt bỏ nổi sợ thinh không của mình. 

Và như thể khiến chúng ta thêm đau đớn, từng đột phá khoa học chỉ khiến cảm nhận của con người về sự cô đơn của mình thêm sâu đậm. Khám phá ra quy mô to lớn của vũ trụ – hàng tỉ thiên hà của nó và những khoảng cách không thể tưởng tượng nổi giữa chúng – không mang lại lời giải đáp nào; nó chỉ nhấn mạnh thêm nhận thức phản tư của chúng ta trên hành tinh bé nhỏ, đất đá này, bản chất là vô nghĩa. So sánh nổi tiếng của Carl Sagan trong cuốn Chấm xanh mờ ảo (Pale Blue Dot) tổng kết rằng: Trái đất, “một chấm đơn côi bị bao bọc giữa đêm tối vĩ đại của vũ trụ,” ánh lên như một đóm tàn giữa những biển sao thinh lặng và lãnh đạm. 

Đó là một mâu thuẫn đầy cay đắng: Chúng ta cũng chỉ là bụi sao, cũng được tạo nên từ cùng những thành phần như bất kể thiên hà nào khác, mà sao ta lại cảm thấy lạc lõng giữa chúng. Cuộc cách mạc Corpenicus để lại một vết sẹo trong tâm lý nhân loại, đoạn tuyệt chúng ta khỏi sự ấm áp của chủ nghĩa xưa cũ coi con người là trung tâm. Giờ đây chúng ta bị kẹt giữa sự hoài cổ về một vũ trụ biết vỗ về và một vẻ đẹp rợn người của một vũ trụ vô cảm. 

Avi Sagi chỉ ra rằng cách mạng Corpenicus không chỉ thay đổi hoàn toàn hiểu biết của con người về vũ trụ, nó đẩy nhân loại vào sự cô độc hiện sinh mà Nietzsche, Sartre, Camus phải vật lộn từ lâu trước khi chúng ta bắt đầu nỗ lực nghe lời thì thầm của vũ trụ. Trong khi phần lớn chúng ta đã quen với sự cô đơn thường ngày – những hiểu nhầm trong giao tiếp, những kết nối hời hợt, sự đau đớn khi bị cô lập – những nhà hiện sinh đào sâu hơn, khai quật lên sự cô độc sâu thẳm trong vũ trụ, sự mất kết nối dường như được khâu trong từng lớp vải của sự tồn tại. 


Một thế lực vĩ đại trong vũ trụ cũng có thể không đem đến thứ mà loài người thực sự kiếm tìm. Cuối cùng, có hay không có “người khác”, chúng ta vẫn là con người trần trụi, đứng giữa một vũ trụ khôn kham, không ai có thể đưa ra lựa chọn thay chúng ta được. 

Nietzsche, lường trước cái chết của Chúa, mường tượng ra một vũ trụ bị tước đoạt khỏi mục tiêu tối thượng – chỉ là một khoảng không mênh mông vô định nơi nhân loại cứ thể trôi nổi mà không có một mỏ neo nào kìm giữ. Với ông, không trung này không hoàn toàn trống rỗng; nó vọng lại lời nhắc lạnh lùng và liên tục rằng vũ trụ không còn là nhà của chúng ta. Chỉ có những người quả cảm nhất, ông tin rằng, mới có thể đối diện với sự lãnh đạm này và tìm ra một ý nghĩa nào đó giữa lòng tăm tối. Camus, viết tác phẩm Im lặng vĩ đại của Fermi, liên hệ sự cô đơn với tiếng khóc vũ trụ bị nuốt trọn bởi sự im lặng thăm thẳm. Trong Thần thoại Sisyphus, ông mô tả loài người là kẻ xa lạ trong một vũ trụ không hồi đáp, mắc kẹt trong sự vô vọng giữa khao khát tìm một ý nghĩa và sự khước từ trong thinh lặng của thế giới. Sartre, trong khi đó, nhìn vũ trụ như một không trung vô nghĩa và tàn nhẫn. Ông tranh luận rằng nhân loại vừa tự do nhưng cũng vừa bị cầm tù – giống loài bị cô lập cố gắng lấp đầy sự tồn tại của mình với những vai trò và thú tiêu khiển mà vẫn nổi trôi vô định. 

