Nghề thu gom phân dơi: Cánh cửa lan truyền virus tiềm tàng?

Mặc dù là một nguồn sinh kế thoát nghèo cho người dân một số vùng nhưng nghề nhặt phân dơi lại ẩn chứa nguy cơ khó lường về dịch bệnh khi cận kề những “ổ chứa” virus của tự nhiên. Vậy có cách nào vẹn cả đôi đường, đảm bảo được sinh kế nhưng vẫn giảm thiểu rủi ro về sức khỏe, cho họ?

Bên trong hang động đá vôi thuộc xã Thiện Tân (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), một người phụ nữ thoăn thoắt trèo bằng tay không lên vòm hang cao gần cả trăm mét, chẳng mấy chốc chị đã biến mất khỏi tầm nhìn của những người đứng phía dưới. Bằng những động tác quen thuộc đến thuần thục, bất chấp độ cao của những ngách hang, chị nhanh nhẹn gom từng hạt đen đen nhỏ xíu rồi đưa xuống nền hang đã được trải bạt sẵn. Đó chính là phân của đàn dơi trú ngụ trong hang, những viên “dạ minh sa” (lấp lánh như cát vào ban đêm) mang lại hàm lượng nitơ, phốt pho và kali hữu cơ quý giá. Từ hang Tân Lập này, những bao phân dơi có giá 70.000 đồng/kg, đắt gấp hơn bốn lần phân NPK trên thị trường, được thu mua tại hang và bán đi khắp cả nước…

Đó là niềm mong chờ của người dân Hữu Lũng vào mỗi mùa dơi về, độ tháng ba đến tháng năm và từ tháng tám đến tháng mười hằng năm. Dẫu ai nói gì đi nữa, phân dơi chính là một nguồn thu của những người dân nơi này, thêm thắt vào những chi tiêu của cuộc sống vốn đã khó khăn. Điều gì sẽ xảy ra với họ, nếu mùa dơi không về?

Nếu những người dân làm nghề thu nhặt phân dơi coi đây là một nguồn bổ sung thu nhập thì các nhà khoa học lại nhìn nhận theo cách khác. “Dơi và những loài động vật hoang dã khác như tê tê hay cầy đều được biết đến là vật chủ trung gian của rất nhiều mầm bệnh. Với khả năng bay lượn và phân bố rộng, nhiều loài dơi có tập tính di cư giữa những nơi cách xa nhau, khi dơi mang virus, chúng cũng sẽ có khả năng lây lan virus cao hơn rất nhiều so với các loài động vật khác”, GS.TS Vũ Đình Thống (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), người đã dành hơn 30 năm nghiên cứu về dơi, lưu ý.

Dơi, với người làm nghề nhặt phân dơi, là nguồn thu hay tội đồ dịch bệnh? Họ phải làm gì để có thể tự bảo vệ mình?

Ranh giới mong manh

Nếu như ở các tỉnh phía Bắc, người ta phải đi xa nhà để vào hang nhặt phân dơi thì ở các tỉnh Tây Nam Bộ, nhiều hộ dân xây dựng các chuồng cho dơi trú ẩn ngay trong vườn nhà. Dù loài cho phân có thể bón cây trồng đa phần là dơi nghệ (Scotophilus kuhlii) và dơi muỗi (Myotis chinensis) nhưng có rất nhiều loài dơi khác nhau trú ngụ ở những chuồng này mà đến giờ chưa có thống kê chính thức. Những chuồng dơi đó có trụ bê tông và mái bằng lá thốt nốt này thu hút dơi đến treo mình ngủ ngày, đến đêm bay đi kiếm ăn. Phần phân do dơi thải ra sẽ rơi xuống dưới tấm bạt đã được người dân trải sẵn, số còn lại sẽ dính vào lá.

