Nga: Cháy nổ tại phòng thí nghiệm lưu giữ virus đậu mùa
Một vụ nổ mới xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu virus và công nghệ sinh học liên bang Nga (Vector), một trong hai trung tâm duy nhất của thế giới lưu trữ các mẫu đậu mùa.
Vụ tai nạn này xảy ra trong thứ hai vừa qua khi đang tiến hành sửa chữa một căn phòng kiểm tra vệ sinh tại Trung tâm nghiên cứu virus và công nghệ sinh học liên bang Nga (Vector) ở gần thành phố Novosibirsk, Siberia. Theo thông tin của TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga thì chỉ có một công nhân bị thương trong vụ tai nạn này và được điều trị bỏng.
Ngay sau vụ việc, Vector cũng ra thông báo chính thức, trong đó nhấn mạnh là không có vật liệu sinh học nguy hiểm nào lưu giữ trong căn phòng này. Qua thông tin của TASS, thị trưởng thành phố cũng cho biết, vụ tai nạn không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào, đặc biệt là nguy cơ về mặt sinh học, cho người dân địa phương. Người phụ trách vấn đề khoa học của thành phố Koltsovo, nơi Vector đặt trụ sở, cũng khẳng định với hãng thông tấn nhà nước RIA-Novosti điều tương tự.
TASS cho biết, lửa đã bùng cháy khi một bình cylinder khí bị nổ trên tầng 5 của toàn nhà phòng thí nghiệm 6 tầng ở thành phố Koltsovo. Dù thổi bay cả cửa số nhưng vụ nổ không làm phá hủy bất kỳ cấu trúc nào trong tòa nhà.
Được thành lập vào năm 1974, Trung tâm nghiên cứu Virus và công nghệ sinh học từng được biết tới như một nơi phát triển các nghiên cứu về vũ khí sinh học trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hiện tại, đây là một trong những trung tâm nghiên cứu lớn nhất thế giới về phát triển vaccine và các công cụ chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm. Các nhà khoa học tại Trung tâm đang phát triển các loại vaccine cúm lợn, HIV và Ebola. Trong tháng 2/2019, họ đã triển khai thử nghiệm các ca điều trị lâm sàng cho một loại vaccine Ebola.
Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Mỹ (CDC) là trung tâm còn lại của thế giới được phép lưu giữ các mẫu sống loại virus đậu mùa chết chóc này.
Năm ngoái, Cục Quản lý Dược và thực phẩm Mỹ (FDA) thông báo đã chấp thuận loại thuốc đầu tiên điều trị đậu mùa. Căn bệnh dễ lây lan này đã bị diệt trừ vào năm 1980 là nhờ các nỗ lực phát triển vaccine nhưng vẫn còn nhiều lo ngại là loại virus này có thể được sử dụng trong tấn công sinh học.
Các virus có thể sống sót sau một vụ nổ?
TS. Joseph Kam, Phó giáo sư lâm sàng tại Trung tâm các dịch bệnh lây nhiễm mới nổi (CEID) nói với CNN, các quy định về lưu giữ virus đều rất chặt chẽ và các dịch bệnh nguy hiểm như Ebola và đậu mùa có thể cần được bảo quản trong phòng thí nghiệm cấp 4 – độ an toàn sinh học cao nhất. Khu vực lưu trữ các mẫu này có thể là những container đặc biệt và giới hạn người vào, cơ chế lưu giữ cũng khác biệt với những phòng thí nghiệm sinh học khác.
Ông cho biết thêm, trong khi lửa không đủ sức để tiêu hủy các con virus này thì một vụ nổ có thể gây ra rủi ro phát tán virus và nó có thể dẫn đến sự lây lan trong phạm vi phòng hoặc ô nhiễm khu vực trung gian. Vùng ô nhiễm có thể là 10 đến vài trăm mét, phụ thuộc vào quy mô vụ nổ và những yếu tố khác như tốc độ gió, hướng gió.
Anh Vũ lược dịch
Nguồn: https://edition.cnn.com/2019/09/17/health/russia-lab-explosion-smallpox-intl-hnk/index.html