Ngày tận thế của côn trùng ?

Điều đó tác động gì đối với phần còn lại của sinh vật trên Trái đất?

Khi Sun Boye Riis, một giáo viên Toán và Khoa học ở trường phổ thông đang tận hưởng một cuộc dạo chơi bằng xe đạp với con trai ở một vùng quê phía bắc Copenhagen, Đan Mạch ông để ý một hiện tượng kì lạ: Không có một con côn trùng nào bay vào người ông. Đó là một điều khác biệt hoàn toàn với thời thơ ấu khi ông còn sống trên đảo Lolland, Đan Mạch, dù có cố gắng ngậm chặt miệng băng qua những “đám mây” dày đặc côn trùng, kiểu gì ông cũng sẽ nuốt phải vài con. Xưa kia, khi được bố mẹ đèo đi đâu đó, ông thường xuyên nhìn thấy kính chắn gió của xe ô tô bị côn trùng bám dày đặc đến mức không thể nhìn thấy đường. Kí ức đó đã trở nên quá xa vời. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tất cả lũ côn trùng đã đi đâu? 

Sự hoài niệm của ông dần biến mất mà thay vào đó là sự lo lắng. Côn trùng là một phần quan trọng của hệ sinh thái: chúng là loài thụ phấn chính, chúng góp phần tái chế rác thải và là còn là nền tảng của mạng lưới thức ăn ở khắp mọi nơi. Riis không hề đơn độc khi nhận thấy sự suy giảm của côn trùng. Tại Hoa Kỳ, các nhà khoa học gần đây đã phát hiện thấy số bướm chúa giảm 90% trong 20 năm qua, mất 900 triệu cá thể; ong vò vẽ vá gỉ, từng sống ở 28 tiểu bang, đã giảm 87% so với cùng kỳ. Với các loài côn trùng ít được nghiên cứu khác, một nhà nghiên cứu về bướm nói với tôi: “tất cả những gì chúng ta có thể làm là xua tay và nói: ‹Chúng không còn ở đây nữa!” Riis và nhiều người khác cùng chia sẻ một nỗi lo lắng sâu sắc rằng cả một thế giới côn trùng có thể lặng lẽ mất tích, một sự mất mát to lớn có thể làm thay đổi hành tinh theo những cách mà chúng ta chưa lường hết được. David Wagner, một nhà côn trùng học tại Đại học Connecticut cho biết: “Chúng ta đã nhận thấy sự mất mát, nhưng sự giảm sút của nó lại khó nhận ra hơn rất nhiều.” Bởi vì côn trùng thường bay theo đoàn, không rõ ràng và khó theo dõi, sự biến mất của chúng được cảm nhận nhiều hơn là được dẫn chứng số liệu. Mọi người bắt đầu chú ý đến kênh đào, sân sau hoặc dưới bóng đèn đường vào ban đêm vắng bóng côn trùng một cách kì lạ. Cảm giác này phổ biến đến mức các nhà côn trùng học đã dùng cụm từ “hiện tượng kính chắn gió” để gọi nó [ám chỉ không còn hiện tượng côn trùng bám vào kính chắn gió xe hơi nữa – ND].

Để kiểm tra giả thuyết của mình, Riis và 200 người Đan Mạch khác đã dành cả tháng sáu đi quanh khắp vùng quê trong những chiếc xe lỗi thời của mình. Họ là một phần của một nghiên cứu được thực hiện bởi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch, hợp tác với Đại học Copenhagen, Đại học Aarhus và Đại học Bang Bắc Carolina, Mỹ. Lưới sẽ thay thế cho kính chắn gió khi Riis và các tình nguyện viên khác lái xe qua nhiều môi trường khác nhau – khu vực đô thị, rừng, vùng nông nghiệp, vùng đất mở và vùng đất ngập nước – hy vọng sẽ định lượng được dự đoán (về việc côn trùng đang biến mất) của họ.

Khi các nhà điều tra bắt đầu tuyển dụng những tình nguyện viên cho kế hoạch nghiên cứu vào năm 2016, thì chẳng có mấy người tham gia. Nhưng sau khi một bài báo từ một tổ chức nghiên cứu côn trùng của Đức cho biết, sự phong phú của côn trùng bay trong khu bảo tồn thiên nhiên Đức đã giảm 75% chỉ sau 27 năm, thậm chí nếu nhìn vào giữa hè, khi số lượng côn trùng lên đến đỉnh điểm, con số sụt giảm là 82%, thì trong năm 2017 bài báo khoa học đó được thảo luận rất nhiều và đã trở thành một cảnh báo về ngày tận thế của côn trùng. Do vậy, dự án thu thập côn trùng, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch đã phải từ chối hàng chục tình nguyện viên háo hức. 

Dường như có những người như Riis ở khắp mọi nơi, những người đã nhận thấy một sự suy giảm côn trùng, nhưng họ không biết tại sao những con bọ bay trong không trung có thể biến mất? Thế giới nào sẽ không có chúng?