Theo ông Đinh Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), “mô hình ‘nuôi dơi’ ở huyện Tháp Mười là mô hình tự phát, đã diễn ra từ lâu.” Những bao phân từ các chuồng dơi ở huyện Tháp Mười được chuyển đến bón cho những vườn cây trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long, từ Cái Bè, Ngũ Hiệp (Tiền Giang), đến Chợ Lách (Bến Tre) v.v.

Sau 40-50 năm nuôi dơi, như lời kể của những người nuôi dơi ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, việc thu phân dơi đã trở thành công việc quen thuộc và thường nhật giống như trồng lúa, nấu ăn và tưới cây tới mức không ai mang khẩu trang, găng tay hay bất cứ vật dụng bảo hộ nào.

“Tôi bị dơi cắn hoài, nhưng cũng không thấy vấn đề gì”, bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt (60 tuổi) – người sở hữu năm chuồng dơi ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp – kể.

Ngay cả khi, vào tháng 3/2020, khi khu vực Tây Nam Bộ lần đầu ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên, thông tin này hầu như không phá vỡ nhịp sống thường nhật của người dân tại xã Mỹ Đông (tỉnh Đồng Tháp)”. Tôi cũng biết người ta đồn dịch bệnh là do dơi gây ra, nhưng dơi ở trên trời thì ảnh hưởng gì đến mình”, vợ của ông Bùi Văn Giống chia sẻ. “Dơi đâu có độc bằng các loại phân hóa học hay thuốc sâu, chỉ có hơi hôi thôi”.

Những chiếc chuồng có trụ bê tông và mái bằng lá thốt nốt này thu hút dơi đến. Trong ảnh là ba trong số các chuồng dơi của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Đức Hùng
Phần phân do dơi thải ra sẽ rơi xuống dưới tấm bạt đã được người dân trải sẵn. Ảnh: Nguyễn Đức Hùng
Phân dơi được thu gom vào trong các bao tải và bán với giá 70.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Đức Hùng

Vậy các nhà khoa học có đang nói quá lên về nguy cơ dịch bệnh của dơi không? Thực ra, từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng, dơi là một “ổ chứa” nhiều loại virus truyền nhiễm gây ra các bệnh như Ebola (gây tình trạng sốt xuất huyết do virus Ebola), Nipah (gây bệnh viêm não viêm đường hô hấp), Marburg (một loại bệnh sốt xuất huyết), SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).

Theo một số ước tính, dơi là vật chủ của 72.000 loại virus 1. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch độc đáo 2 và khả năng giảm viêm hiệu quả 3 giúp dơi dễ dàng “chung sống” với virus mà không bị ảnh hưởng bởi độc tính của virus – ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt. Mặt khác, đặc tính sống theo bầy từ hàng chục đến hàng triệu con khiến mỗi đàn dơi có thể trở thành trung tâm phát tán dịch bệnh. Những con dơi trong mỗi đàn dễ dàng lây truyền virus cho nhau và lây lan giữa các đàn vào những mùa di cư, sau đó tiếp tục lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp sang các động vật khác và cho con người.

Tất cả các virus, bất kể phân loại hay nguồn gốc, nếu muốn nhân lên và lan sang các loài mới thì đều phải có khả năng lách và vượt qua các yếu tố phân tử khác nhau trong vật chủ 4. Mỗi giai đoạn trong chu kỳ sống của virus đều phụ thuộc vào nhiều tương tác protein với tế bào chủ, chẳng hạn liên kết và xâm nhập của virus, ức chế các yếu tố chống virus của vật chủ, và “trốn tránh” hệ thống miễn dịch của vật chủ.

Dù không phải virus nào cũng có khả năng “nhảy loài” và lây nhiễm sang người, song một khi đã vượt được qua hàng rào loài, những con virus đủ khả năng gây bùng phát những dịch bệnh nguy hiểm. Tất cả đều có thể là khởi điểm của một đại dịch mới. Những loài virus mà dơi là một trong những vật chủ trung gian trong hệ sinh thái như Ebola, Marburg, SARS, Hendra và Nipah, đã gây ra tổng cộng hơn 90 đợt bùng phát, lây nhiễm cho khoảng 44.000 người và giết chết hơn 16.000 người 1.