Sartre, với góc nhìn thẳng thắn về những mối quan hệ, còn thừa nhận rằng nếu không có người khác, chúng ta sẽ sụp đổ vào thinh không. Sự cô độc, trong lòng của nó, không đơn thuần chỉ là sự thiếu vắng người khác – nó là sự trống rỗng nhói đau để lại bởi sự thiếu vắng những kết nối thân mật và ý nghĩa. Nhân loại, là những cư dân duy nhất trong một vũ trụ có vẻ trống rỗng này, cảm nhận được sự thiếu vắng đó đầy thấm thía. Chúng ta hiểu mình là ai thông qua người khác, họ đem cho chúng ta tấm gương để ta thừa nhận sự tồn tại của chính mình. Tưởng tượng mà xem, trong một khoảnh khắc, là một người duy nhất còn lại trên Trái đất. Không một sự so sánh, không một cuộc đối thoại – chỉ có giọng của bạn, âm vang vô tận trong thinh không. Bạn làm thế nào cảm nhận được sự tồn tại của chính mình? 

Dĩ nhiên, Trái đất đầy ắp những sự sống diệu kì, nhưng loài vật và cây cối không đáp lại ánh nhìn phản tư của chúng ta. Khám phá ra vi khuẩn trên sao Hỏa có thể khiến các nhà khoa học phấn khích, nhưng nó không giải tỏa được khao khát sâu sắc của con người. Sự an ủi thực sự nằm ở việc tìm thấy một nhận thức khác – một ai đó chia sẻ, thách thức, khám phá những bí ẩn của sự tồn tại cùng chúng ta. Trong những giấc mơ hoang dại nhất, một nền văn minh khác có thể nắm giữ những câu trả lời mà chúng ta thậm chí còn chưa mường tượng hết. Liệu họ có tiết lộ điều gì chúng ta đã bỏ lỡ về ý nghĩa của vũ trụ không? Hay thậm chí là ý nghĩa của sự tồn tại của chính chúng ta? 

Phần lớn trong lịch sử loài người, chúng ta không thấy mình cô đơn. Chúng ta lấp đầy vũ trụ bằng các vị thần, quái vật và những sinh vật truyền thuyết – những người đồng hành để gạt bỏ nổi sợ thinh không của mình. Thậm chí ngày nay, với nhiều người, thinh không đó vẫn được tô hồng bởi những thần thoại, đầy ắp những thiên thần, ác quỷ và những linh hồn. Nhà triết học John McGraw chỉ ra rằng khi con người chịu đựng sự cô lập quá lâu, họ thường hình dung ra những khuôn mặt và dáng hình cho vơi bớt nỗi cô đơn. Có lẽ khoa học viễn tưởng hiện đại, với những người ngoài hành tinh và những cỗ máy có tri nhận cũng có mục đích đó – một cách để lấp đầy sự im lặng bằng một cái gì đó mà ta có thể kết nối. 

Những thí nghiệm trong tâm tưởng của khoa học viễn tưởng đi sâu vào nhu cầu cần “người khác”. Về mặt triết học, các định nghĩa dựa vào sự đối nghịch – cần sự hiện diện của một “người khác” để phản chiếu và định vị chúng ta. Sự khao khát một “người khác” có lẽ cũng giải thích sự ám ảnh của con người với AI. Liệu sự theo đuổi của chúng ta với AI toàn năng – có khả năng bắt chước tư duy của con người – có phải là sự phản ứng vô thức với khả năng đáng sợ rằng chúng ta hoàn toàn cô độc trong vũ trụ này? Có lẽ sáng tạo này không chỉ là đột phá công nghệ mà còn là nỗ lực tập thể để chia sẻ gánh nặng cô đơn trong vũ trụ, để tìm bạn đồng hành trong một vũ trụ mênh mông, trống vắng – kể cả khi chúng ta phải tự dựng nên người bạn đó. 

Làm sao để kham nổi sự trống rỗng?  

Vậy, tôi sẽ đưa ra một thí nghiệm viễn tưởng đáng kể để ta suy nghĩ: Nhân loại, sau 500 năm tìm kiếm, kết luận rằng vũ trụ này hoàn toàn không có ai ngoài con người. Không có cuộc chạm trán hồi hộp nào với người ngoài hành tinh, không có cuộc hội thoại xuyên Ngân hà nào xảy ra. Chỉ chúng ta, và có thể là một vài vi sinh vật trên sao Hỏa. Rồi sao nữa? Còn giờ thì sao, khi chúng ta nghĩ về sự cô đơn hiện tại của mình trong vũ trụ? Để tìm sự chỉ dẫn, ta trở lại với những nhà hiện sinh, những kẻ khám phá liều lĩnh sự cô đơn, những người vật lộn với sự cô độc không giống ai khác. 

