Nga: Mất dần thị phần vận chuyển thương mại vũ trụ

Việc thử nghiệm loại tên lửa vũ trụ mới Angara, được coi là thế hệ chủ lực trong hệ thống tên lửa vận tải của Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos, nhằm thay thế loại tên lửa vũ trụ Proton đã lỗi thời, tiếp tục bị hoãn lại.

Theo tin của “Nhật báo tư vấn Thương mại Nga” (Russian business consulting Daily), lần phóng thử đầu tiên “có tính lịch sử” của tên lửa vũ trụ kiểu mới Angara-1.2PP tiến hành vào ngày 27/6 đã không thực hiện được. Trung tâm vũ trụ Khrunichev giải thích: tại thời điểm cuối cùng, hệ thống tự động hóa “do nguyên nhân kỹ thuật” đã ngăn cản việc phóng tên lửa.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã báo cáo Tổng thống Putin về thất bại này. Như vậy việc thử nghiệm loại tên lửa vũ trụ mới Angara nhằm thay thế loại tên lửa vũ trụ Proton đã lỗi thời sẽ bị hoãn lại.

Tên lửa Angara được phóng thử lần đầu từ sân bay vũ trụ Plesetsk, theo dự kiến nó sẽ bay đến Kamchatka ở Viễn đông trong vòng 21 phút. Plesetsk vốn là bãi phóng tên lửa đạn đạo vượt đại châu thuộc Bộ Quốc phòng Nga, xây dựng từ năm 1957, ở cách Moscow chừng 800 km về phía bắc. Một sân bay vũ trụ nữa đang xây dựng là Vostochny nằm ở Viễn Đông. Như vậy sẽ có hai sân bay vũ trụ nằm trên lãnh thổ Nga. Trước đây các tên lửa vũ trụ Nga đều phải phóng từ sân bay Baikonur thuộc nước Cộng hòa Kazakhstan, có nhiều phiền phức và tốn kém.

Angara được coi là thế hệ chủ lực trong hệ thống tên lửa vận tải của Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos. Dự án nghiên cứu thiết kế Angara được Roscosmos thực thi từ năm 1994, thể hiện các ưu điểm và nhược điểm của cơ quan này sau ngày Liên Xô tan rã. Ưu điểm là Roscosmos vẫn còn khả năng nghiên cứu triển khai các thiết bị vũ trụ tinh vi, nhược điểm là thời gian nghiên cứu triển khai kéo dài, hiệu suất thấp, chi phí cao.

Cho tới nay thị trường thương mại vận chuyển vũ trụ vẫn là lĩnh vực kinh doanh mà Roscosmos giữ được địa vị độc nhất trên thế giới: khoảng 40% các thứ được tên lửa Nga vận chuyển lên không gian vũ trụ quanh Trái Đất đều là những thứ Roscosmos chở thuê – đó là các nhà du hành vũ trụ (DHVT) nước ngoài lên làm việc trên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS hoặc từ ISS trở về mặt đất, và các vệ tinh của nước ngoài cần được phóng lên quỹ đạo. Ngay cả Mỹ cũng phải thuê Nga làm dịch vụ vận chuyển người hoặc hàng cho trạm ISS: sau tai nạn tàu con thoi Columbia và nhất là từ 7/2011, sau khi cho tàu con thoi cuối cùng nghỉ hưu, Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA buộc phải thuê Nga dùng tàu Soyuz chở các nhà DHVT và tàu Progress chở hàng tiếp tế cho ISS. Roscosmos đã tám lần tăng giá vận chuyển. Hiện nay giá một chỗ ngồi trên Soyuz là 43,4 triệu USD, tuy vậy còn rẻ nhiều so với giá đi tàu con thoi. Thế nhưng thị trường này chiếm thị phần không đáng kể trong toàn bộ lĩnh vực kinh tế vũ trụ, cụ thể chỉ chiếm 1% (khoảng 2 tỷ USD).

Soyuz có cấu tạo đơn giản, an toàn, chở được ba người đi hoặc về. Progress là tàu chở hàng không người lái và tự hủy khi trở về Trái Đất, cải tiến từ tàu Soyuz; chỉ chở hàng đi, không chở hàng về. Progress chở tối đa 2,35 tấn hàng, được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur. Giá thành mỗi lần phóng vào khoảng 300 triệu USD.

Làn sóng cạnh tranh mới

Vài năm gần đây, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc ra sức nghiên cứu chế tạo các loại tên lửa và tàu vũ trụ kiểu mới, thách thức vai trò số một nói trên của Nga. Vitaly Lopota, tân CEO Tập đoàn Tên lửa và Không gian Energia Korolev (S.P.Korolev Rocket and Space Corp. Energia) của Nga cho biết, từ ngày Mỹ bắt đầu dùng tàu vận tải Dragon để chở hàng hai chiều đi về giữa mặt đất với ISS, nhu cầu sử dụng tàu vận tải Progress của Nga bị giảm 1/3. Dragon chở được tối đa 6 tấn hàng lên ISS và 3 tấn hàng từ ISS về Trái Đất. NASA đã ký với SpaceX một hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD thuê chở 12 chuyến hàng hai chiều tới ISS, nhờ đó có thể không cần thuê tàu Nga. Dragon được phóng bằng tên lửa cực mạnh Falcon Heavy, tải trọng tối đa 53 tấn, chi phí vận chuyển mỗi pound (0,45 kg) chỉ vào khoảng 1.500 đến 2.500 USD. Tàu vận tải Dragon cũng như tên lửa Falcon Heavy đều do công ty tư nhân Mỹ SpaceX nghiên cứu chế tạo. CEO công ty là Elon Musk từng nói mục tiêu số một của SpaceX là hạ giá thành vận tải vũ trụ.