Tại Việt Nam, hoạt động thu gom phân dơi diễn ra phổ biến trong những hang động đá vôi (karst) ở các tỉnh thành vùng núi phía Bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nam v.v. Đặc biệt, một trong những khu vực nổi tiếng là hang Tân Lập – còn được người dân gọi là “hang Dơi”. Đây là nơi cư trú của những quần thể dơi lớn nhất cả nước, GS.TS Vũ Đình Thống một trong hai người đầu tiên mô tả đặc điểm và đưa tên gọi chính thức “Hang Tân Lập” ra các bộ dữ liệu quốc tế vào năm 2007 (fledermaus-dietz. de; batcon.org) cho biết. Dơi cho phân trong hang đa phần thuộc hai loài là Dơi thò đuôi (Mops plicatus) và Dơi bao đuôi nâu đen (Taphozous melanopogon). Các nhà khoa học phát hiện thấy ít nhất có bốn loài dơi khác (Cynopterus sphinx, Rousettus leschenaulti, Myotis chinensis, và Hipposideros gentilis) cư trú theo mùa hoặc quanh năm trong hang động nổi tiếng này.

Câu chuyện ở Tháp Mười hay các hang động ở Lạng Sơn cho thấy người và dơi có thể dễ dàng tương tác với nhau mà không có khoảng cách gì. Chưa có dấu hiệu nào đáng lo về sức khỏe với họ. Vậy đây có phải là một sự lo xa vô lý?

This image has an empty alt attribute; its file name is 181228_BatGuanoCave_Inside4-1170x700.jpg
Bên trong hang Tân Lập, người dân sẽ thu gom phân dơi vào trong các bao tải dứa trắng. Ảnh: WCS Việt Nam
Phân dơi được gom lại trong hang Tân Lập. Ảnh: Vũ Đình Thống
Bao tải đựng phân dơi trong hang Tân Lập. Ảnh: Christian Dietz

Nguy cơ dịch bệnh bủa vây

Dù các nhà khoa học thì chỉ thấy con dơi là một “ổ chứa” tiềm tàng nhiều mầm bệnh nguy hiểm nhưng trong văn hóa dân gian và niềm tin của một số người dân, dơi là con vật lành, là biểu tượng của phúc (Trong tiếng Trung, chữ “bức” 蝠 – con dơi đồng âm với “phúc” 褔 chỉ sự may mắn, tốt lành). Với những người như bà Nguyệt, dơi thậm chí là vật nuôi, là “ân nhân” vì nguồn tiền bán phân dơi nuôi sống gia đình bà qua trận lũ lụt lịch sử tại ĐBSCL vào năm 1978 khiến cả vùng thiếu đói. “Mỗi lần quét phân, nhìn thấy dơi con chết, thấy xót ruột”, bà Nguyệt nói.

GS. TS Vũ Đình Thống cho biết dơi có một vị trí quan trọng trong các gia đình kiếm sống bằng nghề thu gom phân dơi tại Tây Nam Bộ. Theo văn hóa địa phương, hầu hết các gia đình nuôi dơi đều kiêng cữ rất kỹ, thậm chí không cho người lạ đến gần khu vực chuồng dơi.

Có lẽ, nếu như không có những ví dụ điển hình về việc dơi là một trong những vật chủ trung gian trong hệ sinh thái như Ebola, Marburg, SARS, Hendra và Nipah thì các nhà khoa học không phải lo ngại đến thế. Đó là lý do nghiên cứu cơ chế lây truyền virus từ dơi là một trong những mối quan tâm lớn của các nhà khoa học và dịch tễ học cộng đồng. “Nhìn chung, cơ chế lây truyền virus – dù là qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp – đều phụ thuộc vào đặc điểm và độc tố của mỗi chủng virus. Đó là một cơ chế cực kỳ phức tạp”, GS.TS Vũ Đình Thống cho biết.