Hiểu biết của con người về những gì đang xảy ra xung quanh hạn chế biết bao. Chúng ta đã đặt tên và mô tả một triệu loài côn trùng, một loạt bọ trĩ, bọ lửa và ruồi giấm…Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu hiểu biết về chính những loài mà chúng ta tưởng là mình am hiểu nhất: có 12.000 loại kiến, gần 20.000 giống ong và gần 400.000 loài bọ cánh cứng. Một mét đất màu mỡ sâu hai inch có thể dễ dàng là nhà của 200 loài ve khác nhau. Tuy nhiên, các nhà côn trùng học ước tính những gì chúng đã đã biết về côn trùng có lẽ chỉ chiếm 20% sự đa dạng thực sự của chúng trên hành tinh của chúng ta – hay nói cách khác, có hàng triệu triệu loài mà khoa học hoàn toàn không biết.

Khi các nhà côn trùng học bắt đầu chú ý và điều tra sự suy giảm của côn trùng, họ than thở về việc không có thông tin vững chắc từ quá khứ để đưa ra những nhận định về hiện tại. Chúng ta thấy hàng trăm loại bọ và chúng ta tưởng thế là ổn, nhưng nếu trước đó hai thế hệ có đến 100.000 loài thì sao? Dù rằng các nhà côn trùng học thiếu dữ liệu, họ lại có những manh mối rất đáng lo ngại. Ở Anh, có đến 30 đến 60 phần trăm các loài côn trùng được tìm thấy có phạm vi giảm dần. Xu hướng lớn hơn khó xác định hơn, mặc dù một đánh giá năm 2014 trên Science đã cố gắng định lượng những sự suy giảm này bằng cách tổng hợp các phát hiện của các nghiên cứu hiện tại và thấy rằng phần lớn các loài được theo dõi đang giảm ở mức trung bình 45%. Các nhà côn trùng học cũng biết rằng biến đổi khí hậu và suy thoái chung của môi trường sống toàn cầu là tin xấu cho đa dạng sinh học nói chung, không những thế côn trùng đang phải đối phó với những thách thức đặc biệt do thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu, cùng với tác động của việc mất đồng cỏ, rừng và sự mở rộng không ngừng của đô thị. Trong những nghiên cứu về các loài khác cũng cho thấy các loài côn trùng liên quan đến chúng cũng có thể đang suy giảm. Những người nghiên cứu về một loại cá phát hiện ra rằng loài cá này có ít loài phù du để ăn. Các nhà nghiên cứu về loài chim tiếp tục phát hiện ra rằng những con chim sống dựa vào côn trùng để kiếm thức ăn đang gặp rắc rối lớn:  80% gà gô đã biến mất ở vùng nông thôn của Pháp, số lượng chim sơn ca và chim cu gáy lần lượt giảm 50% và 80%, và nửa số chim sẻ đất ở châu Âu biến mất chỉ sau ba thập kỷ. Lúc đầu, nhiều nhà khoa học cho rằng thủ phạm quen thuộc của hiện tượng này là sự hủy hoại môi trường sống dưới tác động của con người, nhưng sau đó họ bắt đầu tự hỏi liệu những con chim có thể đơn giản chỉ là chết đói. Các dấu hiệu chắc chắn là đáng báo động, nhưng chúng cũng chỉ là những dấu hiệu và do đó không đủ để biện minh cho những tuyên bố lớn về tình trạng của côn trùng nói chung hoặc về những gì có thể gây ra sự suy giảm đa loài. Không có dữ liệu định lượng về côn trùng, vì vậy đây chỉ là một giả thuyết, ông Hans Hans de Kroon, một nhà sinh thái học tại Đại học Radboud ở Hà Lan, giải thích.

Nhưng nghiên cứu đến từ tổ chức về côn trùng ở Đức đã thay đổi tất cả. Nó đưa ra chính xác loại dữ liệu mà chúng ta đang cần, và không phải chỉ về một loại côn trùng. Các con số rất rõ ràng: chúng cho thấy sự suy giảm đến mức báo động của toàn bộ thế giới côn trùng, ngay cả trong các khu vực được bảo vệ. Tốc độ và quy mô của sự sụt giảm đã gây sốc ngay cả đối với các nhà côn trùng học. Nhưng điều đáng nói là nghiên cứu đó không xuất hiện trên một tạp chí đặc biệt uy tín và không đến từ các nhà khoa học thuộc các trường đại học danh tiếng mà chỉ từ một tổ chức nhỏ của những người đam mê côn trùng sống khiêm tốn trong thành phố Krefeld của Đức.