Trung Quốc đã chế tạo được tên lửa Trường Chinh 5 và 7 chi phí không quá đắt; Bắc Kinh dự định trước năm 2020 sẽ nâng thị phần của họ trong thị trường phóng tên lửa thương mại lên 15%.

“Giờ đây cùng với làn sóng cạnh tranh mới, có lẽ chúng ta (tức Nga) sẽ đánh mất cả thị trường đó,” tờ “Russian business consulting daily” viết.

Sau đây ba năm, Nga sẽ còn để mất một nguồn thu nhập nữa là dịch vụ dùng phi thuyền Soyuz “chở thuê” các nhà DHVT Mỹ lên trạm ISS. Năm 2013, khoản dịch vụ này mang lại cho Nga 335 triệu USD. Tháng 3/2011, NASA tuyên bố đã ký với Roscosmos một hợp đồng trị giá 753 triệu USD, theo đó trong thời gian 2014 đến nửa đầu năm 2016, Nga có trách nhiệm vận chuyển 12 nhà DHVT Mỹ lên trạm ISS và trở về. Thế nhưng NASA dự định từ giữa năm 2017 trở đi sẽ đình chỉ sử dụng dịch vụ vận tải của Nga, chuyển sang dùng phi thuyền chở người do Mỹ tự chế tạo để đưa các nhà DHVT lên ISS. Ngày 30/5 vừa qua công ty SpaceX đã cho ra mắt tàu vũ trụ Dragon V2 có thể chở được bảy nhà DHVT với đơn giá vận chuyển mỗi người khoảng 20 triệu USD, chỉ bằng 1/3 đơn giá thuê tàu Soyuz của Nga hiện nay.

Viện sĩ Thông tấn Viện Khoa học vũ trụ Nga Yuri Karash cho rằng Trung Quốc không những sẽ nhanh chóng vượt Nga trong lĩnh vực số lần phóng tên lửa và vận chuyển thương mại vũ trụ mà còn sẽ soán địa vị cường quốc vũ trụ số hai của Nga. Năm 2011 và 2012, số lần phóng tên lửa của Trung Quốc chẳng những vượt châu Âu mà còn vượt cả Mỹ. Cuối năm 2013, Trung Quốc phóng xe-robot Thỏ Ngọc lên khảo sát Mặt Trăng và còn dự định năm 2020 đưa nhà DHVT lên Mặt Trăng và đã lắp ráp được Trạm Không gian Thiên Cung trên quỹ đạo Trái Đất. Hiện nay Bắc Kinh đứng đầu toàn cầu về tốc độ phát triển lĩnh vực thăm dò vũ trụ.

Các lần phóng tên lửa vận tải của Nga cũng có tần suất trục trặc khá bi quan. Trong hơn ba năm qua, tỷ lệ sự cố lên tới 7%; trong khi hồi đầu thế kỷ này chỉ có 4%. Tỷ lệ sự cố phóng tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc trong 10 năm qua chỉ có 1,8%.

Trong ngành kinh tế vũ trụ, thị trường định vị dẫn đường toàn cầu kiếm được nhiều tiền hơn cả. Hiện nay hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc sử dụng 16 vệ tinh, đã thực hiện phủ kín toàn bộ vùng châu Á – Thái Bình Dương; theo kế hoạch, đến năm 2020 số vệ tinh sẽ tăng lên 35, hoàn thành việc xây dựng hệ định vị toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tới năm 2015 tăng tổng giá trị dịch vụ dẫn đường và xác định vị trí bằng vệ tinh Trung Quốc lên tới 37 tỷ USD. Ước tính đến năm 2020, quy mô các thị trường liên quan của Trung Quốc sẽ đạt 65 tỷ USD. Theo một quan chức phụ trách hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu GLONASS của Nga cho biết, chỉ tiêu này của Nga năm 2020 dự kiến đạt gần 10 tỷ USD.

Chi nhiều nhưng không hiệu quả

Giới truyền thông đưa tin: tuy doanh thu của ngành thăm dò vũ trụ Nga không lớn nhưng kinh phí nhà nước chi cho ngành này lại không nhỏ chút nào. Hiện nay xét về tỷ lệ khoản chi cho lĩnh vực thăm dò vũ trụ so với GDP thì Nga đứng hàng đầu thế giới: chi phí cho lĩnh vực này trong mỗi 10.000 USD GDP như sau – Mỹ chi 25 USD, Trung Quốc chi 4 USD, Nga chi 47 USD (số liệu năm 2013).

Trang thiết bị ngành công nghiệp tên lửa vũ trụ của Nga nhìn chung chậm đổi mới, 70% thiết bị đã sử dụng được hơn 20 năm. Trình độ khoa học của ngành nghiên cứu vũ trụ cũng chưa kịp nâng lên xứng tầm với những dự định hùng vĩ của Nga về thăm dò Mặt Trăng và sao Hỏa. Số liệu của Tổ chức OECD cho thấy trong thời gian năm 2000 đến 2008, trong tổng số sáng chế phát minh toàn cầu về lĩnh vực khoa học vũ trụ, tỷ lệ của Nga chỉ là 1%, của Mỹ là 50%.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp theo các tài liệu nước ngoài

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)