Vào năm 2007 5, một số nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá mức độ phổ biến của các tác nhân gây bệnh Nipah ở loài dơi. Sử dụng kỹ thuật ELISA, nhóm đã phát hiện ra 31 cá thể dơi Rousettus leschenaultii và 3 cá thể dơi Cynopterus sphinx dương tính với virus Nipah. Sau khi khảo sát người dân của tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk – nơi bắt được dơi C.sphinx dương tính với virus Nipah, nhóm nghiên cứu ghi nhận một số người có tham gia hoạt động săn bắt, nấu thịt và uống máu dơi. Trong quá trình đó, người dân đã tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch, phân dơi và bị cắn trong quá trình săn dơi.

Các nghiên cứu về phân dơi và bệnh tật đều cho thấy, việc dành thời gian trong hang dơi sẽ làm tăng khả năng tiếp xúc với mầm bệnh. Chẳng hạn, một nghiên cứu tại Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2013-2014 6 đã xác định được hai chủng coronavirus lưu hành ở loài dơi tại các khu vực thu thập phân dơi.

Tuy nhiên, bên cạnh lây truyền trực tiếp, cơ chế lây truyền còn có thể diễn ra gián tiếp với tác nhân trung gian – có thể là các loài vật nuôi hoặc những loài động vật hoang dã khác. Một trong những vật chủ trung gian phổ biến nhất chính là loài vật nuôi vô cùng quen thuộc, gần gũi: lợn. Vào năm 2018, Tổ chức Wildlife Conservation Society, Văn phòng đại diện tại Việt Nam (WCS Việt Nam) đã phối hợp với các đơn vị như Cục Thú y, Bộ NN&PTNT và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế thu thập 485 mẫu sinh phẩm của lợn, 891 mẫu sinh phẩm của dơi và 60 mẫu sinh phẩm của người ở những khu vực có sự tương tác giữa người và động vật hoang dã – bao gồm các hang động nơi người dân thu nhặt phân dơi và những nơi có các ‘chuồng dơi’ được dựng lên để làm nơi trú ngụ cho dơi và lấy phân. Sau đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục sàng lọc các mẫu sinh phẩm từ dơi, lợn và người đối với năm họ virus có khả năng lan truyền, bao gồm Coronavirus, Paramyxovirus, virus Cúm, Filovirus và Flavivirus.

Nhóm nghiên cứu lấy mẫu phân dơi tại Đồng Tháp vào tháng 5/2018. Ảnh: WCS Việt Nam

Cuối cùng, họ tìm thấy tám virus corona và bốn virus paramyxo mới trên các mẫu sinh học của dơi nghệ và dơi thò đuôi tại các khu vực có sự tiếp xúc giữa người và động vật. Phục dựng cây phát sinh loài, họ nhận thấy tám chủng virus corona có mối liên hệ mật thiết về mặt di truyền với nguồn gốc của mầm bệnh gây bệnh trên lợn, có khả năng đã có sự lây truyền virus giữa các trang trại chăn nuôi lợn. Sự tích hợp các đặc điểm dịch tễ, điều kiện ngoại cảnh cho thấy có tồn tại nguy cơ lây lan virus giữa dơi, lợn và người.

“Với các chủng virus mới mà nghiên cứu phát hiện trên dơi, cho đến nay dù vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các virus này có khả năng gây hại cho sức khỏe con người; Tuy nhiên, với những kết quả phát hiện được, chúng ta không thể phủ nhận những nguy cơ tiềm ẩn. Chính vì vậy, tất cả các kết quả chúng tôi phát hiện được đều được gửi và chia sẻ với các cơ quan chức năng có liên quan để có kế hoạch dự phòng ứng phó với các bệnh có thể xảy ra trong tương lai”, Ths. Nguyễn Thị Thanh Nga (Tổ chức WCS Việt Nam), thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định.