Sự quan trọng của côn trùng đối với đa dạng sinh học là không thể phủ nhận: côn trùng biến cây cối thành protein thông qua quá trình tiêu hóa và rồi chính chúng lại trở thành nguồn dinh dưỡng cho một lượng khổng lồ các loài khác. Chúng ta lo lắng về việc cứu loài gấu xám khỏi nguy cơ tuyệt chủng, nhưng còn loài ong giúp thụ phấn những quả dâu mà chúng ăn, và loài ruồi là thức ăn cho những con cá hồi mà chúng bắt thì sao? 

Sâu bọ rất quan trọng đối với sự phân hủy giúp chất dinh dưỡng tuần hoàn, đất khỏe, cây phát triển và hệ sinh thái hoạt động. Nhưng người ta chỉ nhận ra vai trò này khi nó đột ngột đứt đoạn. Chẳng hạn như, khi mang gia súc đến Úc vào đầu thế kỷ 19, những người định cư đã ngay lập tức nhận thấy một điều kì lạ: vì một lý do nào đó, phân bò phải mất hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm để phân hủy. Bò không chịu ăn gần mùi hôi thối, do đó đòi hỏi ngày càng nhiều đất để chăn thả, và rất nhiều ruồi xuất hiện. Tận cho đến năm 1951, một nhà côn trùng học đến thăm trang trại mới phát hiện ra nguyên do: loài côn trùng địa phương chỉ được tiến hóa để ăn chất thải từ thú có túi đã không thể xử lý phân bò. Trong 25 năm tiếp theo, việc nhập khẩu, kiểm dịch và thả hàng chục loài bọ hung ra môi trường đã trở thành ưu tiên quốc gia. Thậm chí như ở Hoa Kỳ, bọ hung tiết kiệm cho người chăn nuôi ước tính khoảng 380 triệu USD mỗi năm. Chúng thầm lặng cống hiến, chỉ có điều chúng ta không biết đến những gì côn trùng làm. Khi được yêu cầu tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu côn trùng biến mất hoàn toàn, các nhà khoa học đã dùng những từ như hỗn loạn, sụp đổ, Armageddon (ngày tận thế) để mô tả. Wagner, nhà côn trùng học của Đại học Connecticut, đã nói đến một thế giới không có hoa với những khu rừng chết lặng, một thế giới của phân, lá già và xác chết thối rữa tích tụ trong các thành phố và lề đường, một thế giới của sự sụp đổ suy tàn và xói mòn mất mát sẽ lan truyền qua cả hệ sinh thái, không tha bất kể một loài nào từ động vật đến thực vật. 

Một trong những lý do khiến châu Âu đi đầu trong việc đối phó với sự suy giảm côn trùng là do truyền thống quan tâm đến thiên nhiên (naturalist tradition) của họ. Sự quan tâm dẫn đến sự theo dõi và nhận thức, và rồi cuối cùng là hành động. Kể từ khi dữ liệu Krefeld xuất hiện, đã có những phiên điều trần về việc bảo vệ đa dạng sinh học côn trùng ở Bundestag của Đức và Nghị viện châu Âu. Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu mở rộng lệnh cấm thuốc trừ sâu neonicotinoid và đã bắt đầu bỏ tiền ra để nghiên cứu thêm về sự thay đổi của đa dạng côn trùng, điều gì gây ra những thay đổi đó và những gì có thể được thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta đang đối mặt sẽ đòi hỏi nhiều hơn thế này. Liên minh châu Âu đã có một số biện pháp đáng kể – bao gồm kiểm soát chặt chẽ thuốc trừ sâu hơn Hoa Kỳ và trả tiền cho nông dân để tạo môi trường sống cho côn trùng bằng cách bỏ hoang một số khu đất bên cạnh khu vực canh tác – nhưng dù sao thì quần thể côn trùng vẫn cứ giảm. Báo cáo mới kêu gọi các chính phủ quốc gia hợp tác và thực hiện các cách tiếp cận sáng tạo hơn như tích hợp môi trường sống côn trùng vào thiết kế đường, đường dây điện, đường sắt và cơ sở hạ tầng khác; cũng như có nhiều nghiên cứu hơn. 

Các nhà khoa học hy vọng rằng côn trùng sẽ có cơ hội thể hiện khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của chúng. Trong khi hổ có xu hướng sinh ba hoặc bốn con cùng một lúc, một con sâu bướm ma ở Úc đã từng được ghi nhận đẻ 29.100 trứng và vẫn còn đến 15.000 buồng trứng. Điều đó cho phép chúng phục hồi, nhưng chỉ khi chúng được cung cấp không gian và cơ hội để làm điều đó. Đây là một cuộc tranh luận mà chúng ta không thể tiếp tục trì hoãn. Thiên nhiên rất kiên cường, nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục đẩy chúng đến mức cực đoan thì cuối cùng điều chúng ta phải hứng chịu là sự sụp đổ của cả hệ thống.

Hạnh Duyên lược dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.nytimes.com/2018/11/27/magazine/insect-apocalypse.html

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)