Nga cắt quan hệ hợp tác với Mỹ trong thăm dò vũ trụ

Ngày 22/5, tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF), Sergei Saveliev, Phó Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), thông báo, Roscosmos đang cùng Viện Khoa học Nga dự thảo chiến lược mới thăm dò vũ trụ.

Tuy chưa nói chi tiết về nội dung chiến lược này, nhưng Saveliev cho biết Mặt Trăng là một trong các mục tiêu thăm dò. “Chúng tôi cần nghiên cứu chế tạo các tàu vũ trụ chở người kiểu mới để nước Nga có thể vượt qua quỹ đạo gần Trái Đất và thực hiện thăm dò không gian xa,” ông nói.

Saveliev cho biết Nga và Trung Quốc đang đàm phán vấn để cùng nghiên cứu sao Hỏa và sao Kim. Ấn Độ và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng được Nga chọn làm đối tác hợp tác.

Trong 20 năm qua, Nga và Mỹ đã hợp tác chặt chẽ trên Trạm vũ trụ Hòa bình (của Nga) và Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Ngay trong thời gian chiến tranh lạnh, hai nước vẫn hợp tác với nhau. ISS to bằng sân bóng đá, trị giá 100 tỷ USD; Mỹ muốn nó hoạt động tới năm 2024.
Nhưng hôm 13/5 vừa qua Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố Nga không cho phép Trạm ISS hoạt động sau năm 2020 và sẽ ngừng cung cấp động cơ cho tên lửa cực mạnh Atlas 5 Mỹ dùng để phóng các vệ tinh quân sự.

Ông nói, hiện nay tên lửa vận tải của Nga là biện pháp duy nhất đưa các nhà du hành vũ trụ lên ISS; bởi vậy việc Mỹ trừng phạt ngành thám hiểm vũ trụ của Nga thực ra là Mỹ tự chuốc lấy hậu quả.

Mới đây, sau vụ Nga sáp nhập Crimea, Mỹ đã tiến hành một số biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả việc NASA tạm ngừng phần lớn các cộng tác với nước này. Hàng trăm lãnh đạo các công ty của Mỹ, trong đó có cả nhà sáng lập SpaceX Elon Musk và một số quan chức của NASA đã không tham dự SPIEF. Nhà Trắng nói rằng việc tham gia vào SPIEF sẽ “gửi một thông điệp không đúng đắn” tiếp sau khủng khoảng ở Ukraina.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)