Dù chưa có bằng chứng nào về nguy cơ gây hại cho sức khỏe từ các chủng virus mới nhưng đây không phải là điều khiến chúng ta dễ lơ là. “Có thể hiện tại người dân nghĩ rằng họ đã làm nghề này cả đời có làm sao đâu, nhưng vài chục năm, hàng trăm, hay thậm chí hàng ngàn năm nữa, dịch bệnh có thể sẽ xảy ra – đó là rủi ro có thật”, TS.BS Phạm Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế công cộng và Hệ sinh thái – trường Đại học Y tế công cộng (HUPH), đồng thời là điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe các trường đại học Việt Nam (VOHUN), nhận định. “Đông Nam Á được nhận diện như một điểm nóng tiềm năng, nơi một đại dịch mới có thể bắt đầu vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào có sự tương tác gần giữa người và vật nuôi hay động vật hoang dã”.

Phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe

Mối lo sức khỏe qua tiếp xúc người với dơi mới chỉ là một phần của câu chuyện. TS. BS Phạm Đức Phúc băn khoăn về tác động của con người lên chính loài dơi và toàn bộ hệ sinh thái nói chung. “Các yếu tố sẽ tương tác đa chiều. Khi đề cập đến các bệnh truyền lây từ động vật sang người, chúng ta cũng phải lưu ý đến nguy cơ con người truyền lây bệnh sang động vật.”

Tại sao lại như vậy? Các mối nguy gây bệnh cho con người đều nằm trong hệ sinh thái, con người có thể trực tiếp phơi nhiễm hoặc lây nhiễm thông qua các trung gian truyền bệnh, các chuỗi thức ăn từ môi trường. Do vậy, nên xem xét tất cả mọi nhân tố trong một mối quan hệ thống nhất, có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau về không gian, thời gian và cuối cùng liên hệ đến con người, TS. BS Phạm Đức Phúc giải thích dưới góc độ của người áp dụng cách tiếp cận Một sức khỏe (One Health) ở Việt Nam từ hơn một thập niên.

Đây là một bức tranh rất lớn và chưa có đánh giá rủi ro lan truyền dịch bệnh của thực hành nhặt phân dơi nên trước mắt, TS.BS Phạm Đức Phúc cho rằng “một số bên có thể tiên phong giải quyết từng nút thắt, chẳng hạn Cục Thú y giúp cải thiện môi trường chăn nuôi lợn, Cục Kiểm lâm bảo vệ quần thể loài dơi, các chuyên gia Y tế công cộng và Dịch tễ học cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá những tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã có thể ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người”. Các nhà khoa học đang tập trung kêu gọi Bộ NN&PTNT xây dựng một hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học nhằm phòng tránh dịch bệnh lây truyền giữa động vật hoang dã nói chung và con người.

Anh Trần Tấn Kiệt, một trong những người xây chuồng dơi để thu thập phân tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cho biết số lượng phân mà dơi thải ra đang giảm mạnh. Ảnh: Nguyễn Đức Hùng

Trước những nỗ lực của các chuyên gia hòng tìm kiếm giải pháp liên ngành phù hợp, nhiều người không khỏi băn khoăn: Vì sao không đơn giản là cấm người dân làm nghề thu nhặt phân dơi?

Cả GS.TS Vũ Đình Thống và ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga, dù đều e ngại về nguy cơ lây truyền virus trong thực hành này, song đều cho rằng đó không phải là một phương án khả thi, đặc biệt nếu xét về sinh kế của người dân. Ngay cả khi xét đến số lượng đàn dơi giảm trong những năm gần đây, cũng rất khó để “quy tội” cho hoạt động thu nhặt này.