Sự cô độc, họ nhắc chúng ta rằng, không hoàn toàn là một gánh nặng. Nó nắm giữ một vẻ đẹp kì lạ và ám ảnh. Nếu chúng ta học cách chấp nhận sự câm lặng của vũ trụ, ban đầu có thể đáng sợ, nó có thể tiết lộ một cảm thức sâu sắc hơn về sự thuộc về – một sự gần gũi với vũ trụ. Thinh không không nhất thiết phải kết thúc bằng sự cô độc. 

Camus nhìn thấy điều đó ở Thần thoại Sisyphus: Bằng cách đón nhận sự kì lạ của cả chính chúng ta và vũ trụ, chúng ta khám phá ra một sự gần gụi khác biệt. Tâm trí của chúng ta và vũ trụ trở nên, theo như ông viết, vận hành trong sự bí ẩn, đều tắm trong cùng một sự im lặng không thể biết được. Kể cả Sisyphus, người lăn đá vĩnh viễn, vẫn tìm ra ngôi nhà của mình trong chốn không nhà. Trong một vũ trụ không có chủ, những tầng nấc tiếng nói của Trái đất vươn lên để lấp đầy sự lặng thinh. Mỗi nguyên tử trong từng viên đá, mỗi bông tuyết trên ngọn núi, trở thành thế giới của riêng nó – giàu có, kì lạ và đủ đầy. 

Đối diện với sự cô đơn trong vũ trụ có lẽ là một lựa chọn mạnh mẽ nhất của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự một mình – nếu đến giờ không một người đồng hành nào đáp lại sự phản tư và tự nhận thức của ta – thì đã đến lúc ta nên ngừng chờ đợi và đón nhận vũ trụ này là của chính mình. Không ngừng chờ đợi một dạng sống khác hoặc kì vọng được tưởng thưởng cho sự đơn độc này cũng có nguy cơ ta trốn tránh trách nhiệm của chính mình. Liệu một xã hội sôi động cạnh bên trong vũ trụ này thực sự có khiến sự tồn tại của chúng ta ý nghĩa hơn? Nhà triết học Thomas Nagel tranh luận rằng, một thế lực vĩ đại trong vũ trụ cũng có thể không đem đến thứ mà loài người thực sự kiếm tìm. Cuối cùng, có hay không có “người khác”, chúng ta vẫn là con người trần trụi, đứng giữa một vũ trụ khôn kham, không ai có thể đưa ra lựa chọn thay chúng ta được. 

Hiện thực nghiệt ngã này không hẳn là nỗi đau – nó là tiếng gọi ta nên đón nhận những vẻ đẹp và kì quan quanh mình. Dẫu sự sống khác có tồn tại hay không, vũ trụ này là nhà của chúng ta. Nó là lời mời ta nhận lại vũ trụ – không phải như ngôi nhà ta từng lạc mất, mà là một nơi mà ta chưa sống trọn vẹn trong đó. Nietzche hình dung sự cô độc trong vụ trụ của chúng ta là một cơ hội để biến Trái đất thành một ngôi nhà xứng đáng với những con người và siêu nhân thực sự. Cuốn “Liên hệ” của Carl Sagan cũng lặp lại điều đó: “Nó đã ở đây rồi. Nó ở trong tất cả. Bạn không phải rời hành tinh của bạn để tìm nó nữa”. Nhiệm vụ của chúng ta bắt đầu với việc trân trọng sự độc nhất của Trái đất, bày tỏ lòng khiêm hạ sâu sắc và có những hành động thấu cảm để bảo vệ thế giới mong manh diệu kì này. 

Sự hiếm hoi của sự sống – đặc biệt là sự sống có nhận thức phản tư – khiến Trái đất là một viên ngọc quý giữa thinh không vũ trụ, xứng đáng một sự ngưỡng vọng. Nhận ra điều này không nhất thiết phải khiến ta đau khổ mà nên khiến ta cảm thấy thức tỉnh và đầy trách nhiệm. Nếu ta thực sự một mình, ta không chỉ là một trong nhiều biểu hiện sự sống của vũ trụ; ta là giọng nói duy nhất, là chứng nhân duy nhất của nó. Trí óc và trái tim của chúng ta có thể là những công cụ quý giá nhất của vũ trụ này, tiếp nhận vẻ đẹp và bí ẩn của nó. □

Hảo Linh lược dịch 

Nguồn: https://bigthink.com/thinking/what-if-were-alone-the-philosophical-paradox-of-a-lifeless-cosmos/

Bài đăng Tia Sáng số 3/2025

Tác giả

(Visited 634 times, 191 visits today)