Quan trọng hơn cả, theo ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga, mọi quy định đều phải dựa trên bằng chứng khoa học, kể cả quy định hạn chế thu nhặt phân. “Mục tiêu chính của các nghiên cứu mà chúng tôi tiến hành đến lúc này là chỉ ra những rủi ro họ có thể gặp phải và làm thế nào để hạn chế những rủi ro đó.”

Trong lúc chờ đợi những hướng dẫn cụ thể, các nhà khoa học đề xuất những người tham gia thu thập phân dơi cần sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay, ủng… để hạn chế phơi nhiễm với mầm bệnh trong quá trình thu thập phân dơi.

Mới đây Nhóm chuyên gia về Dơi, Ủy ban Vì sự sống còn các loài (SSC) của IUCN, đã ban hành các hướng dẫn và khuyến nghị về tiêu chuẩn vệ sinh cho tất cả những người làm công tác thực địa liên quan đến dơi trên toàn thế giới. GS. TS Vũ Đình Thống cho biết đây có thể là cơ sở để Việt Nam tham khảo và ban hành một hướng dẫn tương tự trong tương lai. Tại hang Tân Lập, ông và các đồng nghiệp đã thực hiện một số chuyến đi để nâng cao nhận thức cộng đồng theo hướng dẫn của Nhóm chuyên gia Dơi IUCN. Họ đã phát khẩu trang cho người quản lý hang và những người dân địa phương thường xuyên vào hang để thu thập phân dơi. Đồng thời, các nhà khoa học cũng đã phối hợp với địa phương để lắp đặt camera an ninh nhằm phát hiện và ghi lại hoạt động săn bắt tại lối vào và gần hang. Các nhà khoa học cũng kêu gọi chính quyền địa phương thực hiện càng sớm càng tốt một số giải pháp như ban hành các quy định nghiêm ngặt để cấm vĩnh viễn việc săn dơi, ít nhất trên toàn huyện Hữu Lũng hoặc tỉnh Lạng Sơn.

Đây là một trong những điều mà những nhà nghiên cứu về dơi như GS. TS Vũ Đình Thống luôn canh cánh. Nạn săn bắt và buôn bán dơi bất hợp pháp diễn ra trong những năm qua khiến “số lượng dơi bị bắt trộm một đêm có thể bằng số lượng sinh trong 10 năm. Riêng tại Tân Lập, số lượng dơi đã giảm khoảng 40% trong vòng 10 năm trở lại đây”. Dù không có bằng chứng khoa học nào cho thấy máu dơi tốt cho mắt, thịt dơi tốt cho sức khỏe như dân gian lưu truyền nhưng nạn săn bắt và buôn bán này vẫn cứ tồn tại, bất chấp việc dơi là động vật hoang dã được Luật Đa dạng Sinh học, Luật Lâm nghiệp bảo vệ.

Tất cả sự xáo trộn môi trường sống, thu hẹp diện tích tự nhiên, suy giảm số lượng đàn dơi đều có thể là khởi phát khiến cho virus đột biến và làm gia tăng nguy cơ truyền lây. Có quá nhiều yếu tố bất định ở đây, chúng ta phải làm gì? “Chúng ta cần phải tính toán từ sớm để xác định các tương tác truyền lây tiềm tàng, từ đó sẵn sàng ứng phó, không bị ngỡ ngàng và bị động – như đã từng loay hoay khi COVID-19 xảy đến”, TS.BS Phạm Đức Phúc cho biết.

Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ từ Mạng lưới Báo chí Trái đất của Internews.

Chú thích

  1. https://www.reuters.com/investigates/special-report/global-pandemic-bats-jumpzones/
  2. https://www.science.org/doi/10.1126/sciadv.add7540
  3. https://www.nature.com/articles/s41564-019-0371-3
  4. https://www.nature.com/articles/s41579-020-0394-z#ref-CR78
  5. https://www.researchgate.net/publication/221872906_Serologic_Evidence_of_Nipah_Virus_Infection_in_Bats_Vietnam
  6. https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0237129

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)